Đền Trần là tên gọi chung của một quần thể di tích văn hóa lịch sử nằm trên vùng đất của nhà Trần ở ngoại thành Nam Định, gồm có: Đền Thiên Trường, đền Cổ Trạch, Chùa Tháp – Phổ Minh và đền Bảo Lộc.
Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần được khởi dựng từ thời Hậu Lê. Chùa Tháp – Phổ Minh – một công trình văn hóa độc đáo, được xây dựng từ thời Lý sang thời Trần sửa lại, có tượng vua Trần Nhân Tông. Đền Cổ Trạch xây dựng từ thời Nguyễn, nằm liền với đền Thiên Trường và chùa Tháp – Phổ Minh. Đền Bảo Lộc cách xa khu này hơn 2km, nằm trên thôn Bảo Lộc, nơi lập ấp của An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo, được tôn tạo nâng cấp vào đầu thế kỉ XX.
Dâng lễ Đền Trần tỉnh Nam Định. Ảnh IT
Hai đền ở hai nơi trong một quần thể di tích văn hóa lịch sử, nhưng đặc biệt cả hai đền Cổ Trạch và Bảo Lộc đều thờ Hưng Đạo Vương. Vào dịp lễ hội Đền Trần hằng năm, khách thập phương đến dự hội, dâng hương. Ai chưa đến được cả hai đền này coi như chưa trọn vẹn. Riêng đền Bảo Lộc mà nhân dân địa phương còn gọi là đền Đức Thánh Trần, khách thập phương không chỉ đến lễ vào ngày hội. Cả năm trong đền đều nghi ngút khói hương.
Phải đến cả hai đền Cổ Trạch và Bảo Lộc mới thấy được sự khác biệt và nét độc đáo ở hai đền này. Đền Cổ Trạch tọa lạc bên đền Thiên Trường nên cũng giống như Thiên Trường, thờ 14 vị vua Trần. Cổ Trạch không có tượng mà chỉ có bài vị. Ở đền Bảo Lộc, ngoài các bài vị thờ thân phụ, thân mẫu, phu nhân, các con trai, con rể, thầy dạy chữ, thầy dạy binh pháp và các tướng vốn là gia nô của Trần Hưng Đạo, như ở đền Cổ Trạch song còn có hai bức tượng chân dung, một bằng đồng, một bằng gỗ của Người.
Đến đền Bảo Lộc, thật cảm kích thấy ở gian chính hậu cung bên phải tượng Hưng Đạo Vương là tượng thầy dạy chữ, bên trái là thầy dạy binh pháp cho Người. Rồi cả Yết Kiêu và Dã Tượng vốn là gia nô, sau trở thành gia tướng cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập chiến công lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông cũng được thờ ở đền Quốc công Tiết chế. Thế mới biết đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” và tầm nhìn cao xa, biết trọng dụng nhân tài không phân đẳng cấp của Trần Hưng Đạo đã thấm sâu vào tiềm thức của dân tộc ta từ nhiều thế kỉ nay.
Hồng An