Ghi chép của nhà văn Xuân Ba - Báo Tiền Phong 10/200
TP - Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX là nội dung cuộc hội thảo khoa học sẽ diễn ra trong 2 ngày (18,19/10/2008) tại Thanh Hóa của Hội Sử học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức.
Hội thảo nhằm mục đích: Làm rõ quê hương, nguồn gốc dòng họ và chân dung một số vị chúa Nguyễn; vua Nguyễn. Quá trình xây dụng, mở mang lãnh thổ Việt Nam; Đóng góp và những mặt hạn chế của một vương triều phong kiến độc lập...
Trên cơ sở đó sẽ xác định phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Nguyễn...
Nhận được cái giấy mời dự hội thảo mà tâm trí cứ vấn vít những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long/ Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng/ Mà ta con cháu mấy đời hoang/ Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương...
Kỳ 1: Ở Gia Miêu Ngoại trang, nghe kể về Chúa Nguyễn Hoàng
Huế chứ răng lại ở đất Thanh? 9 Chúa 13 Vua của nhà Nguyễn dằng dặc hơn 300 năm, từng châu tuần ở đất Quảng Trị rồi đất thần kinh Sông Hương núi Ngự thì hội thảo phải mần ở Huế?
Nhớ buổi họp báo về cuộc hội thảo, một o ký giả quê ở miền Trung đã băn khoăn như thế và GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cười mà rằng, chứ cô quên Gia Miêu ngoại trang của đất Thanh là nơi phát tích nhà Nguyễn?
... Tiết hàn lộ trời lành, một mình tôi tha thẩn tìm về quê Thanh, đất thang mộc! Vâng, thang mộc nghĩa là tắm gội. Đất thang mộc là đất thiên tử phong cho các chư hầu để làm nơi cung đốn việc tắm gội hoặc nơi ăn ngủ trước khi vào chầu. Do đó, từ “thang mộc” cũng dùng để trỏ chung đất quê hương của vua chúa.
Thanh Hóa là đất thang mộc, quê hương của vua chúa, những Tiền Lê, Lê sơ, Lê Trung Hưng của Lê Hoàn, Lê Thái Tổ... Vĩnh Lộc xứ Thanh còn là quê Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm khởi đầu cho vương triều 12 đời chúa Trịnh dằng dặc 249 năm.
Từ Lèn rẽ vào đường 217 một chút là Đại Lại, Kim Âu - nơi chôn nhau cắt rốn của Hồ Quý Ly. Cũng cách Lèn mấy cây số, chỗ ngã ba quá Bỉm Sơn một chút thuộc đất Hà Trung bắt vào xã Hà Long tên cũ là Gia Miêu Ngoại trang nơi phát tích của Nguyễn Hoàng, chúa tiên khởi mở đầu cho 9 chúa, 13 vua Nguyễn sau này...
Nhớ cái năm đã lẩu lâu, tôi theo nhà thơ Nguyễn Duy và nhà văn Nguyễn Khải về Thanh. Chặng đầu của chuyến ấy, chúng tôi dừng lại ở một ngã ba này theo lời dặn trước của nhà thơ Nguyễn Duy.
Tại ngã ba Bỉm Sơn Hà Long, tháng 9 năm 1945, công dân Vĩnh Thụy trong chặng từ Huế ra Bắc làm cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dừng lại ở cái ngã ba này để làm cái việc bái vọng về quê tổ Gia Miêu Ngoại trang.
Tôi cứ phân vân không biết cơn cớ ra làm sao mà công dân Vĩnh Thụy, nguyên là vua Bảo Đại lại không cất thêm tí công, rốn thêm năm cột số nữa về hẳn đất tổ Gia Miêu để mà bái yết tiên tổ? Hay là thời thế đổi thay, ông cựu hoàng thấy hành xử như vậy nó hơi ngang lẫn chuế?
Sau khi nhảo một lượt khu Lăng miếu Triệu Tường nay đã thành phế tích lẫn đình Gia Miêu lúc đó cũng hoang phế, cữ mùa khô tiết hanh hao, chúng tôi bệt xuống đám cỏ may trước đình Gia Miêu khi ấy không có tường trống huơ trống hoác.
Tôi dỏng tai lên nghe chuyện của hai đấng, một ông văn, một ông thơ, cả hai đều lắm chữ lẫn lắm chuyện. Chuyện của hai ông họ Nguyễn. Nguyễn Duy, quê ngoại Hà Trung đây. Thơ ông viết bà ngoại tôi đi bán trứng ở ga Lèn...
Tôi níu váy bà đi chợ Bình Lâm/Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là nấm cỏ thôi... Bình Lâm nay là xã Hà Lâm của Hà Trung. Nhà văn Nguyễn Khải thì đời cố kỵ chi đó (đến Nguyễn Khải là đời thứ 34) cụ tổ quê ở làng Bồng tức xã Vĩnh Tân của Vĩnh Lộc bây chừ, quê của Tống Duy Tân.
Tôi thầm nghĩ, có lẽ nhà văn Nguyễn Khải thi thoảng vẫn thôi miên được bạn đọc là bởi một phần thông kim bác cổ? Chất giọng rủ rỉ của nhà văn trở về những tít tắp, xửa xưa...
Theo phả hệ họ Nguyễn thì Nguyễn Công Duẩn, anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là hậu duệ của anh hùng dân tộc Nguyễn Bặc. Ông được Bình Định Vương Lê Lợi giao trách nhiệm lo hậu cần vận lương cho cuộc kháng chiến. Các trận đánh ác liệt như Ninh Kiều Tốt Động Xương Giang..., Nguyễn Công Duẩn đã năng nổ chu đáo hoàn thành phận sự.
Ông được phong tước Thái Bảo Hoành công, con cháu được đời đời làm công thần nhà Lê. Rồi hậu duệ của Nguyễn Công Duẩn cuối đời Hậu Lê là Nguyễn Kim. Nguyễn Kim là một tướng giỏi, có nhiều công lao được phong tước An Thành Hầu. Khi nhà Hậu Lê bị nhà Mạc cướp ngôi, năm 1527, con cháu nhà Lê chạy trốn sang Lào.
Lúc bấy giờ, hầu hết các cựu thần nhà Lê ngả về họ Mạc hoặc bỏ đi nơi khác, chỉ có Nguyễn Kim là lo chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên Sầm Châu vùng Thanh Hoá giáp Lào lập bản doanh phò Lê diệt Mạc. Sau đó ông đã tìm được con vua Lê là Lê Duy Ninh ở Lào và đưa về tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông (1533-1548).
Ông giúp vua xây dựng hành điện ở xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nguyễn Kim về sau được vua Lê phong làm Thái Sư, Hưng Quốc Công, nắm giữ tất cả binh quyền.
Năm 1545, nếu không vì miếng dưa trong của viên hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc thì có lẽ sự nghiệp phò trợ nhà Lê của Nguyễn Kim còn là lương đống nữa dẫu rằng khi mất ông đã 78 tuổi. Vua Lê đã truy tặng cho Nguyễn Kim tước Chiêu Huân Tĩnh Vương.
Ông có hai con trai đều là tướng giỏi được phong chức Quận công. Trong đó có Nguyễn Hoàng trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở phía Nam.
Nguyễn Hoàng được vua Lê phong tước Thái úy Đoan Quốc Công. Năm 1558, người ta bảo do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gợi ý những là Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân, ông xin vào trấn thủ Thuận Hoá! Quanh cái câu này cũng lắm lắm lời tham góp bàn cãi. Rằng Trạng Trình khi đó đang phục vụ cho nhà Mạc đánh Lê Trịnh. Mà Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lại là tướng giỏi của tập đoàn Lê Trịnh. Hay Trạng Trình đã đọc được ý đồ ly khai của Nguyễn Hoàng?
