Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) là một trong hai chợ nổi nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ (chợ nổi Phụng Hiệp - Cần Thơ và chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang), có từ khoảng thế kỷ XVIII. Chợ nằm ở nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang, nơi được hình thành bởi cù lao Tân Phong, xưa là Cồn Cù, thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ (hợp thành bởi 6 hòn đảo xinh xắn có tổng diện tích 2.430 ha). Tân Phong như hòn ngọc xanh giữa dòng sông Tiền đầy ắp phù sa, nổi tiếng với những vườn chôm chôm quả to và ngọt.
Chúng tôi có mặt tại chợ nổi Cái Bè lúc 4 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 10. Vào thời điểm này, đã có nhiều ghe thuyền tấp nập đến đây mua bán. Nhiều ánh đèn bình sáng chói quét dọc, quét ngang để đón những nhà vườn đem hàng hóa ra bán. Thậm chí, có những chủ ghe ở xa đến từ chiều hôm trước. Theo các cụ cao niên, chợ nổi nhóm họp từ 2 giờ đến 8 giờ sáng với khoảng 400 đến 500 thuyền đầy ắp các loại trái cây neo dọc hai bên sông chờ thương lái đến cất hàng, cũng như các ghe thuyền từ các miệt vườn xa xôi đến đây mua và bán hàng. Các mặt hàng ở đây rất đa dạng và phong phú, từ hàng nông sản đến đồ dùng gia đình. Từ đây, hàng hóa được đưa lên các chợ trên đất liền, sang lại cho các ghe, tàu nhỏ hoặc phân phối dọc theo các dòng kênh,sông chằng chịt của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn những thương lái sống nhờ sông nước này gắn bó với ghe tàu như những ngôi nhà di động và chợ nổi Cái Bè như một phần không thể tách rời cuộc sống của họ.
Ông Trần Văn Trung, 60 tuổi, buôn bán ở chợ Mỏ Cày (Bến Tre) cho biết, cứ cách 2 ngày ông cùng con trai đến chợ nổi mua bắp cải, củ cải, cà rốt, sắn chở trên chiếc ghe tải trọng 4 tấn về chợ Mỏ Cày bỏ mối lại cho các chủ vựa. Mỗi chuyến đi như thế, sau khi trừ chi phí ông Trung lãi hơn 300 ngàn đồng. Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Tính, buôn bán ở chợ Cần Giuộc (Long An), có 2 đời đến mua bán tại chợ nổi này. Cứ 4 ngày, anh lại đến chợ nổi mua các loại trái cây như bưởi, cam, quýt, chôm chôm, chuối,... về bán lẻ tại chợ Cần Giuộc. Theo các thương lái, sở dĩ họ đến đây mua vì hàng hóa nhiều, đa dạng, rẻ, lại thuận tiện trong việc vận chuyển. Chợ nổi không chỉ giúp thương lái mua giá rẻ, hàng tươi, mà còn giúp các nhà vườn bán trái cây được giá. Cứ mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Bé, ở ấp 6, xã Hội Xuân (Cai Lậy - Tiền Giang) lại chở quýt, mít, cam, bưởi ra chợ nổi bán, vì chị cho rằng thương lái đến tận nơi mua với giá rất thấp. Cũng như nhiều nhà vườn khác, chị tự sắm ghe và chở hàng đến chợ nổi bán, bình quân mỗi ngày 1 tấn, tăng hơn 200 ngàn đồng so với bán tại vườn. Chợ nổi Cái Bè còn mang lại thu nhập đáng kể cho những người bán nước giải khát, hủ tiếu, phở, cơm phục vụ khách hàng. Cô Trần Thị Cúc (58 tuổi), ở khu phố 2, thị trấn Cái Bè, đã có trên 30 năm trong nghề bán nước giải khát trên sông này. Cô Cúc vốn quê ở huyện Ba Tri (Bến Tre), rồi theo chồng về thị trấn Cái Bè. Tại đây, hai vợ chồng không có công ăn việc làm phải đi làm thuê, vác mướn hàng hóa cho những hộ kinh doanh khác. Nhận thấy Chợ Nổi có thể sinh sống được, cô Cúc vay tiền mua một chiếc xuồng ba lá để bán nước giải khát. Với giá bình dân, 3.500 đồng/bịt nước cà phê đá, 3.000 đồng/bịt sữa đậu nành mỗi ngày chỉ 4 tiếng đồng hồ (từ 4 giờ đến 8 giờ) cô thu lãi hơn 100 ngàn đồng. Cũng từ nghề nước bán nước giải khát ở chợ nổi này, cô đã nuôi 8 người con ăn học thành tài. Còn anh Nguyễn Văn Năm, hay gọi anh Bé Năm, cũng có 15 năm trong nghề bán bánh canh, phở, hủ tiếu, cho biết gia đình anh sống cũng nhờ có cái chợ này. Trông dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát, lại thêm trò mời mọc có duyên, mỗi ngày anh Bé Năm cũng lãi được gần 200 ngàn đồng nhờ các món bánh canh, hủ tiếu đã trở nên quen thuộc với giới thương lái. Chợ nổi Cái Bè mang nét duyên của miền quê, thuần chất miệt vườn, dân dã mà không kém phần lãng mạn, vì thế đã Sở Thương mại - Du lịch Tiền Giang đưa vào tour du lịch của tỉnh. Nơi đây mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Được biết, Sở Thương mại - Du lịch Tiền Giang đang có dự án mở rộng chợ nổi Cái Bè, nhằm phát triển hơn nữa thế mạnh của tour du lịch này. Khách phương xa có dịp về Tiền Giang, đến Chợ nổi Cái Bè mới thấy thú vị khi khám phá những điều mới lạ của chốn sông nước miền Tây Nam bộ.
THANH BÌNH