Thông báo Hán Nôm >> Năm 2011
Nguyễn Thanh Tùng
71. Giới thiệu mộ tư liệu mới về Đặng Trần Côn (TBHNH 2011) (TBHNH 2011)

Cập nhật lúc 16h07, ngày 04/12/2013

GIỚI THIỆU MỘT TƯ LIỆU MỚI VỀ ĐẶNG TRẦN CÔN

NGUYỄN THANH TÙNG

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Đặng Trần Côn (? - ?) là một tác giả lớn trong lịch sử văn học dân tộc với Chinh phụ ngâm khúc (bản Hán văn) bất hủ. Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông cho đến nay vẫn còn nhiều chỗ trống về tư liệu. Bao phủ quanh ông là khá nhiều giai thoại, truyền ngôn, “truyền kì” và cả những nghi án. Trong quá trình nghiên cứu về Đặng Trần Côn, các nhà nghiên cứu đã lần lượt bóc tách được một số chi tiết thực và có những lí giải xác đáng hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Các tác phẩm của ông, ngoài Chinh phụ ngâm khúc (và một số câu thơ, phú), cũng lần lượt được phát hiện thêm, như: Bích Câu kì ngộ kí (?), Yêu Lai Thạch Phan hữu thưởng xuân thiếp, một số bài từ của Đặng Trần Côn (xướng họa cùng bạn bè năm 1735), v.v… Nhằm góp phần vào quá trình này, chúng tôi xin được giới thiệu thêm một tác phẩm của Đặng Trần Côn mới được tìm thấy trong khi đọc tư liệu. Đó là một bài tựa (kèm theo một bài từ) do Đặng Trần Côn soạn thảo.

1. Xuất xứ tư liệu

Bài tựa có tiêu đề: 贺阮贵候及第家门荣盛叙Hạ Nguyễn Quý hầu cập đệ gia môn vinh thịnh tự (Tựa mừng Nguyễn Quý hầu đỗ cao, gia đình vinh thịnh), được chép trong sách Nguyễn thị gia tàng 阮氏家藏(Sách lưu giữ trong gia đình họ Nguyễn). Nguyễn Quý hầu ở đây chính là Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), đỗ Thám hoa năm Mậu Thìn (1748), làm quan đến chức Thượng thư. Sách Nguyễn thị gia tàng là sách của gia đình dòng họ Nguyễn Huy, do Nguyễn Huy Vinh (1770 - 1818) biên soạn vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, chép thơ văn, hành trạng của một số tác giả dòng họ Nguyễn Huy cũng như thơ văn, bi, tự của các tác giả đương thời chúc mừng thi đỗ, thượng thọ, khởi phục, đi sứ, v.v… Bài văn của Đặng Trần Côn nằm trong số những bài văn chúc tụng như vậy. Sách Nguyễn thị gia tàng hiện còn 2 bản: một bản tàng trữ tại tư gia cụ Nguyễn Huy Bút (Thành phố Vinh tỉnh Nghệ An) [bản A], một bản tàng trữ tại tư gia ông Nguyễn Huy Mỹ (Quận Tây Hồ, Hà Nội) [bản B]. Theo nghiên cứu sơ bộ về văn bản của chúng tôi: bản A có khả năng được chép vào khoảng giữa hoặc cuối thế kỉ XIX; bản B được chép vào khoảng giữa thế kỉ XX. So sánh hai bản, chỉ có một số dị biệt nhỏ.

Trở lại với bài văn của Đặng Trần Côn: Bài văn được chép từ tờ đến tờ 7a đến tờ 21b [bản A] và từ tờ 5a đến tờ 14a [bản B]. Bài văn được viết để mừng Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) đỗ Thám hoa năm 1748. Đặng Trần Côn viết bài văn này thay cho quan viên trong hội văn của huyện La Sơn (trấn Nghệ An cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Do đó, cuối bài văn có đoạn viết: “Văn hội quan viên huyện nhà, nói với nhau rằng: đọc sách mà được Tiến sĩ, đó là việc đẹp, ứng thí mà đỗ Khôi nguyên, đó là tiếng thơm. Chúng ta là bạn đồng đạo, lấy văn chương để họp bạn bè, tùng bách tốt tươi, đều chung đúc cái tình, nhân trình bài văn để chúc mừng; [họ bèn] nhờ tôi làm bài tựa. Tôi nghe tiếng lớn của ông đã lâu, nay nhân hỏi lịch sử gia đình, biết lai lịch tổ tiên, cứ theo sự thực mà kể ra thành bài, cũng là muốn làm rõ một gia đình vẻ vang” (bản huyện quan viên văn hội đẳng tương vị viết: độc thư nhi thủ Tiến sĩ, mĩ sự dã. Ứng cử nhi trạc khôi nguyên, thịnh danh dã. Ngã đẳng đồng đạo vi bằng, dĩ văn hội hữu, tùng mậu bách duyệt, tình hồ sở chung. Cố trưng văn tương hạ, chúc dư vi tự. Dư ư hầu tố văn đại úc danh, nhân tuẫn kì gia sử, đắc tổ tông lai lịch sự thực tự thứ thành thiên, ức tư phù tự thịnh mĩ chi gia). Lạc khoản chép rõ: “Cảnh Hưng diên niên diên nguyệt thập tứ nhật bản huyện quan viên văn hội đồng hạ” 景兴筵年筵月十四日本县官员文会同贺 (Ngày 14 tháng tiệc tùng, năm tiệc tùng, niên hiệu Cảnh Hưng, các quan viên và văn hội trong huyện cùng chúc mừng), lại chép: “Lan khế: Sơn Nam Thường Tín Thanh Trì Nhân Mục Cựu Huấn đạo Đặng Trần Côn tự hiệu Dao Cầm lãn phu thảo” 兰契山南常信青池仁睦旧训导邓陈琨瑶琴懒夫草 (Huấn đạo Đặng Trần Côn, người làng Nhân Mục Cựu(1) huyện Thanh Trì phủ Thường Tín trấn Sơn Nam, tự hiệu là Dao Cầm lãn phu thảo “tờ hoa”). Ngoài ra, lạc khoản còn chép người “tu sức”, “nhuận sắc” và “ghi chép”. Người tu sức là: “Tứ Bính Thìn khoa Tiến sĩ, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, phụng sai Cơ mật, Nhập Thị nội Bồi tụng, Tri Thị nội Thư tả, Binh phiên, Hải Dương đẳng xứ tán trị thừa Chánh sứ ti thừa Chánh sứ, Bái Xuyên hầu, Hoa Thiên Sơn Hoạch Mã Yên sơn cư sĩ, Ái Xuân đường Trần phủ (tức Trần Huy Mật hay Trần Bá Tân (1710 - ?)”. Người nhuận sắc là: “Tứ Bính Thìn khoa Tiến sĩ, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Nhập thị nội, tòng Hình bộ Tả Thị lang, Hành Binh bộ Tả Thị lang, quản Hậu Thắng kì, Đường An Hoạch Trạch Chuyết Trai Nhữ Công Trấn”. Người viết chữ: “Thiêm tri Thị nội thư tả Hộ phiên thanh sứ ti Lang trung Tam Sơn Bình Cách Trai thư”.

2. Giá trị của tư liệu

2.1. Giá trị tiểu sử học

Theo tư liệu mới công bố ở trên, chúng ta rút ra được một số thông tin bổ ích về Đặng Trần Côn như sau:

- Ông là tác giả của 1 bài văn trướng, 1 bài từ. Thể văn trướng mừng (cụ thể ở đây là “tặng tự”) là thể văn mang tính chức năng, tính chất thù tạc, ca tụng (nghi thức). Từ là thể dùng để sinh hoạt văn nghệ. Đặng Trần Côn rất sành từ khúc. Điều này là một chỉ dẫn về ảnh hưởng của từ khúc trong Chinh phụ ngâm khúc, thể hiện sự “đa nghệ” của họ Đặng (ngâm khúc, truyện kí, thơ, phú, từ khúc, tặng tự, thư tín, câu đối,v.v…).

