nam định - mảnh đất - con người
Chùa Cổ Chất
Cập nhật lúc08:07, Thứ Hai, 06/01/2014 (GMT+7)

Chùa Cổ Chất còn gọi là chùa Phổ Quang thuộc thôn Cổ Chất xã Phương Định huyện Trực Ninh. Từ thành phố Nam Định qua cầu Đò Quan theo đường 21 khoảng 18 km đến cầu Vô Tình rẽ trái khoảng 2 km về trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phương Định. Ngôi chùa Cổ Chất nằm cách Ủy ban xã khoảng 200m, trên một mảnh đất rộng, thoáng đãng ngay ở đầu thôn Cổ Chất.

Làng Cổ Chất ban đầu có tên là Cổ Hiền, được hình thành sớm do sự bồi đắp của sông Ninh Cơ ngày một lấn ra biển. Cuốn thần phả ba vị công thần triều Lý được thờ tại đền, chùa Cổ Chất được sao lại vào đời vua Tự Đức năm thứ 16 (1863) ghi lại sự việc dưới thời vua Lý Thái Tổ (1010 -1028), vùng đất Cổ Chất là một bãi sa bồi ven biển, dân cư thưa thớt. Đến thời vua Lý Nhân Tông (1072-1128) tại vùng đất này có ba anh em là Nguyễn Công Tham, Nguyễn Công Văn, Nguyễn Công Phạn lên kinh ứng thí và được bổ giữ những chức vụ quan trọng khác nhau trong triều đình. Vài năm sau, ba ông hộ giá vua đi bình phạt Chiêm Thành. Sau trận chiến này, Nguyễn Công Tham đã hy sinh, Nguyễn Công Văn được phong chức Tư lệ hiệu úy, Nguyễn Công Phạn được phong chức chỉ huy Điện tiền. Làm quan một thời gian, Nguyễn Công Phạn xin từ chức về quê đi tu. Về quê, ông cho xây dựng chùa Phổ Quang để tu hành, đồng thời lấy pháp danh là Phạn Vũ Thiền sư.

Chùa Cổ Chất còn gọi là chùa Phổ Quang thuộc thôn Cổ Chất xã Phương Định huyện Trực Ninh
Chùa Cổ Chất còn gọi là chùa Phổ Quang thuộc thôn Cổ Chất xã Phương Định huyện Trực Ninh. Ảnh: Internet

Tưởng nhớ công lao của ba người con quê hương lúc sinh thời đã có công giúp đỡ nhân dân, sau này người dân Cổ Chất đã lập đền thờ ngay sau chùa theo kiểu tiền Phật hậu Thánh để mãi về sau tri ân công đức. Việc thờ tự ấy cũng thể hiện niềm tự hào, là tấm gương cứu dân giúp nước cho các thế hệ sau này.

Tổng thể kiến trúc chùa Cổ Chất bao gồm các hạng mục: Tam quan, chùa, đền phủ, nhà tổ cùng các công trình bổ trợ. Tất cả được phân bổ hợp lý, nằm trong một khuôn viên rộng rãi.

Tam quan chùa cao 5,2m được xây theo kiểu dáng một phương đình. Mặt trước và sau thông phong, không có cánh cửa; hai hồi xây bít đốc. Tam quan được chia làm 3 gian với 4 bộ vì làm bằng gỗ lim theo kết cấu chồng rường giá chiêng, bẩy tiền, bẩy hậu, mái lợp ngói nam. Trên các xà dọc, xà ngang được chạm khắc họa tiết rồng chầu mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII.

Qua tam quan là một con đường thẳng lát gạch dài khoảng 30m dẫn đến cửa chùa Cổ Chất. Ngôi chùa được xây theo hình chữ đinh, trước cửa chùa là một sân gạch rộng rãi, vuông vức.

Tòa tiền đường cao 11,7 m, gồm 3 gian được làm theo kiểu chồng diêm ba tầng, các tầng trên thu nhỏ dần. Trên các tầng có bài trí tượng tứ vị Bồ tát, bát vị Kim cương. Hai bên tiền đường bài trí hai pho tượng Hộ pháp. Tòa tiền đường là công trình được xây dựng vào thời Nguyễn với vật liệu hoàn toàn bằng gạch vữa, trần xây cuốn vòm.

Tam bảo chùa gồm có 8 gian xây dọc. Tất cả 8 bộ vì tại đây đều được làm bằng gỗ lim theo kết cấu chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ mỗi bộ vì là 4 cây cột gỗ lim, cột cái có đường kính 0,45 m, cột quân có đường kính 0,40 m. Các cây cột đều được đặt trên chân tảng đá cổ bồng cao 0,40 m. Toàn bộ các cấu kiện gỗ ở đây như câu đầu, xà đai, con rường, đố lụa đều được chạm khắc các đề tài tứ linh, hổ phù, hoa sen, lưỡng long chầu nguyệt... với lá hỏa giật cấp mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII. Kỹ thuật chạm cũng đa dạng như kênh bong nổi khối, thông phong. Nét chạm sâu, chi tiết, tinh tế.

Nối liền với sau tam bảo là gác chuông chùa được xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, bốn mặt thông phong, tạo cửa cuốn vành mai. Sàn tầng được lát bằng gỗ lim. Các đầu đao được uốn cong thanh thoát, nhẹ nhàng.

Nằm phía nam chùa là ngôi đền Cổ Chất được xây dựng vào đời vua Gia Long năm thứ 8 (1809). Ngôi đền được xây theo bình đồ kiến trúc tiền chữ nhất, hậu chữ đinh bao gồm tiền đường 5 gian, trung đường 5 gian, hậu cung 3 gian xây dọc. Hệ thống vì gỗ lim ở đây được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, được chạm khắc họa tiết tứ linh, hổ phù, lá lật.

Liền cạnh phía đông chùa là ngôi phủ mẫu được xây dựng vào đời Tự Đức năm thứ 10 (1857). Ngôi phủ được xây theo hình chữ đinh, tiền đường 5 gian cũng được dựng theo kết cấu chồng rường giá chiêng bằng gỗ lim. Phần chuôi vồ xây cuốn vòm, mái lợp ngói nam.

Đền, chùa, phủ Cổ Chất không chỉ là những công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho phong cách thời Hậu Lê thế kỷ XVII - XVIII, thời Nguyễn thế kỷ XIX mà còn là nơi lưu giữ những nguồn tư liệu quý trải qua nhiều thời kỳ lịch sử góp phần tìm hiểu mảnh đất, con người nơi đây.

Theo: Di tích lịch sử -  Văn hóa tỉnh Nam Định

,
,
.
,
,
,
,