máy photocopy , cho thuê máy photocopy , bán máy photocopy , sửa máy photocopy , du lịch hàn quốc , áo đôi

Đình - Chùa Hiến, nơi lưu giữ linh hồn xứ nhãn

         Nằm trong trung tâm địa phận Phố Hiến Hạ, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên.

 

          Khu di tích đình, chùa Hiến là một trong những di tích nổi tiếng, hàng năm thu hút được hàng vạn lượt du khách về tham quan, chiêm bái. Chùa Hiến có tên gọi "Thiên Ứng" là niên hiệu của vua Trần Thái Tông (1232-1250). Tương truyền chùa được khởi dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần. Trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật thời Lê đan xen Nguyễn. Chùa Hiến được xây dựng ở hướng Nam, là hướng "bát nhã", trí tuệ của nhà Phật, có bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay, bố trí đăng đối. Đầu tượng đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Phía trước là tượng tứ vị bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm. Các pho tượng này đều có niên đại thế kỷ 19. Việc thượng điện đặt ban thờ nổi bật tượng Quan âm cùng tứ vị bồ tát thể hiện tâm lý sùng bái vị thần có nhiều phép cứu giúp chúng sinh trên sông, biển và cũng là điểm khác biệt về tâm linh thờ Phật của chùa Hiến với những ngôi chùa nằm trong tổng thể di tích trên địa bàn tỉnh. 

           Phía trước sân chùa Hiến có hai tấm bia đá lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử nói lên quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến. Tấm bia “Thiên ứng tự - Tân tự trùng tu kí thạch bi” niên đại Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) ghi việc hưng công tu sửa chùa, có thể xếp chùa vào hàng thứ năm sau bộ “tứ đại khí” thời Lý. Bia ghi nhận “Phố Hiến nổi tiếng là nơi đô hội tiểu Tràng An của bốn phương” và trụ sở Ty Hiến sát Trấn Sơn Nam đóng ở đất Hoa Dương. Tấm bia “Thiên ứng tự - bi ký công đức tùy hỷ” dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) ghi việc góp công tu sửa chùa. Qua đó chúng ta có thể hình dung được khung cảnh của đô thị Phố Hiến, nơi hội tụ của nhiều cư dân người Việt và kiều dân nước ngoài ( chủ yếu là người Hoa) sản xuất và buôn bán.

          Bên cạnh chùa Hiến là đình Hiến hay còn gọi là đình Hoa Dương, đình tôn thờ vị thành hoàng làng Mậu Dương là quan thái giám họ Du thời nhà Tống. Ông là người từng phục vụ nhiều năm trong triều đình nhà Tống, có công trong việc khởi sự việc phụng thờ bà Dương Quý Phi (Đền Mẫu, Quang Trung, thành phố Hưng Yên). Đặc biệt, ông đã có công lao hướng dẫn nhân dân trong làng làm nghề buôn bán, canh nông, trồng trọt, đánh cá, nhân dân nhờ vậy mà sống ấm no, hạnh phúc.

         Đình Hiến được xây dựng vào cuối thế kỷ 13, mang đậm phong cách nghệ thuật hậu Lê với kiểu kiến trúc chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch để nhân dân và du khách thập phương đến vãn cảnh chùa và đình Hiến thể hiện tín ngưỡng tâm linh.

          Một điều thú vị nữa, trong sân chính của khu di tích có "hậu duệ" cây nhãn tổ có niên đại hơn 300 năm tuổi. Xưa kia, thân cây nhãn chính có chu vi vòng tay 3 người lớn ôm không xuể, sau trận bão năm 1947 cây nhãn chính đã bị mục ruỗng, còn lại một nhánh nhỏ, được người dân vun trồng, chăm bón. Đây là sản vật quý, cũng là linh hồn của Phố Hiến vì nhãn lồng Hưng Yên nức tiếng xa, gần với giống nhãn đường phèn, mã lụa, quả to, cùi mọng, hạt nhỏ. Nhá bác học Lê Quý Đôn từng thưởng thức và miêu tả: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho". Nhãn được trồng ở nhiều nơi trên đất nước nhưng bén duyên với mảnh đất Hưng Yên và là đặc sản tiến vua. Loại nhãn cho quả sai trĩu, khi chín cho hương thơm lan tỏa khắp đất trời. Dơi, chim chóc từ mọi nơi bay đến ăn nhãn, vì vậy, người dân phải đan lồng tre để bảo vệ, tên gọi nhãn lồng ra đời từ đấy. Nhưng cũng có cách lý giải khác, khi ta bóc một quả nhãn, thấy cùi nhãn màu trắng đường phèn xếp lồng vào nhau, hương thơm dịu nhẹ, cũng là cách để gọi tên nhãn lồng. Năm 1992, Hội Làm vườn Việt Nam đã công nhận kỷ lục Guinness ngôi chùa có cây nhãn tổ đầu tiên ở Việt Nam.

           Ngày nay, đình, chùa Hiến, nơi hiện hữu "hậu duệ" cây nhãn tổ là điểm tham quan, chiêm bái không thể thiếu của du khách. Về với mảnh đất từng nổi danh: "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", ta thỏa sức đắm mình trong văn hóa tâm linh, của những truyền thuyết linh thiêng, và huyền bí...

                                                                  Ngô Huyền Trang- TT TTXTDL