Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện về vấn đề này.
Ông có thể cho biết về những nét đặc sắc của các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện?
- Gia Lâm nằm trong vùng giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc nên đã tạo ra nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Toàn huyện có 315 di tích, trong đó có 140 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và gắn biển di tích cách mạng kháng chiến. Gia Lâm cũng là nơi thờ hai vị trong "tứ bất tử" là Thánh Gióng (xã Phù Đổng) và Chử Đồng Tử (xã Văn Đức). Hiện, di tích đền Phù Đổng (thờ Thánh Gióng) đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Cùng với di sản văn hóa vật thể, Gia Lâm còn bảo lưu nhiều lễ hội cổ truyền của địa phương. Tiêu biểu là Lễ hội Gióng năm 2010 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn được lưu truyền như cải lương (xã Đa Tốn), chèo cổ (xã Dương Quang), múa Bông Sòng (xã Phú Thị), múa chữ (xã Văn Đức), tế lễ rước kiệu trong các hội làng… Ngoài ra, Gia Lâm còn có các di tích cách mạng kháng chiến nổi tiếng như: Làng cách mạng xã Trung Mầu, làng Cam (xã Cổ Bi), làng Giao Tất (xã Kim Sơn), làng Đào Xuyên, làng Thuận Tốn (xã Đa Tốn…
Mới đây, qua công tác kiểm đếm cổ vật, phát hiện pho tượng phật Thiên thủ Thiên nhãn ở chùa Đào Xuyên có niên đại lâu năm và có những chi tiết chạm khắc đặc biệt, khác với những pho tượng Thiên thủ Thiên nhãn trước đây, huyện đang đề nghị Nhà nước công nhận là bảo vật Quốc gia.
Di tích chùa - đền bà Tấm (Hoàng Thái hậu Ỷ Lan) tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm.
Huyện Gia Lâm đã làm gì để người dân có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích, thưa ông?
- Ngay sau Đại hội Đảng năm 2010, Gia Lâm đã xây dựng Chương trình đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện, sau đó có đề án thực hiện. Hàng năm, huyện mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác quản lý di tích và lễ hội truyền thống nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý ở cơ sở. Tại các xã, thị trấn đều thành lập ban quản lý di tích. Các thôn, làng, tổ dân phố có di tích đều thành lập tiểu ban quản lý di tích. Các tiểu ban quản lý di tích ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh còn tổ chức in ấn các tờ rơi, tờ gấp giới thiệu để người dân hiểu rõ hơn về di tích.
Thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, huyện đã chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, đảm bảo đúng quy chế. Các lễ hội diễn ra trên địa bàn huyện không có hiện tượng mê tín dị đoan và lợi dụng lễ hội để kinh doanh thương mại. Ngoài ra, huyện cũng kết hợp với Đài phát thanh huyện chỉ đạo đài truyền thanh xã, thị trấn tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, các chỉ thị, nghị quyết về bảo tồn di sản văn hóa, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại nơi thờ tự và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa.
Việc trùng tu, tôn tạo các di tích đã xuống cấp, hư hỏng được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Từ năm 2005 đến nay, huyện đã thực hiện tu bổ, tôn tạo hàng chục di tích với tổng kinh phí khoảng 212 tỷ đồng, phần lớn là từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, có thể kể đến công trình phục dựng chùa Đô, xã Trung Mầu với kính phí 16 tỷ đồng; công trình xây dựng tượng đài Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tại khu di tích đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá với kinh phí 22 tỷ đồng; công trình xây dựng Khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát, xã Phú Thị với kinh phí 16 tỷ đồng…
Tuy nhiên, hiện còn 12 di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần đầu tư tôn tạo vẫn "dậm chân tại chỗ", chưa có kinh phí để tu bổ, tôn tạo. Chẳng hạn, Khu di tích đền Phù Đổng đã có quyết định của UBND TP từ năm 2011, đầu tư 52 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo với tỷ lệ 40% vốn TP, 60% vốn địa phương và vốn xã hội hóa, song đến nay, TP vẫn chưa bố trí được vốn để thực hiện.
Thực tế, trên địa bàn huyện Gia Lâm, công tác xã hội hóa nguồn vốn tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa tâm linh được thực hiện rất tốt. Rất nhiều công trình khi tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại… đều có sự đóng góp đáng kể từ người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, cần sự chung tay góp sức của Nhà nước và người dân. Nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp, do vậy rất cần nguồn vốn đầu tư của TP.
Là địa phương nổi tiếng có nhiều tiềm năng về du lịch, huyện Gia Lâm đã có ý tưởng khai thác du lịch văn hóa kết hợp với du lịch làng nghề hay chưa, thưa ông?
- Việc gắn kết giữa du lịch với làng nghề tại một số xã trên địa bàn huyện như làng gốm Bát Tràng, làng gốm Kim Lan, làng nghề dát vàng bạc Kiêu Kỵ… đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát.
Theo tôi, việc kết hợp giữa du lịch văn hóa với du lịch làng nghề là một ý tưởng tốt cho phát triển du lịch và khai thác tiềm năng kinh tế. Song để làm được việc này, TP phải xây dựng chương trình, đưa một số điểm tham quan đặc biệt vào tour du lịch đối với du khách đến Hà Nội. Có như vậy, các điểm di tích trên địa bàn mới có điều kiện phát huy giá trị hơn nữa. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu cho du khách về di
sản văn hóa đồ sộ, tô đậm thêm cho lịch sử văn hóa Thăng Long.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn huyện, theo ông, cần phải làm như thế nào?
- Như đã nói ở trên, ngoài việc đề nghị UBND TP đầu tư kinh phí hỗ trợ thực hiện các dự án xuống cấp nghiêm trọng theo quyết định phê duyệt, chúng tôi đề nghị TP quan tâm đến việc quản lý Lễ hội Gióng ở xã Phù Đổng, bởi đây là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cụ thể, để bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa thế giới và quốc gia, chúng tôi đề nghị UBND TP xem xét thành lập Trung tâm quản lý di tích Phù Đổng để có quy chế, nhân sự quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Ngoài ra, cần đưa một số điểm di tích đặc biệt của Gia Lâm vào danh sách tour du lịch trên địa bàn TP để phát huy tiềm năng kinh tế làng nghề và quảng bá văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Kinh tế đô thị