Văn bia ghi về từ chỉ họ Đặng ở Tỳ Bà, Lương Đài, Bắc Ninh
Thứ Ba, 11/03/2014
Văn bia ở trong quần thể di tích "Đặng gia từ chỉ",(1) thuộc xứ đồng Đường Bào (hai) xã Tỳ Bà, Mạc Xuyên, huyện Lương Tài, phủ Thuận An, trấn Bắc Ninh. Nay ở phía Nam thôn Tỳ Bà, xã Phú Hòa, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Bia là một khối đá xanh hình trụ cao 2,41m. (Đế 51cm, thân 140cm, chóp 50cm), 4 mặt đều rộng 78cm - đo giữa thân bia. Chóp bia hình lọng (long đình), rèm và mái chóp không có hoa văn. Bia 4 mặt thể hiện các nội dung: Bài ký về từ chỉ họ Đặng; thống kê vật tế và nghi thức tế, văn tế; khoán văn ruộng kính thần; diện tích từng thửa ruộng tế. Văn bia khắc chữ Hán, chân phương, cỡ mỗi chữ gần 3cm.
ĐẶNG VĂN LỘC
Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương
Mặt ghi: Bài ký về Từ chỉ họ Đặng (Đặng gia từ chỉ bi ký) khắc 20 dòng. Có 4 dòng khắc trồi cao 1 chữ (dòng 2, 4, 5, 19). Hai dòng cuối ghi niên hiệu triều vua, chức vụ, học vị người soạn văn bia.
Mặt ghi: Khoán văn ruộng kính thần (kính thần điền lập khoán văn), khắc 19 dòng, có 4 dòng khắc trồi cao 1 chữ (dòng 2, 4, 6, 14), dòng thứ nhất khắc thấp hơn 1 chữ.
Mặt ghi: Thống kê vật tế và nghi thức tế (Tế vật nghi tiết sự lệ), khắc 20 dòng, có 3 dòng đài cao 1 chữ (dòng 2, 7, 10) dòng thứ nhất khắc thấp hơn 1 chữ.
Mặt ghi: Diện tích từng thửa ruộng tế (Tế điền toại phân xứ sở), khắc 20 dòng, có 4 dòng khắc trồi lên 1 chữ (dòng 2, 6, 10, 17) ghi tên các thôn Thượng, Trung, Trịnh, Miếu. Dòng thứ nhất khắc thấp hơn 1 chữ.
Về năm và địa phương tạo văn bia: Dòng thứ 19 mặt bia Đặng gia từ chỉ bi ký ghi "Hoàng triều Đức Nguyên vạn vạn niên chi nhị tuế, tại Ất Mão, trọng xuân cốc nhật, Lương Tài huyện, Tỳ Bà, Mạc Xuyên nhị xã, Thượng, Trung, Trịnh, Miếu tứ thôn thượng hạ đẳng lập"; dịch nghĩa: Năm Đức Nguyên thứ 2 (1675), tháng 2 ngày tốt, 4 thôn, Thượng, Trung, Trịnh, Miếu, thuộc hai xã Tỳ Bà, Mạc Xuyên lập bia.
Về tác giả soạn văn bia: Dòng thứ 20 ghi tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, khoa Đông các đại học sĩ, (khoa Kỷ Hợi), chức Công bộ Thượng thư, tước Duệ Quận công, Thượng trụ quốc, được ban Kim tử vinh lộc đại phu, Quỳnh Hoàn, Hồ Sĩ Dương soạn.
Giá trị của văn bia: Đây là cổ vật (theo luật di sản văn hóa) để lại nhiều tư liệu lịch sử về cuộc sống của một vị đại quan họ Đặng quê ở giáp Phú Cường, thôn Trịnh - đất thái ấp do Triều đình phong tặng ông. Văn bia ghi đức độ, tài năng của vị quan này trong việc thực thi nhiệm vụ ở triều đình, trong đối xử với dân ở 2 xã 4 thôn (đã nêu ở phần trên). Tài và đức đó tạo được hiệu ứng cảm mến của người dân, dân tự giác lập văn bia, lập từ chỉ thờ cúng Đặng gia muôn đời. Những qui định ghi thức tế, qui chế quản lý từ chỉ (di tích), văn khoán ước, diện tích và tên các xứ đồng, tên các thôn, xã, huyện, phủ là tư liệu lịch sử nguyên gốc, phản ánh phong tục tập quán, lối sống "trung tín" của nhân dân, có tác dụng bồi đắp tư tưởng tình cảm, giáo dục đạo đức cho hiện tại. Việc ghi tên các vị Đặng gia ở phần Tế vật nghi tiết sự lệ thể hiện đạo "kính hiếu" của vị đại quan họ Đặng với tiên tổ mình, giúp những người quan tâm tới "gia phả họ Đặng ở Việt Nam" tìm hiểu, chắp nối dòng họ trong phả hệ.
Dịch nghĩa:
VĂN BIA GHI VỀ TỪ CHỈ HỌ ĐẶNG
(Đặng gia từ chỉ bi ký)
Văn bia ghi việc phụng thờ từ chỉ họ Đặng. (Người nào) có công đức với dân thì được (dân) thờ cúng, tế lễ. Điều ấy là đương nhiên.
