Trên là rừng còn dưới là vàng, nên cũng dễ hiểu vì sao hết “lâm tặc” lại đến “vàng tặc” đua nhau đổ về Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rỳ để khai thác vàng trái phép, mặc cho những đợt truy quét của lực lượng liên ngành huyện cũng như tổ tuần tra của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn.
Lợi nhuận cao – hàng trăm cây gỗ nghiến bị đốn hạ
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ lâu nay vẫn được coi là “kho” gỗ quý hiếm, lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn với hàng vạn cây nghiến, đinh, thông đá, thông núi... Chính vì vậy, thời gian qua nơi đây luôn trở thành điểm nóng khai thác lâm sản trái phép, bất chấp những nỗ lực của lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn.
Con đường cấp phối từ xã Lạng San vào xã Ân Tình dài hơn năm cây số đưa chúng tôi đến thôn Thẳm Mu, một trong bốn thôn của xã Ân Tình. Nơi này được coi là điểm nóng về hoạt động khai thác lâm sản trái phép. Có sự chỉ dẫn của cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi để đến Lủng Chang. Lủng Chang chỉ là một trong gần hai mươi con đường dẫn lên núi trong Khu bảo tồn thuộc xã Ân Tình.
Những cây nghiến nghìn năm tuổi bị "lâm tặc" đốn hạ, chưa kịp xẻ |
Ttrên đường đi, những cây nghiến do “lâm tặc” đốn hạ nằm ngổn ngang trên đường. Có cả gỗ cũ và mới bị cưa đổ, có cây lá vẫn còn xanh. Một đồng chí kiểm lâm trong đoàn cho biết, theo cách tính năm sinh trưởng của từng vòng cây, thì những cây nghiến bị chặt hạ này phải đến hàng ngàn năm tuổi mới có được.
Một cây nghiến cổ thụ bị "lâm tặc" khai thác dở |
Vượt qua Lủng Chang, đoàn chúng tôi tiếp tục đến khu vực núi Cốc Lào và Khưa Mu. Những thân cây nghiến cổ thụ nằm ngổn ngang trên đường đi bị lâm tặc chặt hạ để tìm mắt nghiến, thứ mà “lâm tặc” và những tay đầu nậu gỗ vẫn thường gọi là bừu hay ngọc nghiến- rất có giá trị về kinh tế trên thị trường hiện nay. Không phải thân cây nghiến nào cũng có bừu. Do đó “lâm tặc” cứ gặp cây nghiến cổ thụ nào là chúng hạ xuống, không có thứ cần tìm thì lại bỏ đi sau đó mới quay lại xẻ để làm thớt. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thuộc xã Ân Tình đã bị “lâm tặc” đốn hạ gần 30 cây nghiến cổ thụ.
Những thân cây to đốn hạ được "lâm tặc" cất giấu nhằm che mắt lực lượng kiểm lâm |
Phần lớn những cây nghiến cổ thụ ở Lủng Chang, Cốc Lào, Khưa Mu, Cốc Khoang... bị "lâm tặc" cưa đổ đều để xẻ làm thớt. Những cục thớt nghiến dày 20 cm, đường kính rộng từ 40 – 50 cm bán trên rừng có giá từ 100 đến 150 nghìn đồng. Người dân trả tiền cho chúng, sau đó tự lên rừng đẽo, gọt và khoác về. Với mỗi một cục thợt như vậy, nếu vận chuyển trót lọt ra khỏi Khu bảo tồn họ sẽ thu được khoảng 700 nghìn đồng. Vì thế, hầu hết các hộ dân nằm trong Khu bảo tồn đều tham gia vào phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép.
Xã Ân Tình – dân đua nhau phá rừng, buôn thớt
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn, xã Ân Tình có trên 200 hộ, với trên 70% là hộ nghèo, nhưng số lượng cưa máy được người dân trong xã mua lên tới trên 50 chiếc, cá biệt có hộ gia đình sắm tới hai cưa máy, trị giá mỗi chiếc cưa từ 15-17 triệu đồng. Trong khi gia đình lại không có rừng trồng theo Dự án 147 của huyện. Vậy họ sắm cưa máy để làm gì? Đó chỉ có thể là dùng để hạ nghiến, cưa làm thớt bán.
Ngay trong buổi sáng 06/6, khi chúng tôi chuẩn bị có chuyến đi thực tế ở Khu bảo tồn tại khu vực rừng núi đá thuộc thôn Thẳm Mu, lực lượng Kiểm lâm sau thời gian mật phục đã tiến hành thu giữ và lập biên bản xử phạt hành chính đối với một phụ nữ có tên là Vi Thị Dung, trú tại thôn Bản Dường, xã Ân Tình, khi người phụ nữ này cùng với đồng bọn đang vận chuyển trái phép thớt nghiến ra khỏi Khu bảo tồn. Biết khung xử phạt cao nhất dành cho mình cũng chỉ là nộp phạt hành chính, nên người này vẫn điềm nhiên... cười khi làm việc với cán bộ kiểm lâm, coi như hôm nay mình đen đủi thì bị bắt.
Đối tượng vận chuyển gỗ trái phép |
Vi Thị Dung không ngần ngại cho chúng tôi cho biết: Những lúc nông nhàn như hiện nay, hầu hết các hộ dân trong thôn đều lên núi. Đàn ông thì vác cưa đi hạ nghiến, còn phụ nữ thì dùng dao búa đi gọt đẽo, tải thớt từ trên núi về. Mỗi cục thớt vận chuyển ra khỏi xã bán cho các đầu nậu gỗ cũng kiếm được năm bảy trăm ngàn. Với lợi nhuận cao như vậy, nên hầu hết người dân ở thôn, xã đều vào Khu bảo tồn để khai thác kiếm tiền, mặc dù biết làm như thế là vi phạm pháp luật. Nếu trên đường vận chuyển, chẳng may có bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ thì cứ nộp phạt hành chính là "xong".
Qua quá trình trao đổi với một số người dân trong xã, chúng tôi lại được biết thêm: Trước đây, người dân chỉ đi vận chuyển thớt thuê cho lâm tặc. Mỗi người chỉ cần vác một cục thớt có đường kính khoảng 50cm, dày 20cm từ trên núi xuống, qua đường mòn đến nơi tập kết thuộc xã Lương Thành hoặc xã Văn Minh thì được trả công 200 ngàn đồng. Người làm chưa quen thì chỉ được một chuyến, còn người thuộc đường thì được hai chuyến một ngày. Nếu một gia đình có ba người làm, mỗi ngày cũng kiếm cả triệu bạc. Vì lợi ích quá lớn, nên việc quản lý và bảo vệ rừng nghiến ở Khu bảo tồn ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Ngang nhiên khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn
Trên là rừng còn dưới là vàng, nên cũng dễ hiểu vì sao hết “lâm tặc” lại đến “vàng tặc” đua nhau đổ về Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rỳ để khai thác vàng trái phép, mặc cho những đợt truy quét của lực lượng liên ngành huyện cũng như tổ tuần tra của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn triển khai.
Dân tứ xứ đổ về tìm kiếm “Giấc mơ vàng” nơi thâm sơn cùng cốc
Không quá khó để chúng tôi tiếp cận những điểm khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Tại khu vực Tốc Lù, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn hiện nay chẳng khác gì một công trường xây dựng, với rất nhiều những lán, trại san sát, máy móc ngổn ngang.
Không thể thống kê hết ở đây có bao nhiêu điểm, nhóm khái thác vàng trái phép. Tuy nhiên, từ thực tế đếm những chiếc máy nổ và đặc biệt là sự xuất hiện các dịch vụ hàng quán với lượng người tấp nập, phần nào cho thấy sự gia tăng tình trạng khai thác vàng trái phép ở Khu bảo tồn đang hết sức phức tạp.
"Công trường" khai thác vàng trái phép ở Khu bảo tồn |
Ông NHH, một người ngoài địa phương có thâm niên khai thác vàng gần 30 năm ở Khu bảo tồn thuộc xã Kim Hỷ cũng thừa nhận, cá nhân ông là người khai thác vàng trái phép. Ngoài việc đào bới các hang ổ để tìm vàng, thì đội quân của ông cũng thường xuyên chặt phá cây rừng dùng để ke lò, sử dụng cây làm chất đốt trong sinh hoạt hằng ngày.
Hơn hai chục năm với “giấc mơ vàng” chốn thâm sơn cùng cốc, thế nhưng vàng thì chưa thấy đâu, nhưng rừng ở trong khu vực khai thác này bị phá cũng tương đối. Thêm vào đó, là cảnh quan môi trường ở đây cũng bị ô nhiễm từng ngày, do đủ các chất thải sinh hoạt, hóa chất từ các lán trại. Ông H tâm sự!
Vượt qua Lũng Tốc Lù, chúng tôi tiếp tục có mặt tại Lũng Quang, một trong những địa danh “vang bóng” một thời về “luật rừng” trong khai thác vàng của các “bưởng vàng” những năm 80 của Thế kỷ trước, cùng với đó là những câu chuyện buồn về sập hang, mất mạng do khai thác vàng trái phép.
Các nhóm khai thác vàng trái phép thường xuyên đốn hạ cây rừng trong Khu bảo tồn dùng để ke lò |
Theo người dân địa phương cho biết, khu vực này trước đây vốn là một thũng lũng hoang sơ, với bạt ngàn những cây gỗ lớn. Tuy nhiên, kể từ khi các ổ nhóm tìm đến khai thác, chặt phá thì thung lũng này đã trở nên sơ sác, hoang tàn, bở đất đá bị cày xới tung, còn rừng thì bị đốn hạ tràn lan để phục vụ cho mục đích khai thác.
Trước đây việc khai thác vàng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chủ yếu là người ngoài tỉnh, huyện thì này những phu vàng là người dân địa phương cũng đua nhau đi làm. Tại khu vực Bản Than, nằm ở sát trung tâm của xã Kim Hỷ, một nhóm người dân địa phương ngang nhiên tập kết máy móc, tuyển rửa vàng để khai thác. Tiếng máy nổ xen lẫn tiếng nước xối xả rửa vàng vang vọng cả một khu rừng, vậy mà chính quyền địa phương không hề hay biết.
Khi đoàn chúng tôi tiếp cận lại gần điểm khai thác, cứ thể như là “tai vách, mạch rừng” vậy, cách xa vài trăm mét thế nhưng mọi hoạt động khai thác trước đó đồng loạt dừng lại. chúng tôi cố gắng luồn qua một cánh rừng nhỏ để tiếp cận nhóm người đang khai thác. Biết chúng tôi không phải các lực lượng chức năng đi truy quét, nên các đối tượng vẫn thản nhiên quanh quẩn ở khu vực đang khai thác.
Môi trường trong Khu bảo tồn đang dần bị phá hủy nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác vàng trái phép |
Một phu vàng lý sự, hiện nay trên địa bàn xã có hàng trăm điểm khai thác lớn nhỏ, chủ yếu là dân “tứ xứ, thập phương” đến tìm vàng, mình là người địa phương không có lý gì lại không được làm trong những lúc nông nhàn như hiện nay.
Chúng tôi hỏi tiếp một phu vàng khác, có ý thực được những hoạt động khai thác vàng như thế này là trái với pháp luật quy định không? Anh ta không ngần ngại cho hay: Biết là trái phép, thế nhưngchúng em là người dân trong xã chỉ hoạt động quy mô nhỏ lẻ, chứ có đào hang ổ như trong vùng lõi của Khu bảo tồn đâu mà bắt.
Tuy nhiên, để đối phó với kiêm lâm và các lực lượng liên ngành khác nhóm “vàng tặc” tặc này cũng thường xuyên cắt cử hai ba người đứng ở các hướng cảnh giới từ xa, hễ phát hiện lực lượng chức năng đi kiểm tra để còn kịp thời tẩu tán máy móc và “én” thật nhanh ra khỏi khu vực khai thác. Vậy là chúng tôi đã hiểu, tại sao khi chúng tôi mới tiếp cận đến gần khu vực khai thác thì mọi hoạt động của nhóm người này đã trở nên im bặt.
Tổ tuần tra của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn tiến hành hủy máy móc tại chỗ của "vàng tặc" |
Với diện tích gần 15 nghìn héc ta phần lớn diện tích đều có lâm sản và khoáng sản quý hiếm, nên cũng dễ hiểu tại sao Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đang trở thành điểm nóng khai thác của “lâm tặc’ và “vàng tặc”, mặc dù các lực lượng chức năng của huyện và tổ tuần tra Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn thường xuyên đi truy quét, phá hủy lán trại, đập máy móc, chặt vòi hút nước tại các ổ nhóm khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn. Thế nhưng, hoạt động này vẫn chỉ xem như “muối bỏ bể”, bởi khi các lực lượng rút đi thì mọi hoạt động của chúng lại rầm rộ trở lại.
Theo báo cáo của lực lượng kiểm lâm, hiện nay trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có 78 ổ nhóm, với khoảng gần 400 đối tượng khai thác vàng trái phép, tập trung chủ yếu ở 17 lũng nằm trên địa bàn 2 xã Kim Hỷ và Lương Thượng.. Tuy nhiên, trên thực tế con số hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều. Chỉ tính riêng tại khu vực Tốc Lù, Lủng Quang và Xạ Hang số điểm nhóm khai thác đã lên đến gần 100 lán, trại.
Cũng theo báo cáo của lực lượng kiểm lâm, để ngăn chặn việc khai thác vàng trái phép, từ đầu năm đến nay lực lượng đã tiến hành truy quét từ hai đên ba lượt tại các điểm khai thác như: Tốc Lù, Bó Lẹp, Lũng Chủ, Lũng Mòn, Slam Lái, Lũng Cốp, Xạ Hang... Cùng với đó, tiêu huỷ 71 lán, trại, hơn 120 máy móc, cắt đứt trên 20 nghìn mét vòi dẫn nước v.v.
Lực lượng chức năng tiêu hủy lán trại của "vàng tặc" ở hang Tốc Lù, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ |
Tuy nhiên, do lợi nhuận của vàng trên thị trường hiện nay là quá cao, nên các đối tượng vẫn ngoan cố đầu tư, sửa chữa lại máy móc, dụng cụ để khai thác. Cá biệt, một số đối tượng vi phạm còn tỏ thái độ chống đối, đe dọa, không chấp hành khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý.
Mặt khác, do bị truy quét quá gắt gao, phần lớn hiện nay các đối tượng đã chuyển từ khai thác công khai sang hoạt động bí mật, giấu toàn bộ máy móc, phương tiện xuống dưới hang sâu. Cùng với đó, bố trí đội ngũ “chim lợn” đứng cảnh giới từ xa tại các điểm ra vào lũng, nhằm chống đối lại hoạt động kiểm tra của các lực lượng liên ngành. Điều đó cho thấy, “cuộc chiến” chống “vàng tặc” ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ hết sức cam go và cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm tình trạng này./. (còn nữa)
Quý Đôn