VỀ BÀI THƠ NÔM NGỰ ĐỀ Ở CHÙA QUANG KHÁNH TRẦN THỊ GIÁNG HOA Viện Nghiên cứu Hán Nôm Chùa Quang Khánh (tức chùa Muống) xã Dưỡng Mông huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương, là ngôi chùa được xây cất từ sớm trong khu vực này. Thời Trần, Thiền sư Tuệ Nhẫn xây sửa, mở rộng quy mô. Đến thời Nguyễn, chùa còn giữ được nhiều hiện vật quý giá, và khá nhiều bia đá ghi dấu lịch sử của vùng đất này nói chung và chùa Muống nói riêng. Vào những năm đầu thế kỷ XX, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) thực hiện chương trình sưu tầm tư liệu, trong đó có việc in rập văn bia chủ yếu ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ. Khi sưu tầm văn bia ở địa bàn huyện Kim Thành này, các cộng tác viên của EFEO in rập được 13 thác bản tại chùa Muống, kí hiệu thư viện từ No 11765 đến No11789. Trong số đó thác bản bia mang kí hiệu No 11765, khổ 68x36cm, khắc bài thơ ngự đề bằng chữ Nôm theo thể thất ngôn bát cú như sau: Dắng dỏi chào ai tiếng pháp chung, Ngang đây thoắt lộ trạnh bên dòng. Trừng thanh lẻo lẻo trần hiu cách, Gác thắm làu làu ngọc giá đông. Sực nức đưa hoa hương mượn gió, Líu lo chào khách vẹt thay đồng. Nhủ đoàn tự đắc ngao du đấy, Cho biết cơ màu vuỗn chẳng vong. Bính Ngọ niên cửu nguyệt tam lục đề Ngoài bài thơ ngự đề và dòng lạc khoản đề ngày 18 tháng 9 năm Bính Ngọ, văn bia không có thêm thông tin gì khác. Nhưng bên lề thác bản có dòng chữ của người in rập: “Hải Dương tỉnh Kim Thành huyện Phù Tải tổng Dưỡng Mông xã Quang Khánh tự Lê Thánh Tông ngự đề quốc âm thi nhất thủ”, nghĩa là: Lê Thánh Tông ngự đề bài thơ quốc âm tại chùa Quang Khánh xã Dưỡng Mông tổng Phù Tải huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương. Khi giới thiệu bài thơ chữ Nôm này, Hoàng Xuân Hãn đã viết: “Làng Dưỡng Mông thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.... Lê Thánh Tông tới thăm chùa có đề hai bài thơ, một bài chữ, một bài Nôm”(1). Trịnh Khắc Mạnh trong bài viết đăng trên Tạp chí Hán Nôm cũng cho biết, chùa Quang Khánh có hai văn bia tạo dựng dưới thời Lê Thánh Tông. Văn bia thứ nhất có niên đại Quang Thuận thứ 6 (1465), khắc bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông theo thể Đường luật thất ngôn bát cú. Và văn bia thứ hai tạo năm Bính Ngọ (1486), khắc bài thơ chữ Nôm thất ngôn bát cú của Lê Thánh Tông(2). Hiện nay thác bản của hai tấm bia trên được lưu trữ tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tấm thứ nhất có kí hiệu No 11766, tấm thứ hai có kí hiệu N0 11765. Thực tế, tại chùa Quang Khánh hiện nay không còn tấm bia khắc bài thơ chữ Nôm này. Theo Ban Quản lý di tích và nhà sư trụ trì, tam bảo ngày nay được dựng mới trên khu vườn chùa, còn chùa cũ cùng toàn bộ văn bia trong chùa đều bị đổ xuống sông Văn Úc khoảng năm 1926 - 1927. Nội dung văn bia kí hiệu N0 11766 ghi lại một bài thơ bằng chữ Hán của Thiên Nam Động Chủ, đề ngày 29 tháng 10 năm Quang Thuận thứ 6 (tức năm Ất Dậu, 1465). Và 