Đình Thượng Cung được dân làng Hống xây dựng lên để thờ thành hoàng – ông vua tinh thần giữ việc an khang thịnh vượng cho dân làng kẻ Hống. Truyền thuyết dân gian cũng như tư liệu Hán - Nôm còn lưu giữ trong đình cho biết các vị thần làng Hống là Tam vị đại vương đã có công giúp vua nhà Lý dẹp tan giặc ngoại xâm ở phương Nam. Ba vị vốn là thiên thần giáng sinh đầu thai vào một gia đình họ Lê ở trang Thượng Hống. Khi trưởng thành, ba vị được nhà vua rời về kinh thành, phong cho làm quan coi giữ bình quyền để luyện tập sĩ tốt. Khi giặc Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi nước ta, ba vị tướng đã dẫn đại quân thủy bộ đi đánh giặc. Giặc tan, trên đường trở về Thăng Long, ba ông ghé thăm quê hương làng Hống bái yết gia tiên. Tại quê hương, ba ông đã hóa thần, được dân làng tôn vinh tưởng nhớ. Về sau, các ông thường anh linh hiền ứng giúp cho quân dân ta chiến thắng ngoại xâm ở các đời sau… Để ghi nhớ công ơn, dân làng Hống đã xây dựng đền để thờ tự cả ba vị tướng quân có công với dân, với nước làm thần bảo trợ cho cuộc sống của dân làng. Về sau, ngôi đền được mở rộng thêm cùng với các chức năng sinh hoạt ở cộng đồng. Đình làng với một quy mô khá lớn dần dần được xây dựng.
Nghi môn đình
Đình Thượng Cung là một công trình kiến trúc điêu khắc nghệ thuật đình làng thời Lê còn khá hoàn chỉnh. Tại đình hiện còn giữ được nhiều tư liệu ghi chép về thời gian khởi dựng cũng được nhiều tư liệu ghi chép về thời gian khởi dựng cũng như các lần tu bổ sửa chữa. Nhờ những văn tự này, chúng ta biết được đình Thượng Cung được khởi dựng vào năm Dương Hòa thứ 3 (1637). Tiếp đó, đình được tu bổ sửa chữa vào các năm 1687, 1756, 1758 và 1864.
Đình Thượng Cung hiện tọa lạc trên một thửa đất rộng ở rìa làng Hống, nằm bên bờ trái con sông Nhuệ, trông ra sông, theo hướng Bắc - một hướng rất ít gặp trong loại hình kiến trúc đình làng. Đoạn sông Nhuệ trước cửa đình nay là một nhánh sông cụt do kết quả của việc nắn lại dòng sông Nhuệ ở những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Từ đường làng, vào đình theo lối bên phải sân đình qua hệ thống nghi môn tứ trụ biểu. Phía trước đình là một khoảng sân nhỏ lát gạch thẻ. Nền đình hiện nay cao khoảng 40cm so với mặt sân đình, được xây dựng bó vỉa xung quanh bằng gạch đứng nghiêng.
Nhà Đại bái
Quy mô đình Thượng Cung hiện nay là một công trình kiến trúc hình chữ công gồm đại bái và hậu cung được nối với nhau bằng một gian ống muống. Đại bái đình gồm 3 gian 2 chái lớn, 4 lá mái chảy dài với 4 góc đao cong. Các bộ vì chính ở nhà đại bái kết cấu theo thức vì 4 hàng chân. Các cột được làm bằng gỗ lim, dựng kiểu thượng thu – hạ thách, có kích thước vừa phải. Các cột cái có đường kính 50cm, cột quân là 40cm. Các cột đều được đặt trên các chân tảng bằng đá xanh. Ở các bộ vì, nối hai đầu cột cái là một câu đầu thon, khỏe có lưng và dạ phẳng qua đấu vuông thót đáy theo lối ngoàn đề đặc trưng của kiến trúc đình thế kỷ XVII. Trên lưng các câu đầu là hệ thống vì nóc làm theo kiểu chồng rường. Ba con rường được đặt thưa chồng nhau qua các đầu kê mỏng hình vuông vát đáy, đỡ hệ thống hoành mái thượng. Giữa lưng rường trên cùng có một đấu sen cách điệu đỡ đấu hình thuyền đội thượng lương. Con rường cuối cùng của bộ vì được cắt bớt đoạn giữa tạo biến thể “giá chiêng” thấp. Do đã qua nhiều lần sửa chữa nên các vì nóc đại bái không đồng nhất, có nhiều khác nhau. Hiện, chỉ còn bộ nóc gian giữa bên trái là còn khá nguyên vẹn, giữ được nhiều mảng chạm khắc có giá trị. Các bộ vì khác tuy vẫn được làm với kiểu dáng tương tự nhưng các chi tiết không được gia công kỹ lưỡng. Đôi chỗ, các con rường là thành phần tận dụng lại của các cấu kiện trước kia nên các chi tiết hoa văn bị cắt đi một cách đột ngột.
