Khám phá núi rừng Xuân Sơn vào một ngày nắng trong veo giữa tháng 7 là một may mắn cho chúng tôi bởi ngay từ những đoạn đường vòng vèo qua các dãy núi, cảnh rừng Xuân Sơn đã hiện ra thật hùng vĩ. Xen giữa cảnh núi non trập trùng là những cánh đồng lúa nước xanh mượt, thẳng cánh có bay. Cảnh đẹp này không phải nơi núi rừng nào cũng có được
Tự hào cánh rừng vàng Xuân Sơn
Vườn quốc gia (VQG) Xuân Sơn thuộc địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội 120km về phía Tây và cách thị trấn Thanh Sơn khoảng 33km. Xuất phát điểm là một khu bảo tồn, tới năm 2002, VQG Xuân Sơn mới chính thức được thành lập. Anh Đinh Tấn Quyền, cán bộ VQG Xuân Sơn cho biết: "Xuân Sơn tự hào là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với tổng diện tích 15.048ha, chính vì vậy mà hệ động, thực vật ở đây vô cùng phong phú và độc đáo. Riêng về thực vật, VQG Xuân Sơn thống kê được 1.217 loài với 180 họ, trong đó có 40 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: kim giao, đinh, đẳng sâm, vù hương…". Ở độ cao trên 1000m cùng môi trường ẩm ướt quanh năm, lại nhiều tầng rừng phong phú, VQG Xuân Sơn rất phù hợp cho việc phát triển cho các loài cây lâu năm như: re, chò trắng, sồi… Đặc biệt, có những cây tuổi đời hàng nghìn năm, ở ngay trong các xóm có người dân sinh sống và được bảo vệ an toàn. Bên cạnh đó, Xuân Sơn còn là cánh rừng phong phú của các loài cây làm thuốc với 665 loài và cây ăn quả hoặc làm rau ăn với 132 loài. Khí hậu Xuân Sơn thích hợp cho sự phát triển của rau sắng, một loại cây quý, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân bởi tất cả các bộ phận của cây đều có thể ăn hoặc dùng làm thuốc.
VQG Xuân Sơn còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật điển hình trong rừng tự nhiên với tổng số loài lên tới 880. Rất nhiều động vật quý hiếm đã được phát hiện ra ở cánh rừng này như: tê tê vàng, sóc bay…
Sương sớm phủ trên Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Những dòng suối mang độ ẩm tới Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Những chú tắc kè đá sống trong Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Cua đá.
Vườn quốc gia Xuân Sơn có rất nhiều loài cây thuốc quý.
Loài cây dương sỉ cổ.
Ngoài chò chỉ, Vườn quốc gia Xuân Sơn còn có rất nhiều cây gỗ quý như
dẻ, sồi... hàng trăm năm tuổi.
Hang Lạng, một hang sâu và dài nhất trong Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Thác chín tầng nằm trong Vườn quốc gia Xuân Sơn. |
Với hệ động, thực vật phong phú, nhiều người ví Xuân Sơn như một cánh rừng vàng nơi tận cùng của dãy Hoàng Liên Sơn. Muốn khám phá hết vẻ đẹp của VQG Xuân Sơn, du khách cũng phải mất tới vài ngày đi rừng. Với những ai yêu thích thiên nhiên và ưa thích khám phá mạo hiểm thì Xuân Sơn là điểm hẹn tuyệt vời. Nơi đây không chỉ có núi cao cheo leo mà còn rất nhiều hang, thác, suối… phù hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Hệ thống hang động rất đồ sộ gồm những hang khá nổi tiếng như: hang Lạng, hang Thổ Thần, hang Na ẩn sâu trong rừng già với nhiều thạch nhũ hình thù bắt mắt. Bên cạnh đó, hệ thống thác, suối ở đây cũng nhiều không kém, nổi bật có thác chín tầng là cảnh đẹp làm đắm say lòng người. Với một tiềm năng đó, VQG Xuân Sơn đang được tỉnh Phú Thọ tập trung đầu tư thành một khu du lịch trọng điểm với việc xây dựng hệ thống cáp treo, những con đường lên hang động, đảm bảo thuận tiện cho việc tham quan du lịch.
Cảnh đẹp núi rừng Xuân Sơn làm mê hoặc nhiều khách du lịch. Trong ánh nắng chiều mờ ảo, hình ảnh 3 ngọn núi cao nhất Xuân Sơn là núi Ten, núi Cẩn, núi Voi lừng lững in lên nền trời thật sự trở thành cảnh đẹp kì ảo. Người dân nơi đây kể rằng, có nhiều nhiếp ảnh gia đã từng ở rừng tới hàng tháng trời chỉ để ghi lại những cảnh đẹp nơi núi non, đất trời gặp gỡ. Nếu đến Xuân Sơn vào mùa đông hẳn chúng tôi sẽ không thể có cái duyên hòa mình vào thiên nhiên, đất trời bởi ở đây vào mùa đông sương mù dày đặc.
Có điều ít người biết là tại cánh rừng nguyên sinh rộng lớn này, không có hạt kiểm lâm nào đóng. Đây cũng là vườn quốc gia duy nhất không có hạt kiểm lâm đặt trong toàn bộ diện tích vườn. Ban quản lý rừng gồm 40 cán bộ điều hành mọi hoạt động ở đây. Nhân viên tại vườn vẫn thường đùa vui rằng: “Chúng mình là lực lượng “kiểm lâm không mặc áo” bởi chúng mình không được trang bị áo quần đặc chủng cùng những trang thiết bị khác như súng ống, đèn pin". Tuy nhiên, điều đáng quý là tại vườn trong suốt 10 năm qua chưa hề xảy ra một vụ cháy nào, hiện tượng chặt cây, phá rừng, săn thú đã chấm dứt hẳn. Có được thành quả trên phải kể đến công lao của các nhân viên làm việc tại VQG Xuân Sơn đã tích cực tổ chức các lớp vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho bà con sinh sống trong vùng quy hoạch rừng. Các anh, các chị không chỉ gìn giữ được màu xanh của rừng mà còn gây dựng được đời sống ấm no cho các hộ dân sống trong sự quản lý của VQG Xuân Sơn.
Bảo vệ rừng gắn với phát triển đời sống người dân
Nhớ lại những ngày đầu gian khó khi VQG Xuân Sơn chưa được thành lập và chỉ là một khu bảo tồn, Giám đốc VQG Xuân Sơn, ông Phạm Văn Long nói: “Khó khăn ban đầu thì nhiều lắm, nhìn đâu cũng thấy cần làm, ngồn ngang trăm bề. Cái chính là mình có tình với rừng, càng ở rừng lại càng mê và yêu rừng”. Vào những năm 1991, 1992, toàn bộ khu vực không hề có đường giao thông đi lại cũng như hệ thống điện, nước. Thời bấy giờ thức ăn thiếu thốn, cán bộ cấy, cày cùng người dân để lấy thóc gạo ăn, rồi trồng rau, nuôi gà…Thấm thoát đã 20 năm ở rừng, Giám đốc Phạm Văn Long giờ đã thuộc từng cái hang, con suối, làm bạn với từng gia đình trong thôn xóm… Khó khăn là thế nhưng ai cũng có quyết tâm gây dựng Xuân Sơn trở thành một cánh rừng vàng giàu mạnh.
Hồ chứa nước điều hòa không khí và là nơi dự trữ nguồn nước của Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Những ngôi nhà đơn sơ, bình yên nơi xóm núi.
Doanh nghiệp Xuân Trường đang xây dựng dự án đưa khách du lịch tới
khám phá Vườn quốc gia Xuân Sơn. |
Cho tới năm 2003, một năm sau khi VQG Xuân Sơn chính thức được thành lập, con đường nhựa nối từ quốc lộ 32 tới thẳng Xuân Sơn đã làm thay đổi hẳn bộ mặt đời sống nơi đây. Giao thông thuận tiện đã giúp cho nhiều dự án đến với VQG Xuân Sơn hơn, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân. Tiêu biểu có dự án DANIDA (Phát triển kinh tế cho người dân sống trong vùng đệm của VQG), dự án AFAP (Nâng cao năng lực bảo tồn tại VQG Xuân Sơn và một số xã vùng đệm). Các dự án này đã làm thay đổi bộ mặt cuộc sống người dân nơi đây bằng việc giúp họ xây dựng những mô hình kinh tế thiết thực như: nuôi gà nhiều cựa, nuôi lợn lửng (lai giữa lợn rừng và lợn nhà), trồng rau sắng. Trước đây, những con gà nhiều cựa mà người dân Xuân Sơn vẫn hay gọi là gà chín cựa không được nhiều hộ gia đình chú ý hoặc chỉ để trao đổi đơn thuần giữa các hộ gia đình trong xóm. Kể từ khi có đường sá vào đến từng nhà, nhiều người ở những vùng khác và cả từ Hà Nội lên mua giống gà quý này, người dân mới tích cực nuôi và chăm sóc. Nhờ những mô hình kinh tế trên mà cuộc sống người dân đang ngày càng khởi sắc.
Trong vùng đệm của VQG Xuân Sơn hiện nay có 9 xóm thuộc 7 xã Minh Đài, Xuân Đài, Kim Thượng, Tân Sơn, Lai Đồng, Đồng Sơn, Kiệt Sơn với tổng số 615 hộ, 2771 nhân khẩu, chủ yếu là người Dao và Mường. Dù sống trong rừng nhưng do được giáo dục nâng cao ý thức nên người dân đã bỏ hẳn tập quán đốt rừng làm rẫy mà chuyển sang trồng lúa nước, vừa đảm bảo mùa màng lại không phá hoại rừng xanh. Các lớp tập huấn cho bà con về ý thức trồng, bảo vệ rừng và xây dựng kinh tế mở diễn ra đều đặn hàng tháng và được bà con rất hưởng ứng.
“Có được cuộc sống như ngày hôm nay, chúng tôi rất biết ơn các cán bộ trong Ban quản lý VQG Xuân Sơn. Nhờ có cán bộ mà chúng tôi không chặt phá rừng nữa lại biết làm kinh tế, con cái được đến trường”, anh Triệu Văn Kháng, ở xóm Cỏi, xóm xa nhất trong VQG Xuân Sơn cho biết. Nhà anh hiện giờ đang nuôi đàn vịt suối, gà nhiều cựa lên tới gần 200 con, mỗi năm cho thu nhập tới hàng chục triệu đồng.
Giữ được rừng xanh đã khó nhưng làm sao để người dân không bị đói, đó là điều còn khó hơn. Giám đốc Phạm Văn Long nói: “Dù có làm việc gì, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, dân no ấm thì rừng mới yên ổn”. Bởi vậy, có được cánh rừng yên bình như ngày hôm nay, các cán bộ VQG Xuân Sơn không chỉ là những người quản lý rừng tài giỏi mà họ còn là những người thầy, người bạn đã gieo được niềm tin vững chắc trong lòng người dân nơi đây.
Bài: Hà Anh - Ảnh: Trần Huấn