Nhà Bác Tôn Khuông viên (cay cau) Khuôn viên (cong chao) Chan dung bac ton Khuông viên(cay phuong) tu thoi phi co Tượng đồng bán thân Nhà trưng bài duong ve que

Nhà Bác Tôn

Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khuông viên (cay cau)

Khuôn viên Khu Lưu Niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Khuôn viên (cong chao)

Khuôn viên Khu Lưu Niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Chan dung bac ton

Nhà trưng bày hiện vật nằm đối diện Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khuông viên(cay phuong)

Khuôn viên Khu Lưu Niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

tu thoi

Di vật bên trong ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

phi co

Chuyên cơ từng chở chủ tịch Tôn Đức Thắng

Tượng đồng bán thân

Tượng Bác Tôn bằng đồng bán thân bên trong đền tưởng niệm

Nhà trưng bài

Nhà trưng bày hiện vật nằm đối diện Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

duong ve que

Khuôn viên Khu Lưu Niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Mỹ Hoà Hưng, Tp Long Xuyên) – Di tích cấp quốc gia

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm trên một Cù lao giữa dòng Sông Hậu, có tên gọi là cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, cách Trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 3km, khách đến tham quan Khu lưu niệm có thể đi bằng 2 đường thủy và bộ, cả hai phương tiện đi lại đều dễ dàng.
Khu lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bắt đầu hình thành sau khi Bộ Văn Hóa Thông Tin có quyết định số 114/VH.QĐ ký ngày 30/8/1984 chính thức công nhận ngôi nhà ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng (nơi Bác Tôn sinh ra và sống tại đây trong những năm tháng thời niên thiếu) là Di tích lịch sử lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Sau khi được công nhận là di tích lịch sử, Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của tỉnh An Giang rất quan tâm đến việc trùng tu ngôi nhà, cũng như việc định hướng qui hoạch tôn tạo phát triển nơi đây thành một khu di tích lịch sử phục vụ khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch.
Năm 1988, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Tôn, tỉnh đã tiến hành trùng tu ngôi nhà di tích và xây dựng tại đây nhiều công trình để phục vụ khách tham quan như nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác, mở rộng đường đi lại thủy, bộ, kéo lưới điện quốc gia vượt sông về đến Khu lưu niệm v.v… Kể từ đó Khu lưu niệm được nhân dân biết đến và thu hút ngày càng đông khách đến tham quan.
Không dừng lại ở các hạng mục công trình nói trên, tỉnh vẫn tiếp tục xây dựng đề án qui hoạch, cải tạo và mở rộng thêm Khu lưu niệm cho xứng đáng với tầm cỡ di tích lưu niệm vị Chủ tịch nước.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác (20/8/1888 - 20/8/1998) tỉnh đã mở rộng thêm khu vực này với 6 ha đất và đầu tư xây dựng thêm các hạng mục công trình mới tại đây như: công viên cây xanh thoáng mát, rộng, đẹp, xây dựng nhà trưng bày mới giới thiệu tương đối đầy đủ về thân thế sự nghiệp của Bác, đền tưởng niệm Bác Tôn, rạch cảnh, cầu kiều, trùng tu gia cố thêm ngôi nhà di tích lưu niệm… các công trình này được khánh thành vào ngày 20/8/1998.
Khu lưu niệm Bác Tôn kể từ sau ngày 20/8/1998, với một cảnh quan mới, tươi mát, thoáng đẹp và trang nghiêm đã thu hút rất nhiều khách về tham quan, du lịch, nghiên cứu, thưởng thức cảnh đẹp của toàn bộ công trình.
1. Ngôi nhà di tích lưu niệm thời niên thiếu Chủ Tịch Tôn Đức Thắng :
Ngôi nhà di tích lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Ngôi nhà này do thân sinh của Bác là cụ ông Tôn Văn Đề xây dựng vào năm 1887. Nhà được xây dựng theo kiểu nhà sàn có chân táng, cột gỗ tràm, nền sàn lót ván, mái lợp ngói ống, diện tích 12m x 13m.


050720122


Năm 1932, người em trai thứ tư của Bác Tôn là ông Tôn Đức Nhung có sửa chữa lại một số nơi hư hỏng, thay một vài cột bị hư mục nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng và vật liệu xây cất lúc ban đầu.
Phần bên trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc như: 2 tấm ảnh bán thân của song thân Bác Tôn, một bộ ngựa gõ mà Bác Tôn thường nằm lúc còn niên thiếu, một tủ thờ cẩn ốc xa cừ, các tấm liễn đối cẩn ốc, một tấm ảnh Bác Tôn chụp năm 18 tuổi, 1 tấm ảnh Bác chụp ở chiến khu Việt Bắc lúc Bác làm Chủ tịch Mặt Trận Liên Việt gửi về tặng gia đình, phía sau tấm ảnh có ghi những dòng chữ “Kính biếu mẹ già và mấy em ngày 24 tháng 7 năm 1951”, dưới dòng chữ có chữ ký của Bác.
Cạnh ngôi nhà về phía bên trái cách 10m, có 3 bụi tre gai do ông Tôn Văn Đề trồng lúc sinh thời để lại đến nay vẫn còn xanh tốt. Phía sau ngôi nhà cách khoảng 50m là khu mộ chí nơi an nghỉ cuối cùng của song thân Bác Tôn và vợ chồng bác Nhung – người em trai thứ tư của Bác Tôn.
Hiện nay, ngôi nhà di tích thời niên thiếu đã qua nhiều lần trùng tu, gia cố, sửa chữa, nâng cấp nhưng nói chung về hình dáng, vật liệu xây cất từ buổi ban đầu đến nay vẫn được bảo tồn nguyên trạng.
2. Đền tưởng niệm :

050720124


Ngôi đền được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nằm bên bờ sông Hậu mênh mông sông nước. Diện tích mặt bằng tổng thể của đền thờ là 1.600m² có dáng dấp hình vuông, riêng phần kiến trúc chính của ngôi đền được tôn lên cao trên nền rộng, 4 hướng đều có lối vào đền và mỗi hướng vào đều có ba bậc cấp, bậc thứ nhất có 9 cấp, bậc thứ hai có 7 cấp, bậc thứ ba bước vào đền có 3 cấp. Các bậc cấp và toàn bộ mặt nền trong ngoài được lát bằng đá graníc (loại đá có nhiều ở vùng Bảy Núi An Giang).
Mặc dù là một công trình mới, nhưng về mặt kiến trúc vẫn giữ được màu sắc, kiểu dáng gần gũi với truyền thống của dân tộc, thể hiện qua kiểu mái nhị cấp, lợp ngói đại ống đỏ, bờ nóc có đắp hình lưỡng long tranh châu, từ bờ dãi xuống các đầu đao của mái nhị cấp, bốn phía đều được đắp hình tượng các con rồng đặc trưng cho kiến trúc cổ của Việt Nam.
Xung quanh đền thờ, được bao bọc bởi hai lớp hành lang, lớp hành lang trong cùng 4 phía, mỗi phía đều có 6 trụ cột lớn chống đỡ và tạo dáng làm tăng thêm vẻ đồ sộ của ngôi đền. Các khuôn bao thông gió bên trên đều có tạo dáng hình tượng các con dơi làm tăng thêm vẻ thẩm mỹ của đền.
Bên trong đền, phần chính diện các bao lam thành vọng được chạm lộng rất công phu, với các họa tiết hình hoa sen, hoa cúc, hoa mai, dây lá. Đặc biệt phần bao lam chính diện bên trên có chạm lộng hình rồng chầu cuốn thư, trong cuốn thư được khắc tên của Chủ Tịch Tôn Đức Thắng viết theo lối chữ giả cổ, mặt chữ được mạ bằng vàng. Phía dưới hai con rồng là họa tiết chạm lộng hình các cây tre - hình ảnh của làng quê Việt Nam, thân cây được nghệ nhân tạo dáng chắc và khỏe, phần dưới cùng dùng để đỡ lấy bao lam là hình tượng hai cá hóa long được các nghệ nhân chạm lộng rất tinh xảo và công phu.
Riêng hai bao lam hai bên cũng có họa tiết hình tre lá.
Bên trong bao lam thành vọng là tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng đặt trên 1 bục cao, được chạm khắc nhiều họa tiết hoa văn trông rất uy nghi.
Phía sau tượng Bác Tôn là 1 tấm phông sơn mài màu đỏ boọc-đô, chính màu sắc này càng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm của chính điện, trên tấm phông màu đỏ này còn chạm nổi hình mặt trống đồng Ngọc Lũ biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam, ngay trước tượng Bác là một bàn hương án cao dùng đặt lư hương, hoa, quả.
Nhìn chung, kiến trúc của ngôi đền từ nội thất đến ngoại thất được các nhà kiến trúc nghiên cứu rất tỉ mỉ, màu sắc, kiểu dáng, họa tiết trang trí được bố cục rất hài hòa, mang đậm nét truyền thống văn hóa của dân tộc ta.
Khách đến tham quan Khu lưu niệm đều vào thăm đền tưởng niệm, đốt nén hương để tỏ lòng kính trọng, tưởng nhớ đến công lao của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, vị Chủ tịch nước mẫu mực suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc.
3. Nhà trưng bày :
Nhà trưng bày giới thiệu Thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng được xây dựng mới, nhìn đối diện với đền tưởng niệm. Toàn bộ công trình kiến trúc của nhà trưng bày từ màu sắc, kiểu dáng đều mang đậm nét kiến trúc truyền thống của dân tộc, kiểu nhà mang dáng dấp các đền, chùa một gian, hai chái, nóc cổ lầu, mái lợp ngói đại ống đỏ… mặt bằng tổng thể của nhà trưng bày có diện tích là 314m².

