30/08/2010 | 15:36:00

Lễ hội đền Đông Bộ Đầu

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Từ thủ đô Hà Nội, du khách theo đường 1A về phía nam chừng 26,5km thì gặp một đường đất nhỏ, rải đá răm trắng, chạy xiên qua cánh đồng bãi bạt ngàn những mía, để lên mặt đê sông Hồng lộng gió thuộc địa phận xã Thống Nhất, huyện Thường Tín (Hà Tây).

Đến đó, du khách bị ngợp xanh giữa vùng đất bãi, xanh của mía, của ngô, của lạc, của đỗ, xanh của lá cây chuối trong vườn, của rặng tre đầu ngõ, dập dờn sen xanh chạy dài theo các hồ nước ven chân đê. Lửng lơ xanh mây chầm chậm trôi theo dòng sóng bạc sông Hồng. Và nổi lên giữa đồng xa kia là một khu vườn xanh sẫm cây cổ thụ, dưới đó ẩn một di tích cổ là đền Đông Bộ Đầu.

Đền đã có từ rất xưa, từng nổi tiếng trong vùng. Sử quan triều Nguyễn soạn sách "Đại Nam nhất thống chí" xếp đền Đông Bộ Đầu là một trong số 36 đền miếu cổ tích của tỉnh Hà Tây.

Ở thế kỷ XVII, sách "Công dư tiệp ký" (ghi chép khi nhàn rỗi việc quan) của tác giả Vũ Phương Đề đã chép sự tích Ứng thiên đại thánh Thiên Vương thần thờ ở đền Bộ Đầu. Một số sách "Hoàng Việt địa dư chí," "Nam Việt địa dư chí" đều có chép danh thắng đền Bộ Đầu.

Chuyện kể rằng, ở thời Hùng Vương dòng sông Hồng xuất hiện nhiều thuồng luồng chuyên ăn thịt người. Ngày kia có bà mẹ một làng ven sông ra bến đò Giấp gánh nước thì đột ngột hai con thuồng luồng tới cuốn bà ra xa bờ. Bà mẹ thảng thốt kêu cứu. Chẳng một bóng người. Tuổi già sức đuối chống đỡ yếu ớt bà bị con thuồng luồng cái nuốt dần vào bụng. Bấy giờ bà mới ngẩng mặt lên trời ca thán:

- Trời ơi! Người ta sinh con để mong cậy nhờ, còn tôi có con mà cũng như không thế này!

Lời bà mẹ thấu tới trời. Bỗng người con từ mây cao xanh sà xuống. Thế nhưng thuồng luồng đã nuốt mẹ chàng vào bụng. Chàng căm giận đứng choai chân sang bên bờ sông, lưng gập xuống, đưa hai tay khoắng nước từ ngã ba Bạch Hạc đến ngã ba Tuần Vường.

Vợ chồng thuồng luồng thấy có bàn cào khổng lồ, cào đi quét lại ở lòng sông, sóng nổi dữ dội, bùn sục đỏ ngầu thì lẩn lách tìm chỗ trốn. Chàng trai kịp tóm cổ nó mang lên bờ, vuốt ngược bụng con thuồng luồng cái lấy xác mẹ ra. Sau đó, chàng đưa cả hai con thủy quái xuống lòng bàn chân nhấn sâu xuống bùn đen.

Chàng trai táng mẹ vào lòng bàn tay để Mẫu bất ly thân. Xong đâu đấy chàng bước lên bãi ven sông rồi bay về trời. Sau này, dòng sông Hồng từ ngã ba Bạch Hạc đến ngã ba Tuần Vường không còn gặp thuồng luồng quấy nhiễu nữa.

Bên sông làng Giấp để lại ba vết chân lõm xuống đất. Chỗ vết chân cuối chàng “xung thiên” hóa dân lập đền chính còn hai vết chân kia thì lập miếu thờ. Làng Giấp có tên gọi là xã Bộ Đầu (nghĩa là bước chân) kể từ đó. Chàng trai hóa thần còn có tên là Huyền Thiên đại thánh Thiên Vương (có sách gọi là Ứng Thiên).

Truyền rằng, thời Thánh tổ Triết Vương Trịnh Tùng (1570-1623) đem đi đánh quân nhà Mạc, khi thuyền qua đền Bộ Đầu, Trịnh Tùng có lên khấn xin thần linh phù trợ. Dẹp loạn xong, Trịnh Tùng mộng một người cao lớn tới xưng công bèn sai thợ tu sửa đền thờ, cho tạc một pho tượng Thánh bằng gỗ cao đến 21 thước (8,4m), chân đạp lên đầu con thuồng luồng.

Sách "Công dư tiệp ký" chép tạc tượng thần cao 3 trượng 6 thước (= 14,4m). Hàng năm ngày 19/9 âm kịch, sau kỳ lũ cuối sông Hồng, dân mở đại hội tế thần, tương truyền là ngày hóa của Đức Thiên Vương.

Câu chuyện kể trên phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt của cư dân Việt Nam gian lao vất vả chinh phục đồng lầy Bắc Bộ, đồng thời phản ánh quan niệm đạo đức của nhân dân về người anh hùng dân tộc.

Như chúng ta đã biết, ở thời Hùng Vương, các cư dân Lạc Việt buổi đầu từ miền trung du tràn xuống đồng bằng đã phải đấu tranh rất gian nan với tự nhiên để sinh tồn. Những truyền thuyết buổi đầu dựng nước đã phản ánh phần nào điều đó.

Kẻ thù của họ phải đương đầu là Hồ Tinh, Mộc Tinh, Ngư Tinh… cũng như thú dữ trên cạn, thú dữ dưới nước đã gây cho họ biết bao khó khăn. Có thể một người mẹ nào đó ở bến Giấp đã bị thủy quái bắt. Thương xót mẹ nên người con trai mưu trí dũng cảm đã tìm cách diệt thủy quái.

Từ hiện thực lịch sử đó, kết hợp với dấu tích ao đầm ven sông có hình thù lạ, dần dần câu chuyện qua trí tưởng tượng được hư cấu đồng nhất với mẩu chuyện thần thoại thời tiền sử ca ngợi chiến công hủy diệt thủy quái của người khổng lồ có tên là ông Đùng, một nhân vật có nhiều chiến công trong khai thiên lập địa, diệt đại bàng, dời núi ngăn sông…

Người khổng lồ đã nhập vào chàng trai làng Giáp và hệ quả là ra đời một sản phẩm tinh thần dung nạp nhiều ý nghĩa mới phản ánh ý thức hệ thời phong kiến mà điều cốt yếu là trung và hiếu. Phù trợ giúp vua dẹp loạn ấy là vị thần trung. Trừ họa thủy quái cho dân làng ấy là vị thần có nghĩa. Cứu giúp mẹ lúc nguy nan ấy là vị thần có hiếu.

Con đường hình thành câu chuyện như trên phải trải qua nhiều thời kỳ, trầm tích nhiều lớp văn hóa. Từ chỗ thờ thần tự nhiên (thờ dấu chân ông Đùng) tiếp đến là thờ ông Đùng, sau là đồng nhất ông Đùng với chàng trai làng Giấp.

Ngày 6/2/1979 đền Đông Bộ Đầu được Ủy ban Nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử. Hội đền cũng được mở lại từ đó và làng đặt lệ chính hội vào mùa xuân, ngày 8 tháng giêng,tương truyền ngày sinh của Đức Thánh.

Hội chú ý phát triển những hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống ở địa phương mà cái đặc sắc nhất, hấp dẫn nhất là múa gậy.

Hầu hết các trai đinh của làng dự hội đều tham dự múa gậy. Gậy múa là đoạn tre dài 2,5 đến 2,8m. Tay cầm ôm nửa vòng thân gậy để lỡ đối phương có đánh róc gậy trượt trên mặt thân tre không và vào ngón tay người đỡ. Gậy trang trí thành từng vòng xanh, đỏ trắng, trông đẹp mắt

Đầu tiên từng cặp đấu đầu quấn khăn rìu, eo thắt dải đỏ, chân buộc xà cạp ra đứng chống gậy trước cửa đền khi có hiệu lệnh họ cùng dùng chân đá gậy tung lên, tay đón gậy múa đi ra, rồi lại múa vào. Ba lần múa vòng tròn chào thần, chào người xem. Sau đó thao diễn các bài cơ bản, người múa càng đông càng tốt, cây gậy xoay tít trên tay. Các bài múa cơ bản như sau:

- Múa vớt: bước lên ba bước, lui ba bước.Tay gậy đưa hớt trước mặt

- Múa ráo đất: tay cầm gậy giơ phía trước rồi đưa vào nách quay người lại sau

- Múa vắt khăn: Đưa gậy xuống ba lần rồi chuyển gậy ra sau gáy, vào thế đưa gậy ra đỡ.

- Múa quét chợ: Đưa gậy lùa qua đầu, đánh gậy quét qua chân. Đối phương nhận hiệu lệnh báo đánh phải nhảy lên.

- Múa đánh là lật: Múa tròn gậy trên đầu, đánh gậy xuống, quay 180 độ đánh thuận, đánh nghịch từ trái sang phải. Đây là bài khó nhất.

Nhìn chung, trong quá trình thao diễn, mọi người múa các bài cơ bản từ đơn giản đến phức tạp.

Thao diễn xong các tay gậy thăm thử tài trí của nhau để vào đấu. Lúc đầu được vận dụng tất cả các bài quét cơ bản nhưng cấm chọc táo (chọc ngược gậy) quét chợ phải làm hiệu gậy báo trước, cấm bất thình lình đánh bổ thượng. Người thua là do đỡ không kín, không phán đoán nổi ý đồ của đối phương bị gậy dính người hoặc đỡ không chắc bị rơi gậy khỏi tay.

Tay gậy nào thắng liền ba hiệp sẽ đứng giữ chủ gậy. Người vào phá thắng hai hiệp được coi là thắng cuộc. Người giữ gậy tới hết buổi hội quy định không ai phá nổi là người giật giải. Năm ấy, làng Tôn là chủ soái mùa gậy.

Múa gậy ở hội đền Đông Bộ Đầu là một trò diễn hay, độc đáo, hấp dẫn, có truyền thống lâu đời và là trò diễn giữ vai trò chủ đạo của ngày hội nêu cao tinh thần thuợng võ địa phương.

Đến ngày hội Đông Bộ Đầu du khách có dịp thưởng ngoạn phong cảnh vùng đất bãi ven sông Hồng. Đi trên mặt đê cao 8 đến 9m như đi trên lưng một con rồng đất. Bên này nước sông Hồng mùa xuân lắng trong, con tàu kéo một đoàn xàlan dài ngược Hà Nội. Còn sát chân đê kia là đình làng Thượng Giáp với kiến trúc nghệ thuật đậm phong cách thời Nguyễn.

Từ mặt đê chính theo con đường thẳng, mịn đất sa bồi, dẫn ta vào đền. Cả một khu đất xanh tre, xanh chuối, nổi lên rõ nhất là cây gạo có đến mấy trăm tuổi, to đến mấy người ôm, ngọn vươn cao chừng 40-50m, cành lên mốc trắng, rậm rì những búi tầm gửi treo lơ lửng lưng trời.

Trước đây vườn đền có tên là ổ gà. Tên ấy là do một lần quạ tha gà chẳng may để mồi rơi xuống. Con gà thoát chết lúc cúc kiếm ăn. Lớn lên gà sinh con đẻ cái thành một họ nhà gà mấy chục con. Xa xưa bãi ổ gà chỉ có quán thờ lộ thiên bên một vũng nhỏ hình tựa vết chân người khổng lồ.

Hiện nay đền phân thành hai phần, phần trước là năm gian nhà tiền tế rộng rãi xây theo hình chữ nhất, trông về hướng bắc. Trong nhà có chạm đại tự chữ Hán “Thiên nhân” (người trời). Và, nổi bật nhất là bức cốn sơn son thếp vàng "xung thiên hộ quốc" (bay thẳng lên trời giúp nước).

Ở giữa gian nhà tiền tế vút lên bốn cột đá lớn cao 6-7m, đường kính 0,3m, đỡ lấy mái. Cột là khối nguyên, thân chạm nổi các mẫu hoa văn thời Nguyễn, có ngõng cối lắp vào bệ đá ở dưới. Khi dựng cột làng phải bắc giáo dùng dây treo cột kéo ngược lên.

Phần sau là hậu cung. Vào đó ta bất chợt gặp một bức tượng to cao đứng uy nghi choáng hết cả gian nhà. Đấy là tượng Thiên Vương. Tượng tạc thế đứng thẳng cao 5,5m, bờ vai rộng 1,5m, đầu đội mũ tướng giữa có mặt nguyệt, hai dải mũ đăng vân thả sau vai, mặc áo dài kiểu võ tướng chạm nổi hoa văn mây có mặt hổ phù ở đai lưng, chân đi hia dẫm lên hai con thuồng luồng đầu rắn, mắt cá chân chim, mình trăn.

Tay phải nâng long đao trên thắt lưng, lưỡi đao đưa thẳng phía trước. Tay trái xòe hoa nâng lăng chồng diêm tám mái. áo phía trước có lưỡng long chầu mặt nguyệt, giữa bụng là một mặt rồng to. Sắc mặt Thiên Vương trắng hồng, miệng hơi ngậm. Mắt nhìn thẳng, mở to buồn rầu…

Bức tượng thể hiện trạng thái giận dữ của Thiên Vương đối với thủy quái đã hại mẹ mình, đồng thời cũng thể hiện tâm trạng nuối tiếc của Thiên Vương không kịp về cứu mẹ. Tầm cỡ to lớn của người xưa mong cái thiện có sức mạnh vô song đè bẹp thế lực ác bá đe dọa cuộc sống của con người.

Ngôi đền hiện nay làng đã đại tu vào năm Bính Ngọ (1906). Kiến trúc trước đây gồm nhà tiền tế năm gian, gian giữa chồng diêm tám mái để chuông đồng. Hậu cung hai tầng. Tầng trên ba bề ghép kính. Dân chúng đi trên đê sông Hồng đều nhìn thấy mặt Thiên Vương nhô lên ở tầng lầu. Do hậu cung hư hại nặng, tượng thánh đã phải tạc đắp lại so với tượng trước thấp đi nhiều, bỏ tầng trên hậu cung và xây kín các mặt.

Hậu cung đền Đông Bộ Đầu còn trưng bày tám tượng kim cương độc đáo chạm mũ áo tướng cao từ 2,9m đến 3,1m…, mỗi vị một vẻ không vị nào giống vị nào

Tám vị kim cương có nhiệm vụ diệt ác phục thiện, bảo vệ điều tốt lành của con người. Sự có mặt của tám bức tượng trên đã giúp cho chúng ta hiểu rõ thêm tài năng nghệ thuật của các nghệ sĩ dân gian thời trước.

Du khách về nơi đây, giữa cái mới, cái đẹp của ngày hôm nay sẽ bắt gặp sinh khí của người xưa trên mảnh đất lịch sử này./.

(Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark