Nghê - Sấu, linh vật Việt trong dòng chảy thời gian
Thứ năm, 28/08/2014 - 04:18 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Thành bậc sấu đá, thời Lý thế kỷ 11-12, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

NDĐT - Sau khi có chủ trương bảo tồn văn hoá Việt bằng việc loại bỏ những linh vật ngoại lai, nhiều người băn khoăn, chưa hiểu về linh vật Việt. Chúng tôi xin giới thiệu phóng sự ảnh của tác giả Nguyễn Hoài Nam, với chuyên đề nghê và sấu, hai linh vật mang đậm bản sắc Việt trong suốt chiều dài từ thế kỷ 11-12 cho đến thế kỷ 19-20 để độc giả tham khảo.

Con sấu trang trí thành bậc đã xuất hiện ở Việt Nam từ hàng nghìn năm nay, phát triển qua các thời kỳ Lý, Trần, Hồ. Sau khi nhà Hậu Lê đánh đuổi được quân Minh xâm lược, hình tượng con sấu biến mất dần, thay vào đó là hình tượng con nghê. Đặc biệt từ thời nhà Mạc trở về sau, con nghê xuất hiện với mật độ dày đặc, nhất là thời Lê Trung Hưng, gắn liền với sự phát triển của đình làng Việt Nam. Từ chức năng ban đầu là con vật canh cửa, con nghê đã tiến vào đình làng, ngồi chầu trên khán thờ là nơi linh thiêng nhất của ngôi đình. Rồi nó xuất hiện trên những bộ vì cốn, trên trang trí cửa võng… với muôn hình vạn trạng. Nghê chỉ đứng sau rồng về tần suất xuất hiện trên điêu khắc đình làng, đặc biệt là giai đoạn Lê Trung Hưng. Sau đây xin giới thiệu một số hình ảnh những linh vật sấu, nghê… đã và đang tồn tại ở nước ta trong hàng trăm năm nay:

Sấu đá thời Lý thế kỷ 11-12. Đây là hiện vật duy nhất còn tương đối nguyên vẹn. Các hiện vật khác cùng loại đều đã bị sứt vỡ hoặc mất đầu.

Thành bậc kiến trúc chạm sấu đá và chim phượng thời Lý, thế kỷ 12 ở chùa Hương Lãng, Hưng Yên. Đây là ngôi chùa còn giữ được nhiều thành bậc thời Lý dạng này nhất tính đến nay.

Thành bậc sấu đá và chim phượng thế kỷ 11-12 thời Lý, tại chùa Bà Tấm, Gia Lâm, Hà Nội.

Thành bậc sấu đá chùa Phổ Minh, Nam Định thời Trần thế kỷ 13.

Thành bậc sấu đá thời Hồ thế kỷ 14, thành nhà Hồ, Thanh Hóa.

Với sự phát triển của đình làng, con nghê đã đi vào kiến trúc đình làng, trở thành một mô típ quan trọng trong trang trí kiến trúc. Nghê thời Mạc ở Đình Thổ Hà, Bắc Giang thế kỷ 16.

Thế kỷ 17-18 được đánh giá là giai đoạn phát triển đỉnh cao của điêu khắc đình làng, nghê trên cốn gỗ thế kỷ 17, tại đình Giẽ Hạ, Phú Xuyên, Hà Nội.

Gia đình nhà nghê, điêu khắc thế kỷ 17 trên cốn gỗ đình Cổ Chế, Phú Xuyên, Hà Nội.

Nghê trên cốn gỗ, thế kỷ 17, đình Giẽ Hạ, Phú Xuyên, Hà Nội.

Chạm nghê, voi và rồng trên cốn gỗ, đình Hoàng Xá, thế kỷ 17 (năm 1694) thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội.

Nghê và rồng trang trí kiến trúc đình làng Chu Quyến, thế kỷ 17, Ba Vì, Hà Nội.

Nghê thế kỷ 17, tượng tròn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nghê thế kỷ 17, tượng tròn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Nghê thế kỷ 17, đình Quang Húc, Ba Vì, Hà Nội.


Nghê thế kỷ 17, chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội.


Nghê thế kỷ 18 (năm 1736) đình Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.


Nghê cối cửa thế kỷ 18 (năm 1736) đình Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.


Nghê cối cửa, quán Phương Bảng, Hoài Đức, Hà Nội, thế kỷ 19-20.


Mây hóa nghê thành Bậc, Chương Mỹ, Hà Nội, thế kỷ 19.