Tới dự có đồng chí Nguyễn Thị Tiến - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Vân - Giám đốc Viện bảo tàng phụ nữ Việt Nam; đ/c Trần Văn Tường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí lãnh đạo UBND - UB MTTQ huyện; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của Huyện, các xã, thị trấn cùng cán bộ, nhân dân xã Dương Xá và hàng chục nghìn du khách thập phương.
Trong lịch sử dân tộc, Nguyên Phi Ỷ Lan là một trong những danh nhân có tài trị nước xuất chúng. Bà tên thật là Lê Thị Yến, quê ở làng Thổ Lỗi, sau đổi thành Siêu Loại, Thuận Thành, Bắc Ninh, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm.
Sử sách ghi lại rằng: Vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi nên đã về chùa Dâu ở Thuận Thành - Bắc Ninh để cầu tự. Nhân dân quanh vùng nô nức chảy hội đón vua, chỉ riêng Ỷ Lan vẫn mải miết hái dâu. Vua thấy lạ liền vời đến hỏi sự tình. Thấy Lê Thị Yến đoan trang, bội phần xinh đẹp, đối đáp lưu loát, vua lấy làm cảm mến đã đưa về triều phong làm Nguyên Phi và xây một cung riêng (nay là đình Yên Thái, phường Hàng Gai, Hà Nội) và đặt tên cung là Ỷ Lan để nhớ lại sự tích cô gái tựa gốc lan trong buổi đầu gặp gỡ.
Khác với các Hậu phi, Ỷ Lan không lấy việc chau chuốt nhan sắc mong độc chiếm tình yêu của vua mà bà quan tâm tất thảy mọi công việc trong triều. Ỷ Lan đã khổ công miệt mài đọc sách nên chỉ trong thời gian ngắn đã có hiểu biết uyên thâm được triều thần bái phục. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân đánh giặc đã trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Cũng chính năm đó, nước Đại Việt ta bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi dân đói nổi loạn. Nhưng nhờ Ỷ Lan đề ra nhiều kế sách đúng đắn, quyết đoán, táo bạo nên loạn lạc được dẹp yên, dân đói được cứu sống. Cảm ơn công đức này và cũng để bày tỏ một tài năng siêu việt, nhân dân Đại Việt đã tôn bà là Quan Âm nữ.
Đánh giặc mãi mà không thắng, lo việc nước không yên, vua Lý Thánh Tông trao quyền thiết chế cho Thái úy Lý Thường Kiệt và đem một cánh quân nhỏ quay về. Đến Châu Cư Liên hay tin Ỷ Lan đã vững vàng đưa thế nước vượt qua muôn trùng gian khó giữ được thái bình thịnh trị, nhà vua thẹn với lòng mình nên đã quay ra trận, đánh cho kỳ thắng mới về.
Năm 1072, Vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, triều Lý không tránh khỏi rối ren, Ỷ Lan trở thành Hoàng hậu nhiếp chính đã thực thi nhiều biện pháp dựng nước an dân làm cho thế nước và sức dân mạnh hẳn lên, Đại Việt lại khởi sắc, nhanh chóng thịnh cường. Chính vì thế năm 1077, khi triều Tống mang quân xâm lược nước ta, với toàn quyền điều khiển triều đình, Ỷ Lan đã huy động được cả dân tộc vào trận, tạo thế nước ở đỉnh cao muôn trượng, đè bẹp quân thù, giữ yên bờ cõi và sự thịnh trị của đất nước.
Nhớ ơn công đức cao dày của Nguyên Phi Ỷ Lan, nhân dân đã tôn vinh bà là Mẫu nghi thiên hạ, Thượng đẳng tối linh thần. Hội LHPN Việt Nam đã đề nghị UNESCO công nhận bà là Người phụ nữ huyền thoại thế giới. Hiện tại, hàng nghìn nơi trong cả nước đã dựng đền và chùa để tôn thờ tưởng nhớ Ỷ Lan, trong đó có Đền và Chùa Bà Tấm ở xã Dương Xá (tương truyền là do chính tay bà xây dựng từ cuối thế kỷ XI) đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, được Nhà nước đầu tư, tượng đài Nguyên phi Ỷ Lan đã được dựng tại khu di tích lịch sử.

Tượng đài Nguyên Phi Ỷ Lan ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm
Để xứng với tầm vóc lịch sử và đức độ của bà Nguyên Phi Ỷ Lan, hàng năm, xã Dương Xá đều mở hội lớn nhất vùng vào ngày sinh và ngày mất của bà. Nhân dịp kỷ niệm 950 năm đăng quang Nguyên Phi Ỷ Lan, năm 2013, Lễ hội truyền thống được xã Dương Xá tổ chức với phương châm: “Trang trọng, an toàn và không có mê tín dị đoan” thu hút đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân tham gia.
Tại lễ hội năm nay, phần lễ có trên 20 đoàn từ khắp các vùng miền trong cả nước tham gia tế lễ theo nghi thức truyền thống tại Tượng đài và trong Đền thể hiện sự trang nghiêm, thành kính.

Một cảnh tế trong Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan
Về phần hội kéo dài suốt 3 ngày với nhiều hoạt động vui chơi bổ ích, hấp dẫn như: thi đấu bóng chuyền nam, nữ đội mạnh các tỉnh phía Bắc; giải bóng chuyền hơi nữ các đội mạnh trong Huyện; giải cầu chinh; hát quan họ tại sân chùa và tại Thủy Đình; tổ tôm điếm; cờ tướng; chọi gà..v.v. Nhìn chung, công tác an ninh trật tự tại Lễ hội được đảm bảo.
Một số hình ảnh tại Lễ hội:

Trận chung kết giải bóng chuyền nam

Giải cầu chinh

Trận bán kết bóng chuyền nữ

Hát quan họ tại Thủy đình
Minh Liễu