Đình Hữu Bổ Thượng thờ Xuân Dung công chúa (mẹ nuôi Đinh Công Tuấn). ngoài ra còn thờ Đinh Công Tuấn và 4 vị tướng của Đinh Công Tuấn là Đinh Công Dụng, Đinh Công Phương, Đinh Công Tuế, Đinh Công Thạch. Đền Hữu Bổ Hạ thờ Đinh Công Tuấn.
Đình Hữu Bổ Thượng là một trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng có giá trị hàng đầu của tỉnh Phú Thọ. Đình được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII, trùng tu vào giữa thế kỷ XX, hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Đại đình 3 gian, hai dĩ và hậu cung 2 gian. Nghệ thuật trang trí điêu khắc ngôi đình mang phong cách thế kỷ XVII thể hiện trên các bộ diềm cửa võng, những mảng chạm rồng, vân mây, hình bát tiên, hình thú trên các phần cấu kiện gỗ của bộ khung toà đại đình đều được chạm khắc tỷ mỉ công phu với mô típ chủ đạo là các hình rồng với đề tài: “Rồng ổ”, “Lưỡng long hội ngộ”, “Lưỡng long tranh châu”. Đình Hữu Bổ Thượng còn bảo lưu được số lượng phong phú các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ tinh vi, tính từ đại đình vào hậu cung có 20 bức chạm trong đó độc đáo nhất là bộ cửa võng và nghi môn gỗ ở hậu cung với nét chạm khắc thoáng, mền mại, tinh xảo. Nghi môn gỗ với đề tài trang trí nghệ thuật thời Lê như cá hoá rồng, rồng yên ngựa, những con thú được cách điệu như rồng bay phượng múa. Bộ cửa võng với phần diềm trang trí cánh sen cửa bức bàn được tạo dáng theo kiểu cửa gai dứa nhiều lớp, đặc biệt là phần dưới cánh cửa gai dứa được đục chạm hình 4 ông già đóng khố cởi trần đầu chít khăn thủ rìu ngồi uống rượu. Đó là những tác phẩm nghệ thuật trạm trổ đặc biệt hiếm có trong các di tích kiến trúc nghệ thuật vùng trung du.
Trong di tích hiện còn lưu giữ các cổ vật, di vật có giá trị, như: Ngọc phả, sắc phong thời Lê, Kiệu bát cống, kiệu văn và các đồ thờ tự, hoành phi câu đối có niên đại thời Nguyễn.
Đền Hữu Bổ Hạ quay hướng Tây Nam, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII theo kiểu chữ nhị (=), hai toà, mái lợp ngói mũi thời Lê. Đền Hữu Bổ Hạ có quy mô kiến trúc vững chãi, rộng rãi, thành công về mặt kỹ, mỹ, thuật. Cùng với kiến trúc cổ, đền Hữu Bổ (hạ) còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật quý có giá trị về lịch sử, mỹ thuật như: Ngai thờ, kiệu lầu, mâm bồng, đài quả, bát hương..., đặc biệt là một số tư liệu chữ Hán hết sức quý giá đề cập đến sự tích của đền, của thần, các nghi lễ thờ cúng, cầu hèm, các bài văn sắc, văn cúng, các sinh hoạt diễn ra xung quanh di tích như tục lệ làng xã, những tập tục ăn uống, những lệ làng, vấn đề thờ cúng của chùa, việc tiếp khách của thôn xóm, việc đi lính, công tác trật tự trị an...
Ẩn chứa trong hai di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật quốc gia của làng Hữu Bổ là những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc đã được bảo lưu, trao truyền qua bao thế hệ người dân Hữu Bổ, đó là các truyền thuyết, hèm tục, hội làng...
Dân làng Hữu Bổ có tục kiêng ăn thịt bò, các lễ vật khi cúng tế đều không dùng thịt bò và kiêng dùng từ bò (gọi là nhổn), vì theo truyền thuyết, khi Đức thánh Đinh Công Tuấn gặp nạn bị giặc Triệu truy đuổi, chạy tới bờ sông, có xác bò trôi đến, Đinh tướng quân đã dựa vào xác bò bơi về làng mình thoát nạn.
