Cả trăm năm nay, người Nùng ở Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) đã biết dùng than củi đốt lò rèn sắt thành các loại nông cụ cầm tay sắc bén, bền bỉ. "Giữ lửa" trăm năm, làng nghề cổ truyền rèn sắt Phúc Sen đã trở nên nổi tiếng, không những góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Bám sát quốc lộ 3, cách TP Cao Bằng chừng 30 km, người qua đường, khách du lịch, cánh lái xe tải "cõng" hàng ra biên giới thường hay chọn điểm dừng chân dân dã ở làng rèn Phúc Sen. Vượt qua đèo Mã Phục dốc đứng, băng qua những cung đường uốn lượn giữa các ruộng lúa, đồng mía tít tắp, nhiều người sẽ tò mò vì quầy bán dao ngay cạnh lò than hồng cháy rần rật, kèm tiếng nện búa đinh tai nhức óc, hay tiếng máy mài rin rít suốt quãng đường chừng hai km. Người bán hàng ở đây không chèo kéo người mua như ở chốn đô thị, đỗ xe ở nhà này, sang nhà khác mua dao, chủ nhà vẫn vui vẻ vì toàn làng xóm, họ hàng cả. Dao Phúc Sen được cánh lái xe tải ưa thích mua vì hợp túi tiền nhưng quan trọng hơn là hết sức sắc bén, bền bỉ bởi đều làm từ thép tốt.
Qua Phúc Sen lần này, chúng tôi vào nhà bác thợ rèn Nông Tào 47 tuổi, có kinh nghiệm 25 năm thợ rèn, một người thợ thủ công hiếu khách và hài hước. Bên cạnh chai rượu ngô nút lá chuối, đĩa ổi ương và mấy quả khế chua, bác Tào vui vẻ cho biết: "Ðến tôi là đời thứ sáu, từ nhỏ tôi đã theo ông nội và bố làm nghề rèn nhưng chỉ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự mới chính thức làm nghề, đầu tiên là đốt lò, quai búa dần quen việc được vài năm thì chính thức tiếp quản cơ nghiệp cho đến nay".
Thợ rèn Nông Tào, làng Phúc Sen.
Theo bác Tào, làm nghề rèn không quá khó, nhưng để trở thành một thợ rèn tài ba làm ra những sản phẩm đẹp về mặt thẩm mỹ, dễ dàng, thuận tiện cho người sử dụng, vừa sắc đến mức có thể dùng dao chặt củi cạo lông, vừa bền bỉ dù để chặt gỗ hay chặt xương bò, xương trâu đòi hỏi người thợ phải học hỏi, rèn luyện, kiểm nghiệm thực tế rất nhiều.
Bác Tào dẫn chúng tôi vào gian nhà kho chứa cả đống nhíp và láp ô-tô hỏng rồi giới thiệu: "Gia đình chúng tôi sử dụng loại nguyên liệu này từ những năm 1960 khi bắt đầu có những chiếc xe tải Giải phóng của Trung Quốc xuất hiện. Trước đó và cả thời gian bao cấp khó khăn, nguồn nguyên liệu rất khan hiếm, người làng Phúc Sen phải dùng bất cứ loại sắt nào thu mua được kể cả vỏ bom để làm nguyên liệu. Thời các cụ nhà tôi rèn dao, liềm, búa chặt củi và cả lưỡi cày, lưỡi bừa còn phải chọn ngày phiên mang tới các chợ quanh vùng để bán. Thời xưa phải đi bộ từ hôm trước phiên, mãi sau này mới sắm được cái xe đạp. Thợ rèn làm ra sản phẩm đã vất vả bởi toàn bằng đôi tay thủ công, lại phải mang đi chợ để bán, gian truân lắm. Nhiều hôm có khách đặt mua lưỡi cày, lưỡi bừa vừa mang nông cụ mới đi bán rồi thu mua đồ cũ, hỏng về sửa chữa vì nguyên liệu hiếm quá. Bây giờ thì nhàn nhiều rồi, làm việc đã có búa máy, máy mài, quạt điện mà bán ngay tại nhà, khách thập phương biết tiếng đến tận nơi đặt hàng".
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu nghề rèn, lại đúng hôm chuẩn bị đợt hàng cho khách tận Thái Nguyên, bác Tào giục hai cậu thợ phụ chất thêm than đá vào lò vừa làm vừa giải thích: "Thời xưa chỉ dùng than củi thôi, nhưng bây giờ than củi ít mà đắt rồi, cho nên phải dặm thêm than đá. Than củi dễ nhóm, nhiệt độ vừa phải cho nên sản phẩm vừa dẻo, vừa sắc, vừa bền chứ anh than đá này nhiệt độ cao, sản phẩm dễ bị ròn, hoàn thiện vất vả lắm mà lưỡi dễ cùn". Vừa quai búa, vừa cất tiếng ngâm nga bài dân ca Nùng, bác Tào nhìn trẻ và năng động hơn hẳn cái tuổi 47: "Mấy câu ca này các chú không hiểu được đâu, nhưng cánh thợ rèn tầm tuổi tôi và những người nhiều tuổi đều thuộc, cánh trẻ bây giờ lại thích nhạc sập sình cho hưng phấn". Vốn tính hài hước, bác Tào kể: "Khu này trước đây có nhiều toán thợ góp tiền mở chung lò rèn, nhưng rồi mô hình đó nhanh chóng tan vỡ vì sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, người ta tị nhau nhà nào đặt lò cũng tranh thủ đặt nồi cám lợn, giữ lửa sưởi ấm ngày giá rét... thế là mâu thuẫn thành ra bây giờ các lò rèn ở đây toàn làm theo mô hình gia đình, hai vợ chồng thêm cậu em làm thợ phụ hoặc anh em, bố con. Cả xóm chỉ còn duy nhất một hợp tác xã nhưng theo mô hình khoán sản phẩm".
Quy trình làm ra các sản phẩm nông cụ ở Phúc Sen khá giống nhau, đầu tiên là chọn cỡ nhíp cho từng sản phẩm định chế tạo, đưa vào lò nung đỏ sau đó rèn sắt thành hình dạng lưỡi dao, cái liềm... Sau rèn thô, người thợ cả lại cân chỉnh, mài sắc... cứ kỳ cạch như thế, trung bình một ngày mỗi thợ làm được khoảng bốn con dao, một số lò rèn đã đầu tư búa máy có thể tăng năng suất thêm 50% và giảm cường độ làm việc cho người thợ. Hầu như các sản phẩm dao ở Phúc Sen đều có tay cầm bằng sắt không dùng gỗ. Sản phẩm của nhà nào làm ra đều có ký hiệu riêng. Tuy cách làm giống nhau song sản phẩm khi tạo ra lại có hình dáng không giống nhau hoàn toàn và độ sắc, độ bền của lưỡi dao cũng có những khác biệt nhất định. Quan trọng nhất với nghề rèn để có lưỡi dao sắc và bền là phải nhìn mầu của sắt khi nung, nếu bị đỏ quá sản phẩm hoàn thiện sẽ ròn cho nên chỉ cần nung vừa phải, khi sắt mầu da cam là phải đưa ra khỏi lò. Việc dùng nước lạnh để tôi lưỡi giúp sản phẩm sắc hơn, bền hơn song đòi hỏi sự tinh tế mà phải mất nhiều thời gian mới rút kinh nghiệm được. Nguyên lý chung vẫn là dùng tro than củi hòa vào nước để trung hòa a-xít nhưng tỷ lệ thế nào, thời gian bao lâu lại là bí quyết của từng gia đình.
Lò rèn theo phương pháp cổ truyền tại làng nghề Phúc Sen (Cao Bằng).
Xã Phúc Sen có 10 xóm với khoảng 2.000 nhân khẩu, hầu hết là người Nùng, hiện có khoảng 150 lò rèn đặt rải rác ở sáu xóm: Phia Chang trên, Phia Trang dưới, Ðầu Cọ, Pác Rằng, Tình Ðông và Lũng Vài. Ðồng chí Linh Văn Phù, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nghề rèn ở Phúc Sen có lịch sử hơn 300 năm, đáng tiếc trước đây bà con sống du canh, du cư cho nên không có thói quen ghi chép để lại. Theo tập quán ở đây, khi người già mất đi, con cái thường đốt hết những vật dụng gắn bó hằng ngày để người đã khuất mang theo sử dụng. Những gì được lưu truyền đến ngày nay đều theo hình thức cha truyền con nối". Phúc Sen là một làng nghề truyền thống với nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Nùng. Ðược sự đầu tư của tỉnh Cao Bằng, Nhà Văn hóa của xã mới được xây dựng khang trang, tối tối người già dạy lại con cháu những điệu hát tưởng như đã thất truyền. Ðất chật, người đông, dù con đường chính của xã đã được bê-tông hóa, lát cả vỉa hè làm lối đi bộ nhưng mô hình nhà cổ của người Nùng với chuồng chăn nuôi gia súc ở phía dưới, người sống bên trên vẫn chưa thể thay đổi. Tận ngoài rìa xóm, nhiều căn nhà mới, to, rộng khang trang đang mọc lên song vẫn theo lối cũ. Sở hữu căn nhà được xem là to nhất xóm, Lương Văn Huấn, năm nay 27 tuổi, sau khi lấy vợ được cha mẹ cho ra ở riêng chừng bốn năm, sau khi mời khách chén rượu mới chậm rãi kể: "Nhờ tách ra mở lò rèn riêng lại được sự giúp đỡ của cha mẹ hai bên, mình vừa hoàn thiện căn nhà hơn 200 m2 này. Vẫn chưa trả hết nợ đâu, nhưng được ở nhà rộng thế này mát lắm. Hai vợ chồng bảo nhau cố làm để trả nợ cho nhanh". Căn nhà của Huấn rộng mênh mông nhưng vẫn theo lối cũ, dưới tầng một vừa làm xưởng rèn, vừa để máy cày, xe máy, kho lúa, ngô vừa là nơi nuôi trâu bò, lợn gà; tầng trên ngăn cách bằng những cây gỗ và ván sàn xẻ mộc, bàn thờ ở giữa nhà, quây quần chung quanh là bếp nấu, nơi tiếp khách, chỗ ngủ.
Người Nùng mấy trăm năm bám trụ ở Phúc Sen đã có nhiều thay đổi song những tập quán chính vẫn được gìn giữ đến tận ngày nay. Nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang đôn đốc thực hiện việc đưa chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn. Ở Phúc Sen, tập tục này vẫn chưa thay đổi một phần vì đất chật, người đông phần do những người dân nơi đây vẫn muốn gìn giữ phong tục, lối sống. Người làng rèn vẫn trồng ngô, cấy lúa khi đến vụ như bao đời nay để bảo đảm lương thực cho gia đình và vật nuôi. Giờ ít người còn nuôi trâu, bò, lợn mà tranh thủ lúc nông nhàn làm việc bên lò rèn. Việc gìn giữ phong tục, lối sống, lịch sử văn hóa từ xa xưa trong một xã hội hiện đại khiến Phúc Sen trở thành điểm du lịch ấn tượng với du khách gần xa.