Nét độc đáo, cũng là niềm tự hào của dân làng, là cây đa cổ thụ sum suê tỏa bóng đầu làng mà con cháu trở về và khách bốn phương tìm đến, từ xa đã thấy, như một biển báo tên làng Khúc Thủy. Cổ thụ tuổi hàng thế kỷ này tự nó đã là một di sản, không chỉ bởi giá trị thiên nhiên và cảnh quan, mà còn có nét nhân văn gắn liền với lời truyền tụng lâu đời về truyền thống văn hiến của làng. Chẳng biết lời truyền tụng có trước hay có sau ngày vị sinh đồ đầu tiên được ghi danh trên bảng vàng đại khoa, nhưng dân làng trước nay đinh ninh rằng, trước kia, năm nào cây đa mọc ra một cái đai, thì năm ấy làng có người hiển đạt. Nay thì khách du lịch được chỉ cho xem hình thù ba cái đai sù sì rêu phong cổ kính trên thân đa, ứng với ba vị tiến sĩ họ Ðào.
Khúc Thủy từ lâu đời đã có nếp sống hòa ái, trọng đạo lý, hiếu học, nhà có gia phong, làng có hương ước, tuân theo quốc pháp. Ðình làng còn lưu giữ tấm biển "Mỹ tục khả phong" triều Nguyễn ban tặng do làng có công trong chống giặc ngoại xâm. Sau lại được ban sắc tặng thưởng biển ngạch "Khúc Thủy nghĩa dân" do có công chống phỉ, 20 người đã bỏ mình. Những gương nghĩa dân này được tôn làm hậu thần, thờ ở sau đình làng, đến năm 1927 thì dựng bia đá ghi tên tuổi, để tôn vinh công tích, cũng là để nhắc nhở con cháu lâu dài về đạo nghĩa ở đời.
Họ Ðào cũng như các dòng họ khác đều truyền đời gìn giữ nhà thờ họ, với nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ, với nếp giỗ Tổ hằng năm để thờ cúng tổ tiên và bảo ban con cháu sống có nghĩa nhân, nền nếp, có chí tiến thủ. Nhiều họ còn giữ được gia phả lâu đời bằng chữ Hán, tiếp nối nhau kéo dài thêm ghi chép đến ngày nay.
Nhà thờ họ Ðào nằm bên sông Nhuệ, rất sẵn hoành phi, câu đối. Phía ngoài nhà tiền tế đã có câu đối nói lên niềm tự hào về văn hiến (dịch nghĩa):
Cha con cùng đỗ, danh tiếng muôn đời trong sử Việt
Nhà vua ban họ, công trạng nghìn năm tại triều Lê.
Bước vào nhà tiền tế gặp câu đối khác
(dịch nghĩa):
Thi Lễ phấn phát gia phong, khoa giáp đỗ liền ba tiến sĩ
Xuân Thu lưu lại trong quốc sử, phúc nhà sinh hạ một cung phi.
Hai câu đối ấy là lời tôn vinh của con cháu đời sau đối với công huân của các tiền bối đời Lê. Theo văn bia "Ðào tộc thế tự đàn bi ký" gắn vào bức tường hậu cung nhà thờ và gia phả họ Ðào, thì đời thứ tư, truyền đến cụ ông Ðào Nam Khang đỗ Tiến sĩ khoa Sĩ vọng đời Lê, giữ chức Triều liệt đại phu, trông coi Ty hiến sứ xứ Thận Hóa, kiêm Tri Quốc Tử Giám.
Ðời thứ năm truyền đến cụ Ðào Nam Kiệt, đỗ tiến sĩ năm 1472, giữ chức Tả thị lang bộ Binh, trông coi xứ Hưng Hóa, tước Vĩnh Giang hầu.
Ðời thứ sáu truyền đến cụ Ðào Công Thích (con cụ Ðào Nam Kiệt), đỗ Hoàng Giáp năm 1484, giữ chức Tả thị lang bộ Binh, làm việc ở Ty Hiến sứ, tước Thanh Giang hầu, có công nên vua ban họ Lê.
Truyền thống hiếu học của làng Khúc Thủy được tiếp nối và phát huy đến ngày nay. Ở thế kỷ 20, họ Ðào có học giả Ðào Duy Anh, em ruột là nhà báo, nhà lý luận của Ðảng Cộng sản Việt Nam Ðào Duy Kỳ.
Nhân dân Khúc Thủy tự hào về truyền thống văn hiến của mình, hiện vẫn bảo tồn được di sản kiến trúc, cảnh quan phong phú, đa dạng của mình. Ðó là đình, chùa, miếu, cổng làng, từ đường họ, và những nếp nhà cổ mà ông cha nhiều đời truyền lại. Nghề làm miến cổ truyền cũng được tiếp nối và phát triển. Sức thu hút khách du lịch của làng quê nổi tiếng ven sông Nhuệ này ngày càng lớn.