Trong câu chuyện, tôi mang máng nhớ nhà văn Nguyễn Khải có nhắc đến một cuốn sử nào đấy mới được dịch, viết về cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, tác giả lại cùng thời với giai đoạn ấy và nghe đâu lại là viễn tổ của ông Nguyễn Khoa Điềm? Nhà văn Nguyễn Khải có lấy ra hai chi tiết thể hiện cái tài (hoặc cái khôn) cái khéo của Nguyễn Hoàng trong đám tang của ông anh rể Trịnh Kiểm.
Ở vào cái thế kẹt, thế hiểm bằng mặt chả bằng lòng thậm chí là đối địch mà ứng xử được vậy khéo lắm thay! (Lâu rồi tôi quên gần hết chỉ mang máng. Bồi hồi nhớ đến Nguyễn Khải nay đã ra người thiên cổ lẫn bâng khuâng nhớ lại chuyến đi về Gia Miêu lần ấy, tôi tới NXB mượn cuốn sách nọ đang lưu. Đó là cuốn Việt Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Khoa Chiêm.
Có thể biên ra đây cái khôn lẫn cái khéo của Nguyễn Hoàng mà nhà văn Nguyễn Khải nhắc đến. Đó là lời bài tán trong tang lễ Trịnh Kiểm “Minh Khang Thái Vương (Trịnh Kiểm- NV) có tài Y Doãn, Chu Công hùng dũng đảm lược mưu trí giữa chắc đánh thắng ứng biến vô cùng. Vạch gai góc lập quy mô phía Nam mở biên thùy, phía bắc chăm đất ruộng. Khôi phục triều Lê, lập kỷ cương chế độ. Từ Hán Đường Triệu Tống đến Đinh Lý Trần Lê đời không sánh kịp. Than ôi nghìn quân dễ có một tướng khó tìm! Khi vua mới lên ngôi tôn làm thượng phụ. Vu thân đến làm lễ quả là hết đạo quân thần. Tiếc thay nửa đường đứt gánh, chưa thỏa ý xưa. Nhưng có Nguyên Công (Trịnh Tùng- NV) tiếp bước tài năng khá nối chí cha. Rạng tiếng tổ tông. Thế là tốt đẹp” -VNKQCT, NXB Hội nhà văn năm 1994 tr.40).
Tiện việc tra sách, cũng lẩy ra đây một đoạn của tác giả Lại nói chúa xứ Nam là thái úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng từ ngày thống nhất hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa rộng ơn ban đức, thương yêu dân chúng, chậm bữa ăn để đón người hiền, xuống xe tiếp quân sĩ. Anh hùng quy phục hào kiệt đến theo. Luôn năm mưa thuận gió hòa, khắp nơi được mùa no đủ. Các nước lân bang tìm đến chầu phục. VNKQCT Sdd. tr.63)
Lúc đầu ông vừa lo xây dựng củng cố Thuận Hóa để dung thân, vừa lo chống quân nhà Mạc đang đánh phá khắp nơi, nhưng vẫn một lòng giữ nghĩa khí phò Lê. Ông vẫn thường ra chầu vua Lê ở Thăng Long.
Năm 1593, ông đưa quân ra Bắc Hà giúp Trịnh Tùng (là cháu ruột gọi ông bằng cậu) đánh dẹp họ Mạc trong 8 năm trời, tình cậu cháu khi ấy không rõ có việc bằng mặt không bằng lòng không nhưng khá là mật thiết. Cuốn Toàn thư của sử thần Ngô Sĩ Liên còn chép việc ông cậu ruột Nguyễn Hoàng cặm cụi vẽ kiểu rồi kỳ cạch cất công đóng cho ông cháu Trịnh Tùng khi đó cơ bản vừa đuổi xong giặc Mạc sắp ca khúc khải hoàn về tiếp quản Thăng Long một cái xe độc đáo ai nom thấy cũng phải khen! Mãi năm 1599 nhân có vụ quân binh chống họ Trịnh, ông mới có cớ đưa quân sĩ trở về Thuận Hoá.
Rồi lịch sử công bằng sòng phẳng sẽ khơi lại khung cảnh hàng ngàn vạn quân sĩ lẫn gia đình họ từ đất Bắc từ Tống Sơn, Thanh Hoá tự nguyện theo Nguyễn Hoàng vào Nam như là để phù trợ ý đồ của chúa lo phát triển cơ sở, mở mang bờ cõi.
Năm 1601, Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ. Năm 1611, có thể nói Nguyễn Hoàng đã thực hiện cuộc Nam tiến đầu tiên sau khi trấn giữ Thuận Quảng, tiến vào vùng đất từ đèo Cù Mông (Bắc Phú Yên) đến Đèo Cả (Khánh Hòa) lập Phủ Phú Yên. Cho đến khi Nguyễn Hoàng mất (năm 1613, thọ 89 tuổi), cơ đồ của họ Nguyễn đã kéo dài từ Hoành Sơn Đèo Ngang của Hà Tĩnh qua Đèo Hải Vân tới đèo Cả bây giờ!
Kỳ 2: Một thời vang bóng
TP - Rồi câu chuyện của nhà văn Nguyễn Khải rỉ rả bắt vào Chúa Nguyễn thứ hai là Nguyễn Phúc Nguyên, tức Chúa Sãi hay Chúa Bụt (1563-1635).
Chúa Sãi là con trai thứ sáu của Chúa Nguyễn Hoàng, kế nghiệp năm 1613 vì các anh đều chết sớm và một anh bị Chúa Trịnh giữ lại tại Đàng Ngoài.
Chúa Sãi có 11 con trai và 4 con gái. Chúa Sãi là người đầu tiên trong dòng họ mang họ Nguyễn Phúc. Tương truyền lúc mẹ ngài có thai chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ “Phúc”. Lúc kể lại chuyện, mọi người chúc mừng bà và đề nghị đứa bé ra đời được đặt tên là “Phúc”.
Nhưng bà nói rằng, nếu chỉ đặt tên Phúc cho đứa bé thì chỉ một mình nó hưởng, để cho nhiều người trong dòng họ được hưởng phúc, bà đề nghị lấy chữ này làm chữ lót. Và khi thế tử ra đời bà đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Hi Tông Hiếu Văn hoàng đế.
Chúa Nguyễn thứ ba là Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648). Ông có 3 con trai và 1 con gái. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế.
Thứ tư là Chúa Hiền tức Nguyễn Phúc Tần (1620-1687). Thứ năm là Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1650-1691) còn gọi là Chúa Nghĩa. Thứ sáu là Chúa Nguyễn Phúc Chu gọi là Chúa Minh (1675-1725). Thứ bảy là Nguyễn Phúc Chú, còn gọi là Chúa Ninh (1697-1738). Thứ tám là Chúa Nguyễn Phúc Khoát tức Vũ Vương (1714-1765).
Gọi là Vũ Vương vì ở Đàng Ngoài, Chúa Trịnh đã xưng vương nên Nguyễn Phúc Khoát cũng gọi mình là Vũ Vương! Như vậy việc xưng tụng ấy coi như Đàng Trong là một vương quốc độc lập. Có thể nói thời của ông là thời điểm cực thịnh của Chúa Nguyễn Đàng Trong.
Vị Chúa thứ chín và cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần tức Định Vương (còn gọi là Chúa Định) (1753-1777), con trai thứ 16 của Vũ Vương, kế nghiệp năm 1765. Đặc biệt vị Chúa này không có con. Khi còn sống, Vũ Vương đã có ý định cho con trai thứ chín là Nguyễn Phúc Hiệu nối ngôi.
Sau khi Nguyễn Phúc Hiệu chết, và con ông hãy còn quá nhỏ, Vũ Vương định cho con trai thứ hai của mình là Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn, là cha của vua Gia Long sau này) nối ngôi.
Khi Vũ Vương chết, gian thần Trương Phúc Loan giết Nguyễn Phúc Luân và lập Nguyễn Phúc Thuần, lúc đó mới 12 tuổi, lên ngôi. Năm 1777, ông bị thất thân với nhà Tây Sơn khi ở tuổi 26, chưa có con nối dõi. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế.
Năm Canh Tý 1880, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vương tại Gia Định và xưng là Nguyễn Vương. Đến thời điểm này sự nghiệp của các nhà Chúa xây dựng hơn 200 năm lại tiếp một giai đoạn khác là 13 đời vua đời Nguyễn giăng suốt 155 năm của lịch sử cho đến động thái thoái vị của ông vua cuối cùng Bảo Đại năm 1945!
Chiều Gia Miêu đã sậm muộn. Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Khải chừng như còn miên man thêm nữa khi ông nhắc đến cái cuộc di dân tầm cỡ Bắc Nam thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng như cái công khai sơn phá thạch của tiền nhân.
Những Nguyễn Hữu Tiến quê ở làng Văn Trai nay thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), con rể Đào Duy Từ, bố vợ đi trước con rể cũng cùng làng đi sau, cả hai ông con cùng vô Nam. Sau này người thành mưu sĩ (tác giả Lũy Thầy) người thành tướng giỏi của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Những Nguyễn Hữu Dật quê ở chính Gia Miêu đây cũng là khai quốc công thần của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà hậu duệ có Nguyễn Hữu Cảnh, người dân Sài Gòn vẫn coi như ông tổ của miệt đất Sài Gòn Gia Định.
Tướng tài, con dòng cháu dõi khỏi nói, nhưng những bạch đinh lẫn bách tính thường dân như dòng họ Phạm Đăng đất Thanh, ông tổ theo Nguyễn Hoàng vô Thuận Quảng rồi con cháu cứ xích mãi dịch mãi về nam...
Dòng họ Phạm Đăng sau này có một người phò trợ sự nghiệp nhà chúa mà hiển vinh. Đó là Phạm Đăng Hương ngoài hàm chức cỡ Thượng thư còn góp cho đất nước một người đẹp, một hoa hậu. Đó là cô con gái Phạm Thị Hằng, hoàng phi của vua Thiệu Trị, chính là thân mẫu của vua Tự Đức sau này.
... Bên vệ cỏ may, nhà thơ Nguyễn Duy đang thao thao về cái ngôi đền lở lói trống hoác thông thống chả cửa giả gì, tay cứ roanh roách cái máy Nikon về phía hoang phế của ngôi đình Gia Miêu. Đình được vua Gia Long đích thân về Gia Miêu đây khởi công năm 1806 để thờ thành hoàng và những bậc thánh nhân.
Nhà thơ cứ nắc nỏm về kiến trúc độc đáo tiêu biểu của thời Nguyễn mà ông nói cực hiếm còn sót lại tại đất Thanh Hoá này. Những thuật ngữ lạ tai như chồng rường kẻ bẩy những cốn, mê những chạm lộng chạm ngầm chạm nổi... được nhà thơ vanh vách như một thợ mộc chính hiệu.
Dễ hơn mười năm đã qua... Đận này về một mình lại không bị câu thúc bấn bíu này khác nên tôi có thời gian dò dẫm lâu lâu ở Gia Miêu. Những Gia Miêu nội, Gia Miêu ngoại, Gia Miêu thượng, Đồng Toàn, Đồng Hậu, Đồng Bình, Phù Nhân... 13 làng cả thảy, người nói là năm 1945, người khẳng định là vô dịp bầu Quốc hội khoá I đầu năm 1946, 13 thôn hợp nhất thành một xã có tên mới tinh là Hà Long cho đến bây giờ.
Cũng như 23 xã khác của huyện Hà Trung đều nhất loạt có tên mới ở thời điểm ấy bắt đầu bằng chữ Hà. Hà Long, Hà Ngọc, Hà Lâm, Hà Lĩnh vv... (Có cái lạ, mặc dầu địa danh mới nhưng nơi phát tích 9 chúa và 13 vua Nhà Nguyễn, người ta dùng chữ Long sau chữ Hà.
Tương tự tít tận trong Nam, nơi sinh ra hai vị Thủ tướng Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt có tên là Vĩnh Long? cũng quê ở đây còn hai vị Thủ tướng của chế độ cũ là Trần Văn Hương, Trần Văn Hữu). Hà Long có 30 họ cả thảy những Nguyễn, Trương, Bùi, Hà... là những họ lớn. Nguyễn là to nhất từng được coi là danh gia vọng tộc.
Bồi hồi lẫn ngạc nhiên giở tiếp một vài trang chính sử. Thấy tiền nhân ghi chép về một công trình, một thứ vưu vật ngay bên đình Gia Miêu. Vưu vật ấy bây giờ là khoảng đồng lúa đang ngả sắc vàng chanh những dòng như thế này.
Làng Quý Hương huyện Tống Sơn Phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các bậc tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng luỹ như một toà thành nhỏ đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường (Theo “Niên Giám Đông Dương năm 1901”).
Đại Nam thống nhất chí chi tiết hơn: Miếu Triệu Tường bao gồm 182 trượng bao quanh, thành có hào nước có cầu gạch bắc qua, lại có 2 lớp luỹ bao bọc. Luỹ ngoài xây vào năm Minh Mạng thứ 16- năm 1835) có 4 cửa trổ theo bốn phương. Cửa Nam có một vọng lâu luỹ được xây dựng năm 1834 có 3 cửa đông, tây, nam.
Cửa Nam là một cổng tam quan phía sau có hồ bán nguyệt. Phạm vi lăng trong được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính là Nguyên Miếu (thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng) khu vực bên đông là thờ Trừng Quốc Công (Nguyễn Hoàng Dụ cha của Nguyễn Kim). Khu vực bên Tây là trại lính và nhà ở của các gia nhân coi lăng có hai viên quan thuộc dòng tôn thất được cử ra coi lăng là Chánh sứ Phó sứ.
Khu vực Nguyên Miếu nằm trong thành Triệu Tường là khu trung tâm được xây dựng vào năm Gia Long thứ 2 (1804), trùng tu vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820). Trang trí và sắp đặt trong Nguyên Miếu được mô tả trong sách của một sử gia Pháp tên là H. Le Bretstin như sau: Trước các bài vị có kê hai sập chạm rồng.
Bên trái và bên phải là hai rương quần áo thờ. Mỗi lần vua Nguyễn về Nguyên Miếu đều cúng tế theo đúng mọi nghi lễ quy định. Người ta trải lên sập chiếu hoa. Trên chiếu hoa lại trải chiếu son để bày các món ăn. Rồi tiếp đến hai bàn thờ.
Bàn thờ phía trong những ngày kỵ có bày các mâm quả các cây đèn thiếp, bàn thờ phía ngoài bày đồ ngũ sự bằng thiếp, những lọ hoa lại có cả đôi hạc sơn son thếp vàng. Hai khay vàng giấy để khi lễ xong thì đem đốt. Khoảng giữa 2 bàn thờ là những cái bàn để dâng đồ cúng tế như bò, lợn, dê. Khi nhà vua đến cúng tế thì trải một cái chiếu trước bàn thờ ngài.
Còn đây là Lăng Trường Nguyên nằm dưới chân Thiên Tôn đằng sau đình Gia Miêu. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là Lăng Trường Nguyên (suối dài vĩnh cửu). Vì mộ Nguyễn Kim như nhiều người đã biết qua chính sử, không còn để lại dấu vết (có thuyết nói ông được hổ táng.
Nhưng những nhân vật tầm cỡ lương đống như Nguyễn Kim mộ phần chính thức đích xác là cả một bí mật kinh khủng, người trong dòng họ cũng không thể biết, như mộ Trần Hưng Đạo chả hạn?) nên Gia Long chỉ cho xây một nền vuông để bái yết và cúng lễ nên gọi là phương cơ.
Năm Minh Mệnh thứ 3, 1822 Minh Mạng về Gia Miêu thân đề một bài minh trên tấm bia dựng ở khu lăng miếu Triệu Tường: Đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ/Nghĩa động quỷ thần công truyền vũ trụ...