Làng Hữu Bổ có tục ăn Tết Nguyên đán trong 7 ngày. Mồng một Tết không ai được đến nhà ai. Tới mồng 2, mồng 3 mới đi chúc Tết nhau. Ngày mồng 4 cầu cổng ngõ. Ngày 5 và mồng 6 cỗ bữa, nhưng tất cả mọi người đều không nói to, chỉ nói nhỏ nhẹ, không được đốt pháo, không được có tiếng động mạnh như gõ mõ, đánh chiêng, chuông, trống. Hết ngày mùng 7 tháng Giêng, ngoài đình ông từ làm lễ nổi trống, trong làng mọi nhà mới được tự do làm mọi việc.
Hữu Bổ có tục kết nước nghĩa với 3 làng là Bản Nguyên, Trúc Phê và Kinh Kệ, vì cùng thờ một thần là Đinh Công Tuấn. Tục kết nước nghĩa theo tương truyền có từ thời An Dương Vương. Bốn làng này đều kiêng kỵ không cúng lễ thịt bò, không ăn thịt bò.
Ngày mùng 3 tháng Giêng có lệ cầu bằng lợn đen sống. Trong làng có 7 giáp, mỗi giáp phải sắm lễ tế thần một con lợn đen. Hàng năm, cứ vào tháng Chạp, các giáp cử người đi tìm mua lợn đen tuyền. Lợn mua về được gọi là ông Lợn, giao cho một người nuôi theo lượt hàng năm. Chuồng nuôi lợn phải làm nơi sạch sẽ trước nhà ở, hàng ngày phải chăm sóc lợn chu đáo, cho ăn gạo tẻ nấu cháo, không có rau. Sáng ngày mùng 3 Tết, các giáp tập trung bắt lợn, tắm rửa sạch sẽ, trói buộc cẩn thận, khiêng ra đình đặt nằm trước ban thờ, 7 ông Lợn được đem ra bình giải từ nhất tới ba. Ông chủ tế làm lễ xong, xin âm dương cho từng ông Lợn bằng cách tung hai đồng tiền trinh, lợn của giáp nào được một đồng sấp, một đồng ngửa là giáp ấy được may mắn cả năm đó. Lễ xong, các giáp mang lợn ra mổ chia cho các đinh trong giáp ngay tại đình. Người được phân công mổ lợn phải đội mũ mặc áo thụng, đi hia (như ban tế), tay cầm roi bện bằng dây cơm lệnh, lần lượt đánh thật mạnh vào 7 con lợn, con nào không kêu thì mổ tế thịt sống nguyên con.
Ngày 10 tháng giêng là ngày sinh Đức Thánh Tuy Ca, làm lễ tế tại đình có tục lệ độc đáo là mổ trâu, có năm làm cỗ chay để cúng, trong lễ hội có mời phường Xoan An Thái (Việt Trì) về hát, có các trò chơi dân gian như đánh vật, chạy thi, cướp cờ, cờ tướng, hát nhà tơ, hát trống quân.
Từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng ngày cầu chính. Trong ngày này, lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể:
- Ngày 10 tháng Giêng: Lễ động thổ được thực hiện vào lúc giờ Tý, chủ tế động trống, chiêng 5 hồi. Sau đó làm lễ nhập tịch, rước kiệu từ đình Hữu Bổ Thượng về đền Hữu Bổ Hạ làm lễ rước vị thánh từ đền về đình tế.
Vào các ngày 12,13,14,15 là ngày cầu chính tiệc. Tục xưa cứ mỗi ngày có 2 giáp đăng cai lễ nghi, gồm 2 lễ chính, 2 lễ phụ:
- 2 lễ chính: Mâm xôi 20 kg gạo nếp sửa vào mâm đúc lớn, trên là 2 con gà thiến khoảng 3 kg/con, luộc chín, bày chầu vào nhau, cùng vàng, hương, trầu, rượu.
- 2 lễ phụ: Mỗi lễ 5 kg xôi và một con gà thiến cùng vàng, hương, trầu, rượu.
Lễ vật còn có thanh bông, hoa quả, bánh mật, bánh bỏng. Bánh mật được làm bằng bột gạo tẻ, giã bột, nấu bánh, cắt từng đồng bánh cao khoảng 20 cm, có bao dán giấy màu. Bánh bỏng làm bằng lúa nếp, gặt về phơi, đến ngày hội mang ra vò, lấy hạt cho vào chảo rang nở ra, bỏ vỏ trấu, cho vào chảo mật, khi được bỏ ra cắt từng miếng xếp vào từng khối hộp, dán giấy màu cho đẹp. Chè kho làm bằng đậu xanh nấu với mật đổ ra bát. Ba thứ này xếp cỗ lên mâm bồng.
