Hùng Linh Công
Hùng Linh Công là cháu ruột Vua Hùng, một danh tướng thuộc đời Hùng Vương thứ sáu (1718 - 1631 TCN)[1], ông được vua trao cho kim đao và 3 vạn binh mã đi tiên phong cùng với Thánh Gióng đánh tan giặc Ân. Ông được vua Hùng giao cho cai quản xứ Kinh Bắc, ông cũng có công trừ hổ để giữ cuộc sống an bình cho dân. Ông sinh ra và mất trên đất Hiệp Hòa, Bắc Giang và được thờ ở Đền IA[2] khoảng 3700 năm nay.
Mục lục
Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]
Tiểu sử chi tiết về Thánh Hùng Linh Công được ghi trong cuốn Ngọc phả quốc lục. Cuốn sách còn lưu lại tại Đền IA (tức Đền Y Sơn) thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bỉnh phụng soạn vào niên hiệu Hồng Phúc, triều đại Sùng Khang năm Nhâm Thân (1572). Đến niên hiệu Vĩnh Hựu thứ ba, triều đại Lê Y Tông (Duy Thận) năm Đinh Tỵ (1737), Hồng Lĩnh thiếu khanh thuộc Quản giám bách thần tri điện là thần Nguyễn Hiền Mại căn cứ vào bản của triều trước chép lại. Toàn bộ cuốn Ngọc phả quốc lục về Y Sơn linh tích được khắc trên hai mặt bia đá (mặt tiền và mặt hậu) hiện còn dựng trong Đền IA, bia dựng năm Bính Thìn 1856 niên hiệu Tự Đức năm thứ 9, triều đại Nguyễn Dực Tông (Hồng Nhậm).
Sau khi cuốn Ngọc phả quốc lục ra đời, 13 triều đại sau đó từ 1660 - 1925 đã có 21 đạo sắc phong cho Hùng Linh Công (hiện vẫn còn lưu giữ tại Đền IA). Nhiều đạo sắc phong có độ dài gần 300 từ.
Toàn văn Ngọc phả quốc lục[3][sửa | sửa mã nguồn]
1. Theo Ngọc phả quốc lục về Linh tích Y Sơn, Huy chính công thần, cháu của Hùng Vương (cũng là Sơn thần nhạc phủ thứ ba).
2. Xưa, tiền triều hoàng đế, thiên nam đại bảo, thánh tổ sơn nguyên Hùng Vương khởi nghiệp thủy tổ Việt Nam đi mở nước.
3. Cổ xưa 18 đời thánh vương huyền thoại, ngự trị trời nam sáng lập ra nước Việt trên dòng nước trong xanh, gây vận thánh đế, vương minh trên vạn dặm, non cao đặt nền móng đô thành cung điện, mở cõi chăn dân thống nhất 15 bộ.
4. Tích kể rằng, thời Hùng Vương, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ lập làm chính cung. Âu Cơ mang thai 3 năm 30 ngày sinh một bọc có trăm trứng nở ra trăm người con. Thật là một điều lành, cả 100 con đều anh hùng lừng thế, dũng lược hơn người. Long Quân lập con trưởng làm Vua. Các con còn lại đều phong hầu chia ra các vùng cai quản. Thứ nhất Sơn Tây, thứ nhì Sơn Nam, thứ ba Hải Dương, thứ tư Kinh Bắc, thứ năm Ái Châu, thứ sáu Hoan Châu, thứ bảy Ô Châu, thứ tám Đôn Châu, thứ chín Tam Kỳ, thứ mười Hưng Hóa, thứ 11 Cao Bằng, thứ 12 Lương Sơn, thứ 13 Tuyên Quang, thứ 14 Quảng Tây, thứ 15 Quảng Đông.
5. Vua bảo Âu Cơ rằng, ta là nòi Rồng, nàng là giống Tiên hai bên Tý - Ngọ khác nhau, thủy hỏa xung khắc. Nay chia ra 50 con theo cha về biển lập Hải Đế, 50 con theo mẹ lên núi lập Sơn Thần. Cả hai đều có góc biển, chân trời trấn giữ một phương để trị vì gọi là chủ trị, dân gọi là bách tính, phong chức là bách thần, mãi mãi là con cháu Hùng Thị, giữ vững phên giậu, kế thừa nghiệp lớn muôn đời.
6. Vua trị quốc hơn 30 năm, giữ vững tông miếu tổ tiên, khắp nơi trong ngoài bái phục, thu phục hàng trăm vương đế nam bang, ngự trị hàng ngàn năm thánh điện Hùng Vương nam thiên tổ địa, cương thường trật tự vững bền lưu truyền vạn cổ. Lại lập thêm lăng cung điện miếu, con cháu nhỏ thuộc tôn phái hoàng gia chia đều để ở, đều hưởng lộc hương hỏa đời đời.
7. Đời Hậu Lê có thơ:
Việt Nam dựng nước tự vua Hùng
Đức sánh càn khôn mãi mãi cùng
Mười tám đời vua, dòng thánh triết
Một trăm quả trứng, giống tiên rồng
Hai ngàn năm lẻ, truyền thanh sử
Nước Việt xưa ghi, nét ngọc chương
Muôn thuở như còn đây chẳng tắt
Non sông lưu mãi tượng thơm chung
8. Lại nói đời thứ sáu thánh triều Tịnh Huy Vương đóng đô ở Việt địa, bên cạnh con sông lấy quốc hiệu là Văn Lang, lấy quốc đô là Phong Châu thành, lập ra đô tiền quy giám chuyên nghĩ việc dưỡng dân, yêu điều tín nghĩa, không ham vui chơi, trụy lạc, định ra hình phạt, binh thú đều hợp lòng người nên được dân tôn xưng là bậc vua hiền.
9. Lúc này trong nước cũng truyền tụng rằng ở vùng Kinh Bắc có một vị quan cai trị phụ đạo, họ Hùng húy Nhạc (thuộc dòng dõi Lạc Long là Sơn thần thứ tư của Vua cai quản vùng Kinh Bắc). Ngài lấy vợ người Hải Dương, họ Cao húy Tiên lập làm vợ cả. Khi Hùng Nhạc tuổi ngoại 60 thì Cao Tiên phu nhân tuổi ngoại 40. Cửa nhà sớm ứng ba bông lan xanh [ba cô con gái]. Nhưng trong nhà lại chưa có vết chân kỳ lân [tức con trai]. Hùng Nhạc vẫn chưa yên lòng. Vợ chồng trong lúc chuyện trò thường hay thở dài mà nghĩ thầm, vợ chồng nay tuổi đã cao mà chưa có con trai, nên hoặc giả có tấm lòng thành thì trời sẽ giáng phúc cho. Điều tâm sự nhân tình này thật khó xử phân. Vì thế từ đó hai ông bà đem của cải đi làm phúc, giúp đời làm việc nhân đức, những mong đèn trời soi sáng.
10. Một buổi thanh nhàn, gió trời mát mẻ, hai vợ chồng cử giá một đoàn về thăm mộ tổ tiên thuộc vùng Lạng Sơn. Khi cả đoàn đi đến chân núi, giáp liền với một con suối, nhìn ra một vùng cao nguyên bằng phẳng, núi non đẹp đẽ như bàn thạch. Dưới khe sâu cây cỏ um tùm. Đi hơn một ngày đường tới nơi núi hiểm, thâm sơn cùng cốc, tịnh không thấy bóng người qua lại. Đột nhiên nghe thấy có tiếng người xen lẫn tiếng chuông mõ ở phía bên phải. Nhìn sang thấy một con đường nhỏ ở chân núi cách chừng một khoảng rừng nữa. Cả hai vợ chồng trong lòng mừng rỡ, liền men theo con đường nhỏ, đi qua một ngọn núi thì thấy có một ngôi chùa nhỏ[4] ở dưới chân núi. Trong chùa có một người Man ngồi với một vị sư điểm chuông gõ mõ tụng kinh cầu đảo. Ông bà Hùng Nhạc đi thẳng vào chùa. Người Man thấy đoàn người lạ bèn hỏi Quan nhân là người đâu ta mà đến vãn cảnh tại nơi sâu thẳm giữa rừng này. Hùng Công trả lời Ta là người qua đường, rừng núi khó đi mà trời lại sắp tối, may mà nghe được tiếng chuông mõ để tìm đến đây, âu cũng là duyên kỳ ngộ. Vì đã bạt núi, mở đường để đến được đây, xin nghỉ lại một đêm. Người Man nghe xong bèn mời Hùng Công cùng gia nhân về nhà mình ở bên núi, cách chùa khoảng một khoảnh rừng. Còn ở chùa này là chốn linh thiêng không có chỗ để ngủ. Nói xong người Man vào hành lễ. Vợ chồng Hùng Công cũng vào làm lễ khẩn thiết đảo cầu cho sinh con trai nối dõi và xin ứng nghiệm nhanh chóng điềm lành ơn nhờ sức phù trợ của đức từ bi. Đọc lời chúc xong, Công đưa mắt nhìn lên bệ thờ, thấy một tượng gỗ, áo mũ cân đai tề chỉnh uy nghi. Lại thấy phía trước hoành phi đề bốn chữ đại tự Y Sơn tự hiệu.
11. Thấy vậy Hùng Công bèn đến trước người Man thi lễ, song cùng nhau về nhà người Man. Riêng Ngài xin lưu lại tại chùa để cầu mộng. Hùng Công nằm xuống phía dưới trước bệ thờ. Khoảng đầu canh hai thì mơ màng nghe như có tiếng người ghé sát vào tai ngâm bài thơ rằng:
Phúc đến lòng trời sai mách bảo
Ta sơn thần sẽ nhập đầu thai
Hùng Công đích thực hoàng gia phái
Đất nước chấn hưng phúc lộc dài
12. Nghe xong Hùng Công đột nhiên tỉnh dậy. Từ đó không sao ngủ lại được, chỉ mong trời chóng sáng. Cũng khoảng gà gáy canh ba, canh tư ở nhà người Man vợ Hùng Công cũng mơ màng thấy một người cao lớn, thân hơn mười thước, mũ ngọc, áo vàng, đai bạc cẩm bào, áo quần sặc sỡ từ trên đầu đi thẳng xuống chân trèo qua bụng phu nhân rồi đi ra cửa. Bất chợt phu nhân tỉnh giấc, định thần nghe ngóng, nhưng không thấy gì nữa.
13. Trời đã lờ mờ sáng, đột nhiên nghe có tiếng gọi phu nhân ngoài cửa. Phu nhân cùng người nhà chạy ra thì quả nhiên nghe như có tiếng của Hùng Công. Phu nhân và cả nhà bàng hoàng mở cửa ra thì không thấy người đó. Tìm theo dấu vết chỉ thấy có dấu chân rất lớn vừa đi qua. Mỗi dấu chân dài hơn một thước, không biết vết chân của ai mà to như vậy, chỉ mấy bước đã tới chùa. Phu nhân và người nhà mải lần theo dấu chân, đến chùa chỉ thấy Hùng Công mới ngủ dậy đang ngồi xếp bằng dưới bệ thờ Phật. Phu nhân bèn kể lại chuyện đó với Hùng Công. Tượng gỗ trên tòa tự nhiên vỡ ra. Hùng Công nói với phu nhân rằng Cứ nhìn khắc biết. Vật khả vật khả! Cẩn tai, cẩn tai! Đạo trời quả nhiên đem phúc cho ta.
14. Nói đoạn Hùng Công lấy vàng mang theo người đặt lên án tiền lễ tạ, rồi mời người Man đến giao lại và nói Ta là người qua đường, không có gì làm lễ. Nay thấy cảnh chùa bị gió dập mưa sa, ta có một hốt vàng góp phần công đức tu sửa chùa. Người Man kính thành nhận đồ lễ. Vợ chồng Hùng Công và đoàn gia nhân thu xếp ra đi. Hai ông bà tiếp tục thăm viếng phần một tổ tiên, rồi lại trở về trị sở (tức xứ Kinh Bắc).
15. Từ đó phu nhân trong lòng cảm động và đột nhiên thấy có thai. Sau 12 tháng, nhằm vào ngày 12 tháng 10 năm Đinh Hợi, tự nhiên nổi lên một trận gió cuốn, đất trời mù mịt, trong nhà tối sầm, mây đỏ đầy trời, gió thơm ngào ngạt. Đúng là lúc phu nhân sinh ra một cậu con trai, tay chân mập mạp, vóc dáng đường hoàng, hình dong tựa lân hổ, cốt cách tựa bách tùng. Cả cha, cả mẹ đều rất vui mừng yêu quý. Sinh được 100 ngày thì đặt tên là Hùng Linh Công.
16. Ngày qua tháng lại tựa tên bay. Nhật thăng, nguyệt giáng như bánh xe lăn, đứa bé ngày một trưởng thành. Năm 15 tuổi Hùng Linh Công đã cao 9 thước, râu hùm hàm én, mắt phượng mày ngài, đôi vai đỡ trăm cân rắn như đá, thực là mặt rồng râu hổ. Mới 17 tuổi đã có chòm râu dài 5 bộ đến tận rốn, đã tỏ ra là người thiên tư hiểu biết, bẩm tính thông minh, đức độ hơn người, tài năng lừng thế, bắt được mãnh hổ trên rừng, giết được giao long dưới biển, có thiên tài, thiên tướng, lại là bậc hoàng tử, hoàng tôn yêu quý, lại là người cử quốc giai xưng tột bậc.
17. Một buổi nhân lúc nhàn rỗi Vua gọi Linh Công vào triều để thử tài bổ nhiệm. Hùng Linh Công phụng mệnh vào chầu. Trước bệ rồng Linh Công đối đáp như nước chảy. Vua xuống chỉ giao cho Linh Công làm Bồ Thống. Được một năm lại đề cử làm Tướng quân nhạc phủ.