光 慶 寺 碑 銘 並 序 Quang Khánh tự bi minh tịnh tự kí hiệu N0 11788, do Tiến sĩ khoa Đinh Mùi là Phạm Cảnh Chiêu soạn năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) ca ngợi đạo hạnh của Thiền sư Tuệ Nhẫn - vị Quốc sư đời Trần và cảnh đẹp chùa Quang Khánh vốn là chốn danh lam tại quê hương thiền sư. Văn bia có đoạn: “Quang Thuận tam niên thập nhất nguyệt thập cửu nhật Thánh Tông Thuần Hoàng Đế xa giá lâm hạnh kỳ tự, ngự chế thi vân: 五 圓 湛 湛 元 非 色 /六 度 澄 澄亦 有 情 Ngũ viên trạm trạm nguyên phi sắc/ Lục độ trừng trừng diệc hữu tình” (Nghĩa là: ngày 19 tháng 11 năm Quang Thuận thứ 3 (tức năm Nhâm Ngọ - 1462) Thánh Tông Thuần Hoàng đế xa giá tới chùa này, làm thơ rằng: Ngũ viên trong trẻo không pha tạp sắc/ Lục độ thanh sáng cũng hữu tình). Đây chính là hai câu thơ trong bài thơ Hý đề của Thiên Nam Động Chủ trên bia N0 11766. Văn bia Quang Khánh tự bi minh tịnh tự do Phạm Cảnh Chiêu soạn đã xác nhận sự kiện vua Lê Thánh Tông đến chùa Quang Khánh và làm thơ ngự đề bằng chữ Hán, ngoài ra không nói đến bài thơ quốc âm nào của vua. Từ thông tin trên văn bia và một vài tài liệu lịch sử khác có thể biết, tác giả bài văn bia là Phạm Cảnh Chiêu tức Phạm Hạo. Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam: Phạm Hạo người xã Quỳnh Khê huyện Kim Thành (nay là thôn Quỳnh Khê xã Kim Xuyên huyện Kim Môn tỉnh Hải Dương). Hậu duệ của Phạm Mại (đời Trần), ông nội của Phạm Gia Mô (ở xã Lê Xá huyện Nghi Dương - nay thuộc Hải Phòng). Đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư. Như vậy, Phạm Cảnh Chiêu làm quan trong triều dưới thời Lê Thánh Tông, và soạn văn bia không lâu sau khi Lê Thánh Tông mất (18 năm), nên không thể bỏ sót những thông tin đáng quý về vị vua này liên quan đến ngôi chùa. Thơ Nôm Lê Thánh Tông còn lại đến ngày nay là tư liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác giả, về ngữ âm Tiếng Việt thế kỷ XV, và về thể tài thơ thời kỳ này. Tuy nhiên, với những chứng cứ ngay trên văn bia đã trình bày, chúng tôi nhận định rằng văn bia khắc bài thơ chữ Nôm mang kí hiệu No11765 không phải thơ của Lê Thánh Tông. Chú thích: (1). Hoàng Xuân Hãn, Thi văn Việt Nam (Từ đời Trần đến cuối đời Mạc), Nxb. Sông Nhị, H.1951. (2). Trịnh Khắc Mạnh, Tư liệu văn khắc Hán Nôm thời Lê Thánh Tông, Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 1997. Tài liệu tham khảo: 1. Hoàng Xuân Hãn, Thi văn Việt Nam (Từ đời Trần đến cuối đời Mạc), Nxb. Sông Nhị, H.1951. 2. Trịnh Khắc Mạnh, Tư liệu văn khắc Hán Nôm thời Lê Thánh Tông, Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 1997. 3. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học, H.1993. 4. Bia không nhan đề, kí hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm N0 11766. 5. 御 題kí hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm N0 11765. 6.光 慶 寺 碑 銘 並 序kí hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm N0 11788. (Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.278-281)
|