Hơi lạnh của nhũ đá, sắc xanh ngọc bích của dòng nước khiến người cứ lâng lâng như ở miền cổ tích.
Kể từ khi Sơn Đoòng trong khu rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn được công bố là hang động lớn và đẹp nhất thế giới, dân đam mê trekking khắp năm châu bắt đầu dõi mắt về Phong Nha - Kẻ Bàng.
Nơi đây ước tính có đến gần 200 hang động lớn nhỏ mà nhiều trong số chúng chưa được khám phá hết, để mong được sải bước chân thám hiểm vẻ đẹp của hang động, của rừng xanh, khám phá những bí ẩn bất tận của một kho báu giữa trời.
Cửa ra hang Én từng được thế giới biết đến trên tạp chí National Geographic
Tôi cũng hăm hở ra Phong Nha với mong muốn làm một chuyến trải nghiệm đi rừng, khám phá những hang động chưa nhuốm màu du lịch ồ ạt. Trong số danh sách những hang động dài dằng dặc ấy, điểm qua "ông lớn" như Sơn Đoòng thì chưa đủ trình độ, năng lực và thiết bị cũng như giấy phép để chui vào. Thôi thì đành kiếm các hang nhẹ ký hơn một chút. Và cuối cùng điểm đến mà tôi chọn cho hành trình của mình là hang Én, bởi nhớ vào tháng 03/2011, tấm hình cửa ra của hang Én được bình chọn trên tạp chí National Geographic là một trong nhóm hình đẹp nhất thế giới.
6 giờ lội rừng với nhóm Trekking quốc tế
Cái lạ là ở ngay xứ mình, sống ngay cạnh kỳ quan nhưng dường như dân du lịch mạo hiểm, dân phượt tử nặng ký chẳng mấy ai quan tâm đến hang động rừng xanh, bằng chứng là khảo sát con số thống kê của một công ty lữ hành Oxalis về du lịch mạo hiểm, trekking hàng đầu ở Phong Nha - Kẻ Bàng hiện nay thì lượng khách Việt vô cùng hiếm, cả chục khách Tây may lắm mới bói ra một ông khách Việt chấp nhận nằm đất ngủ hang, lang thang vào rừng, vật vã tìm hang động.
Chuyến đi của tôi vào hang Én là một kiểm chứng, ngoài những người dẫn đường, còn lại là 5 du khách 8X, tuổi già nhất chưa quá 26 đến từ New Zealand, Anh, Úc, Scotland. Tôi hơi bị lạc loài trước những chuyện kể các trải nghiệm trekking dày cộp của 5 người bạn mới có cùng đam mê rừng rú này, những chuyến trekking từ Malaysia, Thái Lan, Indo… nhóm đã lượn qua hết, và đang hồi hộp khi đi vào Phong Nha - Kẻ Bàng. Trong 5 bạn mới này có Tom Stone - đến từ New Zealand - người đã trekking vào hang Én đến 4 lần mà vẫn chưa biết chán.
Chỉ sau vài bước chân từ km 37 của cung đường Trường Sơn nhánh phía Tây, tôi đã đi ngay dưới tán rừng của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Cả đoàn hăm hở tiến sâu vào rừng, đích đến là hang Én trong lộ trình dự kiến phải mất hơn 6 giờ đồng hồ luồn rừng mới đến được cửa hang. Nhóm bạn đồng hành 2 nữ 3 nam, toàn chân dài, cộng thêm tinh thần đang háo hức, sải bước băng rừng nhanh như chạy bộ khiến tôi phải cố đu bám đến hụt cả hơi. May mà rừng Phong Nha còn ra rừng, khi suốt hành trình đi nhìn quanh đều là cây rừng rậm rạp, mọc dày đặc, hoang vu, nên cũng phần nào làm giảm đi cái nắng nóng.
Càng đi, đường càng gập ghềnh dốc núi, trơn trượt, vắt đeo bám theo ngay sau mỗi bước chân, tốc độ đi dần chậm lại vì đói và khát. Bữa cơm trưa đạm bạc với cơm nắm, thịt kho diễn ra chóng vánh. Đoàn cứ đi mãi, xuống đến thung lũng được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi, cảm giác thật sung sướng khi được trải tầm mắt bao quanh vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng. Nhưng có điều sung sướng hơn nữa là dấu chân đã chạm vào nguồn nước mát lạnh của con suối Rào Thương, mà người dẫn đường giới thiệu cứ theo dòng chảy của con suối ấy sẽ đến cửa hang Én.
Đi trong kỳ quan
Gần 5 giờ băng rừng, lội suối, vài thành viên trong đoàn bị vắt cắn, máu me đầm đìa, cô nàng Esmeralda Comilla Lockhart - người Scotland bị vắt xơi ngay vòng 3, chẳng thấy vẻ sợ hãi mà trái lại còn tinh nghịch xoè cái vòng 3 nhuốm máu và con vắt béo lặc lè cho mọi người chiêm ngưỡng.