18. Lúc này khắp nơi thường có hổ dữ tác quái, gây hại dân gian. Vua bèn sai Linh Công đem quân vào nơi núi cao, rừng sâu để đánh bắt trừ diệt. Các doanh của quân Man quen thông thổ cũng xin nhập đoàn. Hùng Linh Công lĩnh 500 binh mã nhận lệnh lên đường. Quân của Linh Công đến giáp giới ngọn núi nào thì hổ dữ nơi ấy đều gầm gào ra tự phục. Công bắt sống chúng. Tất cả bốn phương rừng núi, chỉ sau 5 tháng hổ dữ đều bị bắt sống có tới ngoài 600 con đưa về Đại Man châu. Về đến nơi Linh Công đều phóng xá thả đi. Tất cả bọn chúng đều dập đầu bái lạy mà đi. Duy mãnh hổ phạm nhân đứng đầu, thì cả 5 con đều bị giải về kinh, tấu trình lên Vua. Vua truyền lệnh chặt đứt móng vuốt giam lại trong ngục phủ 5 năm sau mới được xá tội.
19. Từ đó nhà nhà, người người đều được yên ổn, không còn hoạn nạn gì nữa. Linh Công lại trở về Kinh Bắc sống vui vẻ vào ngày 10 tháng 5. Sau đó Vua phong cho Linh Công làm Thống quốc quân giám tả phụ, trông coi xứ Kinh Bắc. Từ đó thiên hạ thanh bình. Công lại vui thú săn bắn khắp núi sông trong vùng (tức xứ Kinh Bắc). Các quận huyện đều có bước chân Linh công. Một hôm Linh Công loan giá đi qua xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Hòa phủ Bắc Hà (sau đời Lê Đại Hành đổi thành xã Thù Sơn). Nhân dân các nơi Công đi qua đều đặt lễ, lập hành cung đón mừng. Công ngừng giá đi săn 10 ngày, để du ngoạn phong cảnh nơi đây, thăm thú dân tình, thưởng ngoạn cảnh quan hữu tình sơn thủy. Công thấy dân quê đôn hậu, chất phát, một giải sông Nguyệt [tức sông Cầu] bằng phẳng. Nơi dân ở phía bắc có chim, phượng, long, xà quần tụ. Các ngọn núi tả hữu như tinh kỳ tháp bút. Ngọn nào cũng phô ra thế loan hoàn thủy tụ. Phía trong lại có hoa nhũ đề huề. Công xem biết nơi đây là đất quý bèn nói với các bậc phụ lão và nhân dân địa phương [chỉ nhân dân xã Hiệp Hòa thời đó] rằng Ta nay là cha mẹ dân, nay ta quả nhiên muốn được đất cho dân, do vậy ta phải lập nhà riêng để vỗ về dân tình và lấy nơi nghỉ ngơi khi săn bắn. Nhân dân nghe Công nói vậy, cả mừng liền dựng nhà cho Công ở và làm nơi cung sở cho dân. Tuy nói vậy nhưng Công đâu dám rời xa nhiệm sở. Vì thế bèn nói với dân Ta nói với chúng dân như vậy, nhưng vì ta còn đương nhiệm triều chính, dám đâu vì vui thú săn bắn mà rời bỏ nhiệm vụ được. Cảm tạ các bậc phụ lão và chúng dân đã giúp đỡ. Ngay hôm đó Công trở về nhiệm sở.
20. Từ ngày Công đi, nhân dân trong vùng cảm thấy không yên ổn, dịch bệnh lan tràn. Ban đêm hổ thú, ong, rắn quần tụ về chính gian giữa mà kêu gào. Ban ngày rắn lớn nằm khoanh, ong bầy kéo về tụ tập. Thấy thế dân lập đàn hành lễ để tống quái, cầu đảo thiên quan. Ngay đêm ấy tất cả mọi người trong ba họ Nguyễn - Trần - Lê, không kể sang hèn đều mơ thấy binh lính, xe ngựa của Linh Công về cung sở (giống như khi ngài đi săn, nhân dân lập hành cung đón mừng). Người trách cứ nhân dân rằng Ta là Sơn Thần về cư trú ở đất này, cớ sao chúng dân không hề nghĩ tới. Đột nhiên tỉnh mộng, ai nấy đều sợ hãi, bèn biến báo mọi người bàn nhau biện lễ, đưa đến nhiệm sở của Linh Công nói rõ thảm trạng dân tình bệnh hoạn quái dị dường ấy, xin Linh Công cứu giúp và xin Công làm thần tử để lập miếu thờ (tức thờ sống). Linh Công nghe lời dân chúng (tức dân xã Hiệp Hòa) bèn cười mà nói rằng Đạo trời vô lượng. Ta chỉ nói vui lại hóa thành sự thật. Nếu sau này ta hóa, dân tất thờ thôi. Nhân dân tạ ơn trở về.
