Khoảng những năm 1980, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được mệnh danh là “thủ phủ đá quý”. Dấu tích còn sót lại của thời hoàng kim đó là chợ đá quý. Đến nay chợ vẫn hoạt động và nằm lọt thỏm giữa trung tâm thị trấn huyện Lục Yên, xen lẫn chợ thực phẩm, chợ hoa quả .
Chợ đá quý Lục Yên
Đá... đỏ màu máu
Người dân nơi đây vẫn tự hào về thời hoàng kim của “vương quốc đá quý” Lục Yên. Vào khoảng những năm 1980, người dân đào được những viên đá ruby có trị giá lên đến cả chục nghìn đô. Khi biết tin ở Lục Yên là vùng đá quý, hàng đoàn người từ khắp các nơi rủ nhau về “vùng đất hứa”, hy vọng có cơ hội đổi đời. Lục Yên trở thành bãi khai thác đá quý lớn bậc nhất cả nước.
Vào thời gian đỉnh điểm của “cơn sốt”, người ta khai quật được rất nhiều đá quý, từ đá đỏ, đá saphia, đá thạch anh... So với những mỏ đá quý ở Quỳ Hợp (Nghệ An) và Đăk Nông, những mỏ đá quý ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái không thua kém gì về trữ lượng.
“Cơn lốc săn đá quý càn quét tan hang các núi đá, cánh đồng. Chỉ cần có tin người đào được đá quý thì dãy núi đó sẽ trở nên tan hoang trong thời gian ngắn. Hàng đoàn người đi tìm cuộc sống giàu sang, ngờ đâu xác thân nằm lại rừng núi hoang vu. Biết bao người đã chết, có những người không tìm thấy xác” anh Nguyễn Minh Tuấn, quê ở Thanh Hóa làm phu đá ở Yên Bái những năm 1980 kể lại.
Mỗi viên đá lấp lánh ấy vẫn còn in đậm hình ảnh từng đoàn người khoét núi, ngủ hầm khai thác. Đá quý long lanh nhưng ngốm biết bao mồ hôi, xương máu cánh phu đào đá.
Hiện nay, chợ chỉ còn bày bán những viên đá nhỏ
Chợ đá quý họp từ sáng tới trưa
Dòng người đi tìm đá ở “rừng thiêng nước độc” cần một nơi để mua bán trao đổi. Địa điểm thường xuyên để họ tập kết chính là vùng đất bằng phẳng nằm bên bờ hồ Yên Thế, huyện Lục Yên. Đầu nậu tập kết hàng của cánh phu đá cũng biến thành chợ để mua bán đá quý từ lúc nào chẳng hay. Chợ đá quý được hình thành từ thời gian đó và tồn tại cho đến bây giờ. Ở ngôi chợ này, người ta bày bán đá quý như rau. Có đến chục sạp hàng to nhỏ, bày ra bằng cái mặt bàn con, trên rải đầy các loại đá quý.
“Chợ đá họp vào tất cả những ngày trong tuần, không có ngày nghỉ. Khoảng 7 giờ sáng, người ta bắt đầu bày bán đá quý. Nói là chợ thế nhưng, chẳng thấy có cảnh xô bồ, chộp giật khách. Khách đến chợ mua, xem thử thoải mái, không ưng có thể sang hàng khác lấy, chúng tôi vẫn vui vẻ”, chị Nguyệt chủ cửa hàng bán đá quý cho hay.
Ở những gian đá thô (đá mới săn được, các ông chủ cửa hàng chế tác thu mua hết rất sớm, còn những mặt hàng lung linh của đá thành phẩm (đá quý đã qua chế tác) bán chậm hơn, đến 11 giờ, chợ mới tan. Cũng có những người chở từng bao đá thô mang ra chợ bán cho những cơ sở chế tác tranh đá quý, đồ trang sức… Ở chợ đá này, người ta có thể trao đổi hàng ngang giá như thời xưa.
Chị Trần Thị Dung, chủ một cơ sở làm tranh đá quý tại Lục Yên, cho biết: Lục Yên là vùng có thương hiệu về đá quý, không chỉ người dân địa phương mà khách ở xa cũng đến đây để mua đá, thậm chí còn có cả người nước ngoài. Để lấy được sản phẩm từ lòng đất họ phải lên núi từ chiều hôm trước tìm những khối đá quý để khai thác, để sáng hôm sau có sản phẩm mang ra chợ mua bán.
