Nhấn vào đây để chọn tỉnh cần xem thông tin

 
Sử dụng thanh công cụ để phóng to, thu nhỏ, di chuyển trên bản đồ

Du lịch đến Côn Sơn - Kiếp Bạc

24/07/2011 11:38 PM

Khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc là một trong 24 di tích đặc biệt quan trọng quốc gia Việt Nam. Quần thể di tích này thuộc địa bàn huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV.

Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc

 

Đường lên Côn Sơn.

Côn Sơn –Kiếp Bạc là hai tích lịch sử nổi tiếng của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa Côn Sơn tọa lạc trên xã Cộng Hòa, nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng- Kỳ Lân cách Hà Nội khoảng 70km. Chùa là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần được trùng tu mở rộng năm 1304 và được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp vào hạng quốc gia.

Còn đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là ghép từ tên của hai vùng Vạn Yên(làng Kiếp) và Dược Sơn(làng Bạc). Vị trí của đền rất đặc biệt là nằm gần Lục Đầu Giang là nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của con sông Thái Bình. Đền cách Hà Nội khoảng 80km theo quốc lộ số 1 đến Bắc Ninh rẽ sang đường quốc lộ số 18 và cách chùa Côn Sơn khoảng 5km.

Côn Sơn-Kiếp Bạc từ lâu đã in sâu vào trong tìm thức của người dân yêu lịch sử Việt Nam và ngày nay nơi đây đã trở thành thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tỉnh Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Tiếp đến nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa: Điều ngư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Sân chùa có 4 nhà bia.

Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền nơi đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa "Thiên Tư Phúc Tự" trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun.

Thiền sư Huyền Quang vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm - một thiền phái mang mầu sắc dân tộc Việt Nam đã về tu ở chùa Côn Sơn. Tại Côn Sơn Huyền Quang cho lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, làm giảng chủ thuyết pháp phát triển đạo phái không ngừng. Ngày 22 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334) Thiền sư Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông đã cấp cho ruộng để thờ và cho xây tháp tổ sau chùa, đặc phong Tự Tháp "Huyền Quang tôn giả".

Chùa Côn Sơn có từ thời Trần (truyền thuyết cho rằng Chùa có từ thời Đinh), năm Khai Hựu nguyên niên(1329), được Pháp Loa tôn tạo với quy mô lớn. Dấu vết của lần trùng tu này còn hiện diện đến nay. Nguyễn Trãi từng làm Đề cử chùa Côn Sơn. Chùa Côn Sơn xưa nay là danh lam cổ tích của đất nước, hiện còn nhiều dấu tích và cổ vật có giá trị.

 

Chính điện.

Phía sau chùa là khu mộ tháp Đăng Minh Bảo Tháp, được xây dựng toàn bằng đá xanh cao 3 tầng, bên trong đặt xá lợi và tượng của Huyền Quang. Dưới chân Đăng Minh bảo tháp là Giếng Ngọc mà người xưa tương truyền giếng này là con mắt của con Kỳ Lân. Nước trong giếng được chùa dùng để cúng lễ của chùa. Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 600 bậc thang đá là tới đỉnh Côn Sơn cao 200m, trên đỉnh có một phiến đá khá rộng gọi là Bàn Cờ Tiên, nơi đây có một cái am nhỏ gọi là Am Bạch Vân hình chữ Công với tám mái chảy, có lan can xung quanh.



Đến chùa, du khách có dịp xem lại bút tích của vua Trần Duệ Tông được khắc trên tấm bia có ba chữ “Thanh Hư động”. Đây là một di sản quý giá nhất của chùa. Bia được đạt trên lưng một con rùa. Kế bên là cũng là một di sản không kém phần quan trọng của chùa là bia đá sáu mặt với tên gọi là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự.

 

Bút  tích của vua Trần Duệ Tông-ba chữ “Thanh Hư động”

Bên suối Côn Sơn có phiến đá gọi là Thạch Bàn mà xưa Nguyễn Trãi đã ngồi nơi đây là thơ. Đi về phía hạ nguồn, theo ven suối Côn Sơn du khách sẽ thấy được đền thờ Nguyễn Trãi là một quần thể kiến trúc khá đẹp gồm cầu đá, cổng đá, tam quan, điện thờ,…Ngoài ra, còn có đền thờ vị thần Trần Nguyên Hãn và đền Trần Nguyên Đán ở thượng nguồn suối.

Thanh Hư Linh Từ

Đền Thanh Hư, thuộc khu di tích lịch sử - Danh thắng Côn Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thờ Chương túc Quốc thượng hầu - Đại Tư đồ phụ chính Trần Nguyên Đán.

 

Năm 1385, Trần Nguyên Đán cùng phu nhân đưa cháu ngoại Nguyễn Trãi về sống tại Côn Sơn. Ông có công nuôi dạy Nguyễn Trãi từ thủa ấu thơ. Tại Côn Sơn, ông cùng phu nhân trồng rừng thông, bãi giễ “Ông thông, Bà giễ”; và xây dựng quần thể kiến trúc trong núi được vua Trần Duệ Tông ngự bút đề tặng là “Thanh Hư Động” nghĩa là Thanh trong, Thoát tục. Động Thanh Hư là khoảng không gian thiên nhiên đẹp nhất ở Côn Sơn với nhiều hạng mục kiến trúc hoà với thiên nhiên, trong đó có các nơi “nghỉ ngơi chơi ngắm”, là thắng cảnh tiêu biểu mà từ lâu đã trở thành địa danh, di tích nổi tiếng, đi vào thi ca sử sách ở nhiều thời đại “Khói ngàn ráng đỏ như gấm cuốn, như lụa giăng, cỏ rừng, hoa suối hoặc mầu biếc đung đưa, hoặc mầu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là hình trạng trong mát, tiếng vi vu xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần đều hầu như đã hoà với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật

Năm 1390, Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán tạ thế tại Côn Sơn. Vua Trần nhớ công đức của Ông, sắc chỉ cho nhân dân lập Đền, tạc tượng thờ Người Tướng quốc tại Côn Sơn. Trải qua năm tháng Đền thờ xưa không còn.   Năm 2005, Nhà nước xây dựng đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của ông giữa rừng tùng bách Côn Sơn đại ngàn.

Đền Kiếp Bạc

 

Cổng đền Kiếp Bạc.

Cổng đền rất lớn, đồ sộ gồm ba cổng ra vào, trên cổng có khắc bốn chữ “ Hưng thiên vô cực”, dưới có năm chữ “Trần Hưng Đạo Vương từ”.

Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo. Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

 

Đền Kiếp Bạc

Ðền thờ Trần Hưng Đạo được dựng vào đầu thế kỷ 14, trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Ðạo, phu nhân, 2 con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Ðẩu và 4 bài vị thờ 4 con trai. Hàng năm, hội đền được tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Ðạo (ngày 20 tháng 8 âm lịch).

Đền thờ Nguyễn Trãi

 

Đền thờ Nguyễn Trãi được khởi công xây dựng ngày 14-12-2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000m2, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền.

Đền thờ chính, hai nhà Tả vu, Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn Ngoại, Nhà Bia, Am hoá vàng, cầu vào cổng chính, cầu qua suối Côn Sơn theo kiểu thượng gia hạ kiều để lên Thạch Bàn, nhà từ đền, hệ thống sân vườn, đường cấp thoát nước ...

Ngôi đền chính tưa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân là tả Thanh long và hữu Bạch hổ. Phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng. Xa xa là dãy núi An Lạc đã tạo lên thế núi lớp lớp điệp trùng.

 

Toàn cảnh Ức Trai linh từ.

Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, kiến trúc theo truyền thống và rất độc đáo ; với một nguồn lớn kinh phí cùng với những người có tâm đức, các Nghệ nhân và những người thợ khéo tay, cần mẫn lao động hơn 2.500 ngày để có được công trình hôm nay, thoả mãn cao nhất nhu cầu du lịch gắn với lịch sử và tâm linh của các thế hệ mai sau.

Ở Côn Sơn, mỗi năm đều diễn ra hai lễ hội lớn: Hội Xuân và Hội Thu. Hội Xuân là hội chùa Côn Sơn là để kỷ niệm ngày mất của Thiền sư Huyền Quang diên ra vào ngày 16 cho đến ngày 22 tháng giêng. Còn Hội Thu sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng tám âm lịch để tưởng niệm vị anh hùng Nguyễn Trãi. Du khách tham gia lễ hội sẽ được chơi những trò vui dân gian rất đặc sắc.

(Nguồn: viettraveltips.com)

 
Họ tên:   
Email:
Tiêu đề: