Suy nghĩ về Bài bia Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư nhà Lý làm chủ nước Đại Việt
* Giới thiệu tác giả - Tác phẩm
Không phải ngẫu nhiên sử thần Lê Văn Hưu nhận định đạo Phật đời Lý ông đã phát biểu: “Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế mới hai năm, nhà tông chưa xây đàn, xã tắc chưa dựng, đã tạo tác 8 ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa sang các tự quán quốc lộ, độ hơn ngàn người làm tăng”. Còn sử gia Ngô Thời Sĩ thì nhận định: “Vua Lý Thái Tổ thì sinh trưởng nhờ cửa Phật, Khánh Vân nuôi lớn, muốn kiến quốc đã sáng tạo nhiều chùa, cấp điệp độ chúng tăng, muốn đưa cả thế giới vào nước Phật”. Xem ra, đạo Phật đã đóng vai trò vô cùng quan trọng như là một sinh mệnh, dùng chánh pháp để đem đạo vào đời, thực thi khát vọng xây dựng cuộc sống thanh bình thịnh vượng cho quê hương xứ sở qua các triều đại Đại Việt bấy giờ.
Việc Thượng thư Bộ hình Nguyễn Công Bật triều đại Lý Nhân Tông (1072-1128) làm bài văn bia “Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiên Diên Linh tháp bi” bằng chữ Hán (bản dịch của Đỗ Văn Hỷ, Thơ Văn Lý Trần, tập 1, nhà xuất bản Khoa học Xã hội) là chuyện tất nhiên chẳng có gì phải nói. Điều đáng lưu tâm ở đây là bài văn bia này thật sự trở thành một tác phẩm không chỉ có giá trị văn học lớn mà còn thể hiện đường lối dựng nước giữ nước của Lý Nhân Tông, và đại thần hợp với đạo lý lòng dân là hợp với đạo lý nhà Phật. Với giọng văn đầy khí hào hùng, âm vang kiêu hãnh lòng tự hào độc lập dân tộc, từ nội dung cho đến hình thức là sự kết hợp hài hoà, bài văn bia nghiễm nhiên đi vào lòng người như hơi thở trong lành đem lại sự khoẻ khoắn tươi mát ngọt ngào, như khúc khải hoàn làm cho ta thích thú vững tiến đi lên.
* Nội dung bài văn bia
1. Nguồn gốc vạn pháp:
Mở đầu bài văn bia, Thượng thư Nguyễn Công Bật đã giới thiệu nguồn gốc vạn pháp chính là: “Cái diệu thể thì huyền tịch, là ánh linh quang không ở trong, không ở ngoài, nhưng là khởi nguyên của năm nguyên tố, còn cái đại dụng thì tràn đầy, là cõi bao la, có hình thù, có thể chất, nhưng lại nằm trong khí thái hư. Nó không có dấu hiệu để suy lường; không có bóng hình để tìm kiếm. Nó bao trùm cả trời đất rộng lớn, đâu khá dò xem; nó hoà đồng cả tinh tú huy hoàng, dễ nào tìm xét. Dù cho then máy của tạo hoá chuyển vần, nó nghiễm nhiên tồn tại; dù có xô đẩy cho sự mau chậm của âm dương vận động, thì cái bí yếu vẫn riêng sâu kín. Đó chẳng phải là huyên tịch hay sao?”.
Xem ra, nguồn gốc vạn pháp chính là “Huyền tịch” hay nói khác đi là Tâm. Trong vạn hữu thực tại đời thường này có cái gì vận hành mà tâm không rọi chiếu. Chân lý cuộc đời không thể nằm ngoài tâm. Lý duyên khởi từng minh chứng: “Cái này có mặt thì cái kia có mặt, cái này sanh cái kia sanh; cái này không cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt”, cho nên chúng sanh hay Phật thánh từ nơi tâm duyên khởi mà có mặt giữa cuộc đời, vạn pháp dẫu to lớn như vũ trụ, hay nhỏ như vi trần cát bụi cũng thế thôi! Thật là:
“Rất diệu mà rất tĩnh,
Không dáng cũng không hình
Gượng đặt tên cho nó
Cực nhỏ và cực tinh
Đạm bạc riêng tồn tồn tại
Thuở trước trời đất sinh
Muốn nhuộm đen chẳng đựơc
Đem mài vẫn nguyên lành.
Diệu thay cái tâm ấy
Thuần tuý và tinh anh”.
2. Tán dương công đức Phật pháp:
Kinh Phật dạy rằng: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” nghĩa là Phật có mặt giữa cuộc đời này, ngoài thế gian này thì không có Phật phap. Thế nên Phật tổ Như lai đã hiện thân giữa cuộc đời này. Ngài là một con người, nhưng một con người nhờ công phu tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ. Hay nói khác đi, Ngài đã chuyển hoá tâm thức để hiện thân một con người đầy đủ 32 tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đem giáo pháp mà Ngài đã chứng ngộ vào đời để chúng sanh nương đó mà tu tập: “…Do đó người lập nên diệu pháp Bồ đề, để nuôi dưỡng đói lòng kẻ bao thuở; thắp ngọn đèn rực rỡ soi đêm tối bao năm. Khiến cho cái hồn nhiên của tấm lòng phóng đãng được yên; thói tà vạy của tính mê lầm được định. Cho nên quy y ba giới quy y, mười phương hồi hướng…” là nguyện sống theo tinh thần:
“Rộng mở lời thề nguyện
Tu hành đủ lục độ
Tham cứu sâu đạo thiền
Trí tuệ đuổi hư ngụy
Dựng giáo lý diệu huyền”.
Đây chính là nếp sống hướng thượng mà Phật giáo hướng đến, nhà Lý muốn vận dụng Chánh pháp để tự thân mỗi người phải tỉnh thức sống đúng đạo lý. Tại đây, từ dân chúng bình thường, cho đến vua quan thần dân, nhà nhà đều an trú trong hạnh phúc, phải chăng đây là mô hình lý tưởng mà nhà Lý vươn tới: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Rõ ràng, công đức này thật tối thượng, thi nhau xây chùa chính là thi nhau sống tốt, sống hạnh phúc an lành: “…Thi nhau xây chùa, cất cao vật báu. Từ xưa đến nay, lưu truyền không mất…”
3. Công hạnh Lý Nhân Tông:
Tiếp nối truyền thống buổi đầu khai mở triều đại nhà Lý, lấy quần chúng Phật giáo là gốc xây dựng đất nước thịnh vượng của cha ông là Lý Thái Tổ, sự có mặt Lý Nhân Tông để đứng ngôi vị của cả thần dân hẳn là sự kiện tất yếu. Đó là con người-một nhân vật lịch sử biểu tượng sự kết tinh mọi sự thành tựu của cả dân tộc. Ở đó nói theo ngôn ngữ nhà Phật là sự hiện thân của một con người đầy tính giác ngộ, cho nên thần dân mới ca ngợi: “Kính nghĩ đức Hoàng đế bệ hạ, bậc Thánh hiền thể đạo, thánh văn thần võ, anh cách dân vật, vạn linh chiêu ứng, vĩnh long nguyên hóa, thông minh quảng vận, nhân trí ý nghĩa, thần thánh minh hiếu của triều Lý, là do đất trời chung đúc, nhật nguyệt kết tinh”.
Ngài lên ngôi trị vì đó là ý nguyện của toàn dân, sự đẹp đẽ toàn bích của ngài chính là sự uy nghi của cả dân tộc không phải tự nhiên mà đạt được mà chính là: “sự anh minh của ngìn đời; vượt lên vẻ kỳ thú của trăm chúa”. Hẳn nhiên Thượng thư Công Bật thật tự hào về vị vua anh minh của mình như thế nào mới viết được như thế.
Điều đáng nói ở đây là vua Lý Nhân Tông đã xây dựng một quốc gia đày sự thịnh vượng.
Đọc văn bia đến những câu: “Trên vừa yên trị trong nước; dưới giúp đỡ lân bang…, nhân dân hoà hợp; trăm họ yên vui. Mùa xuân vào lệ, dâng kính ngọc ngà, mùa thu vào chầu, noi theo chức tước. Họp các nước chư hầu mà yến thưởng… Làm chân chủ của trời đất; xem huyền cơ của tạo hoá. Vận trí biến thông; hiển mưu đầy khắp… Hợp với sự thanh bình của bốn biển; hoà cùng sự êm ấm của muôn dân…” không một người dân Việt Nam nào mà không tự hào về một minh quân lãnh đạo đất nước như thế. Nhờ vậy, cuộc sống người dân được sống trong bầu không khí an vui hạnh phúc.
Lại nữa, tài trí đức hạnh của vua Lý Nhân Tông: “Tinh thông tới chỗ yếu huyền; pháp thuật ngoại quyền, thâu tóm toàn ý chỉ. Đúc lời đẹp như đá vàng, sáng lào tinh đẩu…” cũng đủ minh chứng cho dân chúng vững bước tiến lên sánh vai với các đế vương lân bang. Bằng các lễ hội văn hoá nhân các đại lễ, hay dịp trung thu trăng tròn vua dân mở cõi lòng, đồng tâm hát khúc nhạc lòng khải hoàn ca Phật Thánh tiên người là một có gì hạnh phúc hơn bằng. Phật quốc cõi Phật tại quê nhà đâu cần phải tìm đâu xa. Trong niềm an lạc thịnh vượng vô biên, Đại Việt trở nên oai hùng, đón chào tất cả bè bạn lân bang trong không khí lễ hội:
“… Kẻ trổ oai trong chốc lát, người đón rước lúc bấy giờ. Lân quốc mến nên dắt già bế trẻ; chư hầu về mà vượt luỹ băng tường. Chăm chú đón xem; chờ mong được thấy. Khắp chốn trang hoàng gấm vóc; hằng năm vui vẻ ba ngày. Đưa mọi người lên cõi hồ thiên; đặt quần chúng vào nơi lạc quốc…”
Quả thật Phật giáo đã đồng hành với dân tộc, lúc thịnh vượng cũng như lúc suy vong. Lúc nào triều đại hợp lòng dân, hợp Phật tâm mỗi người là lúc đó đất nước thịnh trị. Sự xây dựng chùa chiền, tháp bảo thực chất là xây dựng môi trường nếp sống đạo đức dân tộc, nếp sống hướng thượng nhà Phật. Về sau Nho sĩ đời Trần Lê Bá Quát cũng đành lòng thừa nhận: “Đạo Phật lấy hoạ phúc để cảm lòng người, sao mà được lòng người tin sâu và bền vậy. Trên từ vương công, dưới đến bình dân, hễ có công việc gì quan hệ đến Phật thì dù có hết của cải cũng không bủn xỉn. Nay nếu đêm việc dựng tháp xây chùa phó thác cho thì hớn hở vui mừng như cầm được tờ văn tự tín phiếu về sự báo đáp ngày sau. Cho nên từ trong kinh đô, đén ngoài châu phủ, hang cùng ngõ hẽm, chẳng ra lệnh mà tuân theo, không bảo rõ mà tin, chỗ nào có nhà là có chùa, bỏ đi lại dựng lên, hư nát liền tu sửa, chuông trống lâu dài cùng với dân cư có tới một nửa. Sự hưng thịnh của đạo Phật sao mà dễ dàng, sự tôn sùng cũng rất lớn rộng vậy”. (1)
4. Kiến trúc Phật giáo chùa chiền, bảo tháp, bia ký, tượng Phật, Bồ tát:
Trong xu hướng thịnh vượng như thế, kiến trúc Phật giáo nhà Lý nghiễm nhiên trở thành biểu tượng quốc gia. Nó là sự tôn vinh của cả một nền văn hoá cả dân tộc bấy giờ. Đằng sau các biểu tượng nó cũng minh chứng cả chủ trương thái độ sống người dân Đại Việt bấy giờ đoàn kết, hoà hợp, độc lập, tự chủ, thanh bình, nói như nhà Phật thường biểu đạt: “Tâm bình là thế giới bình”. Ngôi chùa mái cong hiền hoà toạ lạc trong làng xã, bảo tháp uy nghi cho con người nghiêng mình đảnh lễ, một hoa sen thanh thoát để cõi lòng hướng thiện… Tất cả chỉ nói lên một điều chừng nào con người cần vươn tới khát vọng hạnh phúc. Việc vua Lý Nhân Tông xây chùa dựng tượng đúc chuông, thiết lập bảo tháp Sùng Thiên chỉ là sự thi mở mang phát triển đất nước mà thôi:
“… Rộng vận thần công; cả suy thánh đoán. Sửa sang thắng sự; chăm tới lương duyên. Dựng đài cao quảng chiếu; hướng sân trước đoan môn. Trong nêu một cột; ngoài đặt bảy tầng. Uốn hình cung nâng đỡ sen vàng; máy lồng nhiễu che cho ngọn nến. Dấu cơ vi ở dưới đất như bánh xe xoay chuyển; rực sáng giữa bầu trời…”.
“Lại có đài cao thất bảo, xếp thành một dãy, chính giữa có ngọn núi vàng. Đặt tượng đẹp Đa Bảo Như lai, bày chân hình xe tháp mấy tầng… Thứ đến hai toà bạch ngân; bên tả đặt chân dung tượng A Di Đà; phía hữu để xá lợi của sắc thân màu nhiệm. Chiều cao mở ra thế khoẻ; vẻ đẹp phô rõ mái cong. Long lanh ngỡ tuyết đang tan; rực rỡ ắt trăng thu vằng vặc. Thứ nữa có hai toà điểu văn; bên tả đặt thân mẫu Quảng Bác, phía hữu đặt diệu tướng Bồ đề…”.
“Tôn sùng đạo Phật; hâm mộ thắng nhân, mở chùa Diên Hựu ở tại vườn tây. Dấu vết theo quy mô thuở trước; lo toan thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh chủ, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đoá sen nghìn cánh sen xoè ra. Trên hoa dựng một ngôi đền đỏ sẫm; trong đền đặt pho tượng sắc vàng…”.
Những công trình kiến trúc đời Lý kiến thiết được đã chứng minh sự thành tựu đỉnh cao kiến trúc Phật giáo nhà Lý. Trước sự thăng hoa trù phú trong hào khí vươn lên, vua Lý Nhân Tông hạ chỉ xây chùa ở trên núi Long Đội, “ xây ba mươi tầng chọc trời, mở bốn mươi hống gió. Vách chạm rồng ổ; xa treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá lợi, toả tường quang cho đời thịnh sai nay; đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm, hứng móc ngọc dưới bầu trời tạnh ráo. Tầng dưới chia tám tướng khôi ngô; đứng hộ vệ thần dân cầm kiếm… cho nên nhà vua đặt tháp ấy là Sùng Thiện Diên Linh.”
Sự đồ sộ uy dũng, cũng như các chi tiết mềm mại nhu nhuyến đều được thể hiện trong kiến trúc như là tính cách người Việt Nam. Suy cho cùng, mục đích tối thượng là triều đại nhà Lý khát vọng là thiết lập trong tâm thức mỗi người Việt Nam là giữ vững ý thức tự chủ độc lập đất nước, trong đó mỗi người dân ai ai cũng hưởng trọn phúc lành nhiệm mầu:
“Hương trầm khói toả quanh
Gấm vóc khoe xuân sắc
Phúc lành khắp chúng sanh
Gông cùm và tù ngục
Phá bỏ, đời thanh bình”.
Đúng như lời nhận định của nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ: “Chùa thời Lý là kiến trúc Phật giáo sớm nhất hiện còn dấu tích trên mặt đất và thư tịch. Nó khẳng định một giá trị nghệ thuật dân tộc đặc sắc Phật giáo Việt Nam của thời đại, xứng đáng mở đầu văn minh Đại Việt và bằng sức lao động sáng tạo của cả dân tộc có trình độ thẩm mỹ cao” (2)
* Kết luận
Tiếp nhận một tác phẩm văn học giá trị về nghệ thuật là tiếp nhận một thông điệp mang lại sự chuyển hoá tâm thức con người trong sự vận hành với xu hướng đi lên tất yếu của lịch sử. Tính thẩm mỹ của tư tưởng thường góp phần cho con người nhận ra chân lý cuộc đời. Nó sẽ hoá hiện ra giữa cuộc đời cho những ai biết thực thi bằng cả tấm lòng hướng thượng. Bài văn bia “Đại Việt quốc đương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi” mà Thượng thư Nguyễn Công Bật trước tác bằng chữ Hán cho đến tận bây giờ nó không chỉ là bài ca hào khí dân tộc một thời an thịnh mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển đất nước thời đại ngày nay. Mọi giá trị trong cuộc đời này có mặt khi giá trị tâm thức con người hiện hữu. Phật giáo xây dựng con người bắt nguồn từ việc xây dựng tâm thức con người. Một tâm thức trong sáng, một trí tuệ cao cả, một tấm lòng biết yêu thương thì lo gì con người đó không an bình thăng tiến, nhà nhà thịnh vượng, xã hội hạnh phúc bền vững. Nhà Lý ngự trị hơn 200 năm trong lịch sử nước nhà thiét nghĩ là nhờ vậy.
T.P.Đ
Tham khảo:
(*) Thơ Văn Lý Trần, tập I, II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1989.
(*) Nguyễn Lang, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Lá bối, 1974.
Chú thích:
1) Nguyễn Đăng Thục, Phật giáo Việt Nam, Mặt Đất, 1974, trang 302.
2) Chu Quang Trứ, Ngôi chùa kiến trúc thời Lý, dẫn theo tập văn thành đạo, PL 2532, trang 50.
- Tản mạn về tiếng Việt (15/01/2016 15:57)
- Sự phát triển của các tác phẩm điêu khắc Phật giáo (07/10/2015 19:13)
- Mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo trong tác phẩm Lý Hoặc Luận (27/09/2015 20:51)
- Đối chiếu Khoa học và Phật giáo (11/08/2015 14:58)
- TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO trong VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SANH của Nguyễn Du (10/08/2015 13:33)
- Giới thiệu “NIÊN ĐẠI ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ” vấn đề còn đang tranh luận (14/06/2015 07:34)
- Luận về vấn đề Tăng quan (06/06/2015 21:03)
- Phật Giáo Như Là Một Triết Học Hay Một Tôn Giáo (04/06/2015 21:46)
- Nhân mùa Phật đản, lại bàn về sự tích Phật Tổ (31/05/2015 22:06)
- Ảnh hưởng Phật giáo trong Pháp luật triều Lý (22/05/2015 08:58)
Phản hồi (0 bài gửi):
Gửi phản hồi của bạn