Thông báo Hán Nôm >> Tổng mục lục
Phạm Thị Hương Lan
52. Giới thiệu tấm bia ở từ vũ Đại tư đồ Đặng tướng công làng Lương Xá, huyện Chương Mĩ. (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 23h00, ngày 09/02/2015

GIỚI THIỆU TẤM BIA Ở TỪ VŨ ĐẠI TƯ ĐỒ ĐẶNG TƯỚNG CÔNG LÀNG LƯƠNG XÁ HUYỆN CHƯƠNG MỸ

PHẠM THỊ HƯƠNG LAN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong một dịp đi điền dã ở làng Lương Xá huyện Chương Mỹ thành phố Hà Nội chúng tôi được các cụ trong làng nhờ đọc giúp một tấm bia được đặt ở trong đình. Tấm bia này gồm hai mặt, chữ viết chân phương dễ đọc, càng đọc chúng tôi càng cảm thấy cuốn hút vì giá trị nội dung ghi lại trong tấm bia. Đây là tấm bia ghi lại gia phả họ Đặng và chủ yếu giới thiệu thân thế sự nghiệp hành trạng của cụ Đặng Lân, một người xưa nay trong sử sách cũng như trong gia phả ghi chép còn rất sơ sài. Nhận thấy đây là tấm bia quý ngõ hầu có thể giúp người đọc hiểu sâu hơn về Đặng Lân, trong Thông báo Hán Nôm lần này chúng tôi xin được giới thiệu bản dịch nghĩa tấm bia này.

Dịch nghĩa:

Gò đất cao lồng lộng giữa đất trời ở xã Phúc Lâm chính là nơi lưu giữ hồn phách của cố Trấn thủ xứ Sơn Nam Đại tư mã Gia Quận công gia tặng Đại tư đồ vậy. Ngài họ Đặng tên là Lân, người làng Lương Xá huyện Chương Đức.

Hiển Cao tổ khảo Hậu Trạch công tên húy Đê tên tự Huấn, hưởng ứng cuộc dậy nghĩa ở Tây Đô ông từng tham dự đánh trăm trận mà chưa hề giết oan người nào. Người bấy giờ so sánh với ông Cao Mật hầu nhà Hán. Cụ bà họ Lê được phong tặng Thái Phu nhân, húy Lư, tự Ngọc Huyên người làng Thịnh Liệt huyện Thanh Trì, vốn là con gái của Thuần Quốc công, cháu của cụ Diễn Quốc công. Bà sinh được hai người con. Con gái tức bà Thái quốc Thái phi, sinh ra Văn tổ Tuyên vương, tức là bà ngoại của nhà chúa vậy.

Hiển Tằng tổ khảo gia tặng Tả tư không Hà Quận công, cụ bà họ Đỗ tên húy Cai tên tự là Vương Đức được phong là Quận Phu nhân.

Hiển tổ khảo Phó tướng Thái bảo tặng Đại tư không Doanh Quận công tên húy Vĩ, tên tự Thế Tài lấy bà Đoan Trang Công chúa Trịnh Ngọc Giá.

Hiển khảo Yến Quận công tên húy Thự, làm quan đến chức Thái phó Thống suất các xứ Nghệ An, giữ chức ở trấn được 24 năm, biên cương vô sự, nhân dân yêu thương. Ngày ông mất nhân dân đến than khóc sụt sùi, sau được nhiều lần phong tặng Đại tư mã, gia phong Đại vương. Cụ bà Thái trưởng Quận chúa được gia phong là Ôn cung Đoan tĩnh là con gái trưởng của Hoằng tổ Dương vương, người sinh ra ông vậy.

Thuở nhỏ ông được nuôi dưỡng ở trong cung, được ban quốc tính. Đến năm 15 tuổi được ban tước là Quận công, trông coi đội quân Thị hầu. Lúc trưởng thành thì hầu hạ Chiêu tổ Khang vương nên được thăng làm Tham đốc, sau lại được thăng Đề đốc. Năm Canh Ngọ vâng mệnh phò tá Hi tổ Nhân vương cai quản cơ Tả Nhuệ, trấn thủ xứ Sơn Tây. Năm Giáp Thân dẹp xong loạn tặc Hằng Đĩnh, ông góp nhiều công sức. Sau được chuyển sang trấn giữ hai trấn Sơn Nam, Thái Nguyên, luôn lấy đức khoan dung giản dị cai trị. Tuy vui vẻ suốt ngày mà chính sự ổn thỏa, nhiều lần xét công trạng được xếp loại nhất. Lần lượt giữ chức Thái phó, Thái tể, Đại tư không, Đại tư mã. Sau được phong Phụ Quốc công thần. Khai mở doanh phủ nắm giữ chức quyền. Ân sủng rất hậu, đức vọng rất cao. Chỉ có ông và em trai cùng mẹ mới được tốt đẹp như thế. Khi ấy một nhà đua nhau vinh hiển, một Tiến sĩ, hai Phò mã, bảy Trấn thủ, sáu Quận công con cháu họ hàng rạng tiếng thơm, chức tước sang trọng nhiều như cây rừng. Đó thực là từ xưa hiếm thấy đâu có cảnh một nhà cùng vinh hiển, con đường làm quan văn võ nhiều đời hiển quý một lòng trung trinh như dòng tộc nhà ông vậy.

Tháng tư năm Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1729) Hi tổ Nhân vương nhớ đến công lao phò tá của ông, nhân xa giá đến Ninh Sơn bèn đến nhà ông để úy lạo ban ân sủng tặng ba bài thơ. Đặc ban sinh phần và một tòa từ vũ. Cho dân xã Yên Lạc giảm tô thuế để lấy chi phí xây dựng. Lại ban thêm huệ điền 40 mẫu ở hai xã Phúc Lâm, Hương Lang. Lại đích thân viết chữ ban cho Thế thế tuân thừa bất dịch” (Đời đời kế nối chẳng đổi). Đó chính là cái nghĩa quân thần nghìn năm mới gặp vậy.

Ngày 22 tháng 7 năm Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) ông mất tại nhà ở kinh thành, hưởng thọ 65 tuổi. Chúa thượng vô cùng thương xót, sai quan đến phong cho chức Đại tư đồ, ban tên thụy là Mẫn Đạt, cấp tiền điếu phúng hơn 800 quan, cho ba xã phải thờ phụng. Con trưởng là Vinh Quận công Đình Trứ vâng mệnh rước linh cữu về mai táng ở cánh đồng xã Yên Lạc, đưa thần vị về nhà thờ ở xã Phúc Lâm, sớm tối thờ phụng. Cuộc đời ông đau thương, vinh hoa không gì không nếm trải song việc khắc đá dựng bia đá vẫn còn thiếu vậy. Đến năm Tân Mùi (1741) Vinh Quận công khảo xét công tích lúc sinh thời của ông, cùng số huệ điền cấp cho các xã ở trong tổng và các lệ thờ phụng của các xã, đem khắc vào bia đá dựng ngay trước từ vũ rồi xin tôi viết ký ghi lại.

Kính nghĩ! nhờ có Hoàng thiên phù trợ mà quốc gia có được các thế thần cự tộc kế nối nhau duy trì phò tá, cần thiết phải vun đắp thêm nền gốc, phải làm vững trãi thêm cội nguồn. Sức mạnh phò tá, tài năng to lớn sẽ nối tiếp sinh ra, đời đời các bậc công thần khanh tướng mũ cao áo dài rạng rỡ khắp cả xóm làng. Nếu như không có sự quên lãng thì đức vọng của họ đủ để được coi trọng ở chốn triều đình, thanh danh của họ đủ để vang động khắp trấn thành. Quận công là bậc thế thần như cây cao bóng cả, công lao của ông đủ để che mát cả một vùng này. Nay ông là dòng dõi tướng môn có quan hệ ruột thịt thân thiết với nhà chúa, may mắn được cả ba đời Chúa thương đến, bản thân có đủ ngũ phúc và giữ được tiếng tăm danh vọng cho đến lúc cuối đời. Ôi! cái gọi là nền móng của quốc gia, là danh vọng của quốc gia là như thế này vậy ư. Tôi từng nghe nói từ xưa các bậc nhân quân đãi ngộ cho bọn thần tử, hoặc là tặng cho khoa bảng giáp đệ, hoặc là thưởng cho nhiều tiền bạc, tình nghĩa chăm nom vỗ về có thể là cực kì lắm vậy, thế nhưng chưa thấy có ai được như Hi tổ Nhân Vương đối đãi với ông theo nghi thức là đích thân Chúa thượng mang cờ tiết vũ mao đến thăm tận nhà mà còn nghĩ đến cả nơi cất giữ kiếm mũ sau khi trăm tuổi, tước lộc hai bề cực kì đầy đủ. Đó là do ông có duyên kì ngộ với Chúa thượng nên ông được hưởng phúc dày mà ân đức được Thánh thượng quý mến bề tôi thì các triều trước không thể nào sánh kịp.

Việc vua tôi trước sau trọn vẹn đôi bề đã có quan chép sử ghi đủ cả rồi, riêng tôi chẳng quản mình hèn kém xin tạm cầm bút ghi lại sự thực.

Bài minh rằng:

Trời cao phù giúp Hoàng gia,

Đặc biệt sinh người tài giỏi.

Giúp rập cho nhà chúa,

Trở thành bề tôi của xã tắc.

Quốc công ta từng cứng cỏi,

Xướng suất đội quân nhân nghĩa.

Cần cù vượt gian lao,

Phù giúp cho triều đình.

Hai đời làm quan Tư không,

Đều rất hăng hái cầu tiến.

Mở rộng các kế sách lớn,

Có trước có sau đầy đủ.

Quan Tư mã cao lớn,

Giữ vững dải đất phía Nam.

Một phương được hưởng thái bình,

Sừng sững bậc nguyên lão.

Đã sản sinh ra bậc Quận công ta,

Là bông hoa đẹp của quốc gia.

Có thơ văn bình giá,

Sáng rạng rỡ như ngọc ngà.

Mang cờ tiết giữ đất Tây non,

Mặc áo da cừu cưỡi ngựa mạnh.

Hành động thực tốt thay,

Quân dân đều yêu mến.

Viên tướng đem lại thái bình,

Tiếng tăm thực hiển hách.

Cất cao lời hát ca tụng,

Du thời thực yên bình.

Nhà vương bảo rằng quan Thái tể

Có phúc đức to lớn.

Được cả tổng này thờ phụng,

Nhờ có trời cao đất dày.

Suốt năm mươi năm đằng đẵng,

Luôn tỏa ánh sáng tốt lành.

Tiếng tăm danh vọng đầy đủ,

Tuổi thọ được tăng cao.

Xét các quan Tư đồ đời Hán,

Chỉ có ông Đặng Vũ là tài gỏi.

Ôi! chỉ có tướng công ta

Là có chỗ tương tự.

Các con cháu đời sau,

Xin chớ có thay đổi.

Ngày tốt tháng 8 năm Tân Mão (1751) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12 triều Lê.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.430-435)


In
Lượt truy cập: