Về chợ nổi Trà Ôn những ngày này không khỏi chạnh lòng, khi chỉ có ghe xuồng lưa thưa mua bán. Cái chợ nổi sôi động bao nhiêu hồi chục năm về trước thì nay quạnh hiu bấy nhiêu và như đang bị... “chìm” dần.
Chợ nổi đang... “chìm”?
Đầu tháng 8/2012, chúng tôi đến chợ nổi Trà Ôn, kẻ bán người mua chỉ hoạt động từ hừng đông đến khoảng 9 giờ sáng. Buồn cho cái chợ nổi bây giờ, cô Bé Sáu (ở xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn ) nói, hồi đó 10 phần bây giờ giảm chỉ còn 2. Họp chợ theo con nước lớn, nhưng vào lúc đông nhất tổng hết các ghe hàng thì có khoảng chừng 30 chiếc.
Ghe khoai lang của cô Bé Sáu khoảng 9 tấn, chỉ dám lấy hàng có nửa ghe vì cả ngày có khi bán chưa được 500kg. Rồi từ khoảng 9 giờ sáng tới chiều là... ngủ luôn. “Bến Sóc Tro sáng sớm bạn hàng cũng đem ra chợ nổi này bán, nhưng ít lắm”- cô Sáu chặc lưỡi cho biết.
Những năm trước, có khoảng 200 ghe mua bán vô đặc hết một khúc sông. Ghe bán củ sắn, khoai lang, cá mắm,... mỗi thứ 30- 40 ghe. Các nơi khác như Hựu Thành, Tam Bình, Long Hồ, Mang Thít và ở tận TP Hồ Chí Minh,… lại đây lấy hàng tấp nập. Ngoài những gian hàng bán đủ các loại thì có cả những chiếc xuồng, ghe chở hủ tiếu, bún riêu, nước uống,... phục vụ rất là xôm tụ. Còn bây giờ, cảnh mua bán ế ẩm quá nên cái gì cũng giảm.
“Nếu hồi đó đi mỗi chuyến bán chừng 2 ngày là hết thì bây giờ bán 7 ngày, có khi 10 ngày mới hết. Ở Tam Bình, Long Hồ,… trước ra đây mua bằng ghe, còn bây giờ họ chuyển qua mua bán bằng xe luôn,...”- cô Bé Sáu nói.
Chị Trang là dân Lục Sĩ Thành, đi ghe củ sắn cả chục tấn ở chợ nổi Trà Ôn cho biết: Chợ nổi Cái Răng bây giờ sung hơn nhiều, đông dữ lắm, bán đầy đủ các mặt hàng. Bạn bè chị đã gom về Cái Răng hết rồi, chỉ còn lại mấy anh em ở địa phương này ở cái chợ này thôi.
Đã 29 năm mua bán trên sông nước chợ nổi này, bác Tư Chiếm (phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) nói giọng buồn rầu: “Tui thấy chợ ở đây càng ngày càng hiu, bán để cầm hơi thôi”. Bác Tư Chiếm thì còn bạn hàng, mối mang nhiều năm nay nên không nỡ bỏ, nhưng tương lai chắc sẽ đi qua chợ nổi Cái Răng. Qua đó, bác thừa nhận chắc là phải chịu vất vả cỡ 1- 2 năm mới có được mối mang: “Ở đây không đi vì vợ chồng lớn tuổi rồi, quen nước quen cái”. Cô Bé Sáu tâm sự: “Nghề này cực khổ lắm, nhưng anh em sông nước mà không gặp nhau buồn lắm, sóng gió cũng chịu,…”.
Vì đâu nên nỗi?
Buồn. Đó là điểm chung của những tiểu thương còn bám trụ nơi đây qua hàng chục năm bồng bềnh theo con nước, nhiều bạn hàng đã tâm sự với chúng tôi về nỗi lo cho cái chợ lâu đời ở vùng ĐBSCL sẽ… không còn “nổi” nữa.
Mặt đăm chiêu, cô Bé Sáu nói: Bây giờ buôn bán ế ẩm, càng ngày càng khó, tiểu thương dẫn nhau đi lần lần. Cái chợ hồi nào nhộn nhịp, xôm tụ giờ vắng hoe.
Chợ nổi Trà Ôn giờ hẩm hiu, cao điểm nhất cũng chỉ 20- 30 ghe buôn bán.
Nghe hỏi nguyên nhân tại sao, cô Bé Sáu nói thẳng: “Tui sống ở chợ hơn 20 năm trời mà không thấy ở đâu như vậy. Nếu góp phí bến bãi đậu thì chỉ góp ghe bán không góp ghe mua. Còn ở đây góp luôn ghe mua, ghe bán. Nhiều người hết muốn tới mua”. Nhiều ghe cho hay, bán không lời nhiều nhưng phí chợ 10- 20 ngàn đồng/ghe, nghe nói còn lên 40 ngàn/chuyến, nên ai cũng ngán. Nhiều người lại sợ cảnh sát giao thông thủy phạt nặng, nên ít dám neo ghe. Cũng không phải tự nhiên bị phạt, theo chị Trang, mấy ghe đậu thì muốn “lấn lấn lên phía trên” để bán buôn dễ hơn. Nhưng lấn luồng tuyến là có thể bị phạt tới cả triệu đồng, nên ai cũng sợ.
Rít điếu thuốc, bác Tư Chiếm nói nửa đùa nửa thật: “Cầu Cần Thơ và cầu Trà Ôn lần lượt đem niềm vui đến bao người nhưng cũng mang nỗi lo đến với anh em chúng tôi. Cầu chưa có thì còn đỡ, giờ có cầu, có thêm đường Nam Sông Hậu mở ra, bạn hàng ở Cầu Kè, Long Phú, nơi các mối hàng hồi xưa đã chạy xe thẳng xuống Cái Răng mua, chứ không mua ở đây nữa,...”
Chợ nổi Trà Ôn ngày càng vắng vẻ. Rồi sẽ mất đi nét sinh hoạt văn hóa, giao thương của người dân vùng sông nước ĐBSCL... ?
Bài, ảnh: TẤN ANH – MINH THÁI
|