21. Từ đó dân tình yên ổn, bệnh tật tiêu tan, hổ thú, ong kiến tự tan. Ngay hôm sau (tức mùng 7 tháng giêng) nhân dân bèn lập đền thờ tại chỗ mà ngài đã xem là nơi đất quý.
22. Lại nói thời Ngài có thần tướng Thạch Linh của giặc Ân khởi binh từ phương Bắc vào xâm lược nước ta. Tinh kỳ của chúng rợp đất, chiêng trống huyên náo rầm trời. Tiếng quân giặc hò hét ngoài vạn dặm nghe như sấm rền. Vùng Lạng Giang - Kim Hoa xứ Kinh Bắc đều bị cướp phá. Quân giặc hùng mạnh lập tại ở dưới sông. Những chiếc thuyền của giặc đỗ san sát. Tướng sĩ của triều đình hao tổn nhiều, người người bó tay không dám đối địch. Thư cấp báo lên Vua ngày 5 - 6 lượt. Trước tình thế đó, Vua cho triệu Hùng Linh Công về triều để hỏi kế. Linh Công tâu rằng Vua sai tới đó không dám từ nan. Đất này đánh thì khó, giữ thì dễ vì dựa vào mép sông. Vua còn sợ không thành bởi do tại trời (Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên) nên lập đàn làm lễ khẩn cầu xin thiên địa bách thần cùng hộ quốc.
23. Cầu tế xong, liền sai Hùng Linh Công đem 3 vạn binh mã đi tiên phong cự chiến, cử làm Thống lĩnh Nhạc phủ tướng quân. Vua còn ban cho một thanh kim đao. Công vâng lệnh, bái tạ trước bệ rồng, xuất quân chỉ tiến. Khi đến đất Hiệp Hòa còn mộ thêm được 213 dân khỏe mạnh làm thủ túc. Linh Công bèn dừng giá trú quân tại đây (tức xã Hiệp Hòa, đến đời Lê Đại Hành đổi thành Thù Sơn), kiên trì giữ vững để bồi dưỡng binh sĩ chưa ra đánh vội.
24. Khi Linh Công vào đất này (tức xã Hiệp Hòa), Vua bèn lập đàn ở Long đình để tế trời đất. Ba ngày sau, bỗng dưng gió mưa đùng đùng, trời đất tối tăm thì thấy một ông già cao 9 thước xuất hiện. Vua kính mời vào phủ hỏi han việc chống giặc Ân thành bại thế nào, xin được chỉ giáo. Ông già quả quyết nói rằng Nếu cầu được bậc hiền tài thì giặc Ân sẽ bình được. Nói đoạn ông già cưỡi mây, vượt gió đi mất. Vua biết đó là Lạc Long Quân xuống để dạy bảo, phù hộ cháu con. Vua rất mừng, ngay hôm đó lệnh sứ giả đi cầu người tài trong thiên hạ. Khi đến làng Phù Đổng thuộc quận Vũ Ninh thì thấy nhà một phú ông sinh được một con trai lên 3 tuổi, tên gọi Thiết Xung Thần Vương, ăn uống thật to béo, chỉ hiềm nỗi không biết nói, biết cười. Khi sứ giả đến, mẹ chú bé bèn nói đùa, con ta có thể ăn uống khỏe mà không biết đánh giặc để nhận trọng trách trước triều đình, đặng báo đền ơn sâu bú mớm của mẹ. Đột nhiên chú bé bật ra tiếng nói bảo mẹ cho mời sứ giả vào. Thần Vương Thiết Xung nói với sứ giả rằng Người về tâu với nhà vua rèn cho ta một con ngựa sắt cao 10 thước, một cái búa sắt dài 10 thước, đem đến đây thì nhà vua không còn lo sợ gì nữa. Bà mẹ vui mừng khôn xiết. Sứ giả quay về tâu với Vua. Vua vô cùng mừng rỡ, lệnh lấy 50 cân sắt luyện thành ngựa sắt, roi sắt mang đến. Thần Vương được ngựa, vươn vai đứng dậy hét một tiếng rất to, giọng oang oang Ta là thiên tướng, rồi lên ngựa. Ngựa phi như bay. Đến An Vũ Ninh Sơn, khi ấy Hùng Linh Công đang lưu thủ tại đất Hiệp Hòa, thấy Thiên Vương Phù Đổng đến liền xuất binh tiếp ứng phía sau. Đến chân núi, các đạo quân hợp binh đánh một trận lớn. Đất trời mù mịt, giặc Ân tan vỡ bỏ chạy tán loạn. Linh Công cho quân đuổi bắt được vô số. Thiên Vương Phù Đổng bắt sống được tướng giặc là Thạch Linh liền đem giết. Roi sắt bị hỏng, Thiên Vương bèn nhổ cây bên đường quét sạch lũ giặc còn lại. Khi tới Sóc Sơn xã Vệ Linh - Kim Hoa thì bỏ áo lại, cưỡi ngựa bay về trời chỉ còn lại dấu chân ngựa ở Nham Sơn. Sau này Vua lập đền thờ ở đây, gọi là Đền Sóc Sơn.
