Chùa Nễ Châu
Chùa Nễ Châu nằm trên đường Phố Hiến - xã Hồng Nam - thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Xưa kia, nơi đây là khu vực chợ Nễ Châu, địa danh cuối cùng của Phố Hiến hạ - trung tâm thương cảng Phố Hiến thời kỳ phồn thịnh thế kỷ XVI - XVII.
Tương truyền, chùa Nễ Châu được khởi dựng từ thời Tiền Lê, quy mô ban đầu còn nhỏ. Khi Lê Hoàn đi qua đây đã cho khởi công xây dựng một ngôi chùa mới trên đất làng Phương Cái (ngày nay là thôn Nễ Châu), thay thế cho ngôi chùa cũ đã đổ nát. Khi Chùa xây xong, dân làng Phương Cái không đủ tiền trả công thợ. Lê Hoàn truyền rằng: “Nếu làng nào đủ tiền trả công thợ thì chùa thuộc về làng đó”. Bấy giờ, dân làng Nễ Châu nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nên đã trả được công cho thợ nên chùa thuộc về làng Nễ Châu từ đó. Vì thế dân gian có câu ca rằng: "Bao giờ Phương Cái có Chùa Hương Giang có giếng thì Vua lại về" (Hương Giang là vùng đất nằm cạnh làng Nễ Châu, ngày nay là làng Lương Điền) Theo truyền thuyết dân gian, sách “Đất Hưng Yên” của Phạm Như Tiên và gia phả họ Nguyễn thì di tích đền và chùa Nễ Châu gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Bà sinh ngày 15 tháng giêng năm Bính Thân, quê ở Nễ Châu. Khi Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở đây để chống quân Tống xâm lược, thấy bà xinh đẹp đã lấy làm vợ và xây cho một “Ngọc Dinh Thự” ở chợ Nễ Châu. Lê Hoàn còn mua thêm đất, phong cho Nguyễn Thị Ngọc Thanh làm chính nhất phu nhân. Bà đã có công giúp đỡ nghĩa quân cất giấu lương thảo, giặt giũ quần áo... Giặc tan, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, một phần do không có con, hơn nữa cha mẹ lại già yếu không có người phụng dưỡng, Ngọc Thanh đã xin nhà vua cho ở lại quê hương, Lê Hoàn đồng ý và cử người con thứ 9 là Lê Long Kính (hiệu Trung Quốc đại vương) thay mình trấn giữ vùng này và cũng là để chăm nom Bà. Ngày 15.8, Nguyễn Thị Ngọc Thanh qua đời, nhà vua thương tiếc đã cho lập đền thờ Bà ngay trước cửa Chùa Nễ Châu để phụng thờ và phong làm “Ngọc Thanh Hoàng hậu”. Ngày 10.9 âm lịch, Lê Long Kính mất, được dân làng Nễ Châu phong làm Thành hoàng làng và cũng được thờ tại Đền cùng với Ngọc Thanh Hoàng hậu. Trải qua các triều đại, chùa Nễ Châu đều được trùng tu, tu sửa. Lần tu sửa gần đây nhất là vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại nguyên niên (1926). Chùa có kiến trúc kiểu “Nội đinh ngoại quốc” bao gồm các hạng mục: tiền đường, thượng điện, nhà tổ và hai dãy hành lang. Năm 1992, Chùa Nễ Châu đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. Toà tiền đường gồm 7 gian, dài 15m; rộng 5m. Hai bên đầu hồi là hai cột đồng trụ cao 3,5m, trên đỉnh cột đắp hai con nghê quay đầu vào nhau. Mái chùa lợp ngói mũi, chính giữa đường bờ nóc đắp nổi 3 chữ Hán “Thụy Ứng tự” (chùa Thụy Ứng). Toàn bộ hệ thống bẩy hiên được chạm khắc rồng và hoa lá cách điệu. Kết cấu kiến trúc toà tiền đường kiểu vì kèo đơn giản. Trên thượng lương ghi rõ năm trùng tu “Bảo đại nguyên niên (1926)”. Trên xà dọc được trang trí bằng các bức trấn phong chạm khắc hình lưỡng long mềm mại và tinh xảo. Các bức trấn phong đã được đánh giá cao về nghệ thuật điêu khắc, hoa văn trang trí thể hiện nét văn hóa thời Lê.
Nối tiếp toà Tiền đường là toà Tam bảo dài 12m, rộng 5m. Toà Tam bảo có kết cấu kiến trúc kiểu vì kèo đơn giản. Hệ thống tượng thờ tại toà Tam bảo rất đa dạng và phong phú. Trong đó, có giá trị hơn cả là tượng Tuyết Sơn, đây là pho tượng gỗ cổ có niên đại từ thời Lê. Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi suy tư, hai tay bó gối với thân hình gầy guộc, trán và chân tay nổi rõ những đường gân. Tượng Tuyết Sơn là hiện thân của Đức Phật Thích Ca giai đoạn tu trên núi Tuyết Sơn. Hiện nay, pho tượng Tuyết Sơn cổ đang được lưu giữ tại Bảo Tàng tỉnh Hưng Yên còn pho Tuyết Sơn ở chùa chỉ là phiên bản phục chế. Đền thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nằm đối diện chùa Nễ Châu, cũng được trùng tu vào thời Nguyễn, kiến trúc kiểu chữ Đinh bao gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Đền có kết cấu kiến trúc kiểu con chồng đấu sen, chạm khắc hoa văn cách điệu, mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Hằng năm, chùa Nễ Châu thường tổ chức tế lễ vào các ngày 15 tháng giêng và ngày 15.8 âm lịch để tưởng nhớ ngày sinh và ngày mất của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Ngày 10.9 (âm lịch) kỷ niệm ngày mất của Lê Long Kính. Ngoài ra, vào những ngày lễ lớn của nhà Phật như: ngày Phật Đản, lễ Vũ Lan… cũng được tổ chức long trọng tại chùa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. |
- Đền Mây(31/10/2006)
- Đền Tân La(19/10/2006)
- Đền Thiên Hậu(03/10/2006)
- Đền Mẫu(20/09/2006)
- Đền Trần(31/08/2006)
- Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Hưng Yên - tiềm năng và giá trị(06/07/2006)