Thứ bẩy, 11/10/2014
Thống kê truy cập

Trong ngày  :

22704

Đã truy cập :

19870294
Tin tức sự kiện - Nét văn hóa kinh bắc

Đình Diềm 10/05/2013 3:08:29 CH

(BNP) – “Thứ nhất là đình Đông Khan, Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”.

Đình Diềm thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, miền quê Quan họ nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa. Tuy không được xếp lên hàng đầu các đình Kinh Bắc, nhưng nó đã làm vẻ vang cho cả làng cả xứ.
 
Đình xưa có 7 gian, nhưng khi thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nó chỉ còn lại 5 gian như hiện nay.
 
Tòa đại đình 4 mái, đao cong, lòng rộng, tạo cho bên trong một không gian thoáng rộng, 4 cột cái cao to lực lưỡng rất khỏe chu vi tới 2,14m là những cây trụ chính của cả khung nhà.
 
Trừ 4 đầu dư đỡ hai câu đầu ở gian giữa có chạm những hình rồng và mây nét mác, còn tất cả mọi thành phần của khung nhà đều chỉ bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ chạy thẳng. Bụng câu đầu còn ghi khắc rõ niên đại xây dựng vào năm Nhâm Thân (1692)
 
Nghệ thuật chạm khắc ở đình Diềm chủ yếu tập trung nơi cửa võng và trên chiếc nhang án thờ. Toàn bộ cửa võng thếp vàng rực rỡ không một mảng trơn trống, từng điện nhỏ đều được trang trí kỹ lưỡng nổi bật lên, thu hút sự chú ý của mọi người ngay từ phút đầu mới đến, hầu hết các đình làng đều có cửa võng, nhưng hiếm thấy bức cửa võng đẹp như cửa võng đình Diềm.
 
Bức cửa võng này chạy dài suốt từ thượng lương ở trên độ cao 7m xuống tận nền đình, gồm 4 tầng lớp thấp dần và lui dần cho đến giáp hai cột cái bên trong. Tầng nào cũng được chạm khắc tinh tế với nhiều hình khối nghệ thuật, biểu tượng tứ linh (long, li, quy, phượng) và những đề tài nghệ thuật mang tính chất vị nhân sinh cao đẹp. Đó là những hình tượng nghệ thuật dân gian đề cao cuộc sống của con người lao động và tinh thần dân chủ, vạch trần cuộc sống đồi trụy của tầng lớp thống trị, và do đó hạ thấp uy quyền của giai cấp phong kiến . Nghệ thuật và nội dung thể hiện trên bức cửa võng đình Diềm góp phần minh chứng rằng nhân dân lao động đương thời đã có ý thức mạnh mẽ về quyền sống và quyền dân chủ của mình, do đó đã đấu tranh chống sự kìm hãm của chế độ phong kiến, phát huy tinh thần sáng tạo đưa nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian đến một trình độ cao.
 
Phía trong cửa cấm đình Diềm có một chiếc nhang án mà giá trị của nó về một số mặt cũng không thua kém bức cửa võng tuyệt đẹp này.
 
Nhang án sơn son thếp vàng rực rỡ, có khối tổng hợp, chân quỳ chạm hình rồng. Trừ mặt sau đơn giản, còn ba mặt kia đều có hai tầng diềm được trang trí bằng nhiều hình chạm đẹp. Mặt trước, tầng dưới, trong bố cục dạ cá, nghệ sỹ chạm thủng đôi rồng chầu mặt nguyệt rất sinh động. Tầng trên chạm nổi đôi rồng chầu vào bông hoa bốn cánh, toàn thân phủ đầy những cụm mây mác nhọn nhanh bốc chéo lên: Hai mặt bên nhang án, tầng trên chạm thủng đôi nghê mặt rồng bước lên ngóc đầu vào mặt trời. Còn tầng nữa chạm nổi lá cách điệu thành dạ cá. Ván bưng thân nhang án ở cả ba mặt, hai mặt bên chia ra ba ô đều chạm hoa, còn mặt trước chia ra bảy ô chạm rồng, nghê ngồi trên sập, phượng đậu trên lưng rùa. Tai nhang án ở hai bên là ván chạm thủng đôi nghê chầu mặt trời, còn ván ở phía trước trạm 4 con rồng chầu vào vòng sáng nhọn đầu của chữ “phúc”. Các hình chạm khắc cũng giống như ở cửa võng có cả hình tượng các cô thôn nữ xinh đẹp về phục trang duyên dáng yểu điệu trong cử chỉ, tâm hồn lạc quan. Đó là những tài liệu vô cùng quý giá chân thực về cuộc sống của cha ông ta từ thế kỷ thứ XVII.
 
Trên ban thờ đình Diềm còn có đôi phỗng cũng là những tác phẩm nghệ thuật trong thể loại tượng tròn đẹp.
 
Ngoài ra, ở đình Diềm ta còn thấy một số đồ thờ khác cũng mang tâm hồn của những người nghệ sỹ dân gian, là những mỹ thuật thủ công.
 
Cuối cùng góp vào sự vẻ vang của đình Diềm còn những câu đối, đại tự đều được sơn thếp công phu, nội dung cô đọng mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.
 
Đình làng Diềm một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ mà đặc sắc con người nơi đây từ lâu đã biết phát huy tác dụng giáo dục của nó. Khác với rất nhiều đình là ở đây từ gần 300 năm trước, dân làng đã cử ra những cô gái duyên dáng nhất, xinh đẹp nhất và lịch thiệp nhất cho vào đình làng, ngự trên những vị trí quan trọng nhất để đón khách, mời nước mời trầu. Đó cũng là nét đẹp độc đáo trong quan hệ xã hội ứng xử giao tiếp của người Quan họ làng Diềm.
 
Đình Diềm được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1964, đến nay nó ngày càng được nhân dân địa phương tu bổ tôn tạo đẹp hơn.


Tổng hợp: ST