Cập nhật 10/09/2014 13:14:15(GMT+7)
Hotline Hà Nội: 0913.466.466 - HCM: 0903.904.496

Thanh Hóa: Quần thể di tích Đa Bút đang dần thành phế tích

Thứ tư, 30/07/2014 18:17:21(GMT+7)
(congluan.vn) - Là một trong 26 di tích vệ tinh trọng điểm của huyện Vĩnh Lộc, thế nhưng quần thể di tích Đa Bút (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) gồm Lăng mộ Thái Phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm và khu rồng đá đang bị quên lãng, có nguy cơ trở thành phế tích.
 
Di tích… “hoang”?
 
Có mặt tại quần thể di tích Đa Bút theo sự chỉ dẫn của cán bộ Văn hóa Phạm Trọng Đức, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước những gì đang hiện hữu. Trước mắt chúng tôi, khu Đền thờ bà Chúa (tức đền thờ Thái Phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm, vợ chúa Trịnh Doanh và là mẹ chúa Trịnh Sâm) nằm trong quần thể di tích Đa Bút bị xuống cấp trầm trọng.
 
 
 
 
 
Khu đền thờ bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Diễm
 
Tương truyền Thái Phi Ngọc Diễm là người uyên bác, bà lập ra Ngũ quy (5 quy định chấn hưng đất nước) vì thế bà được tôn xưng là bậc thánh mẫu. Ghi nhớ công ơn, lúc bà qua đời, nhân dân địa phương đã lập đền thờ. Điểm nhấn của khu đền là 12 tượng vũ sỹ, tất cả đều được tạc bằng đá nguyên khối, xanh sẫm, đứng nghiêm trang, kính cẩn thành 2 hàng, mỗi bên có 6 pho, phía cuối mỗi pho có 2 phỗng đá ở tư thế chầu đợi lệnh… Kiến trúc điêu khắc này thể hiện sự tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc thời Lê- Trịnh. Song cho đến thời điểm hiện tại, những pho tượng này vẫn đứng trơ trọi, dãi nắng, dầm mưa, khiến màu tượng đá bị nhạt dần theo thời gian. Chiếc sân nhỏ nhuốm màu rêu phong đang dần xuống cấp. Xung quanh Đền chưa có khuôn viên, cây cối 2 bên thưa thớt, lộn xộn.
 
Cùng nằm trong khu Đền thờ bà Chúa là chiếc áo quan của bà. Người làng Đa Bút kể lại rằng: “Trước kia chiếc áo quan của Bà Chúa được nằm lưng chừng núi Mông Cù, song 10 năm trước, có kẻ hám bạc vàng đã đào trộm mộ. Chúng lấy đi cánh tay trái của bà cùng với số bạc vàng, châu báu, lụa là, gấm vóc. Người dân xót thương nên đã mua chiếc áo quan khác đặt hình hài của bà và chôn lại trên núi Mông Cù. Còn chiếc quan cũ, người dân mang về thờ vọng tại khu Đền thờ của bà dưới chân núi”. Chiếc áo quan sơn son thếp vàng của Quốc Mẫu Ngọc Diễm được thờ vọng sơ sài trong một chiếc chòi nhỏ bên phía tay trái khu đền. Trên chòi có che vài tấm ngói bằng xi măng, chỉ cần một cơn mưa cũng có thể làm quan ướt, và nếu bão đến thì mái chòi bị lật tung.
 
 
 
 
 
Tượng Vũ Sỹ đứng canh gác giác trước đền bà Chúa,
ngày càng cũ kỹ vì sự tác động của tự nhiên.
 
Men theo con đường nhỏ, chúng tôi tìm đến khu rồng đá (sử sách ghi là Hành cung của nhà Trịnh). Hành cung gồm 6 con rồng đá được tạo khắc tinh xảo và xếp thành 3 bậc theo kiểu tam cấp. Bậc thứ nhất là hai con rồng nằm chầu theo lối bậc trước sân, tiếp theo chừng 5m phía trên là 1 hàng 4 con rồng nằm song song theo hướng đồng trục. Chúng tôi không tin vào những gì đang chứng kiến về khu di tích, cây cối mọc ùm tùm hết lối đi. Ngay cạnh đó, một bát hương nhỏ đặt trên phiến đá chỉ còn sót lại vài que hương nhạt màu, cũ kỹ.
 
Quần thể di tích khu tượng đá Đa Bút đã được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh từ năm 1998, tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có con đường chính thức để đi vào Đền. Người dân địa phương, khách tham quan muốn vào bái lễ đều phải đi qua vườn của gia đình ông Nam.
 
Cần được bảo vệ khẩn cấp
 
Ông Tống Hùng Nam (làng Đa Bút – Vĩnh Lộc) là người trực tiếp trông coi khu đền chia sẻ: “Khu đền trước nằm trong khu ruộng hoang sau khi tôi lên đây ở thì phát cỏ, dọn cây làm lại vườn tược. Tôi cùng với một số người trong địa phương, bạn bè, đồng đội đóng góp tôn tạo, trùng tu khu đền. Mặc dù được người dân trong vùng tu sửa, chỉnh trang nhưng hiện tại khu đền vẫn còn hoang sơ và ngày càng xuống cấp”.
 
Quần thể di tích Đa Bút không chỉ có những tác phẩm điêu khắc minh chứng độ tuyệt mỹ của nghệ thuật tạo hình độc đáo mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử. Nhưng dường như khu di tích này đang rơi vào quên lãng khi: “Nguồn vốn một năm chỉ được 1 đến 2 khu di tích được trùng tu, tôn tạo với số tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng trên một khu di tích và nguồn kinh phí tôn tạo nhiều hay ít còn tùy vào mức độ xuống cấp của di tích” - Bà Đỗ Thị Loan - Phó phòng văn hóa huyện Vĩnh Lộc cho biết.
 
 
 
 
 
Khu rồng đá đang bị cây cối xung quanh che lấp
 
Theo như thông tin được cung cấp từ bà Loan thì mỗi năm có 1 đến 2 di tích được trùng tu, tôn tạo, và theo cách tính thông thường thì chỉ cần 5 đến 15 năm quần thể tượng đá Đa Bút sẽ có tên trong danh sách được trùng tu, tu sửa. Hơn thế, đây là 1 trong 26 khu di tích, danh lam thắng cảnh trọng điểm của huyện Vĩnh Lộc, vậy tại sao đã 16 năm ròng rã khu di tích này vẫn chưa được nhắc tên? Chúng tôi đem thắc mắc này đến trao đổi với Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân - ông Phạm Hùng Toan và được biết: “Xã đã có tờ trình về việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích”. Thế nhưng, trong khi trao đổi với bà Loan, bà lại khẳng định: “Cho đến thời điểm hiện tại, UBND xã Vĩnh Tân chưa hề có tờ trình nào về việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích”.
 
Quần thể di tích đền Bà Chúa với 12 pho tượng vũ sỹ và khu Hành cung nhà Trịnh đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Để quần thể di tích không rơi vào quên lãng và nguy cơ trở thành phế tích thì các cơ quan chức năng cần sớm có sự vào cuộc.
 
  • Phương Thảo - Hồng Hạnh
Ý kiến bạn đọc (0/0)
Sau bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu phen vùng dậy quật cường, khát vọn...
Không chỉ được một vĩ nhân, một trí tuệ mẫn tiệp, một nhân cách Việt ...
Câu chuyện về casino lại tiếp tục nóng lên tuần qua khi dự thảo nghị ...
Thông tin một bảo mẫu chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) bị công an bắt vì ...
Một vòng ngắm đồng hồ cả thế giới tại Hong Kong Watch and Clock Fair 2014

Giấy phép hoạt động báo điện tử trên Internet số 1742/GP - BTTTT Hà Nội, ngày 08/12/2009
Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Niên.
Tòa soạn: Tòa nhà Hội Nhà Báo Việt Nam. Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại/Fax: 84-4-36647576
CQĐD phía Nam: 226/23 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, TP.HCM.
Điện thoại/Fax: 84-8-38373440
Email: baodientu.congluan@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 0903904496
© Copyright 2014 VietNamNet ICOM