Lễ được bày lên kiệu rước vào đền làm lễ tế 3 tuần. Tế xong tổ chức hội.
Hội làng Hữu Bổ được tổ chức với nhiều hình thức phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân gian vùng đất Tổ. Đó là các trò diễn đua tài thi khéo, đặc biệt là hội vật, hát trống quân, chạy thi cướp cờ, thổi cơm thi...
* Trò diễn thổi cơm thi làng Hữu Bổ: Cơ bản cũng bao gồm các công đoạn như trò diễn thổi cơm thi ở một số hội làng khác: Kéo lửa, giã gạo, thổi cơm thi giữa các giáp, mỗi giáp 1 đội 10 người: 4 người kéo lửa bằng dang và nứa, 2 người giã gạo, 1 người chuẩn bị bếp, 2 người đốt lửa và 1 người nấu.
Hình thức tổ chức khác với trò diễn thổi cơm thi của Đào Xá, Gia Dụ (Tam Nông), đó là lúc nấu thì đóng cọc làm kiềng, khi cơm cạn thì buộc niêu cơm vào cành tre, vừa đi vừa tiếp tục đốt lửa làm sao cho tới đình là cơm chín. Làm lễ xong, chủ tế tung các nồi cơm ra sân đình cho mọi người cướp lấy may, cướp cơm cả mảnh nồi vỡ, cướp cả cọc kiềng về chôn ở chuồng lợn cho lợn chóng lớn, lửa đóm nấu cơm thi được các cụ già châm nén hương đem về cắm bếp để quanh năm đỏ lửa, gặp nhiều may mắn, phát tài sai lộc. Đây là trò diễn lại tích vừa đi vừa thổi cơm của quân sỹ Đinh Công Tuấn. Thổi cơm thi là một trong những trò đua tài thi khéo được tổ chức trong hội làng truyền thống của cư dân nông nghiệp Việt Nam. Từ trò thi làm cỗ, thi thổi cơm, thi giã bánh dày đến gói bánh chưng, làm cỗ yến...là những sinh hoạt văn hóa dân gian phản ánh hình thái sinh hoạt nông nghiệp khi các làng xã được hình thành và phát triển có tính cộng đồng. Trò diễn thổi cơm thi còn gắn liền với vị thành hoàng làng được thờ tại di tích, mang ý nghĩa tâm linh tưởng nhớ những người có công với dân với nước. Trò diễn vừa có phần nghi lễ trang nghiêm, vừa có phần hội tranh tài đua khéo, hấp dẫn và sôi động thu hút đông đảo người dân tham gia.
* Hát trống quân:
Hát trống quân Hữu Bổ tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng. Bà Trưng Trắc đóng quân tại làng Giỏ, rồi cùng Trưng Nhị chỉnh đốn quân ngũ, luyện quân tập trận. ở đây, nam, nữ hát đối đáp, gõ trống hiệu làm nhịp gọi là “hát trống quân”. Hàng năm, vào những ngày hội, trai gái làng Hữu Bổ tụ họp thành từng đám xung quanh sân đình để ca hát, nam riêng, nữ riêng, mỗi tốp có một người đứng đầu gọi là “cái”. Khi hát, “cái” hát trước, sau đó, bầy “con” chỉ nhắc lại cuối (khác với hát trống quân Đức Bác). Xong câu hát, phía bên kia đáp lại và cũng diễn xướng như thế. Đặc biệt của hát trống quân là lời hát có đệm nhịp bằng trống:
1. Tháng Giêng anh đi chơi xuân
Thấy đây mở hội trống quân anh vào
Anh vào anh có lời chào
Ba bốn cô ấy cô nào chơi xuân.
2. Trống quân đánh đổ mồ hôi
Giật lấy khăn nhiễu chùi đôi má hồng
Má hồng là má hồng châu
Răng đen hạt bầu, tóc tốt tận tai
Má hồng đã về tay ai
Để anh chuộc lấy kẻo phai má hồng...
Lễ hội làng Hữu Bổ rất phong phú, đa dạng. Nó phản ánh đúng hiện thực cuộc sống của một miền quê trù phú, có lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa tốt đẹp đã và sẽ mãi mãi tồn tại trong sự phát triển của lịch sử.
PhuthoPortal (Nguồn sách Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ)