(thanhhoanay) - Đình Bảng Môn là hạt nhân quan trọng trong quần thể di tích của xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, bao gồm: Văn chỉ xã Hoằng Lộc, chùa Thiên Nhiên, nhà thờ Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất, nhà thờ Nguyễn Quỳnh.
Từ lâu đình Bảng Môn… luôn được xem là niềm tự hào của người dân nơi đây. Đây là một làng khoa bảng điển hình ở Việt Nam, theo các tư liệu văn tự, khế ước, gia phả, sắc phong hiện lưu tại làng, trong số hơn sáu trăm vị tiến sĩ qua các thời kỳ, có tới 12 vị đỗ đại khoa vinh danh từ khoa thi năm Hồng Đức thứ 12 (1481) đến khoa thi cuối cùng đời Nguyễn (1919) và làng có đến 7 vị tiến sĩ được ghi tên ở Văn bia Quốc tử giám. Với bối cảnh văn hoá - xã hội như trên, di tích đình Bảng Môn hàm chứa rất nhiều điều quý giá. Đình Bảng Môn không chỉ là một ngôi đình làng thuần tuý mà còn là một bảo tàng nghệ thuật kiến trúc gỗ còn lại gần như duy nhất đại diện cho di sản kiến trúc gỗ của Việt Nam trong thế kỷ XVII trên đất Thanh Hoá.
Đình Bảng Môn là một đình làng truyền thống nhưng không đặt theo tên địa danh mà lại đặt tên theo nội dung thờ tự (đình Bảng), đây là một điểm độc đáo. Ngôi đình này được xem trọng phần tín ngưỡng, thờ tự hơn là cơ sở vật chất của hoạt động hành chính thế tục. Mặc dù trải qua thăng trầm của thời gian, công trình này được dòng họ Nguyễn sở
tại, cũng như sự tôn thờ đạo học của người dân làng, sự ngưỡng vọng nhân thần, linh thần đã giúp cho di sản tồn tại đến ngày nay.
Các lớp văn hoá chồng xếp ở đình Bảng Môn được thể hiện qua kiến trúc - chạm khắc: lớp thế kỷ XV-XVI với đường diềm trang trí bao quanh mặt cửa nhà Hậu cung kiểu y môn trước các điện thờ giống như ở chùa Keo, chùa Bút Tháp thế kỷ XVIII, nhưng phong cách chạm khắc thô ráp, hình hoạ rất ngộ nghĩnh, sống động, hồn nhiên đậm yếu tố dân gian hoặc lớp thế kỷ XVII ở tại nội thất nhà Hậu cung có chạm khắc trên cột, xà ngang, hoành, đặc biệt là kết cấu vì nóc với các hình tượng chim phượng, cá hoá rồng, hoa cúc, sen, trúc với phong cách tinh tế, hình nét cầu kỳ, hoa mỹ hay lớp thế kỷ thứ XIX - XX tại nhà tiền đường có nội dung tứ linh, tứ quý nhưng mang phong cách khoẻ khoắn, mạnh mẽ, sung mãn, khối tạc có diện tích lớn.
Đình Bảng Môn được xem là trung tâm biểu hiện đạo học của làng. Chính tại đình làng, mỗi khi có tân khoa Trạng đỗ đạt thì việc đón rước trở thành một lễ hội suy tôn Nho học, được làm lễ tại đình trước khi yết bái ông cha.
VIETNAMNAY.COM Tổng hợp