CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ: CÁC DANH TĂNG TRỤ TRÌ VÀ HỌC ĐẠO


CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ: CÁC DANH TĂNG TRỤ TRÌ VÀ HỌC ĐẠO

 NHUẬN NGHI

 

Chùa THẬP THÁP DI ĐÀ (thường gọi là chùa Thập Tháp) tọa lạc ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định; từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi, qua khỏi thị trấn Đập Đá, đến cầu Vạn Thuận (27 – 28 km.); hoặc từ Đền Tây Sơn, qua Phú Phong, theo đường 636 đến Quốc lộ 1A, đi về phía nam đến cầu Vạn Thuận, có con đường khoảng 200m dẫn vào chùa.

 29 Chua thap thap Di Da 01 a

Chùa Thập tháp Di Đà được xây dựng vào năm 1665, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, dưới thời triều Lê Huyền Tông do một vị hòa thượng người Trung Quốc khai sáng tên là Nguyên Thiều. Đến năm 1680 chùa mới chính thức được tạo dựng với bề thế kiến trúc lâu dài, tên gọi lúc này là A DI ĐÀ TỰ. Đến năm 1820 niên hiệu Minh Mệnh nguyên niên ban sắc phong cho chùa tấm biển sơn son thếp vàng đề “Thập Tháp Di Đà Tự”. Từ đó, Chùa mang với tên như hiện nay.

Chùa đã trải qua 16 đời truyền thừa:

Tổ Sư Siêu Bạch – Hoán Bích – Nguyên Thiều,

Tổ Đạo Nguyên – Tánh Đề,

Tổ Minh Giác – Kỳ Phương,

Tổ Thật Kiến – Liễu Triệt,

Tổ Tế Đoan – Hạo Nhiên,

Hoa Nghiêm Pháp sư Tế Trí – Hữu Phỉ,

Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhựt,

Hòa thượng Đạt Lượng – Hưng Long,

Hòa thượng Đạt Khoan – Chánh An,

Hòa thượng Đạt Thuyên – Nhựt Chánh,

Hòa thượng Ngộ Thiệu – Minh Lý,

Tăng cang Hòa thượng Chơn Châu – Vạn Thành,

Tăng cang Quốc sư Hòa thượng Chơn Luận – Phước Huệ,

Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu,

Hòa thượng Không Tín – Kế Châu.

Trụ trì hiện nay : TT. Thích Viên Định.

Hai vị danh tăng – quốc sư:

Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728)

29 Chua thap thap Di Da 03

Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728)

Là Tổ khai sơn chùa Thập Tháp – người có công lớn trong sứ mạng truyền bá Phật giáo ở Đàng Trong thời Nam Bắc phân tranh, hậu bán thế kỷ XVII.

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, Thiền sư họ Tạ tự Hoán Bích pháp danh Siêu Bạch (Nguyên Thiều), người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu tỉnh, Quảng Đông; năm 19 tuổi xuất gia ở chùa Báo Tư, thọ giáo với Hòa thượng Bổn Khao Khoáng Viên. Năm Ất Tỵ (1665), niên hiệu Cảnh Trị thứ ba đời Lê Huyền Tông (tức đời chúa Nguyễn Phúc Tần năm thứ mười bảy),  Sư đi theo tàu buôn sang An Nam, trú ở Qui Ninh (Bình Định), lập chùa Thập Tháp, mở trường truyền dạy. “Ngài là bậc Danh tăng trong thiền giới Phật Giáo Nam Hà dưới thời các chúa Nguyễn vì Ngài là vị Tổ đầu tiên truyền phái Lâm Tế ở Nam Hà”(1). Sư là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Đàng trong đầu tiên; dưới Sư một đời, có các sư Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Tri và các đệ tử nối tiếp truyền bá tông phái Lâm Tế vào tận phương Nam.

Ngày 19 – 10 – 1728 (niên hiệu Bảo Thái thứ mười nhà Lê), ngài viên tịch, thọ tám mươi mốt tuổi. Đệ tử và Tể quan thọ giới đồng xây tháp ở bên đồi nhỏ, xóm Thuận Hóa làng Dương Xuân Thượng, làm lễ nhập tháp để hương hỏa tôn thờ. Trước lúc viên tịch, ngài để lại bài kệ sau về triết lý vô thường:

Tịch tịch kính vô ảnh

Minh minh châu bất dung

Đường đường vật phi vật

Liêu liêu không vật không

(Lặng lẽ gương không bóng

Rỡ rỡ châu chẳng hình

Rõ ràng vật phi vật

Vắng vẻ không chẳng không).