Chợ đá có rất nhiều loại, từ đá ruby trong (những viên đá màu đỏ, hồng trong suốt, đưa vào trong chén nước, viên đá có thể làm nước chuyển thành màu đỏ, hồng), ruby sao (những viên đá đỏ, hồng đục có những đường vân lấp lánh như sao đêm) được gọi là đá tốt nhất. Còn những loại đá saphia (màu xanh), đá thạch anh (màu tím, trắng) được đem chế tác thành các mặt hàng bày bán ở chợ. Có những viên đá rubi vài triệu nhưng cũng có những viên rubi mắt tôm (loại có thể dùng làm tranh, dùng làm đồ trang sức) hoặc facetted (mài cạnh) giá khoảng 2 triệu đồng/kg. Chợ còn bán cả đá gia công chế tác và đá thô nguyên dạng được khai thác từ các bãi đá. Đá gia công đa phần đã qua mài giũa theo kiểu cacbochon (mài nhẵn) hoặc facetted (mài cạnh) theo các hình khối thích hợp để làm mặt nhẫn, hoa tai.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ cửa hàng mua bán đá quý, tranh đá quý Giếng Ngọc cho hay: “Vào những năm 1991 - 1992, chợ đá quý tấp nập kẻ bán người mua. Người ta mua bán bằng mắt, nhìn thấy đẹp thì trả giá cao. Khung giá tùy thuộc vào kinh nghiệm của kẻ bán, người mua”. Sự nhộn nhịp của nó cũng được thay đổi theo thời gian, thay đổi theo sự thăng trầm của nghề đá. Vật dụng quen thuộc của cánh buôn đá là chiếc đèn pin được lắp một loại bóng đèn đặc biệt để kiểm tra đá. Loại đèn đặc biệt này có thể nhận biết được đâu là đá thật, đá giả, tuy nhiên vẫn có việc mua nhầm đá quý.
“Ngày trước chợ buôn bán tấp nập cả ngày lẫn đêm còn chợ đá hôm nay chỉ khoảng dăm chục mét vuông, nằm lọt thỏm giữa chợ bán hoa quả, chợ cá và chỉ họp 4 tiếng đồng hồ. Người ta họp chợ để chủ yếu bày bán những viên đá nhỏ còn xót lại. Những viên đá quý giá, đắt tiền đã không thấy xuất hiện ở chợ đá nữa. Hàng được đem ra để giao dịch tại chợ đá quý Lục Yên này có giá cao nhất cũng chỉ khoảng 5 đến 7 triệu. Nhớ khi xưa, người đến đây còn mang theo cả trăm triệu, mà trăm triệu ngày đó to lắm. Giờ đây, chợ chỉ bán những viên đá đi mót được”, chị Nguyệt, một chủ cửa hàng cho biết.
Hiện nay, một số kẻ trục lợi đã nghĩ ra muôn vàn cách để phù phép đá quý. Họ dùng phẩm mầu để nhuộm, biến những đá bình thường thành đá quý. Với những khách hàng đã quen mặt, có kinh nghiệm sẽ ít bị lừa.
Hoàng Thế Tào
Kỳ 2: Khi đá hết, nông dân thành họa sĩ
Tin khác
-
Tướng cướp đa tình chuyên 'làm bậy' với vợ lính Mỹ
-
Nỗi oan của 'Đệ nhất dâm phụ' Phan Kim Liên
-
Phan Kim Liên - 'dâm phụ' làm chao đảo Trung Hoa... kêu oan
Hồi ức khó quên của Diễm My về mối tình thuở hàn vi
Hoa hậu quý bà Kim Hồng khoe mẹ chồng hoàn hảo
Nhiều học sinh 'muốn chết' vì áp lực thi đại học
‘Viagra’ và những cái chết vì thác loạn của các vị vua
Bạn hữu tương tàn vì một người đàn bà đẹp
Bí mật nội dung bản Khoán ước cổ nhất miền Trung
Chuyện nghề xiếc qua tâm sự của 'vua' ảo thuật mạo hiểm