25. Giặc tan, Hùng Linh Công thanh bình lui quân về xã Hiệp Hòa (nơi dưỡng binh trước khi cự chiến) thì dừng tại đấy. Nhằm vào ngày 8 tháng 8, đột nhiên nghe ba tiếng sét, trời đất mây mưa mù mịt, từ trên đỉnh núi đến đền Linh Công (đền thờ khi Ngài còn sống) đều tối đen. Binh sĩ, nhân dân sợ hãi, hoảng hốt chạy ra ngoài trời phủ phục cầu xin, thì thấy từ trong cung, Hùng Linh Công cưỡi trên con hổ đen, tay cầm thanh Kim đao từ từ bay lên, đến đầu núi thì biến (Núi này, trước đây ông bà Hùng Nhạc vào đến chân núi trông thấy ngôi chùa. Đêm cầu mộng tại ngôi chùa dưới chân núi này, Ngài mơ màng nghe có tiếng đọc thơ rồi sinh ra Hùng Linh Công).
26. Sau đó mây tan, mưa tạnh trời đất sáng sủa lại thì cũng là lúc Hùng Linh Công đã hóa (gọi là ngày Thánh hóa). Nhân dân lấy y chính cung lập thành đền để thờ cúng. Đồng thời làm biểu tấu lên Vua. Vua sai trăm quân đem sắc chỉ, mũ áo đến nơi làm lễ và truyền cho chúng dân tu sửa nơi đền miếu tế tự hương hỏa vô cùng, yên nghỉ cùng đất nước trường tồn thịnh vượng. Lại sắc phong mỹ tự Y Sơn linh tích đại vương. Đồng thời cho phép xã Hiệp Hòa [tức xã Thù Sơn ngày nay] là nơi sinh ra chú bé được phụng tế. Hàng năm xuân thu nhị kỳ sai trăm quan về tế lễ.
27. Lại nói đời Đông Hán - Ngô - Tấn - Tống - Tề khoảng 349 năm thì ở nước ta trải Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần bốn họ. Ý tưởng khai quốc, sáng lập bờ cõi thì thời nào cũng có những bậc anh linh hiền tài hộ quốc tý dân. Cho nên trải nhiều thời đại đế vương đều có sắc phong mỹ tự, hương hỏa vô cùng trường tồn cùng đất nước.
28. Thời Đinh Tiên Hoàng khai quốc đánh dẹp 12 sứ quân cát cứ. Khi Tiết chế tướng quân Nguyễn Bặc xuất binh thảo phạt sứ quân có đi qua Linh Công Từ tại xã Hiệp Hòa (lúc đó chưa đổi thành Thù Sơn) trông thấy ngôi đền nguy nga. Tiết chế liền dừng binh nghỉ lại trong đền. Giữa đêm thấy ong kiến kéo đàn vào đỗ đầy trong đền. Tiết chế cả sợ, vội làm lễ mật cầu. Đọc sớ thỉnh cầu rằng Quả thực được anh linh âm phù hộ quốc mà thảo phạt thành công, sau này tất khởi tấu Hoàng đế bảo phong mỹ tự Vạn cổ huyết thực vô cùng. Đọc sớ xong Tiết chế nằm ở phía dưới chính tẩm, đột nhiên mơ thấy một người mũ áo đường bệ, giáp sắt cẩm bào sáng ngời, tay cầm thanh kim đao. Tiết chế vội đứng dậy vái chào mà thưa rằng Ngài là vị quan nào đến đây. Ta là Sơn Thần con cháu Hùng gia. Nay thấy Đinh Tiên Hoàng khai quốc khởi vân, dẹp loạn sứ quân. Tướng quân trời Nam lại đến đây thỉnh cầu hộ quốc. Bởi vậy ta đến để hỗ trợ đánh dẹp. Tiết chế bừng tỉnh dậy, biết là mộng lành đã có sự hiển ứng, vội vàng hành lễ tạ. Sau đó Tiết chế tướng quân đem quân đánh một trận là bình định xong. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, Tiết chế tướng quân dâng biểu tấu trình, nhà Vua bèn bảo phong mỹ tự Vạn cổ phúc thần và quốc tế hàng năm xuân thu nhị kỳ.
29. Đến đời Lê Đại Hành tiến đánh quân Tống cũng đến đây cầu đảo, đều có linh ứng. Công cuộc giữ nước trừ gian đều tốt. Mỗi lần như vậy đều có truy phong mỹ tự.
30. Đời Lê Trang Tông có quan thái úy đại thần họ Nguyễn mấy lần tiến binh thảo trừ nhà Mạc cũng đều đến Linh Công Từ cầu đảo, đều có ứng nghiệm. Nên sau khi thảo phạt xong đất nước thanh bình lại bảo phong mỹ tự.
31. Đến niên hiệu Chính Hòa (tiều đại Lê Hy Tông - Duy Hiệp) tiến binh đánh dẹp giặc ở Cao Bằng. Khi thuyền của nhà vua bị mắc cạn vào một cồn cát chắn ngang trên sông, Vua ngửa mặt nhìn lên, thấy một ngôi đền uy nghi bên sườn núi. Vua bèn lệnh cho đình thần vào trong đền cầu đảo âm phù hộ quốc. Nếu giúp phá bỏ được dải cát, truy quét giặc đồ thành công, sau ngày thanh bình tất sẽ truy phong mỹ tự Vạn cổ tướng thần. Đọc lời chú xong, tự nhiên trên sông (tức sông Như Nguyệt - sông Cầu) sóng nổi cuồn cuộn, doi cát tự nhiên bị phá khai dòng, thuyền nhà vua lại thẳng tiến.
32. Sau khi bình định xong, Vua bèn bảo phong mỹ tự Vạn cổ huyết thực. Xuân thu nhị kỳ sai trăm quan về tế lễ.
Bình luận và giải thích[sửa | sửa mã nguồn]
1. Về chuyện Thánh Gióng trong Ngọc Phả Quốc Lục có một số chi tiết khác với những truyện mà chúng ta đã biết hiện nay. Thứ nhất, giặc Ân tiến vào Văn Lang có cả bằng đường thủy Những chiến thuyền của giặc đỗ san sát (Đoạn 22). Thứ hai, ông Gióng dùng một chiếc búa sắt không như các truyện hiện biết, ông Gióng và Hùng Linh Công cùng hợp binh lại đánh một trận quyết định ở chân núi An Vũ Ninh Sơn (Đoạn 24).
2. Hiện nay trên huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang còn lưu lại các địa danh tên đất, tên làng liên quan đến cuộc chiến chống giặc Ân. Phía nam Hiệp Hòa, ven sông Cầu có một làng hiện nay dùng đồng thời cả hai tên: làng Bầu, làng Cẩm Bào. Dân làng kể rằng đoàn quân của ông Gióng trên đường đánh giặc có dừng lại ở làng này, dân làng tiếp tế nước uống đựng trong các quả bầu già phơi khô. Tạ ơn tấm lòng của dân, ông Gióng tặng lại cho làng một chiếc áo gấm (Cẩm Bào) cũng là tấm chiến bào và dặn dân làng Khi nào hạn hán thiếu nước hãy cầu ta sẽ ứng nghiệm. Để ghi lại sự kiện lịch sử này, từ đó dân đặt tên cho làng bằng hai tên: làng Bầu, làng Cẩm Bào. Thời Nguyễn vùng này phát triển thành tổng Cẩm Bào, nhiều làng xã trong tổng có chữ Cẩm hay chữ Bào: Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng, Cẩm Trung, Cẩm Trang, Xuân Bào. Theo các cụ trong làng, sau này mỗi khi hạn hán nặng dân làng thường lập đàn cầu đảo để Thánh Gióng cho mưa đều rất linh nghiệm, có khi chưa kịp dọn dẹp đàn thì mây mưa đã kéo đến.
Sát ven đê sông Cầu, Hiệp Hòa có làng Trung Hưng thuộc xã Mai Trung, đầu làng phía đông nam có Ngã ba Mã Cháy. Theo truyền thuyết vùng này là bãi đóng quân của giặc Ân. Khi ông Gióng phi ngựa qua đây, ngựa của giặc Ân bị thiêu cháy chết ngổn ngang trên bờ bãi. Để ghi nhớ sự kiện này dân đặt tên cho vùng đất là bãi Mã Cháy. Đến thời Lê Nguyễn bãi đất này chuyển thành thổ cư và có tên là Trại Mã Cháy thuộc thôn Ngũ Trại, xã Trung Định, tổng Cẩm Bào. Nay khu đất ấy nằm ở ngã ba đầu làng Trung Hưng.
3. Thời Hùng Vương thứ sáu các vua Hùng còn cai quản cả vùng Quảng Đông và Quảng Tây (Đoạn 4). Khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con, 50 người con theo mẹ lên núi, mỗi con cai quản một vùng và được gọi là Sơn Thần (Đoạn 5).
