Nỗi niềm người thừa tựTừ đường Nguyễn Khuyến là một phần khu nhà cũ mà nhà thơ đã sống gần 20 năm cuối đời tại thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, (Bình Lục, Hà Nam). Khu nhà vốn được con trai của nhà thơ là Phó bảng Nguyễn Hoan vượt thổ, mở rộng từ 1 sào lên 9 sào vào năm 1889.
Khu nhà gồm nhà tế đường và nhiều công trình khác, nổi bật nhất là nhà tế đường xây theo kiểu chữ nhị, đằng trước là nhà đại tế gồm 7 gian, đằng sau 3 gian cách nhau một cái sân nhỏ. Vào năm 1915 cháu đích tôn nhà thơ là Thừa Du, con trai cả của Nguyễn Hoan đã đem bán 7 gian đại tế cho dân làng Giải Đông (nay thuộc xã Yên Đổ, huyện Bình Lục) về làm đình. Trên mảnh đất cũ chỉ còn lại một cổng gạch và 3 gian sau của khu nhà tế đường.
Trải qua bao biến động, cái ao nổi tiếng đã đi vào câu thơ “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” cũng bị san lấp gần hết, 3 gian nhà còn lại trở thành từ đường thờ nhà thơ. Hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến là ông Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1941 cho đến nay vẫn làm nhiệm vụ gìn giữ nơi đây, đón du khách thập phương tới viếng thăm, chiêm ngưỡng di sản còn lại của một nhà thơ lớn.
Khu lưu niệm Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến tại Bình Lục (Hà Nam).
Năm 1991, di tích này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Năm 2004, với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và gia đình đóng góp, dự án trùng tu tôn tạo lại khu từ đường Nguyễn Khuyến đã dựng lại 3 gian sau trên nền đất năm xưa.
Điều đáng nói, gia đình ông Tùng từ gần 40 năm nay (kể từ sau khi ông phục viên về chăm lo hương hỏa cho tổ tiên vào năm 1976) vẫn sinh sống tại dãy nhà mái bằng ngay trong khuôn viên di tích. Thế nhưng ông đã nhiều lần gõ cửa các ban ngành để xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho mảnh đất của tổ tiên để lại nhưng vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.
Mất quyền vì được công nhận di tích?Ông Tùng bức xúc nói: “Đi đâu người ta cũng bảo đây là di tích cấp quốc gia, cần phải bảo vệ nên không cấp sổ đỏ cho tôi. Thế nhưng kể từ sau khi được đầu tư trùng tu, tôn tạo, chẳng thấy ai ngó ngàng gì đến nơi đây. Suốt từ bấy đến nay ngôi từ đường chỉ do một mình gia đình tôi trông nom, gìn giữ.
Như mới đây, gian nhà trong bị mối xông lên tận nóc nhưng kêu mãi mà chẳng thấy ai ngó ngàng. Người ta yêu cầu phải làm đơn xin phép, chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cuối cùng tôi phải tự mua thuốc phun nhưng chẳng ăn thua”. Ông Tùng cũng cho biết, Sở VHTTDL Hà Nam hàng năm vẫn tổ chức đưa khách về tham quan khu từ đường và đặt một hòm công đức tại đây.
Tuy nhiên, hòm công đức ông không được quản lý, tất cả chi phí chăm sóc khu từ đường đều do ông trích từ khoản lương hưu của hai vợ chồng để trang trải. Ông Tùng khẳng định, cho đến nay chưa nhận một đồng lương hay trợ cấp nào để lo chăm sóc cho ngôi từ đường.
"Con cái tôi giờ đều sinh sống ở Hà Nội nhưng tôi muốn xin được cấp “sổ đỏ” để các cháu sau này tiếp tục hương khói cho tổ tiên. Đất của cha ông mà chúng tôi cứ như đi ở nhờ”. Ông Nguyễn Thanh Tùng
|
Ông Tùng chua chát: “Tôi cũng chẳng đòi hỏi phải có lương, trợ cấp bởi phận làm con cháu phải thờ cúng tổ tiên, đấy là nghĩa vụ của tôi. Thế nhưng cứ nhắc đến chuyện cấp sổ đỏ thì ở đâu cũng kêu phải bảo vệ. Tôi có thấy ai giúp tôi bảo vệ di tích đâu.
Ngay như cái ao thu của cụ tôi (nhà thơ Nguyễn Khuyến) cách đây 17 năm cũng phải nhờ tới đoàn chuyên gia người Đan Mạch bỏ ra 3.000USD để giúp gia đình tôi mua lại từ hợp tác xã. Lúc đó chẳng thấy cơ quan đoàn thể nào đứng ra giúp đỡ gia đình”.
Vậy phải chăng chủ sở hữu các di tích khi được công nhận đều phải đối diện với nguy cơ bị mất đất. Đem câu hỏi này đến gặp PGS-TS Đặng Văn Bài-nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, chúng tôi được biết: “Một di tích văn hóa lịch sử khi được công nhận là để có biện pháp bảo vệ, lưu giữ lại những giá trị di tích đó mang trong mình. Không thể nói cứ công nhận là bị mất đất bởi trước nay đã có nhiều trường hợp cấp sổ giấy chứng nhận quyền sử dụng cho đất có di tích lịch sử văn hóa”.
Ông cho biết thêm, các cơ quan có chức năng quản lý di tích phải thẩm định mức độ ảnh hưởng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có di tích. Nếu phải thu hồi thì đề nghị UBND quận, huyện thu hồi và không cấp giấy chứng nhận. Người có đất bị thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.
Trường hợp sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh không ảnh hưởng đến di tích thì được cấp giấy chứng nhận và tuân thủ các quy định về bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nếu đó là đất của dòng họ, phải có đơn ủy quyền cho một người đứng ra. Trong trường hợp của ông Tùng, việc không cấp sổ đỏ cho ông xem ra có phần không thỏa đáng.
Cách đây vài ngày, người dân làng cổ Đường Lâm lại làm dư luận xôn xao khi tiếp tục ký đơn đòi trả lại danh hiệu di tích quốc gia vì nỗi con cháu từ xa về thăm người thân trong làng cũng phải mua vé như khách tham quan. Câu chuyện này khiến các lãnh đạo ngành văn hóa nên xem xét lại cung cách đối xử đối với những người đang gìn giữ di tích để cần đảm bảo những quyền lợi căn bản mà họ xứng đáng được hưởng. Nếu không, biết đâu đấy sẽ có ngày, chúng ta nhận được tâm thư của con cháu cụ Nguyễn Khuyến xin trả lại danh hiệu để gia đình được công nhận quyền sở hữu hợp pháp với di sản tổ tiên để lại.