Bảo tàng Long An (tọa lạc Phường 4, TP. Tân An, tỉnh Long An) trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm có ý nghĩa văn hóa nghệ thuật, trong đó nhiều hiện vật được khai quật từ các di chỉ văn hóa tại địa phương.
Bảo tàng Long An.
Mít tinh mừng Cách mạng Tháng Tám ở Long An.
Hiện trường khai quật di tích Gò Xoài, Long An.
Ra đời vào ngày 30-4-1985, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; qua chặng đường 27 năm thành lập, Bảo tàng Long An đã lưu giữ được hàng chục ngàn hiện vật liên quan đến văn hóa Óc Eo. Những hiện vật này có giá trị không những đối với tỉnh Long An mà còn là bảo vật quốc gia, có ý nghĩa quốc tế: Di cốt người (An Sơn) được khai quật tại Chùa Đất (An Sơn - Đức Hòa, năm 1978); tượng Vishnu bằng đá thế kỷ VI; các loại tượng thần, dụng cụ lao động bằng đá, đất nung, gốm...
Di cốt người (An Sơn) được khai quật tại Chùa Đất (An Sơn - Đức Hòa năm 1978).
Đồng tiền và đồ đeo bằng kim loại sưu tầm tại di chỉ Gò Hàng - Hưng Thạnh - Tân Hưng, có từ thế kỷ thứ I - VII.
YONI - Linh vật thờ của đạo Bà La Môn.
Phòng trưng bày điêu khắc truyền thống có nhiều tác phẩm bằng gỗ, đặc biệt có tượng Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, sao chép từ tượng nguyên bản ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Tượng do các nghệ nhân Nguyễn Đức Lưu, Huỳnh Văn Định, Huỳnh Măng, Huỳnh Chính Đức nghiên cứu, chạm khắc trong thời gian từ tháng 10-1978 đến giữa tháng 1-1979. Tượng được làm bằng gỗ lát hoa, cao 0,69m, rộng 26cm, là bản sao thu nhỏ của tượng gốc với tỷ lệ 1/5. Nhìn tổng thể tượng Quan Âm ngàn mắt ngàn tay như những vòng hào quang tỏa ra từ tâm điểm.
Hiện vật sưu tập tại di tích Giồng Lốp năm 1987.
Tượng Quan Âm ngàn mắt ngàn tay sao chép từ tượng nguyên bản ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Hiện, Bảo tàng Long An đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước đến tìm hiểu thời tiền sử, sơ sử đến lịch sử tỉnh nhà, qua đó góp phần làm sáng tỏ diện mạo văn hóa tiền sử và Óc Eo ở Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung, là nền văn hóa cổ quan trọng, cấu thành văn hóa truyền thống địa phương và cả nước.
ANH DUY