Làng cổ Đa Sỹ - Đất học, đất nghề

Người dân làng Đa Sỹ với nghề rèn truyền thống. (Ảnh: archives.gov.vn)

Làng Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) xưa nay nức tiếng bốn phương là một làng khoa bảng, làng văn hiến và có nghề rèn truyền thống duy trì hàng trăm năm nay.

Đa Sỹ vốn là một ngôi làng cổ với hơn 1.000 năm lịch sử, nguyên thủy có tên là làng Sẽ, sau đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ, ngày nay gọi là làng Đa Sỹ.

Trong làng có miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa, một danh y nổi tiếng thế kỷ thứ 16, người đã để lại 208 phương thuốc trị bệnh cứu người, được tôn thờ là Thành hoàng làng và Tiến sỹ Hoàng Trình Thanh, một tên tuổi lớn trong “Nho lâm kì thụ”, làm quan qua 4 triều vua Lê.

Tương truyền, Tiến sỹ Hoàng Trình Thanh là người có công lập nên “Vườn học” duy nhất ở nước ta dưới thời nhà Lê. Sử sách đời sau ghi rõ Tiến sỹ Hoàng Trình Thanh là một trong 10 nhà Nho có đức nghiệp của đất nước ở triều Lê.

Trong lịch sử văn học Việt Nam ông đã để lại tác phẩm "Trúc Khê thi tập", nhấn mạnh về phẩm chất con người. Kế tiếp và phát huy truyền thống của dòng họ Hoàng, 4 người con trai do ông sinh ra ứng với “Tứ trụ thủy lưu” đã mở đầu và phát triển thành dòng họ Hoàng có bốn chi phái lớn ở làng Huyền Khê và làng Lương Xá.

Trải qua nhiều đời từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, cháu chắt Tiến sỹ Hoàng Trình Thanh trong sự nghiệp giúp nước yên dân của mình đều nêu cao đức nghiệp tận trung với nước, tận hiếu với dân. Dòng họ Hoàng đã có 4 danh nhân được các địa phương trong nước lập đền thờ là Thành hoàng làng.

Giữa thế kỷ 18, làng Đan Sỹ được đổi tên thành làng Đa Sỹ cũng là nhờ đức nghiệp của ông. Quê hương Đa Sỹ ngày nay tự hào với truyền thống của vùng đất địa linh, nhân kiệt, tiếp tục làm rạng danh dòng họ văn hiến, quê hương văn hiến trong thời đại hội nhập và phát triển.

Có từ cách đây hàng trăm năm, tên tuổi nghề rèn Đa Sỹ lưu truyền trong Nam, ngoài Bắc và sang cả những nước láng giềng. Các sản phẩm dao, kéo của Đa Sỹ được khách hàng ưa chuộng bởi độ bền, sắc, cứng.

Những ngọn giáo, lưỡi mác do thợ làng Đa Sỹ rèn ra đã làm bạt vía quân thù, góp phần viết nên trang sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Hòa bình lập lại, nghề rèn Đa Sỹ lại cho ra đời những nông cụ, các chi tiết máy phục vụ công nghiệp và các sản phẩm dao, kéo nổi tiếng cho tới ngày hôm nay.

Vào làng Đa Sỹ, nhiều nếp nhà xưa được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, từ các xưởng rèn vẫn vang lên những âm thanh không thay đổi là tiếng búa, tiếng xè xè của máy mài.

Người thợ rèn Đa Sỹ làm việc hăng say, ngay cả khi tiếp chuyện với khách cũng không ngơi tay. Xưởng rèn Tư-Dung nằm sát ngay con đường làng, 3 người thợ đang say sưa "sạc mài" dao, đeo khẩu trang, kính mắt kín mít. Những con dao được mài bằng máy sáng loáng, mỗi thợ có thể mài hàng trăm con một ngày.

Tại xưởng Hường-Nực, cụ bà ngoài 80 vẫn thoăn thoắt đánh phớt bóng cho những con dao vừa được con cháu mài sắc bén. Cụ hóm hỉnh bắt chuyện: "Nghề rèn ở Đa Sỹ, mỗi nhà có bí quyết riêng, phải có kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao sắc bén".

Các hộ làm nghề rèn ở Đa Sỹ hầu như có việc quanh năm, sản phẩm làm ra được đại lý trong làng thu gom sau đó bán ra thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Theo ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ, giờ đây máy móc đã thay thế cho bàn tay con người, sản lượng và chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Đa Sỹ có 100 hộ đầu tư từ 50 đến 100 triệu mua máy móc, thiết bị để sản xuất quy mô lớn.

Mỗi gia đình có bí quyết nghề riêng nhưng đều có điểm chung là phải có thép tốt và kỹ thuật cao. Sản phẩm dao, kéo các nơi khác không thể bắt chước được sản phẩm rèn Đa Sỹ. Muốn dao, kéo làm ra sắc bén không được để quá lửa, dao dễ bị mẻ.

Còn “lấy mầu" (sau khi qua lửa nhúng vào nước) lâu quá thì dao nhanh bị trơ. Ngoài dao, kéo, làng nghề còn có nhiều sản phẩm khác như nạo, tràng, bào, đục, đan bẫy chuột, cặp chả, bay…

Thu nhập của mỗi thợ giỏi khoảng 3 triệu đồng/tháng, mỗi hộ kinh doanh thu từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Một số hộ tích lũy được vốn đã chuyển sang kinh doanh nguyên liệu cung cấp cho làng nghề hoặc mở cửa hàng, buôn bán ở chợ.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Kiến Hưng Hoàng Lệ Xuân cho biết "Trải qua bao thăng trầm, nghề rèn vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở Đa Sỹ, cả làng có trên 2.000 hộ dân thì tới 80% theo nghề. Nghề rèn tuy vất vả nhưng công việc ổn định, không lo thất nghiệp.

Để cải thiện môi trường cho làng nghề, quận Hà Đông đã quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề Đa Sỹ rộng 13ha tại xã Kiến Hưng, cho các hộ dân thuê đất trong vòng 30 năm. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010, điểm công nghiệp làng nghề sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân mở rộng sản xuất, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark