Thuộc giáo hạt Thanh Oai
Địa chỉ: Từ Châu, Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội
Thành lập:
Quan thầy: Thánh Phê-rô và Phao-lô (29/6)
Năm 1889 khởi công xây dựng Thánh Đường, hoàn thành năm 1894
Số giáo dân toàn xứ: 2798 nhân danh
Linh mục chính xứ: Giu-se Nguyễn Văn Linh
Lịch sử hình thành Giáo xứ
1. Nhà Thờ
Để có nơi khang trang xứng đáng thờ phượng Thiên Chúa, sau nhiều năm cố gắng hi sinh chịu đựng vất vả, quyên góp tiền của. Năm 1889 cha xứ và dân làng khởi công xây dựng Thánh Đường, công việc xây dựng kéo dài 5 năm. Với bao gian nan, khó nhọc, nhiều người sẵn sàng nhịn đói, mặc rách để xây dựng nhà Chúa. Dầu vậy, ai nấy vẫn vui tươi, phấn khởi: đến năm 1894 thì hoàn thành và được gọi la Thánh Đường Từ Châu.
Thánh đường được kiến trúc theo kiểu Đông Tây kết hợp, có chiều dài 30m, chiều rộng 12,5m, chiều cao 30m, đỉnh tháp không nhọn như kiểu Tây Phương nhưng có 4 góc nhọn tượng trưng 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trên tháp treo bốn quả chuông lớn: 3 quả chuông Tây( được đúc tại Pháp) và một quả chuông Ta (được đúc tại Việt Nam).
Vào những ngày Chúa Nhật hoặc lễ trọng, 3 Chuông cùng được kéo lên tạo ra những âm thanh trầm bổng, réo rắt như một bản đại hoà tấu kỳ thú, gây xúc động lòng người, kêu mời mọi người mau đến thờ phượng Chúa. Quả chuông Ta mang âm thanh trầm trầm tựa như tiếng chuông chùa điểm lúc hoàng hôn, thong thả từng tiếng một, âm thanh gây nao nao lòng người nhớ về một kỉ niệm đã qua. Chuông này vang lên một hồi khi dân làng có người qua đời, báo hiệu mọi người cầu nguyện cho người quá cố.
Hai bên nhà thờ là hai dãy nhà tả mạc làm bằng gỗ, mái ngói đỏ lâu ngày đã rêu phong. Tổng cộng có 38 gian dùng làm nơI hội họp việc đạo dặc biệt là nơI thi kinh bổn trong dịp lễ Phục Sinh hằng năm.
Giáo đường xứ từ Châu
Từ trăm năm trước đến bây giờ
Nắng gió thời gian vẫn đứng trơ
Vang vọng hằng ngày chuông thhúc giục
Giáo dân lũ lượt tới tôn thờ
Uy linh tiệc thánh Chúa kêu mời
Qui tụ đàn chiên từ khắp nơi
Hy lễ hiệp dâng xin chúc phúc
Cho dân của xứ đến muôn đời
Hằng năm kỷ niệm Thánh quan thầy
Tấp nập đàn chiên tụ lại đây
ý nguyện xin dâng tròn cuộc sống
Hồng ân Thiên Chúa thật no đầy.
Bao năm xa cách chốn thân thương
Mãi nhớ trong tôi tháp giáo đường
Trở lại một lần chưa có dịp
Chân thành tạ tội với quê hương!
Từ Thanh Hà
Bước vào trong thánh đường sẽ thấy một cảnh nguy nga tráng lệ mang mầu sắc á đông hiện ra: những cây cột gỗ lim tròn trịa, sừng sững, mỗi cột một người ôm không hết, bốn bàn thờ và các nhà tòa bằng gỗ được các nghệ nhân trạm trổ rất tinh vi khéo léo, sơn son thiếp vàng.
Tòa giữa trên cao là tượng Đức Mẹ Ban ơn, hai bàn tay luôn rộng mở tuôn tràn ơn Thánh Chúa cho nhân gian. Phía dưới là bàn thờ chính có nhà chầu thiếp vàng chói lọi. Hai tòa bên cạnh được phân chia thành năm vòng trời xanh nhạt điểm những vì sao lấp lánh. Các cửa sổ trên cao hai bên tường đều làm bằng kinh mầu có nhiều hình khác nhau như: chúa Giê-su vác Thánh Giá, Đức Mẹ đồng trinh, các Tông Đồ…
Nằm giữa nhà tả mạc và nhà kiệu là hang đá Đức Mẹ Lộ Đức được xây năm 1920 và hang đá Bê- lem được sử dụng trong dịp lễ Chúa Giáng Sinh. Dưới hang đá có một bể nước lớn, nước trong mát sạch sẽ, giữa trưa hè được giải khát thì thật là thích thú.
2. Đền Thánh Phê-rô
Tượng dài thánh Phê-rô quan thầy của giáo xứ Từ Châu được xây vào năm 1936 ngay trên sân Thánh Đường. Xung quanh tượng đài ;à một vườn hoa thiết kế theo hình tròn có 4 lối ra vào. Nằm giữa một vườn hoa nho hình lục giác bên trong là tượng thánh Phê-rô cao 2m đặt trên bệ cao 1,8m. Tượng này do cha già Nguyễn châu Báu cung tiến để tỏ lòng tri ân quê hương nơi cha đã sinh trưởng và từ đây đã nhận được ơn gọi linh mục.
Tượng đứng uy nghi nhìn ngắm từng gia đình trong xứ: một tay cầm chìa khóa tượng trưng cho quyền tháo cởi của Ngài đã dược chúa Giê-su trao ban; tay kia cầm cuốn Tin Mừng. Ngài như muốn nói với dân làng rằng: “Hãy rao giảng và sống theo tin Mừng thì cửa thiên Đàng sẽ rộng mở để đón các con”. Bốn góc vườn hoa là 4 cây ngâu lớn xanh tươi, hương thơm ngào ngạt trộn lẫn với hương hồng, hương cúc, hương đại, hương huệ thoang thoảng tỏa lan khắp vực Thánh Đường khiến lòng người thanh thản, nhẹ nhàng mỗi khi đến nhà Chúa.
Đền Thánh Phê-rô
Giữa sân đặt tượng Thánh Phê-rô
Hướng đứng nhìn theo phía mặt hồ
Chìa khóa nước Trời tay năm giữ
Chiên con trần thế Thánh cho vô
Tiếng chuông chiều xuống vang trầm bổng
Mặt nước trăng lên sóng nhấp nhô
Xóm đạo Từ Châu đầy mộ mến
Quan thầy đã nhận Thánh Phê-rô
Trước khu tượng đài là một hồ lớn hình chữ nhật chu vi 270m, bờ hồ được kè đá phẳng phiu và tường hoa cao 1m bao bọc xung quanh. ở giữa là những cây tùng tháp cao vút, xen kẽ những cây đại nở hoa trắng nhụy vàng tỏa hương thơm bên cạnh những cây cau thẳng tắp.
Nước hồ trong xanh, phẳng lặng như một tấm gương lớn soi bóng thánh đường, tượng đài và trường học cố Ven…tất cả tạo nên một quần thể đẹp đẽ, thơ mộng cho khu vực thánh đường.
3. Sinh hoạt tín ngưỡng thường nhật
Noi gương cha ông, đời sống đạo của giáo hữu Từ Châu rất sốt sắng và phong phú. Như một thời biểu đã được sắp xếp thực hành từ lâu, khoảng bốn giờ sáng một hồi chuông từ tháp cao đổ vang đánh thức dân làng tỉnh giấc để dâng một ngày lên Thiên Chúa. Hồi chuông này được gọi là chuông chiều, khoảng 30 phút sau, một hồi chuông thứ hai, gọi là chuông xướng kinh.
Lúc này nhà thờ đã đông người, các cụ ông, cụ bà chiếm thành phần đa số, rồi đến các thanh thiếu niên, các em thiếu nhi. Các cô hội Nữ Vương xướng kinh và sau đó là thánh lễ bắt đầu. Sau lễ mọi người ra về thơ thới để bắt đầu một ngày làm việc đồng áng,
Đúng ngọ( 12 giờ trưa), một hồi chuông chậm rãi vang xa báo hiệu mọi người đã qua nửa ngày làm việc mệt nhọc. Vào mùa cấy gặt biết giờ để dùng bữa trưa, trước khi đi nhổ mạ hoặc gánh lúa về nhà.
Đồng thời hồi chuông này còn nhắc nhở mọi người đọc kinh Truyền tin, thờ kính mầu nhiệm Ngôi Hai nhập Thể trong cung lòng Đức trinh nữ Maria để cứu độ nhân loại. Các em thiếu nhi thánh thể và các cụ già thì đến nhà thờ viếng Mình Thánh.
Xế chiều vào khoảng 5 giờ, một hồi chuông lanh lảnh vang xa gọi là chuông chiều, báo hiệu cho mọi người chuẩn bị về nhà nghỉ ngơi rồi đến Thánh Đường tham dự giờ kinh tối. Thường thì giờ kinh tối lâu hơn giờ kinh sáng. Đúng 9 giờ tối, lại được nghe chuông nhỏ điểm chín tiếng và một hồi gọi là chuông tắt lửa. Khi nghe hồi chuông này hầu như mọi nhà đều tắt đèn đi ngủ.
4. Kinh Bổn
Một tập quán tốt đẹp lâu đời, giáo dân vẫn giữ và thực hành hàng năm là việc học và thi kinh bổn để hiểu biết thêm về đạo, đào sâu đời sống đức tin của người dân Từ Châu. Cứ mùa thương khó đến (mùa chay), đời sống đạo trong làng lại nhộn nhịp hẳn lên, khắp các hang cùng ngõ hẻm trong làng, đêm đêm đều râm ran những tiếng học kinh bổn.
Tùy theo từng lứa tuổi, giáo dân được chia thành nhóm, mỗi nhóm từ 10 đến 20 người. Ai nấy đều nỗ lực học hỏi và nức lòng chờ ngày thi. Thông thường ngày thi được tổ chức trong tuần thánh tại nhà Tả Mạc hoặc tại sân tháp trong bầu khí nhộn nhịp, vui vẻ và nghiêm trang.