Đại ý bài kệ này tổ sư muốn khai thị cho chúng ta biết được bản thể pháp thân vốn thanh tịnh sáng suốt như bức gương sáng sạch, không bị bụi nhơ như viên minh châu trong sáng bóng ngời, tuy hiện tiền sự sự vật vật luôn có sai khác, nhưng đều là bản thể pháp thân biểu hiện, bản thể pháp thân thường thanh tịnh vắng lặng, không có một vật gì mà không chẳng phải là không, tức là lý “Chơn không diệu hữu”.

Hiến Tông Hoàng đế ban cho tổ sư thụy hiệu “Hạnh Đoan thiền sư” và truy tán cho bài minh để tán dương đức độ và công hạnh của tổ sư. Nội dung bài minh như sau:

Ưu ư bát nhã

Đường đường phạm thất

Thủy nguyệt ưu du

Giới trì chiến lật

Trạm tịch cô kiên

Trác tập khả tật

Quán thân bổn không

Hoằng pháp lợi vật

Biến phú từ vân

Phổ chiếu huệ nhật

Chiêm chi nghiêm chi

Thái sơn ngật ngật.

Bài này ý nói tổ sư Siêu Bạch là bậc thánh tăng hiện thân của trí tuệ trang nghiêm thanh tịnh, sự xuất hiện và ra đi của ngài rất tự tại như trăng nước, giới đức vững vàng chắc chắn, bởi quán thân giả tạm vô thường, bằng thuyết pháp lợi vật như mây từ, ngài đồ sộ như núi Thái Sơn vươn cao chất ngất.

Theo tiểu sử trên không nói đến năm sinh và năm thị tịch chỉ có năm lập chùa Thập Tháp – là năm Ất Tỵ (1665) đời Thái Tông Hoàng đế, trú thế 81 tuổi. Sau khi viên tịch được Hiển Tông Hoàng đế ban thụy hiệu và một bài minh.

Hiện nay tại tổ đình Thập Tháp thờ long vị của tổ sư ghi rằng: “Từ Lâm Tế chánh tôn tam thập tam thế Quốc Ân đường thượng Thọ hạ Tôn húy Nguyên Thiều lão hào thượng liện tọa”. Ở chùa Giác Lâm Gia Định (Sài Gòn) thờ long vị tổ sư ghi rằng: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng Lâm Tế chánh tông tam thập tam thế thượng Hoán hạ Bích húy Siêu Bạch lão tổ hòa thượng giác linh”. Long vị chùa Quốc Ân: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng tam thập tam thế húy Nguyên Thiều thượng Thọ hạ Tôn lão hòa thượng mạo tọa”. Đến đây chúng ta có thể xác định tổ sư được truyền thọ của hai dòng kệ trong thiền phái Lâm Tế và là người thắp lên ngọn đèn chánh pháp cho Phật giáo Đàng Trong từ thế kỷ thứ XVII đến nay.

Quốc sư Phước Huệ (1869 – 1945)

29 Chua thap thap Di Da 04 new

Quốc sư Hòa thượng Thích Phước Huệ (1869-1945)

Vào thời hiện đại, tổ đình Thập Tháp được cả nước biết đến vì sự có mặt của Quốc sư Phước Huệ (1869 – 1945). “… Là một vị Thiền sư nổi tiếng bác thông kinh luận. Chùa Thập Tháp thời đó là một đạo tràng nổi tiếng và Tăng sinh nhiều tỉnh đã tìm tới tham học”.

Thiền sư tên là Nguyễn Tấn Giao, quê quán xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, xuất gia năm 13 tuổi tại chùa Thập Tháp, theo học với các Thiền sư Châu Long chùa Tịnh Lâm (Phù Cát) và Thiền sư Luật Truyền chùa Từ Quang (Phú Yên). Bước đường hoằng pháp của Thiền sư bắt đầu từ năm 1894 khi nhận làm trụ trì chùa Phổ Quang (Tuy Phước, Bình Định). Năm 1901, Thiền sư được triều đình Huế (vua Thành Thái) ban giới đao độ điệp làm Tăng Cang chùa Thập Tháp. Năm 1908, ngài được mời ra kinh đô Huế làm chủ lễ cho một khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm, lại được thỉnh vào Hoàng Cung giảng pháp cho vua, quan cùng hoàng gia. Các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều từng được nghe Thiền sư giảng kinh, bấy giờ danh hiệu Quốc sư đã được tôn xưng. Năm 1920, trong ý hướng nhằm đào tạo Tăng tài cho sứ mạng hoằng dương chánh pháp, Thiền sư Phước Huệ đã đứng ra tổ chức các lớp Phật học tại chùa Thập Tháp và chùa Long Khánh (Quy Nhơn). Và chính trong thời gian này, hai vị danh Tăng của đất Huế là Thiền sư Mật Khế (1904 – 1935) và Thiền sư Đôn Hậu (1904 – 1993) đã vào tận chùa Thập Tháp để cầu học. Từ năm 1930 – 1937, Quốc sư Phước Huệ thường xuyên ra kinh đô Huế để giảng dạy Phật pháp cho các lớp cao đẳng, trung đẳng ở các chùa Trúc Lâm, Tường Vân, Tây Thiên. Trong số các Tăng sĩ từng theo học với Quốc sư, đáng chú ý nhất là Thiền sư Mật Thể (1912 – 1961) tác giả sách “Việt Nam Phật giáo sử lược”(2), cuốn sử Phật giáo Việt Nam đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ được biên soạn có hệ thống và công phu. Sách này được Quốc sư đề tựa, bằng Hán văn; đoạn đầu viết: “Giữa mùa xuân năm Quý Mùi, Pháp sư Mật Thể vào Nam thăm, lấy trong tay áo bản thảo cuốn Việt Nam Phật giáo sử viết bằng Quốc văn đưa cho tôi mà nói: “Đây là công trình sưu tầm biên khảo nhiều năm của con, xin Hòa thượng đọc và chứng minh cho”. Tôi tiếp nhận bản thảo mà đọc. Mỗi khi đêm vắng dưới ngọn đèn khói cao, cầm bản thảo nơi tay tôi tự nói một mình là Pháp sư tuy đã theo học với tôi trong nhiều năm nhưng tôi chưa biết được hết chí hướng và nguyện vọng của ông… ” (Nguyễn Lang dịch, Sđd, tr 186).

Từ năm 1938, với cương vị là Đốc giáo của Phật học đường cấp Trung đẳng do Hội Phật học Bình Định tổ chức tại chùa Long Khánh (Quy Nhơn), Quốc sư Phước Huệ đã đóng góp nhiều cho công tác đào tạo Tăng tài. Các Thiền sư Thiện Hòa (1907-1978), Thiện Hoa (1918-1973) cũng từng theo học tại đây.

Thiền sư Thiện Hoa có nhắc lại kỷ niệm giữa Quốc sư Phước Huệ với Thiền sư Khánh Hòa (1877-1947); qua đó giúp chúng ta thấy được phần nào trí huệ “bác thông kinh luận” của Quốc sư. Đây là lời thuật lại của Thiền sư Khánh Hòa: “….Tôi đã ba năm nghiên cứu bộ Thành Duy Thức Luận mà như người đi vào rừng rậm không tìm được lối ra, Đến năm Đinh Mão, nhờ Ban tổ chức trường hương chùa Long Khánh (Quy Nhơn) mời tôi làm Pháp sư, tôi được may mắn gặp Hòa thượng Thập Tháp. Tôi thuật lại sự khó khăn trong việc nghiên cứu Thành Duy Thức Luận của mình. Hòa thượng Thập Tháp nghe xong liền đem biếu tôi quyển “Đại thừa bá pháp minh môn luận chuế ngôn” và nói : “Tôi xin biếu Ngài một cái chìa khóa để mở kho Duy Thức. Người nghiên cứu Duy Thức mà trước không đọc luận này thì cũng như người gỡ nùi tơ rối mà không tìm được mối. Vậy Ngài nên đọc quyển luận này cho kỹ rồi nghiên cứu thành Duy Thức, Ngài sẽ thấy dễ dàng…”.

29 Chua thap thap Di Da 02 a

Tóm lại, Chùa Thập Tháp, một trong những ngôi chùa truyền thừa trên 300 năm, hai giá trị ấn tượng bậc nhất là kiến trúc và đào tạo các thế hệ tăng ni không những cho Thập Tháp mà cho khu vực miền Trung và phía Nam:

Nhiều danh tăng được học Phật pháp tại chùa Thập Tháp, nhất là với Quốc sư Thích Phước Huệ như: Thiền sư Mật Khế (1904 – 1935), Thiền sư Đôn Hậu (1904 – 1993), Thích Trí Thủ (1909 – 1984) đã vào tận chùa Thập Tháp để cầu học; Pháp sư Mật Thể, Sư bà Thích Nữ Diệu Không học thầy Phước Huệ ở Huế… Đóng góp lớn lao của Quốc sư Phước Huệ ở lãnh vực giảng dạy, đào tạo lớp hậu học, đúng như nhận xét của tác giả Nguyễn Lang, sách Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 3): “Khả năng giáo hóa của Thiền sư Phước Huệ rất vĩ đại, vì vậy người đương thời đã tặng cho ông mỹ hiệu “Phật pháp thiên lý câu” nghĩa là con ngựa ngàn dặm của Phật pháp”.

___________________________________________________________________________________

(1) Theo văn bia ở chùa Quốc Ấn, Nam Giao Huế.

(2) Nxb. Tân Việt, Hà Nội, 1943

Comments are closed.

0 / 0