Chẳng bao lâu, cửa ra hang Én đã ở phía trước, nhìn từ xa, giữa mênh mông núi rừng, miệng hang Én mở ra như một sinh vật khổng lồ mà chúng tôi chỉ là những con người nhỏ bé trước vẻ vĩ đại và bề thế của nó.
Càng đến gần, vẻ đẹp của hang Én càng làm những bước chân trekking thêm phấn khích, chúng tôi cũng theo dòng suối chui tọt vào miệng hang, đi tiếp qua dốc cát cao ngất để đến một thung lũng có hồ nước xanh như ngọc, từng người lần lượt bám theo các vách đá xuống thung lũng bơi sang bên kia hồ, ai nấy im thin thít bởi khung cảnh cứ như chốn bồng lai. Cảm giác riêng tôi thấy mình thật nhỏ bé trước một hang động kỳ vĩ đến vậy. Hơi lạnh của nhũ đá, sắc xanh ngọc bích của dòng nước lạnh ngắt mà tôi phải trầm mình xuống để vượt qua bờ bên kia khiến người cứ lâng lâng, như đang lơ lửng ở miền cổ tích.
Đi sâu vào lòng hang, tiếng chim én ríu rít cùng mùi hăng hắc của phân chim bốc lên nồng nặc. Thì ra hang Én chính là nơi sinh sống của hàng triệu con chim én, đây cũng là nơi cư trú của người A Rem khi xưa, một bộ tộc hoang dã của dãy Trường Sơn, thường lấy hang đá làm nơi trú ẩn.
Qua đêm ở cửa hang Én và những trải nghiệm khó quên
Chúng tôi trở lại cửa ra hang Én để qua đêm, cơn mưa bất chợt đổ xuống, ngồi ngay miệng hang tối om như đêm 30, tôi bắt đầu có cảm giác rợn tóc gáy khi nghe người dẫn đường cho biết nếu mưa nặng hạt tiếp trong nửa giờ nữa thì phải di chuyển ra khỏi hang về bản Đoòng ở cách đó hơn 1 giờ băng rừng. Bởi mưa lâu sẽ kéo lũ từ đầu nguồn đổ về, nằm ở cửa ra hang Én khác nào làm mồi cho lũ quét. Tom Stone đã có trải nghiệm đó khi lần thứ 3 trở lại hang Én, anh phải thức dậy chạy lũ lúc 2 giờ đêm. Đi ban ngày đã thấy phê, đi giữa đêm đen, mưa rừng, trong tâm trạng chạy lũ thì thật không phải là trải nghiệm thú vị. May mà mưa chỉ hù dọa chúng tôi chút rồi tạnh.
Bình minh đánh thức chúng tôi là tiếng kêu thánh thót của triệu triệu con chim én bay ra khỏi miệng hang đi kiếm ăn, nhìn như một cơn mưa kim cương đen vụt vào nền trời phảng phất sương mù buổi sớm, một khung cảnh đẹp và thơ mộng đến ngây người của hang Én lúc bình minh.
Hành trình đi về với tôi thanh thản hơn, bởi đã đạt được nhiều hơn những gì mà tôi hình dung trước khi bước vào hành trình khám phá hang Én. Những người bạn nước ngoài cũng vậy. Esmeralda hứng khởi nói: “Tôi từng tham gia các chuyến đi rừng ở Thái Lan, nhưng đây là chuyến đi vất vả và khó nhọc nhất, tuy mệt nhưng cảm giác thật vui. Hang Én gây ngạc nhiên với tôi bởi nó quá lớn, đi trong lòng hang tối om giữa ngổn ngang đất đá, mùi dơi hăng hắc nồng nặc, khiến tôi có cảm giác mình như một nhà thám hiểm thực sự”.
Một cụm thạch nhũ đang hình thành trong hang Én
Vanessa Anne Macaulay - người Australia: “Hai ngày được sống giữa rừng xanh với tôi vừa là thử thách và cũng là một thành công lớn, trước đó tôi chẳng có hình dung gì về chuyến đi này cả. Dù đã đi qua khá nhiều nơi, tham quan nhiều hang động nhưng khi đến hang Én, tôi thật ngạc nhiên khi thấy một hang động lớn đến như vậy, nó lớn ngoài sức tưởng tượng của tôi, và điều đặc biệt đây là một hang động còn giữ nguyên nét hoang sơ mà tôi từng được khám phá. Tôi ấn tượng với những bữa ăn giữa rừng, những món rau, cá suối được người dẫn đường lấy từ rừng và chế biến theo cách riêng, đó là một trải nghiệm thật thú vị”.
Đoàn trekking trước cửa hang Én
Theo Dep