Trước khi bay ra Đồng Hới (Quảng Bình) sau đó theo đoàn khảo sát vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để tới hang Én, chúng tôi mù tịt về nơi này. Không có website nào nhắc tới nó ngoài một vài tin vắn cho biết hang Én được tạp chí National Geographic (Hoa Kỳ) đánh giá là một trong những hang động kỳ vĩ trên thế giới.
Buổi sáng, chúng tôi từ km35 đường Hồ Chí Minh nhánh tây và bắt đầu lần theo lối mòn đi vào cánh rừng nguyên sinh trải dài đến ngút tầm mắt.
Không lâu sau đó chúng tôi đặt chân tới Bản Đòong, một ngôi làng nhỏ của người Vân Kiều giữa bốn bề núi non heo hút như cô lập với thế giới bên ngoài.
Bản Đoòng cũng là khởi điểm của chặng đường toàn thảm cỏ dại đan xen rau tàu bay, chuối rừng, môn dại và cây Nàng Hai hay còn gọi là lá Han một loại cây độc mà bất cứ ai vô tình đụng vào nó, lớp lông trên mặt lá sẽ gây ngứa suốt hàng tuần mới thôi.
Lối mòn càng lúc càng khó đi bởi cây dại phán tán, che khuất, chúng tôi quyết định “hành quân” dưới suối Rào Thương để thông thoáng. Thỉnh thoảng phát hiện vô số đàn bướm đủ sắc màu bay rập rờn ven bờ gợi nhớ cái câu “nước khe cạn bướm bay trên lèn đá” trong ca khúc Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây.
Gần chiều, lội qua hết góc khuất vì đám chuối rừng, bất ngờ thấy cửa hang Én đã trước mặt, một cảm xúc lạ lùng liên tiếp dâng trào trong tôi.
Nét độc đáo riêng của hang Én mà không nơi nào có là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo. Trên trần, trong những hốc đá, thạch nhũ muôn hình vạn trạng là tổ của hàng vạn con én và dơi, đó cũng là nguyên nhân hang mang tên Én.
Hang Én có tổng chiều dài 1.645 mét xuyên suốt cả một quả núi và trổ 3 cửa động, nẳm hướng đông nam, tây bắc theo dòng chảy suối Rào Thương Hơn thế nữa, từ trong hang nhìn ra cửa phía tây bắc với vòm hang cao hơn 80m thấy cảnh vật bao la sinh động
Đêm về , chúng tôi tỏa đi các nơi giăng lưới. Sau một giờ thả lưới chúng tôi thu hoạch được 2 nồi cá, mà chú cá nào cũng kích cở bằng phân nửa cổ tay, đủ để xiên cây nướng ăn ngay tại chỗ. Và giấc ngủ đến thật dịu dàng trong âm thanh rì rào, êm dịu của làn gió mát lạnh lùa vào hang như lời thì thầm của rừng, của núi...
Trần Thế Dũng
Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM
Hành trình đến hang Én hầu hết là lội suối và len lỏi trong rừng già
Người phụ nữ Vân Kiều ở Bản Đoòng
Cắm trại dưới cửa hang Én và bên dòng suối Rào Thương
Dòng suối Rào Thương, chảy vào khoang thứ 1 – hang Én dưới ánh sáng của giếng trời.
Để đi xuyên suốt hang Én nhiều đoạn phải lội trong làn nước mát lạnh
Ở trên đồi đá cách nền hàng hơn 50m, hiện diện một cây to nguyên gốc chắn ngang như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi .
Cửa hang hướng Tây bắc,nhìn ra cánh rừng nguyên sinh và trần hang là nơi hàng vạn chim én làm tổ. Đây cũng là hướng đi động Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới cách 2 km.
Đêm về, là dịp giăng lưới trên suối Rào Thương để bắt cá, tôm
Nướng cá bên đống lửa
Tác giả đứng bên phải