Bắc Kạn bị "bới tung” vì… vàng

Chưa bao giờ ở tỉnh Bắc Kạn lại "nóng" lên tình trạng khai thác vàng trái phép như những tháng vừa qua. Thủ đoạn của "vàng tặc" ngày càng tinh vi còn lực lượng chức năng địa phương vẫn bất lực và gặp vô vàn khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm.

Để tìm hiểu rõ về tình trạng trên, chúng tôi đã dành thời gian nhiều ngày có mặt tại hai huyện Na Rì và Ngân Sơn – nơi được coi là hai điểm nóng nhất về tình trạng khai thác vàng không phép và có phép tại tỉnh Bắc Kạn trong những năm gần đây.

Vào "điểm nóng”

Dọc sông Bắc Giang đoạn qua hai huyện Na Rì và Ngân Sơn đã chứng kiến nhiều điểm khai thác vàng vào ban đêm, dưới sông rất nhiều máy xúc ầm ầm đào xới, moi ruột lòng sông để lấy vàng khiến dòng sông đục ngầu bùn đất, ô nhiễm nặng.

Vào một đêm, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ (QL) 279 đến xã Thuần Mang, cách trung tâm xã khoảng 2km có rất 4 điểm khai thác vàng trái phép, khoảng 10ha diện tích đất nông nghiệp đã biến thành những bãi vàng ngổn ngang đất đá. Nhiều máy nổ, hệ thống sàng tuyển rung được cất giấu che đậy tạm bợ ở giữa cánh đồng hoang tàn, từ QL 279 đi theo các con đường rẽ xuống các cánh đồng đâu cũng là dấu vết của những chiếc máy xúc bánh xích vừa mới đi qua, mặt đường vẫn con nguyên vết bánh. Chỉ có điều là không có sự xuất hiện của con người.

Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại UBND xã Thuần Mang, trao đổi với ông Đào Việt Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: “Đã gần 3 năm nay, thực trạng khai thác vàng trái phép tại địa phương chủ yếu diễn ra vào ban đêm và những ngày chính quyền địa phương không làm việc. Chúng tôi đã thành lập tổ công tác, khi phát hiện báo ngay thông tin cho huyện xuống củng cố hồ sơ bắt giữ, hiện nay trong xã đang cử người trông coi 3 máy xúc,  2 máy do UBND tỉnh Bắc Kạn thu giữ theo Quyết định 1408/QĐ-XPHC ngày 4/8/2011, 1 máy do UBND huyện Ngân Sơn lập biên bản thu giữ từ tháng 7 đến nay, hiện vẫn đang được 2 nhân công canh giữ tại cánh đồng Nà Chúa”.

Một số nơi trong khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã bị "vàng tặc" bới tung, cây cỏ bạt ngàn giờ đây chỉ còn trơ lại đất đá

Cũng theo ông Hưng, tình trạng khai thác vàng trái phép lấn vào đất nông nghiệp tại địa phương ngày càng tinh vi và được sự hậu thuẫn của người dân địa phương bằng những hình thức như người dân có đất câu kết với các chủ máy để khai thác vàng, sản phẩm làm ra chia đôi hoặc dân bán đất cho các bưởng vàng nhưng không hề báo cáo chính quyền địa phương. Điển hình là hộ ông Đinh Thiện Nghị và Đinh Thiện Dũng ở Bản Giang.

Chiều về, chúng tôi rời xã Thuần Mang theo tỉnh lộ 279 về phía trung tâm huyện Na Rì, trên đường đi qua các xã Lạng San, Lương Thượng chứng kiến rất nhiều điểm khai thác vàng trái phép ven đường. Có mặt tại địa bàn giáp ranh giữa hai xã Lạng San và Lương Thành lúc nửa đêm, không gian yên tĩnh của màn đêm bỗng nhiên bị xé toạc bởi tiếng nổ ầm ào của máy nổ, máy xúc, tiếng người gọi nhau inh ỏi cả một vùng cùng những luồng sáng choang như ban ngày của ánh điện dọc theo hơn 100m của con sông Bắc Giang đoạn qua thôn Nà Diệc. Nhìn từ trên cao xuống, dưới ánh đèn lấp lánh là dòng sông đỏ quạnh, 6 máy xúc cùng hệ thống sàng tuyển vàng đang hoạt động hết công suất.

Ngay bên trong tấm bảng cấm này là một đại công trường khai thác vàng trái phép trong khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

Được biết nơi chúng tôi đang có mặt là mỏ Nà Diệc, thuộc xã Lạng San, đơn vị đang khai thác là Công ty TNHH Hải Điệp, được cấp phép khai thác cát và tận thu khoáng sản đi kèm. Nhưng tại hiện trường, khai thác cát chẳng thấy đâu mà chỉ thấy đất đá dưới lòng sông được máy xúc lên giàn tuyển rung. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được tại địa phương và những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến thì đây là điểm khai thác vàng chứ không phải khai thác cát và tận thu khoáng sản đi kèm và chủ yếu hoạt động vào ban đêm.

Chia sẻ với chúng tôi về sự việc trên, ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: “Việc khai thác ban đêm chúng tôi cũng có thông tin, bà con thậm chí điện thẳng cho chủ tịch báo cáo tại vị trí này có tình trạng đang khai thác, nhưng khi đoàn kiểm tra đến nơi không thấy gì, máy móc cũng không ở đó nữa. Cho nên ở cơ sở xã mà không chủ động lập biên bản thì rất khó giải quyết, anh xã có thẩm quyền lập biên bản, làm gì có chuyện ngay gần ủy ban nhân dân xã, lại trên địa bàn mà không thấy. Hơn nữa ngay trên địa bàn huyện, ở xã Lương Thượng, đôi khi xã cũng cả nể anh em ở đó”.

Chính quyền ở đâu?

Không khó để chúng tôi quay phim chụp ảnh về việc Công ty TNHH Hải Điệp đang ngang nhiên hoạt động khai thác vàng về đêm vì nơi mỏ đang khai thác chỉ cách đường khoảng 50m. Ấy thế mà ngày hôm sau chúng tôi có mặt mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, phát hiện có người lạ những công nhân khai thác vàng đồng loạt tắt máy rồi chạy về lán trại ngủ im thin thít, chúng tôi hỏi bất cứ ai họ cũng không có câu trả lời.

Đúng lúc đó có một người đàn ông cao lớn xuất hiện tự xưng là Tạ Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hải Điệp, khẳng định là công nhân của mình đang khai thác cát. Khi chúng tôi hỏi về thời gian làm việc ông Hải nói đơn vị chỉ làm 8 tiếng/ngày theo quy định của địa phương, chúng tôi nhắc đến chuyện khai thác vàng của công ty suốt đêm qua thì ban đầu ông Hải cãi phăng là không có chuyện đó, cho đến khi chúng tôi nói sẽ đưa hình ảnh quay được tại đây vào đêm qua ra cho ông xem thì ông mới giải thích rằng, chắc tại hôm qua công nhân làm tăng ca.

Tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra rất phổ biến ở hai huyện Ngân Sơn và Na Rì, tỉnh Bắc Kạn

Sau nhiều giờ chờ đợi không gặp được ông Hoàng Đức Tâm, Chủ tịch UBND xã Lạng San chúng tôi tìm đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Na Rì và được ông Nguyễn Đình Lai, Trưởng phòng TN&MT huyện Na Rì cho biết: “Huyện Na Rì có rất nhiều loại khoáng sản, vàng sa khoáng, đồng, chì, kẽm… Từ năm 2003 đến nay đã cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại 6 điểm thuộc huyện, tuy nhiên đến thời điểm này 3 điểm mỏ đã hết hạn giấy phép, điểm mỏ Tốc Lù do Công ty Cổ phần Tấn Thành được cấp phép hiện không khai thác nữa, trên địa bàn huyện còn 2 điểm mỏ hoạt động ở xã Lương Thượng”.

Ông Nguyễn Đình Lai, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Na Rì.

Khi được hỏi về tình trạng khai thác vàng chứ không phải khai thác cát và tận thu vàng sa khoáng như giấy phép cho Công ty TNHH Hải Điệp tại điểm Nà Diệc thì ông Lai cho hay: “Đơn vị được cấp phép khai thác cát và tận thu vàng sa khoáng trong vòng 7 năm, nhưng hồi tháng 3/2010 bị đình chỉ vì vi phạm công nghệ khai thác và mới được cấp lại hơn một tháng nay. Còn sự việc mà nhà báo nêu chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nếu đơn vị vi phạm”.

Ông Lai cho biết thêm: “Hiện nay việc xử lý các đơn vị vi phạm rất khó khăn dù Ủy ban tỉnh đã ra rất nhiều công văn, chỉ thị. Ở Na Rì chủ yếu là máy xúc khai thác trái phép chứ người dân không làm được. Điều đặc biệt là hiện nay người dân không ủng hộ chính quyền”.

Hơn nữa, qua tìm hiểu chúng tôi được biết mọi hoạt động, đường đi nước bước của chính quyền cũng như tổ công tác liên ngành của huyện Na Rì đều bị “vàng tặc” nắm rất rõ nên mọi phương án truy quét đều không đạt kết quả như mong muốn. “Các ngành chức năng huyện Na Rì cũng giao cho công an theo dõi, điều tra xem thông tin lọt ra từ đâu, hệ thống quản lý mạng lưới thông tin giao lực lượng công an cũng không phát hiện ra được” – Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Na Rì ngao ngán.

Hệ lụy trông thấy

Chính sự thiếu trách nhiệm trong quản lý của cơ quan chức năng địa phương đã khiến rất nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng trở nên hoang tàn, điển hình là tại mỏ Tốc Lù, thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ (Na Rì), trước đây do Công ty Cổ phần Tấn Thành khai thác, nhưng sau đó công ty giải thể rồi, chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Kạn cũng không biết họ đi đâu. Thế là công tác hoàn thổ tại mỏ Tốc Lù vẫn chưa được hoàn thiện.

Được biết những năm gần đây công tác hoàn thổ được đơn vị khai thác ký quỹ, nhưng trước đó, thời điểm Công ty Cổ phần Tấn Thành khai thác chưa có quỹ này. Vậy nên, không ít vàng tại Tốc Lù đã được lấy đi, hệ lụy vẫn còn đang hiện hữu, người dân thiếu đất sản xuất nhưng chẳng biết kêu ai. Không ít người trong số đó đã vào các điểm khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ để khai thác vàng, cũng từ đó nhiều diện tích rừng Kim Hỷ trở nên nham nhở, dòng suối Tốc Lù ô nhiễm nặng…

Mỏ vàng Tốc Lù vẫn ngổn ngang đất đá, hố sâu sau khi việc khai thác vàng được tiến hành

Chính vì thế thời gian gần đây tình trạng khái thác vàng trái phép ở Kim Hỷ lại “nóng” lên trước sự bất lực của cơ quan chức năng có trách nhiệm dù rất nhiều ngân sách của huyện nghèo Na Rì đã bỏ vào đó nhưng tình trạng vẫn đâu lại vào đó. Một lãnh đạo chủ chốt của huyện Na Rì cho hay: “Riêng năm nay tỉnh đã tăng cường 6 tổ chốt, tuy nhiên 6 tổ chốt đó nằm trong Khu bảo tồn nhưng việc hạn chế không đáng kể. Từ tháng 7 đến nay lực lượng khai thác vàng trái phép trong khu bảo tồn Kim Hỷ rất đông và phức tạp. Trong quản lý giờ chúng tôi cần sự ủng hộ của dân, sự quyết định của người quản lý tốt nhất vẫn là người dân tại cơ sở, chứ lực lượng chức năng chúng tôi có muốn bằng mười cũng không được. Tuy nhiên, thứ nhất dân phải biết bảo vệ vùng đất của mình, thứ hai là phải biết việc đi khai thác trái phép là sai phạm”.

Ấy thế mà, khi đem sự việc trên trao đổi với vị Chủ tịch UBND huyện Na Rì chúng tôi lại nhận được câu trả lời rằng: “Huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã và yêu cầu rà soát lại các hiện tượng người dân bán đất nông nghiệp, thông đồng với các chủ phương tiện, khai thác vàng trái phép… Vì mọi trường hợp đó đều vi phạm. Nhưng đến nay cũng chưa thống kê được trường hợp nào”.

Cách đó không xa, tại thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, huyện Na Rì một “công trình hồ sinh thái” đã được hình thành tại nơi thừa nước, thiếu đất này bởi Công ty An Thịnh sau khi khai thác vàng để lại nhưng nó chẳng những không giúp ích gì cho dân mà còn gây nên bao hệ lụy. Rõ ràng trong Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực năm 2011 đều quy định: Đơn vị khai thác phải có trách nhiệm phục hồi môi trường và đất đai sau khi khai thác. Thế nhưng không ít vàng đã được lấy đi, phần người dân được hưởng là những hệ lụy trông thấy.

Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Na Rì.

Còn nguyên nhân vì đâu mà huyện Na Rì để địa phương xảy ra tình trạng như vậy thì ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch UBND cho biết: “Bởi vì ở Na Rì hiện nay có hai vùng nóng là khai thác vàng sa khoáng ven sông bắc Giang và khai thác vàng trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Ở Kim Hỷ liên quan đến nguồn tài nguyên lâm sản, các đối tượng vào trong các hang núi, họ ăn nghỉ ở đó, khi các lực lượng tuần tra ban đêm, phát hiện “vàng tặc” họ đều chạy chốn, còn ở ven sông Bắc Giang nếu anh em tuần tra liên tục thì chúng không làm, vừa qua đã có chỉ thị phát hiện khai thác vàng trái phép thì tịch thu phương tiện hoặc tiêu hủy tại chỗ. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại.

Một là ngành chức năng cấp cơ sở chưa chủ động phát hiện và xử lý the quy định. Hai là tổ chuyên môn liên ngành của huyện đi kiểm tra không thường xuyên liên tục. Đặc biệt điều mà chúng tôi cũng rất bức xúc là tổ công tác đi đến đâu đều bị phát hiện. Và “vàng tặc” nhanh chóng dừng hoạt động rồi chuyển máy móc cất giấu, cho nên công tác xử lý theo trình tự rất là bất cập. Vừa qua mới chỉ bắt quả tang được một số phương tiện máy móc nhỏ, còn phương tiện lớn như máy xúc máy ủi vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý”.

Còn tại xã Thuần Mang (Ngân Sơn, Bắc Kạn) chúng tôi ghi nhận rất nhiều cánh đồng ven sông, suối đã bị đào xới tan hoang không thể canh tác được. Không biết tình trạng khai thác vàng trái phép để lại hậu quả lớn như vậy tại hai huyện Na Rì và Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn còn kéo dài đến bao giờ?

Nguyễn Hồng