Ở hai bộ phận chính gian giữa, từ cột cái là các xà nách ăn mộng nối ra đầu cột quân. Trên xà nách là các rường nách đặt chồng khít lên nhau, ở giữa không có đấu kê làm thành những diện trang trí lý tưởng. Từ đầu cột quân là các bẩy hiên có nghê đội bụng xà nách vươn ra đỡ tàu mái và hoành hiên. Ở hai bộ vì chính gian bên liên kết này được làm theo kiểu kẻ suốt: một kẻ dài ăn mộng từ đầu cột cái vươn qua đầu cột quân tạo đầu bảy đỡ tàu mái. Từ các cột các gian bên là các xà ngang to ăn mộng, liên kết với cột quân gian hồi để đỡ hệ thống vì nách gian hồi. Hệ thống kẻ góc có đầu trên bắt chéo nhau ở dạ thượng lương, chảy suốt tới đầu cột góc để đỡ các đao hình. Nối giữa đại đình và hậu cung là một gian ống muống. Gian này mới được làm vào giai đoạn sau với kiểu dáng kiến trúc đơn giản. Hậu cung Thượng Cung gồm 1 gian 2 dĩ, được làm theo kiểu tường hồi bít đốc. Hai bộ vì có kết cấu kiểu “ thượng chồng tường nhị hạ kẻ” trên thức vì 4 hàng chân cột. Tuy nhiên bộ vì ở hậu cung hiện chỉ còn 2 cột cái, còn các cột quân đã được thay thế bằng tường gạch.
Ban thờ chính
Phía trước, đại bái đình Thượng Cung, ở 3 gian giữa là hệ thống cửa bức bàn. Ở hai gian hồi là hệ thống ván song đặt trên tường lửng thông thoáng. Phía sau xây gạch kín. Bên trong nhà, toàn bộ nền đã được lát gạch bát. Cấp nền của hậu cung và ống muống cao hơn nền đại bái. Qua thời gian, nền đình đã được tôn lên nhiều lần nên có một số chân tang đã bị vùi lún, chìm xuống nền gạch lát. Đại bái đình Thượng Cung có một khối lượng trang trí khá đồ sộ, mang phong cách nghệ thuật cũng như kỹ thuật chạm khắc của nhiều thời kỳ khác nhau. Cách trang trí được chạm khắc ở hầu khắp các chi tiết với các đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, các con thú, hoa lá, vân mây.. và đặc biệt là hình tượng con người.
Các trang trí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII chủ yếu tập trung ở bộ vì nách bên trến gian giữa, ở một số bẩy hiên và cốn. Đề tài trang trí của giai đoạn này tập trung chiếm khối lượng lớn là hình rồng, phượng và cảnh sinh hoạt của con người…Hình rồng là một trong những đồ án trang trí được xuất hiện nhiều nhất tại đình. Rồng được thể hiện bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh với hình khối chắc, mồm rộng, móng nhọn, râu mác đua dài nhiều che lấp cả thân. Một số bức chạm rồng được thể hiện thành hình thức rồng ổ hoặc rồng cùng một số thú nhỏ khác và phượng. Các hình rồng này có nhiều nét tương đồng với những trang trí tại các đình Hoàng Xá (Ứng Hòa), Hạ Hiệp (Phúc Thọ). Có thể những bức chạm này được làm vào thời kỳ khởi dựng (1637) hoặc trong lần tu sửa đầu tiên (1687).
Gian thờ tổ nghề mộc
Tại một số con rường xuất hiện những hình rồng với những đường cong lớn, thân có vảy đơn, mồm loe, mũi sư tử, có sừng ngắn và đuôi là những túm lông xoắn đực trưng của đặc trưng của phong cách nghệ thuật giai đoạn Lê Cảnh Hưng. Ngoài ra, ở đình Thượng Cung còn có những hình rồng mang phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn - thế kỷ XIX. Đó là những phù điêu rồng có thân hình mảnh mai, mặt dữ tợn, đuôi túm, lông cuộn trong những bức chạm trang trí magn tính gò bó, đăng đối, nhiều chi tiết rối.