Ấp ta là ấp trung tín. Nay có quan Ty lễ giám, Tổng thái giám, Tài kiêm hầu Đặng Kim công. Ông là người khoan hậu. Sửa mình, tu thân theo nghĩa các chữ khiêm, cung, hiếu, đễ (2) (ở nhà), trung, cần, đốc (với nước)(3). Thực thi công việc ở Vương phủ thì mẫn cán và (luôn) giữ tính hòa nhã tươi tắn. Giúp cho bề trên (vua, chúa) tránh điều mê hoặc. Với hoàng gia thì giữ triều qui (qui tắc trong triều đình) khuyên (vua) nghĩ và làm điều phải, công thực lớn, được nhiều người yêu kính. Ông được vua ban thái ấp ở quê ta. Ông (luôn) giữ đức chăm chút, yêu mến dân (ta). Ngăn phiền hà, chẩn giúp người nghèo khó, bằng lòng yêu thương mà giúp đỡ. Dậy bảo (dân ta) thì dùng lễ nghĩa. Ông (tạo điều kiện) để dân (ta) được sống trong no ấm, mừng rỡ. Mọi nhà thi nhau làm điều nhân ái, nhường nhịn, duy trì phong tục. Ân nghĩa của ông thật sâu sắc. Đức độ của ông thật cao dầy. Lấy gì để báo đáp (ông). Những tiếng khen ngợi rực rỡ màu sắc, những lời xưng tụng nhất thời, sao bằng chọn giống lúa thơm, lúa quý trong hàng trăm giống lúa (lúa tắc), (làm) lễ vật thờ phụng ông muôn đời, báo đáp một phần công đức của ông. Bầy tỏ lòng thành để ông ưng cho, đấy là hậu ý của dân ấp, đó là lòng cảm tạ của dân ấp. Công đức ấy dám lấy gì so sánh. Dân ấp (lần nữa) cầu mong ông. Ông thường dạy (phải luôn) nhớ ơn tổ tông đã truyền dạy, đã cho: đạo đức, ân trạch; phải thương nhớ cha mẹ đã sinh ra mình, đã vất vả vì con, bù chi, bút chít cho con. Ơn này lấy gì để báo đáp. Điều ấy giúp hiểu đạo hiếu thật lớn lao, thật hạnh phúc. Dân ấp xin và ông đã ưng cho chọn đất phúc ở xứ Đường Bào. Ông gieo quẻ bói tìm được thửa ruộng làm từ chỉ để đời cúng tế các vị họ Đặng. Tế lễ hàng năm cung kính theo nghi thức, đèn nhang không bao giờ được tắt, để ghi công đức của ông mãi mãi. Tìm sự yêu thương, gần gụi ở ông chăng ? Lý của trời (đất) là ở lòng người, vốn có sẵn. Không thể có rồi mà lẫn lộn. Những người hậu sinh ở ấp ta, nghĩ về tâm đức của tiền nhân, đức độ của Đặng Công. Nhìn từ chỉ lại nghĩ về "người", nghĩ về "người" lại yêu mến từ chỉ. Đừng vì dấu vết rêu khói mà lơ đãng. Luôn nhớ đây là nơi trồng cây "đường thụ"(4), nơi lưu ân trạch mà cảm động. Xa vời mà vẫn xán lạn, cũ xưa mà vẫn phương phức hương thơm. Như vậy thì đâu chỉ có hiếu với Đặng công, cũng là khiêm cung hiếu đễ, thể hiện đạo hiếu với cha mẹ. Phong tục nhân hậu ở ấp ta còn mãi mãi về sau. Đem hết lời tình nghĩa (ở đây) làm thành bài ký, khắc vào bia đá để truyền lại mãi mãi.
Niên hiệu Đức Nguyên 2 (1675), ngày tốt, tháng 2 năm Ất Mão, nhân dân 4 thôn Thượng, Trung, Trịnh, Miếu và 2 xã Tỳ Bà, Mạc Xuyên huyện Lương Tài lập bia.
Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, Đông các (Đại học sĩ) khoa Kỷ Hợi được (vua) ban (mỹ tự) Kim tử Vinh lộc Đại phu, chức Công Bộ Thượng thư, tước Duệ Quận công; Thượng trụ quốc, Quỳnh Hoàn, Hồ Sĩ Dương soạn văn bia.
Chú thích:
(1) Được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
(2).謙恭孝悌Khiêm cung hiếu đễ: khiêm tốn, cung kính hiếu thảo, kính yêu bậc huynh trưởng.
(3) 忠勤篤 Trung cần đốc: Trung thành, cần cù, đốc tín.
(4) 棠樹Đường thụ... Lấy ý từ câu trong Kinh Thi: tế phế cam đường / rườm rà cây đường. Ý nói nơi Triệu Bá xử kiện cho dân, người sau lưu làm chỗ ghi nhớ. Nay gọi cái ân trạch được dân lưu lại là cam đường./.
Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.479-482)