Quy mô kiến trúc cũng như kỹ thuật xây dựng ở Miếu Triệu Tường, Gia Long muốn ngoài ý nghĩa thờ tự và ghi nhớ công ơn của Triệu tổ nhà Nguyễn, công trình như là một tặng vật cho quê hương. Kiến trúc lăng miếu Triệu Tường mang phong cách của các kiến trúc Lăng tẩm nhà Nguyễn sau này.
Đầu năm 1939, theo yêu cầu của vua Bảo Đại, toàn bộ Miếu Triệu Tường được tàu bay Pháp lượn đảo nhiều lần thu vào ống kính máy ảnh những góc độ khác nhau (xem ảnh kỳ I). Nhưng tiếc thay một thời ấu trĩ đã quét những công trình gần như bằng địa.
May mắn, chả biết có phải một hậu duệ thuộc chi phái nào đó của cụ Nguyễn Hoàng ở hàm chức Thượng thư chế độ mới là ông Nguyễn Khoa Điềm về thắp hương lẫn trồng một cây đa trước đình Gia Miêu mà đình đã được tu sửa bớt đi thứ trống huơ trống hoác trong tấm ảnh của nhà thơ Nguyễn Duy ngày nào (xem ảnh).
Tôi biết thêm công ấy có cả sự đôn đáo của ban lãnh đạo xứ Thanh hồi đó cụ thể là ông chủ tịch Phạm Minh Đoan đã mau chóng giải ngân 400 triệu đồng cho kinh phí tu sửa!
Rồi Lăng Trường Nguyên năm ngoái được tôn tạo chút đỉnh nên mới có cái nhà bia lưu lại bút tích của vua Minh Mạng cùng nền phương cơ nơi thờ cúng và cũng là phần mộ của Triệu tổ Nguyễn Kim. Những ngày này về Gia Miêu lại xốn xang cảm kích thêm con đường mấy cây số từ đình Gia Miêu dẫn vào Lăng Trường Nguyên dưới chân núi Thiên Tôn đang được làm mới nghe đâu sẽ trải nhựa phẳng lì để hậu duệ vua chúa Nguyễn lẫn khách thập phương về chiêm bái!
Kỳ 3: Dâu bể đi qua
TP- Rẽ vào đền thờ một vị quan không rõ tên chuyên coi sóc việc dựng Miếu Triệu Tường khi chết được lập đền thờ có tên là Quan Tường ngay gần đình Gia Miêu.
Chuyện của cụ từ coi đền có tên là Nguyễn Thị Soạn, 75 tuổi, trong sắc chiều nửa vàng nửa đỏ của tiết chiều sắp giông khiến tôi cứ rờn rờn.
Cái năm cụ Soạn mười bảy mười tám, Miếu Triệu Tường đang còn nguy nga những toà ngang dãy dọc.
Khi tôi đưa cụ coi tấm khung ảnh chụp Miếu Triệu Tường trước năm 1945 (còn lưu ở Viễn Đông Bác cổ) thì chỉ nheo cặp mắt một tẹo cụ đã vồ vập suýt xoa rằng đúng là như rứa!
Cụ Soạn những năm xa ấy là con gái của một cửu phẩm được đảm nhận việc trực ở điếm canh của Miếu Triệu Tường.
Cụ cửu phẩm lắm hôm bận đi đánh tổ tôm hay có việc chi đó thường nhờ con gái trông hộ. Việc cũng nhàn, có người vào lễ miếu thì mở cửa miếu cho họ. Tấp nập khách thập phương đến tế lễ là cữ sóc vọng (rằm hoặc mồng Một âm lịch).
Cụ Soạn lần trong cái đãy đeo bên hông ra cho tôi coi hai đồng tiền trinh đã mờ cả hai mặt. Cụ cho hay, đôi tiền trinh này cụ được người đến lễ cho. Cụ Soạn khư khư bên mình bất ly thân từ ngày ấy .
Để làm chi vậy? Cụ cười đi mô hay mần chi cụ cũng xin âm dương! Hèn chi nó bóng nhoáng lẫn mờ như vậy! Cụ Soạn nhớ lại: Chặp tối hôm Miếu bị dỡ bỏ, đợi lúc vắng người, cụ nhảo ra thắp hương phần hậu cung còn sót thì cụ Soạn kinh hãi đờ người khi thấy trên bức tường sót lại hàng đàn rùa cỡ như cái mủng cái mũ cứ lừ đừ nối nhau không biết bò đi đâu? Những con rùa này cụ Soạn từng coi Miếu đã quen lắm. Khách đến lễ Miếu cũng đã quen vì thi thoảng vẫn thấy các cụ vất vưởng bên lối đi trong Miếu.
Chúng (cụ Soạn thì gọi bằng cụ) được thả về đây hàng đàn khi Miếu Triệu Tường đã xây xong. Nghe nói để trấn yểm chi chả biết. Kể từ năm một ngàn tám trăm linh mấy chi đó khi hoàn tất việc xây Miếu Triệu Tường, đàn rùa này được cử tới coi Miếu, thì tới thời điểm đó có nhiều “cụ” cỡ tuổi trăm chứ chả bỡn?
Bàn tay lẩy bẩy của cụ Soạn khi miêu tả những chữ nghĩa này khác trên mai trên bụng lũ quy (mà tôi đoán là hoa văn vẫn thường có trên mai rùa) cho biết là cụ thân sinh ra cụ Soạn từng đọc được những Hán tự chi chi đó hẳn hoi.
Cụ Soạn cũng cho biết thêm là thần tình làm sao, từ bấy đến nay tịnh không có ai ngó thấy bóng dáng của một cụ rùa nào cả! Ngày hai cây muỗm (gọi là cây quéo) cổ thụ phải hai người ôm trước cổng đến Triệu Tường bị đốn ngã xẻ ván, cụ Soạn cũng đã bưng mặt khóc…
Tôi ngó ra khoảng lúa vàng chanh mà thuở trước là nền Miếu thiêng cố tưởng tượng ra những toà ngang dãy dọc của Miếu xưa rồi lại lan man về những ngày ngắn ngủi Bác Hồ bí mật thăm Thanh Hóa đầu năm 1947.
Trước khi có cuộc nói chuyện với nhân sĩ trí thức phú hào Thanh Hóa vào ngày 20 tháng 2 năm 1947, Bác Hồ đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thanh Hoá.
Bác thẳng thắn phê bình hiện tượng mất đoàn kết, cách mạng chưa gì mà đã tranh công tranh phần! Đặc biệt một đêm trước đó, cùng bộ phận tuỳ tùng, Bác đã đến thắp hương tại ngôi Miếu thiêng Gia Miêu này.
Bác và những người đi theo đã khấn đã thề thế nào trước anh linh của tiền nhân thì chỉ có người trong cuộc biết được. Nhưng trăm họ vốn họp nên nhà nên nước, vậy khấn chi thì khấn thì cụ nhà mình dứt khoát là bạch với tiên tổ nhà Nguyễn phù trợ cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bớt xương bớt máu và mau đến thắng lợi!
Có nhiều ý kiến khẳng định, Cụ Hồ từ Việt Bắc bí mật theo đường Chi Nê, Hoà Bình qua phố Cát Kim Tân rồi rẽ ngay vào Gia Miêu ngoại trang này sau đó mới xuôi theo đường Vĩnh Lộc vào Rừng Thông sang Thọ Xuân , nơi có nhiều cơ quan kháng chiến đóng.
Sau này, tôi được tiếp cận với một tài liệu, trong cuộc nói chuyện với nhân sĩ trí thức phú hào xứ Thanh tại Rừng Thông hay Thọ Xuân ấy, Cụ Hồ đã gặp các bậc, các đấng như Cao Xuân Huy, Lê Thước, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Đào Duy Anh... Cụ Lê Thước thay mặt cho giới trí thức đứng dậy: “Thưa Bác...”, Bác nói ngay với Cụ Thước rằng, chúng ta đồng lứa, “Bác” là để cho thanh niên gọi. GS Lê Thước đồng tuổi, lại cùng quê với Cụ Hồ bèn nói, thưa Cụ, có anh em chúng tôi đây xin Cụ giải thích cho một điều, thế nào là chế độ cộng hoà dân chủ, dân chủ mới? vv...
Sải những bước chầm chậm trên mảnh đất từng cõng hai cụ muỗm cổ thụ để gẫm thêm bao việc bao chuyện... Cái năm 1883, với Hoà ước năm Quý Mùi và Hòa ước năm Giáp Thân ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp, toàn bộ nước mình rơi vào thống trị của Pháp.
Thanh Hóa chỉ là một tỉnh của Trung kỳ thuộc quyền quản lý của Nam Triều, mà khi ấy uy quyền của vương triều Nguyễn đã sút kém, đã bớt thiêng.
Rồi những ngày trời long đất lở của cuộc Cách mạng tháng Tám, hình ảnh ông vua cuối cùng của triều Nguyễn dâng ấn kiếm kèm câu nói chắc là bột phát khi ấy, làm công dân một nước độc lập hơn là vua một nước nô lệ.
Rồi những diễn tiến tiếp trong vài chục năm sau đó, khi các nhà làm sử nước nhà hẳn đã bị quá ám ảnh về một Nguyễn Ánh từng quyết liệt chống Tây Sơn, gửi Hoàng tử Cảnh sang Pháp, sống chết bám lấy Pigneau de Béhaime (Bá Đa Lộc) và các giáo sĩ phương Tây, dùng người Pháp làm cố vấn rồi ban rồi đặt tên Việt cho; Một Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm bị Nguyễn Huệ phá cho tanh bành ở Rạch Gầm - Xoài Mút; Rồi một một số ông vua Nguyễn sau này hoang mang lẫn chết khiếp trước sức mạnh xâm lăng nổi trội với kỹ thuật Tây phương tàu thép, tàu đồng, súng nổ...; Rồi những Phan, Lâm mãi quốc triều đình khi dân vv...
Các nhà làm sử tất nhiên đã không ngại ngần cái việc truyền những ám ảnh đó cho các thế hệ sau những là Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà, các vua Nguyễn đầu hàng bán nước cho thực dân Pháp!
Nhưng nếu như sử học là quá trình nhận thức lại lịch sử, thêm nữa, nhìn nhận lịch sử dưới lăng kính chiếu yêu công minh khoa học sòng phẳng của Đổi Mới, bằng việc chiêu tuyết cho Phan Thanh Giản mới đây, liệu đã thực khách quan sòng phẳng chưa khi mà riệt tội cho cả một triều đại?
Bây giờ nhìn lại, thử đặt câu hỏi vua quan triều Tự Đức liệu có giữ được nước không khi mà thời điểm ấy hầu hết các nước ở Đông Nam Á và Đông Á lần lượt lọt vào tay thực dân Tây phương?
Hình như có một thời không ít các nhà làm sử do duyên do nào đó đã quên đi công sức trong sự nghiệp thống nhất đất nước của vị vua đầu triều Nguyễn cũng như công trình kể xiết mấy mươi việc khai phá bờ cõi của Chúa tiên khởi Nguyễn Hoàng. Đến bây giờ những vội vã lẫn ấu trĩ ấy liệu đã có thể thanh thoát lẫn dứt khoát?
Ngày Lăng Miếu Triệu Tường được nhận Bằng xếp hạng di tích tháng 4 năm 2008 này, tôi bận không về được mặc dù nhà thơ Nguyễn Duy có rủ. Di tích hiện chủ yếu là 182 trượng đất... ruộng đang ken đặc lúa giống mới? Nghĩ mà phục thay, đáng nể thay cho một quyết định nói đúng hơn một quyết tâm của cấp trên mai kia sẽ phục dựng lại công trình Miếu Triệu Tường.
Một nén hương muộn, một nghĩa cử tạ lỗi, tri ân với tiền nhân? Tôi cũng được ngó qua những phối cảnh với bản khái toán này khác... Cũng chả phải ít tiền, đâu những hơn trăm tám chục tỷ chi đó. Phương án tài chính có lẽ chả khó với sự đồng thuận xen lẫn sự hối tiếc của dòng họ Nguyễn đang xôm tu, đang là trụ cột là lương đống này khác dưới gầm trời Nam này?
Kỳ 4: Huyền bí lòng đất Gia Miêu hay là ngôi mộ của người chị gái Chúa Nguyễn Hoàng
TP - Mới đây tại Thanh Hóa trong cuộc Hội thảo khoa học Chúa Trịnh Sâm, cuộc đời và sự nghiệp, tôi may mắn gặp ông Phạm Như Hồ, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu Khảo cổ học của Viện Khảo cổ Việt Nam.
Câu chuyện về một ngôi mộ ở gần Gia Miêu ngoại trang thuộc xã Hà Long bây giờ ly kỳ cuốn hút tôi từ đầu chí cuối...
... Một đơn vị bộ đội thuộc H10, Sư 320 đóng quân tại thôn Đại Sơn, xã Hà Long trong lúc san đất một quả gò nhỏ có tên là gò Cồn Toại để trồng sắn đã chạm phải phần nóc của một ngôi mộ (mui luyện) nhưng cứ ngỡ là đá đồi tự nhiên.
Tháng Giêng năm 1978, ngôi gò ấy lại được một xí nghiệp gạch san ủi làm bật lên phần mui luyện của ngôi mộ. 8 giờ sáng ngày 6/3/1978, một vài anh em bộ đội đã tò mò đập vỡ một góc của phần mui luyện của ngôi mộ và phát hiện thấy một cái quách.
Đập tiếp một mảng quách, phát lộ ra một khoảng quan tài. Họ dùng xà beng đập nạy đủ kiểu thì thấy tòi ra những vải vóc lụa là và bất ngờ thò ra một bàn chân quấn vải! Sợ quá, anh em lấp đất lại...
Tin tìm thấy một ngôi mộ cổ loang nhanh. 6 giờ chiều cùng ngày, Công an huyện đến hiện trường rồi báo cho Công an tỉnh Thanh Hóa. Công an tỉnh báo cho Sở Văn hóa thông tin... Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có cuộc họp gấp với Công an huyện, tỉnh Sở Văn hóa cùng Bảo tàng tỉnh.
Lại có sự góp mặt của đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ học khi đó tình cờ đang công tác tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong đó có ông Phạm Như Hồ. Sợ ngôi mộ bị bọn xấu phá phách với lại cũng đã bị đập quách phá quan nên một phương án đưa ra được các bên thống nhất là phải tổ chức khai quật tiến hành việc khảo cổ có tính chất chữa cháy này!
Mặc dù có sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng công an phối hợp với lực lượng bộ đội đóng trên địa bàn huyện Hà Trung (thời điểm ấy là huyện Trung Sơn cũ) vẫn có rất nhiều người do tò mò đã kéo đến.
Không thể tiến hành công việc khai quật lẫn khảo cổ trong khi có rất nhiều người níu kéo xô đẩy, bộ phận công tác đã phải trục chuyển ngôi mộ đến một nơi khác trên đỉnh gò và đợi đến lúc nửa đêm về sáng mới tiến hành việc mở mộ. Sau đây là mô tả của ông Phạm Như Hồ.
Mộ nằm ở hướng Tây Bắc Đông Nam. Chếch Bắc 52o. Do mộ đã chôn quá lâu nên không còn dấu vết nhà mồ và mộ chí (bia mộ). Quách mộ dài 3,2m. Cao 1,3m. Nóc quách mộ hình mui luyện như con thuyền úp ngược.