- Ông sống ít nhất là đến năm 1748. Điều này phủ nhận giả thiết của Hoàng Xuân Hãn và một số học giả cho rằng Đặng Trần Côn chỉ sống đến khoảng năm 1745; đồng thời củng cố thêm độ tin cậy về thông tin của một số tư liệu cho biết Đặng Trần Côn mất khoảng những năm 1750 hoặc 1751 trở đi.

- Đặng Trần Côn từng làm Huấn đạo (chưa rõ ở đâu). Thông tin này cũng hợp với một số tư liệu nói Đặng Trần Côn làm Huấn đạo (sau làm Ngự sử đài Chiếu khán).

- Đặng Trần Côn còn có tên hiệu là “Dao Cầm lãn phu” (Gã lười đánh đàn Dao(2)), chỉ rõ thiên hướng nhàn tản nhưng thanh cao (có phần ngạo đời) của ông lúc cuối đời.

- Đặng Trần Côn có quan hệ giao hảo với Nguyễn Huy Oánh và nhiều danh sĩ đương thời như Trần Huy Mật, Nhữ Công Trấn (qua việc họ nhuận sắc văn của ông), v.v… Đặc biệt, chúng ta thấy được sự qua lại giữa ông và nhiều danh sĩ đất Nghệ An (Hà Tĩnh). Hiện chúng ta còn giữ được bức thư “mời thưởng xuân” do Đặng Trần Côn gửi Thám hoa Phan Kính (1715 - 1761) người Hà Tĩnh, và ở đây là bài văn làm hộ các văn thân, quan viên trong văn hội huyện La Sơn mừng Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Điều này cho thấy, tuy không đỗ đạt cao (chỉ đỗ Hương cống) nhưng Đặng Trần Côn được nhiều bậc khoa bảng đương thời trọng vọng, kết giao. Uy tín của Đặng Trần Côn có thể nói là rất cao đương thời.

2.2. Giá trị văn học sử

Nội dung bài tựa không có gì đặc biệt. Đây là bài văn viết theo thể “tặng tự” (tựa để tặng), nội dung chúc mừng việc thi đỗ, vinh quy bái tổ. Bài văn chủ yếu để ca tụng dòng dõi, nguồn gốc, quá trình học hành, tu dưỡng và đỗ đạt của người được tặng (Nguyễn Huy Oánh). Qua bài tựa, người đọc hiểu thêm về gia thế, tiểu sử của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Người đọc cũng biết được Nguyễn Huy Oánh đã theo học và giao du với nhiều danh sĩ đương thời, như: Vũ Khâm Lân, Trần Huy Mật, Lê Hữu Kiều, Vũ Công Trấn, Hà Tông Huân, Trần Công Xán, Trương Đăng Quỹ, v.v… Qua đó, ta cũng biết được sự đánh giá của Đặng Trần Côn về các danh sĩ này. Đặng Trần Côn viết bài văn này thay cho quan viên và hội văn toàn huyện La Sơn (Hà Tĩnh), nên không có những cảm xúc, ấn tượng riêng mà thuần túy chỉ là một bài văn sáo ngữ, khuôn thức, đầy rẫy điển tích, từ chương. Tuy nhiên, bài văn cũng thể hiện phần nào văn tài của Đặng Trần Côn với ngôn từ hoa mĩ, lời văn hùng hồn, bay bướm. Tổng hợp lại, nó cho thấy sự uyên bác về học vấn và tài danh của họ Đặng đương thời.

Đặc biệt, cuối bài tựa, theo thị hiếu viết tặng tự đương thời, Đặng Trần Côn có viết một bài từ khúc (trong nguyên bản gọi là “khúc”). Bài từ viết theo điệu “Cảm hoàng ân” 感皇恩 như sau:

良玉韬精英,

()山之石。

吐出文芒,腾斗璧。

榜放天门,

平地一声霹雳

金泥捷信遄飞,

双慈怿

鲲化凡鳞。

鹏舒健翩,

赫变红云陪咫尺,

好弼宸猷。

艳勃蓬,苏商赤。

桓表熏名,

垂竹帛.

 

Phiên âm:

Lương ngọc, thao tinh anh.

Tự (Bạch) sơn chi thạch,

Thổ xuất văn mang, đằng đẩu bích.

Bảng phóng thiên môn,

Bình địa nhất thanh tích lịch,

Kim nê tiệp tín thuyên phi,

Song từ dịch,

Côn hóa phàm lân.

Bằng thư kiện phiến.

Hách biến hồng vân bồi chỉ xích,

Hảo bật thần du,

Diễm Bột Bồng, tô thương xích

Hoàn biểu huân danh,

Thùy trúc bạch.

 

Dịch văn

Ngọc tốt, giấu tinh anh,

Từ đá trong núi [Bạch Sơn].

Nhả ra mầm văn, bốc lên Bắc Đẩu.

Bảng đặt cửa trời,

Đất bằng vang một tiếng sét.

Tờ hoa(3) tin tốt bay nhanh.

Mẹ cha vui,

Cá con thành lớn(4).

Bằng dang cánh mạnh.

Bừng biến mây hồng, phò đấng bậc(5).

Giỏi giúp đạo vua.

Đẹp cõi tiên(6), cứu bách tính(7).

Công huân tiêu biểu,

Truyền sử sách.

Nội dung bài từ cũng không có gì đặc biệt ngoài việc chúc tụng. Tuy nhiên, bản thân việc sáng tác bài từ cho thấy Đặng Trần Côn am hiểu và ưa thích thể loại này. Nó cũng cho thấy thị hiếu chuộng từ khúc lúc bấy giờ. Nếu đọc Nguyễn thị gia tàng, ta còn thấy nhiều tác giả khác đương thời cũng dùng từ khúc để chúc tụng. Trong Nguyễn thị gia tàng, ta cũng thấy có hiện tượng dùng từ để tiễn Nguyễn Huy Oánh về trí sĩ. Đó là bài từ viết theo điệu Nguyễn lang quy của môn sinh Nguyễn Trọng Hằng (người Ý Yên, Nam Định). Gần đây, người ta đã phát hiện ra một số bài từ Đặng Trần Côn làm khi còn trẻ (năm 1735) xướng họa với những người bạn của mình, mà nội dung của chúng khá là “diễm tình” cho thấy thị hiếu văn chương của ông. Trong bức thiệp gửi Phan Kính, Đặng cũng nhắc lại cuộc vui ấy và còn hé lộ cho biết, ông (cùng bè bạn) đã đến thăm Phan Kính và có tặng nhau bài từ theo điệu Thanh ngọc án - một từ điệu xuất hiện khá phổ biến lúc bấy giờ. Vậy là, từ khúc đã trở thành một thú chơi, thù tạc tao nhã đương thời rất được ưa chuộng(8). Những ai nghiên cứu từ khúc trong văn học Việt Nam hẳn phải quan tâm đến hiện tượng này.

Như vậy là, với công phu tìm tòi và cả cơ duyên may mắn, chúng ta ngày càng có thêm nhiều thông tin về một tác giả văn học tài hoa, uyên bác như Đặng Trần Côn. Kể ra, trong kho sách Hán Nôm còn vài tư liệu nữa có những tác phẩm được chép là của Đặng Trần Côn. Nhưng do nguồn gốc tư liệu còn mập mờ, chất lượng tư liệu hạn chế, và nhiều nguyên nhân khác nữa, chúng ta chưa có điều kiện khai thác những tư liệu đó. Hi vọng rằng, chúng sẽ được khai thác, công bố trong thời gian tới và chúng tôi sẽ còn trở lại vấn đề này. Lúc đó, chân dung tác giả văn học Đặng Trần Côn sẽ còn hiện ra rõ nét, đầy đủ hơn chứ chưa thể dừng lại ở tình trạng hiện nay.

 

Chú thích:

(1) Xã Nhân Mục xưa là xã Mộc Cự (tên Nôm là Kẻ Mọc) sau mới đổi tên là Nhân Mục gồm 7 làng: Thượng Đình, Hạ Đình, Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Quang). Sau đó được chia thành hai xã là Nhân Mục Cựu gồm hai làng Thượng Đình, Hạ Đình và xã Nhân Mục Môn gồm năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Quang (Phùng Khoang) nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và xã Trung Văn, huyện Từ Liêm.

(2) Theo sách Tây Kinh tạp kí, lúc Hán Cao Tổ mới vào kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, đến thăm kho tàng, thấy có chiếc đàn dài sáu thước, 13 dây, 26 vĩ. Đàn được trang trí bằng 7 loại ngọc quý, trên có khắc tên là “nhạc của Phiên Dao” (Phiên Dao chi nhạc). Dao cầm chỉ cây đàn quý này.

(3) Kim nê: còn gọi là “nê kim tiên” tên một loại giấy quý dùng để viết thiệp.

(4) Nguyên văn: biến cá chép (lân) tầm thường thành cá côn (một loại cá to ngoài biển trong truyền thuyết)

(5) Nguyên văn “chỉ xích”, lấy ý từ một câu trong Tả truyện:“thiên uy bất viễn nhan chỉ xích” (Sự soi xét của thiên tử không xa, oai nghiêm ở ngay trước mặt kẻ bề tôi trong tấc gang).

(6) Nguyên văn “Bột Bồng”: nghĩa là đảo Bồng Lai ngoài biển Bột Hải.

(7) Nguyên văn “thương xích”: nghĩa là dân đen, con đỏ.

(8) Phạm Văn Ánh, Thể loại từ thời Lê Trung hưng, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐHKHXH & NV Hà Nội, 2007.

 

Tài liệu tham khảo

(1) Chinh phụ ngâm và Chinh phu ngâm Bùi Hạnh Cẩn, Đặng Thị Huệ biên soạn, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

(2) Hoàng Xuân Hãn: Chinh phụ ngâm bị khảo, Nxb. Văn học, H. 2000, tái bản.

(3) Lại Văn Hùng: Dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Nxb. KHXH, 2001.

(4) Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu (biên soạn), Phan Kính con người và sự nghiệp, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

(5) Lê Tùng Lâm, “Phát hiện một số tác phẩm mới thuộc thể từ thời Lê Trung hưng”, Thông báo Hán Nôm học năm 2008, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, H, 2009.

(6) Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, tập 1, Nxb. Đại học & Trung học chuyên nghiệp, H. 1976.

(7) Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nxb. Giáo dục, H. 1997.

(8) Di sản Hán Nôm: Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa, Fraçoise Gros đồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993.

(9) Tùng Niên, Kính Phủ: Tang thương ngẫu lục, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Nxb. Văn học, H. 1972, tái bản.

(10) Thạc Đình di cảo, Nguyễn Huy Vinh biên tập, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.3133.

(11) Nguyễn thị gia tàng (bản cũ), Nguyễn Huy Vinh biên tập, tư liệu tàng trữ tại tư gia cụ Nguyễn Huy Bút.

(12) Nguyễn thị gia tàng (bản mới), Nguyễn Huy Vinh biên tập, tư liệu tàng trữ tại tư gia ông Nguyễn Huy Mỹ./.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.959-968)

In