4. Huyện Hiệp Hòa bên tả ngạn dòng sông Cầu là một vùng đất rất cổ. Tên Hiệp Hòa là tên một xã thuộc đời Hùng Vương thứ 6, đến thời Lê Đại Hành đổi tên thành xã Thù Sơn (Đoạn 19).
Chùa IA và Đền IA[sửa | sửa mã nguồn]
Núi IA (còn có tên là Y Sơn, núi Hia, trong Đại Nam nhất thống trí gọi là núi Thù Sơn, trong Bắc Ninh tỉnh chí gọi là núi Hòa Sơn) nằm ở phía tây - tây bắc Hiệp Hòa gồm hai ngọn, cao khoảng 100 mét so với mặt nước biển, giáp với sông Cầu, là mái nhà của Hiệp Hòa, là nơi có phong cảnh đẹp nhất huyện, một danh lam có tiếng vào thời Lê, Nhà Lê từng dựng hành cung ở đây. Phía tây núi có Chùa IA (Tây môn tự), thiết kế theo kiểu tiền Phật, hậu Thánh - nơi thờ ông bà Hùng Nhạc. Phía đông núi là Đền IA (Đông môn tự) thờ Thánh Hùng Linh Công. Trong đền có nhiều tượng hổ bằng đá, đôi ngựa đá, đôi ngựa gỗ để rước trong các ngày lễ hội, đôi voi đá, một câu đối dài mỗi vế 71 chữ tóm tắt sự tích Hùng Linh Công ghi trên hai bức hoành lớn, một bài thơ ca ngợi công đức của Hùng Linh Công do Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân người làng Sổ làm, hai chiếc quạt vua ban với xương quạt làm bằng ngà voi. Trên đỉnh ngọn núi cao nhất có Đền thờ sơn thần và Giếng nước tiên, vào ngày lễ hội du khách thả nhiều tiền lẻ xuống giếng để cầu may mắn.
Đền Y Sơn được Bộ văn hóa thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định 372/QD-TT ngày 21/3/1994.
Lễ hội[sửa | sửa mã nguồn]
Trong "Ngọc phả quốc lục" có ghi hàng năm có 10 ngày lễ tại Đền IA, về sau chỉ còn duy trì đều đặn ba ngày lễ: Lễ hội "Phu nhân thánh mẫu" ngày 15 - 16 - 17 tháng 1 âm lịch (dân thường gọi là Lễ hội chùa IA), Lễ Thánh sinh ngày 12 tháng 10, Lễ Thánh hóa ngày 8 tháng 8. Lễ hội Chùa IA với các nghi thức tế lễ, dẫn rước hấp dẫn cùng các trò chơi dân gian đã được so sánh với Hội Phủ Rầy của Nam Định: "Vui nhất là Hội Phủ Rầy, Vui thì vui thật chẳng tầy Hội IA ".
Ngay từ thời Hùng Vương thứ 6 hàng năm xuân thu nhị kỳ vào ngày mùng 2 tháng 2 và ngày 12 tháng 8 vua sai trăm quan về tế lễ ở Đền IA (Đoạn 26), các triều đại phong kiến sau này cũng vậy (cuối Đoạn 28, cuối Đoạn 32), đó là quốc tế thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của cha ông chúng ta. Rất tiếc vào thời đại chúng ta hiếm người biết đến nhân vật lịch sử Hùng Linh Công, người có công lớn với dân tộc.
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Xem Vua Việt Nam
- ^ Tên đền viết hoa cả để tránh đọc nhầm
- ^ Toàn văn bản dịch đầu tiên từ chữ Hán sang tiếng Việt được dịch bởi Đỗ Hữu Lô và được in trong Tài liệu tham khảo 1. Số thứ tự các đoạn thêm vào để tiện chú giải, riêng Đoạn thứ 7 do Lê Xuân Hãng dịch. Văn bản đặt trong hai dấu ngoặc vuông [ ] là chú thích bổ sung của người dịch.
- ^ Từ chùa của Đoạn này và các Đoạn 11, 13, 14, 25 cần sửa thành đền, từ sư ở câu sau cần đổi thành đạo sĩ vì thời Hùng Vương thứ 6 chưa có đạo Phật, Phật Tổ mãi đến năm 566 TCN mới sinh. Ở đây vẫn để như nguyên văn bản dịch của Đỗ Hữu Lô. Rất mong các vị uyên thâm nho học chỉnh sửa cho bản dịch này được hoàn chỉnh hơn
Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]
Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]
- Y Sơn linh tích. Dương Quang Luân, 2002
- Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa. Tập 1, 1992