050720123


Bên trong các vì kèo, cột trốn mặc dù dùng chất liệu bê tông nhưng các kết cấu cũng được bố trí liên hoàn trông giống như phần kết cấu của các đình làng cổ xưa.
Mặt trước nhà trưng bày hai bên có đắp hai phù điêu hình con Hổ (mang ý nghĩa nơi đây là biểu trưng cho cù lao Ông Hổ).
Nội thất của phần trưng bày giới thiệu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ thời niên thiếu ở quê nhà cho đến lúc ra đi tham gia hoạt động cách mạng và những năm tháng cuối đời của Bác. Mỗi một giai đoạn trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác đều có nhiều tư liệu, hiện vật gốc minh chứng các sự kiện lịch sử gắn liền với Bác một cách sinh động và hùng hồn.
Ngoài các tư liệu, hiện vật gốc, trong từng giai đoạn lịch sử quan trọng gắn liền cuộc đời Bác đều có tài liệu khoa học phụ như mô hình, sa bàn, hộp hình… minh họa một cách cụ thể làm phong phú thêm nội dung của phần trưng bày.
Nhìn chung, do kết hợp được giữa nội dung và hình thức trưng bày một cách chặt chẽ và hài hòa tạo nên cảm giác dễ chịu, hấp dẫn gây ấn tượng tốt cho người xem khi vào nhà trưng bày, vì vậy hầu hết khách đến tham quan khi xem xong phần trưng bày đều hiểu được trọn vẹn cuộc đời của Bác.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh bác Tôn (tháng 8/ 2008), Khu lưu niệm có thêm các công trình: chiếc chuyên cơ IAK 40 đã từng đưa Bác Tôn vào TP.HCM dự lễ mừng chiến thắng ngày 15/5/1975; phục chế ca nô Bác Tôn từ Côn Đảo về đất liền tháng 9/1945; phục chế nhà sàn làm việc của Bác tại Tuyên Quang trong thời kỳ chống Pháp (1947-1954); trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, tranh ghép bằng gáo dừa; xây dựng cầu tàu, Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng…
Từ ngôi nhà di tích lưu niệm giản dị trên mảnh đất cù lao xanh tươi giữa dòng Sông Hậu, đã hình thành một Khu lưu niệm rộng lớn có sức cuốn hút và hấp dẫn khách du lịch.
Kể từ ngày 20/8/1988, tỉnh đã quyết định chọn ngày sinh của Bác 20/8 làm ngày lễ hội truyền thống hàng năm của TP Long Xuyên với nhiều loại hình hoạt động như : mittinh, thông tin triển lãm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian…
Khu lưu niệm Bác Tôn còn là điểm sinh hoạt truyền thống, về nguồn và cũng là tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao trong các ngày lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước…
Quyết định số 548/QÐ-TTg ngày 10 / 5/ 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích lịch sử- Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Di tích quốc gia đặc biệt...


Theo ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN VỀ BÁC TÔN VÀ KHU LƯU NIỆM MỸ HÒA HƯNG, TP LONG XUYÊN, TỈNH AN GIANG
Ảnh NM

"Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở

                     Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Bắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông"

.