Một mảng đề tài được thể hiện nhiều ở đình Hống nữa là các cảnh sinh hoạt của con ngýời. Trên cốn, rường, thân bẩy… ta bắt gặp hình người được thể hiện trong nhiều hoạt cảnh khác nhau như tiên nữ cưỡi rồng, cưỡi phượng, hình người đang đấu vật; cưỡi ngựa, chăn voi hay luyện võ… Những hình chạm này được thể hiện với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh tương tự như những trang trí cùng đề tài với một số ngôi đình khác ở Hà Nội có cùng niên đại. Có điều hơi khác biệt, đó là hình người ở đình Thượng Cung được thể hiện trong chừng mực nào đó có tính đến tỷ lệ cân đối của cơ thể, các bộ phận của mặt đã xuất hiện rõ nét. Hình người được thể hiện sống động, nét mặt mô tả khá chi tiết, mang tính biểu cảm cao. Kỹ thuật chạm lộng, bong kênh ở những bức chạm có hình tượng con người đã đạt đến trình độ cao, tạo nên những mảng, khối với độ nông sâu khác nhau, tạo hiệu quả gần như những khối tượng tròn… chỉ bằng những nhát đục chắc khỏe, người nghệ sĩ dân gian xưa đã thổi hồn vào các bức chạm cảnh sinh hoạt của con người khiến cho các bức chạm trở nên sống động, lung linh.
Hình dơi, đầu rồng một kiến trúc lạ của đình Bắc bộ
Ngoài các đề tài trên còn có một số mảng chạm mang đậm phong cách thời Nguyễn như tứ linh, tứ quý hay trúc hóa long. Những bức chạm này khá đẹp nhưng nhiều mảng được thể hiện khá kỹ, đi vào chi tiết làm cho bố cục trở nên rườm rà. Kỹ thuật chạm của các trang trí thời Nguyễn, khác hẳn thời Lê, chủ yếu được sử dụng kỹ thuật chạm lộng, dàn trải trên mặt phẳng.
Đình Thượng Cung hiện còn gìn giữ được nhiều di vật, cổ vật thể hiện tấm lòng thành kính của dân làng Hống đối với các vị thần làng mình. Đồ giấy có thần phả, sắc phong, đồ gỗ chạm có long ngai, bài vị, kiệu bát cống, đồ gỗ chạm có long ngai, bài vị, kiệu bát cống, đồ bát bửu, hạc chầu, nghê gỗ, hoành phi, câu đối… và nhiều đồ thờ tự khác. Đặc biệt, ở gian giữa nhà đại bái có một bộ cửa võng bằng gỗ lớn được chạm lộng, nét nổi theo phong cách Lê trung hung, sơn son thếp vàng rực rỡ. Phía trên cửa võng là mảng chạm “Lưỡng long chầu nguyệt”, tiếp theo là 4 chữ đại tự: “ thánh cung vạn tuế” điểm xuyết cùng bài thơ ca ngợi công đức thánh…
Những mảng chạm khắc tinh xảo tại đình
Với niên đại khởi dựng năm 1637, đình Thượng Cung là một trong số không nhiều các ngôi đình có niên đại đầu thể kỷ XVII còn tồn tại. Trải qua thời gian, mặc dù hiện nay ngôi đình đã bị thay đổi nhiều nhưng cơ bản vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc của ngôi đình Hống thế kỷ XVII: bộ là mái xòe thấp; khoảng cách bước gian hẹp (khoảng cách gian giữa chỉ có 3,5m); kết cấu chồng đè truyền thống cùng các bức chạm khắc độc đáo. Các niên đại tuyệt đối ghi trên các thành phần kiến trúc khiến đình Thượng Cung là một nguồn tư liệu quý cho công tác nghiên cứu kiến trúc, mỹ thuật đình làng cổ xưa. Cảnh quan, môi trường thiên nhiên làng Hống cũng góp phần làm tăng giá trị cho chính đình Hống.
Trong sự quan tâm chăm sóc của dân làng Hống, ngôi đình Thượng Cung đang được bảo lưu và giữ gìn nhằm truyền lại cho mai sau một công trình kiến trúc cổ có giá trị, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày 03/8/1991, đình Thượng Cung được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia.