Thiệt Thành-Liễu Đạt
Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt (? - 1823 [1]), còn gọi là Hòa thượng Liên Hoa, thuộc đời thứ 35, phái Lâm Tế trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Mục lục
Hành trạng[sửa | sửa mã nguồn]
Là một thiền sư có tiếng[sửa | sửa mã nguồn]
Sách Thiền sư Việt Nam ghi không biết tên họ thật và quê quán của thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt, chỉ biết ngài là đệ tử của Hòa thượng Minh Vật-Nhất Tri, và có lẽ đã qui y với hòa thượng này ở chùa Kim Cang (Bình Thảo, Đồng Nai)[2].
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, thì Thiền sư Liễu Đạt, húy Thiệt Thành, vốn là người Hoa, giỏi võ nghệ, lòng dạ cương trực, đã từng giết nhiều tham quan ô lại. Về sau, ông theo phái Lâm Tế, rồi đến tu ở chùa Từ Ân [3].
Khoảng giữa thế kỷ 18, trong thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh nhau với Tây Sơn, Hòa thượng Phật Ý-Linh Nhạc (cũng thuộc phái Lâm Tế, đời 35) hoằng hóa ở chùa Từ Ân và chùa Khải Tường ở Gia Định. Đến năm 1744, Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt được cử làm thủ tọa ở chùa Từ Ân, sau lại được làm trụ trì chùa Khải Tường.
Năm Mậu Thân tháng 8 (7 tháng 9 năm 1788), chúa Nguyễn lấy được Gia Định. Trong khoảng thời này, chúa Nguyễn cùng quan quân ngụ tại chùa Từ Ân, còn các vương phi ngụ tại chùa Khải Tường [4].
Vốn hảo tướng lại có tài thuyết giảng, Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt được nhiều người kính mộ, trong số đó có Thái trưởng công chúa Long Thành, chị ruột của chúa Nguyễn.
Bị vướng lụy[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Nhâm Tuất (1802), chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long. Năm Đinh Sửu (1817), nhà vua cho triệu Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt ra làm Tăng cang chùa Thiên Mụ (Huế). Ở đó, mỗi tháng tám ngày, sư vào nội cung để thuyết giảng Phật pháp cho hoàng gia. Mến phục tài đức, vua Minh Mạng phong cho sư danh hiệu Hòa Thượng Liên Hoa [5].
Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc viên tịch ở chùa Từ Ân, mà Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt không hề hay biết. Mãi đến đầu năm 1823, nhờ có các quan đại thần từ Gia Định ra dự lễ, sư mới biết tin, rồi nhân cớ này, khẩn thiết xin vua cho về lại chùa Từ Ân.
Nguyên nhân sâu xa về việc xin về này, sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong có đoạn kể như sau:
- Khi về đến chùa Từ Ân, Hòa thượng Liên Hoa có kể rằng: Khi hoằng hóa ở kinh đô Huế, có Hoàng cô tức Thái trưởng công chúa Long Thành, là đệ tử của ngài, thọ giới Bồ tát được ban pháp danh là Tế Minh, tự Thiên Nhựt có tình cảm luyến ái sâu đậm, muốn ràng buộc duyên tình với Hòa thượng, nên Hòa thượng phải tìm cách xin về Gia Định[6].
Tháng 10 năm Quý Mùi (1823), Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt nhận được tin Hoàng cô vào Gia Định để cúng dường cho chùa Từ Ân và chùa Khải Tường. Tin đến bất ngờ làm sư hết sức bối rối, lo âu. Vì vậy, chỉ mấy ngày sau khi bà đến chùa, sư đã phải lánh lên chùa Đại Giác ở Cù lao Phố (Biên Hòa).
Vắng mặt thiền sư, Hoàng cô buồn bã không thiết cả việc ăn uống. Thấy sức khỏe của bà ngày một sa sút, nếu có mệnh hệ nào sẽ có bất lợi cho chùa, nên thị giả Mật Dĩnh đành phải tiết lộ nơi ở của sư. Ngay hôm sau, Hoàng cô lên chùa Đại Giác.
Rời cõi duyên nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Cũng theo sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, thì Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt đã đóng kín cửa thất, không chịu gặp mặt Hoàng cô, mà chỉ đưa ra một "bàn tay nhỏ" vì nghe bà nài nĩ quá,...Khuya đêm đó, thiền sư tự thiêu. Ngày hôm sau, mùng 2 tháng 11 năm Quí Mùi (1823), Hoàng cô cũng tự tử bằng thuốc độc trong hậu liêu chùa Đại Giác, thọ 65 tuổi[6].
Tại chùa Từ Ân, sau khi làm lễ nhập tháp cho Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt và làm lễ an táng Hoàng cô, long vị của Thiền sư được thờ trên bàn thờ Tổ, còn linh vị của Hoàng cô được thờ ở bàn thờ bá tánh. Nhưng sau đó, theo sách Thiền sư Việt Nam, trong chùa bỗng nhiên xảy ra nhiều sự việc cải vã, xào xáo. Không dàn xếp được, Thiền sư trụ trì là Tế Tánh Chánh Trực phải tham khảo ý kiến Hòa thượng Tổ Tông-Viên Quang, và vị sư này đã nảy ra suy rằng: "có thể Hoàng cô có thần thức luyến ái quá mạnh, muốn được gần người mình yêu quí, nên gây ra xáo trộn để đòi yêu sách chăng". Lạ là sau khi đưa linh vị của Hoàng cô thờ chung với long vị của Hòa thượng Liên Hoa, thì mọi sinh hoạt trong chùa Từ Ân trở lại bình thường...[7]
Bài kệ cuối[sửa | sửa mã nguồn]
Sau khi Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt viên tịch, có người phát hiện được bài kệ Niết bàn do sư viết bằng mực đen trên vách chính điện:
- Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần
- Thành không vẩn đục vẫn trong ngần
- Liễu tri mộng huyễn chân như huyễn
- Đạt đạo mình vui đạo mấy lần.
- Sa môn Thiệt Thành hiệu Liễu Đạt.[8]
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Trong Thiền sư Việt Nam (tr. 466), HT. Thích Thanh Từ phỏng đoán: "Có lẽ Hòa thượng Liên Hoa lúc mất cũng đã hơn 60 tuổi, vậy có thể ngài sinh khoảng năm 1755 - 1760".
- ^ Thiền sư Việt Nam, tr. 472.
- ^ Huỳnh Minh, Gia Định xưa, tr. 204.
- ^ Theo PTS. Trần Hồng Liên, "Vai trò của chùa Từ Ân trong sự phát triển văn hóa Phật giáo Gia Định" in trong sách Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh", Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, tr. 109.
- ^ HT. Thích Thanh Từ, tr. 472.
- ^ a ă Lược kể theo Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sách ở mục tham khảo, tr. 233-234.
- ^ Lược kể theo Thiền sư Việt Nam (tr. 476-477).
- ^ Thiền sư Việt Nam, tr. 476.
Nguồn tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]
- Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. HCM xuất bản, 1991
- Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Tthành phố Hồ Chí Minh, 1995,
- Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt trên website Thiền viện Thường Chiếu