Đình Đa Chất – một ngôi đình có tới 500 năm tuổi
Đa Chất vốn là một thôn thuần nông nằm bên cạnh con sông Măng Giang (tên cổ của sông Nhuệ) bây giờ. Xã Đại Xuyên có 6 thôn như Cổ Trai, Thường Xuyên, Thái Lai, Kiều Đông, Kiều Đoài thì Đa Chất bao giờ cũng được tôn là "thôn anh cả” của các làng. Ngoài ngôi Đình Đa Chất (hay còn gọi là Đình ba nóc, Đình tám mái) đã được xếp hạng di tích Quốc gia với 500 năm tuổi thì Đình này còn có tới 172 nơi thờ tự trong đó có Bạch Hạc (Phú Thọ) – nơi phát tích của các Vua Hùng.
Theo thần phả của làng, Đình Đa Chất hay Đền Ba Lương chính là nơi thờ tự Trung Thành Đại Vương làm thành hoàng làng. Mà Trung Thành Đại Vương còn được gọi là Thổ Lệnh Trưởng – là Tướng chỉ huy Thủy quân thời Vua Hùng. Ngài là là con thứ 3 trong một bọc gồm 5 người con của vị Hào trưởng vùng Hồng Giang (sông Hồng) có tên là Đào Công Bột. Thổ Lệnh Trưởng đã có công rất lớn trong việc cầm thủy quân của Hùng Vương xuống đây trấn giữ trong cuộc chiến tranh Hùng – Thục.
Ông Lại Tiến Dũng, 81 tuổi đến nay vẫn chưa hiểu được
lý do gì đã gây cho dân làng dịch đau mắt mà không ai chữa khỏi
khi họ bẩy phiến đá này xuống con mương bên cạnh
Về Đa Chất, ngoài trầm tích đầy hấp dẫn của một làng thuần nông người ta còn bị hấp dẫn vào nhiều câu chuyện kỳ bí ở đây mà trong đó không thể kể đến lời nguyền "Đá Bà Bổi, tội xóm bến”. Theo cụ Lại Tiến Dũng thì không biết lời nguyền hay sự cảnh báo này có từ lúc nào. Nhưng thời ông của cụ, bố của cụ rồi đến cụ đã từng nghe và thuộc nằm lòng câu này. Nhưng họ vẫn hồn nhiên sống cho đến một ngày và chứng kiến về hậu họa đã xẩy ra với xóm làng.
Ấy là trong khi làm đường theo chương trình bê tông hóa đường thôn, do phiến Đá Bà Bổi nằm trên con đường thi công. Đây là phiến đá xanh với kích thước ước rộng khoảng 40cm, dài 60cm. Phiến đá này có 3 vết lõm, có hai vết khá tròn như gót chân người đặt xuống. Theo tương truyền, phiến đá này vốn là phiến đá để Bà Bổi – một người đàn bà kỳ bí trong làng dùng rê thóc. Rê thóc nghĩa là dùng thúng xúc thóc rồi đứng lựa theo chiều gió để gió thổi những hạt thóc lép sang một bên còn những hạt thóc mẩy sẽ nằm lại. Vì thóc nhiều, vì Bà Bổi đứng rê thóc lâu và nhiều nên 2 gót chân bà đã bào mòn, tạo thành 2 vết khá tròn trên phiến đá.
Sau hiện tượng khó hiểu trên, những gì liên quan đến đá xanh
đã được người dân "kính nể” và đem gửi lại tại Đình Đa Chất
Vì thi công đường, thấy phiến đá xanh kia cản trở nên dân xóm Bến của Đa Chất đã hò nhau đẩy xuống mương. Không hiểu sao từ lúc đẩy phiến đá này xuống mương, tự dưng già, trẻ, lớn, bé trong xóm bến đều mắc bệnh đau mắt. Rất nhiều người dân xóm Bến giờ đây khi được hỏi chuyện họ vẫn nhớ và khẳng định sự thực này. Vì đau mắt, nên họ phải đi chữa. Hết Trạm y tế xã, rồi đến huyện, tỉnh, thậm chí họ còn bồng bế nhau lên cả các tuyến bệnh viện của Trung ương. Nhưng có điều, bệnh án được bác sỹ kê, thuốc được cấp phát và sử dụng nhưng họ đều… không khỏi.
"Dịch đau mắt” này kéo dài khá lâu và cuối cùng lời nguyền trên đã thức tỉnh trong họ. Không biết đúng sai thế nào, hơn nữa chả còn đâu mà tin nữa lên họ đã bàn với nhau xuống mương mò tìm, đưa hòn đá về nơi cũ của nó. Và như có một điều diệu kỳ, chỉ sau đó một thời gian mọi người trong xóm Bến đều khỏi đau mắt.
Giờ phiến Đá Bà Bổi vẫn tọa lạc trên vị trí cũ, nằm giữa lòng con đường đã được bê tông hóa, cách Đình Đa Chất khoảng 100m. Đưa tôi ra thăm phiến đá và những chuyện ly kỳ của một lời nguyền, ông Thủ từ Nguyễn Văn Đoàn (73 tuổi) cho biết: Theo phả hệ của làng, trước Đa Chất là vùng đầm lầy nước đọng, cỏ lăn cỏ lác mọc dầy đặc. Rồi một hôm có một tốp người từ phía Tây Nam (Vùng Hà Nam) tìm đến gây dựng lán trại. Họ san đất làm ruộng cấy lúa nhưng đến mùa chuột bọ kéo tới phá hoại. Thất thu nhiều vụ, mọi người bỏ đi chỉ còn mỗi người đàn bà có tên là Bổi ở lại.
Phiến đá Bà Bổi nay đã được an tọa ở vị trí cũ,
trên con đường bê tông của làng
Không chấp nhận đầu hàng, bà cùng cháu con tiếp tục vỡ ruộng cấy lúa, đến mùa lại cắt phiên nhau ra đốt lửa, thức đêm để xua đuổi chuột bọ. Nhờ sự cần cù này mà chuột bọ đã chịu thua và nhường lại những mùa vàng cho bà và cháu con. Bà thu đươc cơ man nào là thóc và đã kiếm lấy một hòn đá xanh để rê lúa, phơi khô và cất trữ sau mỗi vụ mùa. Từ sự lam lũ, chuyên cần, gia đình Bà Bổi thịnh vượng và người dân mọi nơi đã cùng nhau kéo về học tập cách làm của bà. Đa Chất hay Tông Chất dần thịnh vượng và Bà Bổi đã được mọi người coi là có công "khai sinh lập địa” ra làng.
Thế nhưng lời nguyền "Đá bà bổi, tội xóm Bến” từ đâu ra và chuyện cả xóm này đau mắt khi vứt hòn đá rê thóc của bà xuống mương đến nay vẫn chưa ai lý giải được. Tuy đây là một sự thực mà người làng vẫn ... còn sợ và không thể lý giải được!
Đơn Thương