nam định - mảnh đất - con người
Chùa Keo Hành Thiện
Cập nhật lúc06:46, Thứ Hai, 30/09/2013 (GMT+7)

Chùa Keo Hành Thiện (chùa Thần Quang) nằm ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách thành phố Nam Định trên 30 km về phía Đông Nam.

Chùa Keo Hành Thiện là quần thể kiến trúc với 13 toà rộng, dẫy dài gần 121 gian nối tiếp nhau, soi bóng xuống mặt hồ.

Gác chuông trước cửa chùa cấu trúc kiểu tam quan nội 5 gian, chồng diêm, mái cong, bờ cánh kẻ bẩy uốn lượn. Phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên tảng chạm khắc hoa văn cánh sen nở. Phần trên, kết cấu theo kiểu chồng giường đỡ mái. Những mảng cuốn ở các vì và các then ngang, đố dọc mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Hai bên đường kiệu lát gạch, kế liền là hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế.

Tiền đường năm gian, mái cong, toà Đệ nhị ba gian, toà thờ Phật và ba toà sau thờ thánh tổ Thiền sư Không Lộ. Các đố lụa, khung bạo, con sơn, kẻ bẩy của từng toà nhà được chạm khắc tinh vi. Ba bộ cánh cửa gồm 10 cánh được chạm khắc thể hiện 10 đề tài khác nhau. Kỹ thuật chạm đường đạt tới trình độ cao với đề tài phong phú gồm: long cuốn thuỷ, ly ngậm ngọc, phượng ngậm cành hoa, tứ linh tứ quý, lá hoả đao mác, vân mây uốn lượn. Đặc biệt, chạm khắc hình rồng ở các kiến trúc trung tâm rất đa dạng, con rồng lúc ẩn lúc hiện với các trạng thái khác nhau với đường nét khắc hoạ tinh vi, sắc sảo.

Sau toà thờ Phật là đền Thánh thờ thiền sư Không Lộ với ba toà quy mô, chạm khắc hoa văn công phu và đẹp. Tượng thiền sư uy nghiêm siêu thoát. Cuối cùng là 10 gian nhà tổ, nhà oản nối liền với tường cao bao bọc, góp phần tạo nên sự thâm nghiêm, u tịch của cảnh chùa. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ những di vật cổ có giá trị của thế kỷ XVII thời Hậu Lê như án thư, sập thờ, tượng pháp, chuông khánh, văn bia, hoành phi, câu đối và sách chữ Hán nói về lịch sử chùa Keo.

Quang cảnh chùa Keo Hành Thiện từ trong nhìn ra.
Quang cảnh chùa Keo Hành Thiện từ trong nhìn ra.

Kể từ ngày khởi dựng, chùa Keo Hành Thiện đã được tu sửa nhiều lần vào các năm: Hoằng Định thứ 13 (1612), Cảnh Trị thứ 9 (1671), Chính Hoà thứ 25 (1704), Thành Thái thứ 7 (1896). Năm 1962, chùa Keo được nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hoá.

Hàng năm, chùa mở hội hai lần. Đó là hội Xuân vào dịp Tết nguyên đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13, 14, 15 để kỷ niệm ngày sinh của Thánh tổ Không Lộ. Hội xuân gồm các trò chơi bắt vịt, thi ném pháo thi nấu cơm và các hình thức văn nghệ dân gian khác.Hội tháng 9 được tổ chức trọng thể. Ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính chất tôn giáo, hội tháng 9 còn là nơi hội tụ của những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp. Tổ chức bơi chải từ ngày 10-9 đến hết hội. Chính vì vậy, vào ngày hội, nhân dân không những trong vùng mà cả trong Nam ngoài Bắc đều nô nức kéo về dự.

Theo: Di tích Lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định

,
,
.
,
,
,
,