Quách được chế tạo bằng 3 hợp chất chính là vôi cát mật mía nên còn gọi là quách tam hợp, một đặc trưng kiểu mộ táng thời Lê Trịnh của bậc quý tộc vua chúa. Ngoài ra để tạo sự bền vững người xưa còn trộn cả vỏ sò ốc hến (nhuyễn thể) giã mịn nên quách ngả màu xám trắng.
Khi xây quách, người ta đổ thứ hợp chất này bằng khuôn gỗ tạo thành hộp hình chữ nhật. Sau khi đặt quan tài vào thì mới đổ mui luyện.
Quách tam hợp được kết cấu xây dựng như vậy nên rất dẻo dai rắn chắc rất khó đập vỡ (trong câu chuyện ông Phạm Như Hồ cũng cho biết, thời điểm chiến tranh phá hoại, ở vùng nọ một quả bom Mỹ đã phạm phải và thổi bay một ngôi mộ cổ cách nơi táng 30 m nhưng cả quan lẫn quách không hề hấn gì!).
Bên trong quách là quan tài hình chữ nhật dài 1,95m. Rộng 0,57m được chế tạo bằng gỗ ngọc am (lõi của một loại thông già) ghép bằng mộng đuôi cá. Ván quan tài dày 7cm nhưng không phải là một tấm liền mà được xẻ ra thành nhiều lớp rồi dùng sơn ta kết lại như kiểu ván ép thời nay.
Do gỗ thông không bao giờ bị mối mọt lại được gắn bằng sơn ta nhiều lớp như vậy nên dẫu nằm rất lâu trong đất nhưng vẫn không hề bị nứt toác cong vênh. Với kỹ thuật mộng đuôi cá chìm bên trong nên muốn mở được quan tài thì phải dùng xà beng mà cậy phá.
Cũng cần phải nói thêm, giữa quan tài và quách hợp chất, người xưa đã lèn đầy mùn cưa và giấy bản vào khoảng trống đó để giữa cho quan tài bên trong ổn định đồng thời cũng là lớp cách nhiệt. Tóm lại nước và không khí đều không thể lọt vào trong quan tài.
Sau khi cậy được phần nóc mui luyện, thực tế là anh em công binh đã phải nạy phá rất vất vả, trên nắp quan tài có trải một tấm minh tinh bằng vải ghi tên họ lai lịch người quá cố. Nắp quan tài sau khi được cậy phá bật ra xuất hiện một khối vải vóc chật cứng không một chỗ hở. Đại liệm là loại gấm hoa kép. Mở xong phần đại liệm là tiểu liệm.
Tiểu liệm là gấm hoa đơn. Các cán bộ khảo cổ xác định ngay người nằm trong mộ là nữ bởi lớp tiểu liệm đều có 9 nút đai buộc (kiểu nút bùa). Nếu 7 nút buộc sẽ là nam bởi đàn ông có 3 hồn bảy vía, đàn bà lắm hơn, những 3 hồn 9 vía.
Mở được hai lớp tiểu liệm ra còn tiếp những lớp vải chèn quấn kín. Mở hết các lớp chèn mới thấy lộ ra áo váy bên trong. Ngoài ra những đồ tuỳ táng còn có: một bao gạo nhỏ, một túi đựng răng (người Việt trước đây mỗi lần răng rụng đều cất đi khi chết thì chôn theo) một túi bùa, một số bánh tượng trưng, xà cạp dùng quấn tay chân, bao thắt lưng, khăn trùm đầu phủ mặt, bông nút tai. Chủ nhân là một phụ nữ khoảng ngoài 60 tuổi. Tóc đã điểm bạc. Trong miệng còn ngậm hai đồng tiền (còn gọi là tiền phạm hàm).
Nhà khoa học Phạm Như Hồ cũng lưu ý rằng, nghi thức táng bằng loại hình hợp chất (hay còn gọi là mộ xác ướp) rất đặc thù thời Lê Trịnh đều tuân thủ những nguyên tắc giống hệt nhau. Ngôi mộ đã khai quật ở xã Hà Long này cũng trùng hợp với nhiều ngôi mộ khác mà cán bộ khảo cổ đã từng khai quật ở các địa phương khác nhau.
Đều có kết cấu giống nhau có khác chăng chỉ là một số đồ tùy táng. Vàng bạc châu báu tuyệt nhiên không bao giờ có ngoại trừ duy nhất đó là bà Dương Thị Bí, vợ vua Lê Thái Tông có một đôi hoa tai bằng vàng. Ngay cả như vua Lê Dụ Tông cũng không một mảy vàng bạc nào chôn theo.
Ông Phạm Như Hồ cũng dẫn ra nghiên cứu của GS Đỗ Xuân Hợp, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Quân y từng bỏ công sức nghiên cứu hình thức mộ táng này rằng, sở dĩ loại hình mộ hợp chất này còn giữ nguyên được xác, ngoài việc kết cấu quan quách cực kỳ khoa học như vậy thì tất cả các xác còn được ướp bằng tinh dầu thông! Người ta đã đổ rất nhiều tinh dầu thông vào trong quan tài.
Chính tinh dầu thông vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa làm cho cái xác lúc nào cũng tươi mềm không bị phân hủy. Vậy nên người xưa có thể quàn các bậc vua chúa công hầu khanh tướng hoặc các nhà quý tộc rất lâu trong nhà vài tháng thậm chí cả năm đợi ngày lành tháng tốt hợp với tuổi người chết thì mới đem đi an táng.
Thêm nữa khi người ta sống, có thể ở bất kỳ nơi đâu nhưng khi chết thì thường đưa về an táng tại quê cha đất tổ. Chẳng hạn các vua Trần thường về Tam Đường Thái Bình. Các vua Lê thì đưa về táng ở Lam Kinh. Vậy người đàn bà trong ngôi mộ được khai quật ở Hà Long là ai? Liệu có nằm trong quy luật đó không?
Như đã nói, ngôi mộ không còn mộ chí nên việc xác định chủ nhân chỉ còn dựa trên hai cơ sở. Đó là đồ tuỳ táng đặc biệt là tấm minh tinh. Hai là dựa vào tài liệu dã sử bằng cách hỏi han dân sở tại. Ngôi mộ đào được tại vùng Gia Miêu Ngoại trang nay tên mới là Hà Long nằm trong khu vực quê tổ của dòng họ Nguyễn Kim.
Khu vực mộ lại nằm gần Lăng Miếu Triệu Tường. Miếu Triệu Tường thờ Nguyễn Kim. Mộ thật của Triệu tổ Nguyễn Kim như đã đề cập ở bài trước, do nhiều lý do nên không thể tìm thấy! Các cụ già thời điểm khai quật đã cho đoàn công tác biết rằng ngôi mộ này nằm trong khu vực tư điền của bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo con gái của Nguyễn Kim chính là vợ của Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm.
Nhưng khi được hỏi vị trí chính xác thì không ai nhớ rõ chỉ đến khi máy ủi làm lộ ra ngôi mộ thời mới biết! Hai đồng tiền trong miệng được xác định, một đồng là Thiệu Bình Khánh Bảo, còn đồng thứ hai là Thái Bình Thánh Bảo (Thiệu Bình là tiền thời Lê Thái Tông 1434 -1439. Thái Bình là tiền thời Lý Thánh Tông, 1054 -1072).
Dựa vào hai đồng tiền thì cũng chỉ mới xác định được ngôi mộ có sau thời Lê Thái Tông tức sau khoảng 1434-1439. Vậy chỉ còn căn cứ trên tấm minh tinh dán nắp quan tài, tiếc thay khi đào bới tuy không bị rách nhưng đã bị bong rất nhiều chữ. Cũng đang còn may đọc được mấy chữ Nguyễn Thị Ngọc Báu. Ngọc Báu có lẽ là tên thuỵ của bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo chăng?
Cũng cần nói thêm, ngôi mộ dạng này không có thể có vào thời Nguyễn được tức là không thể có sau năm 1802 của Nguyễn Thế Tổ Nguyễn Phúc Ánh, bởi mộ thời Nguyễn khác hẳn. Cũng trong quan ngoài quách nhưng quách không phải là tam hợp lại thường được xây bằng gạch thậm chí cuối thế kỷ XIX đầu XX lại được xây bằng cả xi măng cốt thép. Loại mộ này không bao giờ giữ được xác thường chỉ còn xương cốt nhưng đa phần mục nát.
Với tất cả những cứ liệu trên, ông Phạm Như Hồ cho rằng đích xác người nằm trong mộ chính là bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, con gái của Triệu tổ Nguyễn Kim, phu nhân của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, người đã khẩn cầu Trịnh Kiểm cho em ruột Nguyễn Hoàng vào trị nhậm xứ Thuận Quảng mở mang bờ cõi của Đại Việt về phía Nam!
Nhà khoa học này đã nói vậy, đã xác định vậy thì tôi cũng chỉ biết vậy. Tấm minh tinh như ông Phạm Như Hồ cho hay về sau này có đưa về Sở Văn hóa Thanh Hóa. Không biết tấm minh tinh này bây giờ số phận ra sao? Và cũng tiếc thay, khi ấy chỉ còn mấy chữ Nguyễn Thị Ngọc Báu? Hay là còn chữ nào chưa được đọc?
Hỏi thêm về ngôi mộ tôi cũng được ông Phạm Như Hồ cho hay, sau đó đoàn công tác cùng dân làng lại đưa về chính nơi cũ lấp lại để người con gái của Triệu Tổ Nguyễn Kim, người chị gái chúa tiên Nguyễn Hoàng đời đời yên nghỉ trên mảnh đất tổ quê cha.
Chiều thu Gia Miêu hằn một góc trời đỏ sậm dáng mái đao của ngôi đình mới phục chế chưa lâu. Mới hồi nãy mây khói đèn còn đương vần vũ mà ánh chiều đã thoắt biến thành ngũ sắc... Hẳn anh linh của tiền nhân hình như bảng lảng đâu đây mách bảo với hậu thế rằng còn biết bao điều huyền bí trong lòng đất Gia Miêu Ngoại Trang.
Kỳ cuối: Gia Miêu nhiêu khê lẫn độc đáo
TP - Lần này về Gia Miêu Hà Long, cùng đi với tôi có cựu Bí thư Huyện ủy Trịnh Quốc Tuệ. Ông Tuệ gắn bó với Hà Trung từ những năm cuối 1990 đến năm 2006 mới nghỉ.
Câu chuyện trên xe cứ dài mãi ra về những ngày gian khó nhưng không kém hứng khởi của việc bươn chải đôn đáo cùng anh em tìm cách xoá đói thoát nghèo ở một huyện được coi là nghèo nhất xứ Thanh.
Chuyện gần rồi chuyện xa... Tôi cứ phân vân mãi trước việc khẳng định chắc nịch của ông Tuệ rằng câu thành ngữ phép vua thua lệ làng là có xuất xứ từ làng Gia Miêu đây? Chừng như để thêm chứng cứ, ông dẫn tôi rẽ vào nhà ông tộc trưởng họ Nguyễn Gia Miêu Nguyễn Hữu Thoại.
Ông Thoại là dậu duệ của viễn tổ Nguyễn Kim, thân phụ chúa Nguyễn Hoàng. Tuổi chưa phải cao lắm nhưng ông có phong thái đủng đỉnh thậm chí hơi có phần quan cách của những vị đứng đầu một chi phái một dòng tộc có máu mặt vẫn thường thấy ở các vùng quê.
Vừa đủng đỉnh dẫn chúng tôi đi coi và thắp hương nhà thờ tổ ông vừa thư thả kể cho nghe chuyện trưởng các chi phái các mệ từ trong Huế, những hậu duệ của các chúa các vua Nguyễn này khác những năm gần đây kéo về bái yết hương khói cho quê tổ ra sao nhất nhất gặp ông đều kính cẩn!
Ông chỉ cho chúng tôi mấy bụi chuối sau nhà thờ tổ, nơi có cái tăng xê (hầm trú ẩn) đào những năm kháng Pháp. Năm 1953, mấy quả moocchê từ bốt Ninh Bình câu về Gia Miêu là vùng tự do gây nên cái chết thê thảm của bà mẹ và em trai ông trú trong đó. Cụ thân sinh ông tham gia Việt Minh từ năm 1945, từng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã…
Ông Thoại cho hay, nhà ông có một thứ gia bảo nói đúng hơn một tộc bảo. Dáng vẻ kính cẩn, ông dẫn chúng tôi vào ngách trong như là hậu cung của nhà thờ tổ để coi đôi câu đối của vua Bảo Đại tặng bố ông, trưởng họ Nguyễn Gia Miêu năm 1936.
Ông có vẻ tâm đắc, thuộc lòng với những ngữ nghĩa của đôi câu đối được cẩn khắc theo lối chữ thảo trên hai khẩu gỗ tạo hình rất bắt mắt Toà phúc chi lan hương công khoát. Nhất lâm tùng trúc thái sinh quang.
Như lời ông, vua Bảo Đại từng ngồi trong ngôi nhà kia mà khi ấy ông hẵng còn bé chuyện trò nước nôi với bố ông. Ngôi nhà ngói 5 gian cổ kính đã bị tháo ra bán tống bán tháo trong những năm khốn khó loạn lạc. Cái nhà mái bằng bây giờ trên nền gia cựu ngó cứ kỳ kỳ thế nào...
Trong câu chuyện, các chúa thì không biết, nhưng ông Thoại nói hình như có cuốn sổ ghi chép khá chi tiết những lần các vua về bái yết tiên tổ ở Gia Miêu được lưu ở Miếu Triệu tổ kia nhưng sau đó biến đâu mất! Đầu tiên là vua Gia Long về Gia Miêu lưu lại khá lâu để thân coi sóc việc xây Lăng Trường Nguyên lẫn Miếu Triệu Tường.
Rồi vua Minh Mệnh cũng thân về Gia Miêu đề bài thơ ở Lăng Trường Nguyên. Rồi vua Thiệu Trị cũng về đề thơ trên Lăng. Gần thì có Thành Thái, Bảo Đại. Vua Thành Thái về Gia Miêu không chỉ một lần. Lần rầm rộ nhất là khi nhà vua tuần du Bắc Hà dự lễ cắt băng khánh thành cầu Paul Doumer (cầu Long Biên bây giờ).
Không biết là lần nào, chừng như không muốn kinh động các quan hàng tỉnh lẫn dân làng Gia Miêu phải phục dịch đón rước khổ sở, vua Thành Thái đã cho đoàn tuỳ tùng từ đường thiên lý ngoặt vào lối rẽ chỗ ngã ba Bỉm Sơn Hà Long bây giờ để vào Gia Miêu bái yết tiên lăng lẫn Miếu Triệu Tường.
Thấy một đoàn người mũ mão xênh xang cứ nghênh ngang tiến thẳng vào chốn thâm nghiêm vượt qua cả biển đề hạ mã, trương tuần làng Gia Miêu nổi giận thét tuần đinh ngăn lại. Ai đó trong đoàn tuỳ tùng cười nhạt buông giọng khinh khi: “A quân này láo, dám cản đường vua à?”.
Viên trương tuần thấy một việc bất kính chưa từng xảy ra ở đất quý hương này đồng thời còn bị cản trở khi thi hành công vụ (có lẽ quyền hạn của chức sắc đất quý hương Gia Miêu theo quy định thời ấy chắc cũng khá oách, nhất lại là đám tuần đinh quen thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, lại thấy bọn người sang trọng kia xấc xược mạo xưng vua, nếu là vua về thì quan đầu tỉnh phải có sức từ nhiều ngày trước đó) bèn nổi trận lôi đình thúc tuần đinh làm dữ hơn.
Về sau này có người kể vụ đó vua bị xúc phạm ra sao, thậm chí người còn khẳng định đám tuỳ tùng còn bị trói đánh nữa. Nhưng may phúc, vua Thành Thái không những tha mà còn khen cho sự mẫn cán của tuần đinh làng Gia Miêu. Tiếng lành, tiếng dữ đồn xa...
Không ít nơi dậy lên cái chuyện vua về quê cũng bị cản! Chuyện của người làng Gia Miêu của ông trưởng tộc Nguyễn rồi cả ông cựu Bí thư kia không biết là xác thực đến đâu và câu thành ngữ phép vua thua lệ làng ấy chắc có từ lẩu lâu rồi ở một đất nước thuần nông vốn lấy hương ước làm trọng nhưng thiển nghĩ, chưa khi nào nó được vận vào trường hợp của vua Thành Thái về quê Gia Miêu lần ấy lại sinh sắc như vậy.
Nhân chuyện của ông trưởng tộc, tôi lại nghĩ đến bữa đã lâu được ngồi với anh em làm sử xứ Thanh mà có người khẳng định chuyện này đã được chép trong quốc sử quán triều Nguyễn (!?). Vào dịp ngũ tuần đại khánh của mình, vua Minh Mạng nghĩ ra một việc.
Nhà vua ra chiếu cho Thanh Hoa sức tiếp cho đất Quý huyện Tống Sơn phải tìm được 50 cụ ông bất kỳ, tuổi tròn 50 ở vùng Gia Miêu, cho vời vào Huế để nhà vua thết tiệc riêng coi như cái tình thân cố quận.
Các cụ làm nghề gì thì làm nhưng dứt khoát hộ khẩu thường trú phải là đất quý hương Gia Miêu chứ không thể là người của vùng khác! Lệnh vua ban ai mà dám đơn sai nên các nhà chức việc địa phương đều nghiêm ngặt tuân thủ.
Đúng hẹn các cụ bô lão có mặt ở đất Thần Kinh. Khi tiếp cận, trong bữa tiệc, vua lấy làm ngạc nhiên sao mà nhiều cụ đất Quý Hương trông thần sắc ai cũng ngó võ vàng lại kém hoạt bát như thế?
Có thể trên đường trẩy kinh, các cụ tuổi cao sức yếu những sự mệt nhọc này khác chưa thuyên giảm? Trong tiệc vua thân hỏi thăm nhiều người và kinh ngạc làm sao khi phát hiện trong các cụ có tới một phần ba là... ăn xin! Số còn lại thì hầu hết cũng gieo neo tất tả lắm, tay vo miệng lốm chẳng ai gọi là dư dật giàu có gì.
Khi đã rõ mọi sự tình, nhà vua lấy làm ngậm ngùi cho cái đất quê nhà bao năm rồi vẫn còn khốn khó! Câu chuyện trên đây dù là sự thật hay giai thoại thì cũng nói lên cái khó khăn của vùng đất cố hương của các chúa Nguyễn này.
Khốn khó triền miên cho mãi về sau này, Gia Miêu nói riêng và cả huyện Hà Trung vốn vùng đồng trũng triền miên lụt lội. Tức tưởi bao năm rồi mà vẫn chưa gột được câu ca đeo bám Muốn ăn cua rốc ốc nhồi/ Có con thì gả cho người Hà Trung.
Hằng bao năm như thế, chưa có công trình thuỷ lợi nào ra hồn để tưới tiêu thau chua nên đời sống dân vẫn cứ bấp bênh. Mãi cho đến thời đổi mới hơn mươi năm trở lại đây chứ mấy, thuỷ lợi cùng với nhiều biện pháp ráo riết khác để xoá đói giảm nghèo, 24 xã của Hà Trung trong đó có Gia Miêu đời sống mới tạm ổn.
Ngồi với chủ tịch xã Hà Long của đất Quý hương Gia Miêu họ Nguyễn, Nguyễn Hải thấy tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới 15 % toàn xã thấy cũng hơi cao nhưng mà mừng, Hà Long đã không còn hộ đói.
Trước lúc rời Gia Miêu, vùng đất thang mộc xứ Thanh từng tiềm ẩn biết bao sự sinh sắc độc đáo và sự phiền toái nữa, tôi bỗng nhớ thêm câu chuyện đại loại, chỉ vì con dâu của một ông vua mà Thanh Hoa phải thành Thanh Hoá của anh em làm sử Xứ Thanh bữa đó...
Số là vua Minh Mạng có người con dâu là Hồ Thị Hoa. Hồ Thị Hoa xinh đẹp, thông minh không may chết sớm. Minh Mạng thương nhớ con dâu bèn đặt là lệ kỵ huý, hoa phải gọi chệch đi là huê.
Theo đó chợ Đông Hoa ở Huế mang tên là chợ Đông Ba. Người xứ Huế và nhiều vùng phía Nam gọi huê thay cho hoa bao đời nay. Ngay cả một xứ khổng lồ như Thanh Hoa (gồm cả Thanh Hoa nội lẫn Thanh Hoa ngoại) từ thời điểm kỵ huý ấy đã trở thành Thanh Hoá!
Nhân chuyện về một loạt kiêng huý từ đời chúa đến các đời vua Nguyễn, một vị cứ khăng khăng rằng, các vị chúa lẫn vua Nguyễn ấy đã từng góp cho vốn từ vựng tiếng Việt nhiều đời nay thêm sinh sắc phong phú. Tôi thấy đó là điều khá là thú vị.
Thử gẫm mà coi, tỷ như tên chúa Tiên là Hoàng nên đổi họ Hoàng thành Huỳnh, chữ “hoàng” cũng đọc là “huỳnh” (lưu huỳnh) Nguyễn Phúc Khoát là “Vũ Vương”, nên người họ Vũ ở Đàng Trong đổi thành họ Võ. Chữ “Phúc” đọc thành “Phước” để tránh chữ “Phúc” trong họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
Chữ “Cảnh” là tên Nguyễn Phúc Cảnh (con cả Nguyễn Ánh, người được Ánh đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh Tây Sơn) đọc là “kiểng”, nên “cây cảnh” gọi là “cây kiểng” Chữ “Kính” là tên Nguyễn Hữu Kính người khai lập Sài Gòn phải đọc chệch là “kiếng” nên “tấm kính” gọi là “tấm kiếng” Chữ “Tông” là tên Nguyễn Phúc Miên Tông tức vua Thiệu Trị (cháu nội Nguyễn Ánh), phải đọc là “tôn”.
Do đó một loạt sử sách chép miếu hiệu các vua như Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Trần Thái Tông... đều ghi là Lý Thánh Tôn, Lê Thánh Tôn, Trần Thái Tôn... Đến tận sau này một số sách sử thời hiện đại vẫn bị ảnh hưởng này và chép miếu hiệu các vua từ “Tông” thành “Tôn”.
Các tên đường phố tại miền Nam Việt Nam, mà tên gọi là miếu hiệu các vị vua, hiện nay cũng đa phần ghi Tông thành Tôn. Chẳng những thế, một dòng họ hoàng tộc, cũng vốn phải đọc là Tông Thất, nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên phải đọc thành Tôn Thất.
Chuyện quanh làng Gia Miêu, nơi phát tích một vương triều độc đáo có lẽ cũng đã dài dài. Một bận, nhà thơ Nguyễn Duy cứ hối tôi nên bỏ công để làm một sêri bài về tên các đường phố lẫn các trường học nhất là ở một số tỉnh phía Nam từng mang tên một số vị chúa, vua nhà Nguyễn nay đã bị đổi khác đi như thế nào...
Hy vọng từ cuộc hội thảo khoa học quy mô Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn... với phương châm công minh chính xác, các nhà khoa học, các cơ quan hữu trách sẽ có dịp trả lại cho lịch sử cho dân tộc như những gì nó vốn có. Vậy xin khất bạn đọc một dịp khác vậy.
Ghi chép của nhà văn Xuân Ba - Báo Tiền Phong 10/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét