Vũ Thị Hằng 29/10/2013
Năm 1935, trong quá trình tham gia nghiên cứu, khai quật khảo cổ ở Đông Dương, khi dừng chân ở Lạch Trường (Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thanh Hóa), Olov Janse1 đã tìm thấy một báu vật mà theo ông đó là một trong những khám phá thú vị và bí ẩn nhất trong ngôi mộ cổ 2000 năm tuổi – cây đèn hình người quỳ Lạch Trường. Khi mới được phát hiện, cây đèn đã lập tức gây sự chú ý của giới khảo cổ và đã có nhiều người cố công đi tìm lời giải đáp cho sự xuất hiện “đột ngột” của báu vật này. Một pho tượng có tạo hình lạ lẫm với nụ cười mỉm thần bí. Sự khắc nghiệt của thời gian đã phủ lên bức tượng một màn sương mờ đục. Đã gần 80 năm trôi qua, nụ cười ấy cũng dần bị chìm vào quên lãng. Ngày mùng 1 tháng 10 năm 2012, chiếc đèn là một trong 30 hiện vật đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia của Việt Nam.
H1. Đèn Lạch Trường, Thanh Hóa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Đèn hình người quỳ Lạch Trường được phát hiện trong mộ số 3, ở Lạch Trường, Thanh Hóa. Đèn cao 40cm, rộng 27cm, nặng 1,9kg, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam2. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng niên đại cây đèn dao động trong khoảng trước/sau công nguyên – giai đoạn Đông Sơn muộn. Người cầm đèn này có bộ mặt rất đặc sắc, không có nét nào phảng phất tính chất Hán: mắt to không xếch, nổi mí rất rõ; khối lông mày nổi cao, sống mũi khá thanh, miệng ngậm, môi khá dày. Tượng có râu dưới cằm và ở hai mép có nổi hai vệt nhỏ tựa như ria. Đầu tượng có những hình xoắn chữ S đôi thành tuyến nổi, phía đỉnh có một bướu nhô cao hình gần tứ diện. Hai bên thái dương mỗi phía có một hình tròn nhú lên, trên trán tượng có một mô típ đặc biệt hình chữ V. Tai có hình chữ C, đeo một vòng tai tròn rủ xuống (nay không còn?). Phía dưới cổ có một băng trang trí bằng hoa văn hình học. Trên mỗi cổ tay đều đeo một vòng tay. Hình dáng toàn thân thon thả trừ cái bụng hơi phệ, rốn lồi. Chung quanh bụng có một thắt lưng, trang trí hình hoa 6 cánh. Phía trước có hai dải từ thắt lưng rủ xuống hai bên. Phía sau, giữa là khố cũng có trang trí như trên thắt lưng. Phần giữa hai chân tượng được “che giấu” bởi một băng dày hình thang (đến ngang đùi) tựa chiếc váy ngắn để trơn không trang trí. Chân đèn trong hình thức một người đang quỳ, hai tay bưng một cái khay, ở hai bắp tay và đằng sau lưng có 3 hình người nhỏ, mỗi người ôm một cần cong hình chữ S. Mỗi một cần hình chữ S này đỡ một đĩa đèn (H4 trang 27), tuy nhiên không rõ vì lí do nào đó mà các đĩa đèn này hiện không được trưng bày cùng chân đèn. Trên đùi, hai gót chân và các cần đỡ đèn có các tượng rất nhỏ đang quỳ, tư thế tay rất sinh động. Trên đèn có tất cả mười tượng nhỏ như vậy nhưng do các tượng này đã bị ăn mòn nhiều nên rất khó để nhận biết hoạt động đang diễn ra. Dưới đáy pho tượng có một cái lỗ, có lẽ xưa kia được sử dụng để gắn vào một vật cố định nhằm giữ cho giá đèn đứng vững. Khi mới khai quật, đèn đã bị xâm hại ít nhiều, hai đĩa đèn và các mảnh vỡ của ba cái cần rơi vãi xung quanh tượng. Sau khi được làm sạch, các nhà khảo cổ học đã phục chế lại như hình dạng ngày nay. Một cách cụ thể hơn, Janse đã mô phỏng lại chiếc đèn (H3 trang 26).
Cây đèn tượng người này thể hiện tính phức tạp và đa dạng trong lối tạo hình khiến người ta cứ muốn đi tìm nguồn gốc và căn nguyên tồn tại của nó. Màu sắc bản địa truyền thống hòa lẫn với những yếu tố Ấn Độ, Tây phương trong đó đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều khi đặt ra vấn đề nguồn gốc tượng đèn. Theo một số học giả phương Tây có mục đích chính là nghiên cứu về nền văn minh Trung Hoa ở Đông Dương, đặc biệt là ở thời Hán cùng với mối liên hệ hẳn có của nó với phương Tây3 thì rõ ràng đó là một vật do đổi chác mà có được. Trong cuốn Sưu tầm khảo cổ ở Đông Dương, mặc dù chưa khẳng định chắc chắn, song ban đầu Janse cho rằng chiếc đèn được chuyển từ Trung Quốc sang và tượng người này có mối liên hệ với nền văn hóa sông Hoài4. Ông tham khảo ý kiến của đồng nghiệp Bishop White5 và cho rằng chiếc chân đèn thuộc thế kỷ thứ 5 trCN – thuộc vào đầu thời kỳ Chiến Quốc. Nhưng cũng chính ông, ngay sau đó khi viết lại cuốn Bí mật của cây đèn hình người lại tỏ ra băn khoăn về nguồn gốc thực sự của cây đèn hình người quỳ Lạch Trường. Ông đặt lại vấn đề và tìm nguồn cội của cây đèn đồng hình người Lạch Trường ở các nền văn minh phương Tây xa xôi. Ông cho rằng nó ít nhiều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại. Rõ ràng pho tượng còn nhiều bí ẩn khó giải mã. Các tác giả cuốn Cơ sở khảo cổ học xuất bản năm 1978 cũng tỏ ra rụt rè khi nhận định nguồn gốc của các tượng đèn và cho rằng đó là kết quả của sự giao lưu văn hóa với các nước Nam Hải và Ấn Độ. Nhà khảo cổ học, cố giáo sư Đỗ Văn Ninh thì cho rằng cây đèn có nguồn gốc Trung Nguyên qua câu chuyện đánh Hung Nô, bắt tù binh làm người hầu đội đèn và theo đó, nó chính là của người Hán, mang tư tưởng Hán. Một quan điểm có thể thấy là an toàn và hợp lý nhất là nhìn cây đèn ấy dưới góc độ pha trộn hai yếu tố Việt – Hán, nhằm lý giải cho các hiện tượng văn hóa của hai nền văn minh lớn gặp nhau. Gần đây nhất, khi viết Về những cây đèn đồng hậu Đông Sơn, tiến sĩ Phạm Quốc Quân đã mạnh dạn khẳng định: “Chúng là những sản phẩm của Đông Sơn, ít nhiều có ảnh hưởng bên ngoài, nhưng được pha trộn và được hòa tan từ người Đông Sơn”. Khi tìm hiểu cây đèn hình người quỳ Lạch Trường trong tương quan so sánh với một số cây đèn đồng tìm được ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa ở giai đoạn trước sau công nguyên, chúng tôi nghiêng về ý kiến của tiến sĩ Phạm Quốc Quân.
Hình từ trái qua: - H2 .Đèn Lạch Trường nhìn ngang. Ảnh chụp từ sách Archaeological research in Indo-China, Cambridge, Massachusetts, Havard university press, 1947 của Olov Janse
-H3. Bản vẽ đèn hình người quỳ Lạch Trường do Janse phục chế. Ảnh chụp từ sách BÍ mật của cây đèn hình người, Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam, Hà Nội 2001 của Olov Janse
Có thể thấy rằng, đây là loại đèn hiếm gặp và có giá trị nghệ thuật cao trong số những đèn đồng tìm được phản ánh trình độ của nghệ nhân Đông Sơn. Loại hình đèn có chân kiểu tượng người gắn liền với việc phát triển nghệ thuật tượng tròn. Một số đèn tiêu biểu cho dạng này gồm có: đèn hình người quỳ và đèn người ôm linga cùng ở mộ số 3 Lạch Trường (Hậu Lộc, Thanh Hóa); đèn Đông Tác (Thanh Hóa), đèn người cầm gậy Mạo Khê (Quảng Ninh)… Cơ bản, đèn gồm có một hình người quỳ làm chân đèn, tay cầm ngõng đèn, hoặc đội ngõng đèn trên đầu và đĩa đèn. Hình tượng con người trên đèn đồng được thể hiện với số lượng khá lớn kể cả những tượng đơn được sử dụng như chân đèn hay những tượng nhỏ được gắn trên các giá đèn, quai đèn. Chúng có những đặc điểm khá thống nhất trong phong cách tạo hình. Hầu hết các tượng đang trong dáng quỳ, hai gót chân chạm mông, tay bưng giá đèn, trên đỉnh đầu có đội một vật lạ có cấu tạo tựa cái trống đồng nhỏ. Riêng tượng người quỳ ở Lạch Trường hai tay đang bưng khay, sau lưng và hai bắp tay có gắn 3 cần cong hình chữ S để đỡ đĩa đèn và được trang trí hết mực cầu kỳ. Đó là những pho tượng đúc liền khối thể hiện dáng điệu hồn nhiên mang màu sắc nguyên thủy. Từ gương mặt hài hước, vui tươi, cái cổ ngắn, vai u, cái bụng phình tới lối diễn đạt tay chân ước lệ ta nhận thấy chúng cực kì gần gũi với các tượng người tìm thấy trên các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn. Trong số những tượng đèn này, nổi bật lên hình ảnh tượng người quỳ Lạch Trường như là sản phẩm nổi trội đạt đến lối tạo hình chuẩn mực, cổ điển.
Chân dung đèn hình người quỳ Lạch Trường
Nếu chỉ nhìn nhận cây đèn ở cặp mắt to, sống mũi khá thanh cùng với cặp ria mép và bộ râu rậm dưới cằm thì ta dễ dàng liên tưởng tới những người đàn ông Ả Rập, Tây Á. Tuy vậy, nếu đặt tượng đèn này bên cạnh các tượng đèn tìm được ở Đông Tác, Mạo Khê, tượng chân đèn hình người thuộc sưu tập David Wiell (chưa xác định rõ được nguồn gốc là ở Bắc Việt Nam hoặc Nam Trung Hoa)… ta nhận thấy nhiều điểm tương đồng mang nét đặc sắc bản địa. Mái tóc xoăn thể hiện bằng những hình xoắn đôi phủ trên đầu, cùng với một dải tựa chiếc khăn quấn quanh đầu có kết nút trước trán, tượng người quỳ ở Lạch Trường ban đầu gây lúng túng trong việc nhận diện. Mới liếc qua, ta tưởng chừng như người này đội một mũ tròn trên đầu, trang sức bằng những hình xoắn đôi nét nổi, có thêm chóp mũ trên chỏm đầu và viền mũ dày quanh trán. Janse cho rằng nó gợi lên hình ảnh mớ tóc xoăn hay là bộ tóc giả thì đúng hơn. Ông cũng nhận ra cái “mũ tròn” này ở vài pho tượng khác. Thực chất đây là cách thể hiện mái tóc xoăn (cuốn làn sóng) – một đặc điểm thường thấy ở người Anh-đô-nê-diêng6 ở Đông Dương (bản địa). Tượng đèn trong mộ Đông Tác, tượng đèn trong sưu tập David Weill hay đầu tượng vỡ trong sưu tập Pouyanne có mái tóc xoăn được chạm nổi rõ nét bằng các hình chữ S dày đặc phủ quanh đầu. Với những tượng nhỏ hơn trang trí trên cây đèn Lạch Trường này thì do bị ăn mòn nhiều mà không thể phân biệt rõ ràng cấu tạo mái tóc như thế nào. Cái chỏm trên đỉnh đầu tượng người quỳ Lạch Trường cũng khá đặc biệt. Đó là một khối đặc hình gần tứ diện giật cấp thành hai nấc ngắn nhìn xa như búi tóc. Thoáng qua cũng giống như hình nhục kháo thường thấy trên đầu tượng Phật. Nhưng phần trên của ụ này có bề mặt không lành lặn. Theo Janse nó đã bị gãy trước khi khai quật. Có thể thấy cái “cọc” nhọn này trên đầu pho tượng trong sưu tập CQK – California (USA) và pho tượng đèn hiện trưng bày tại bảo tàng Quảng Ninh. Song cả hai “cọc” này cũng đều đã bị vỡ cho nên không rõ phía trên cọc đó còn có gì nữa không. Janse có chủ ý liên hệ những cọc này tới hình ảnh các mũi thuyền, tương tự như những cái đã thấy trên nhiều tượng đồng tìm được ở Lạc Dương7. Nhưng có lẽ chẳng cần phải đặt ra giả thiết xa xôi như vậy, nếu như thực sự trên đỉnh đầu tượng còn có một cái cọc hay một bộ phận nào khác thì tại sao đó lại không phải là những cái “trống đồng” nhỏ như trên đầu hai pho tượng có hình thức vô cùng gần gũi với nó là tượng ở mộ Đông Tác và tượng trong sưu tập của David Weill? Ngay cả phần đầu tượng trong sưu tập Pouyanne với đỉnh đầu bị lõm rỗng có lẽ ngay từ đầu cũng có đội một bộ phận tương tự trên đỉnh đầu. Có điều khó lý giải là cũng đội một khối “trống đồng” trên đầu, “búi” của tượng người Đông Tác lại có một lỗ hổng xuyên qua, nhưng một số tượng khác lại cho thấy là khối đặc. Sự khác biệt này có thể do cấu tạo nơi đặt đĩa đèn. Những dải nhỏ quấn quanh đầu các pho tượng đèn là khăn quấn hay là cách mà người xưa phân định ranh giới giữa tóc và khuôn mặt? Tượng Lạch Trường có quấn một dải nhỏ, mảnh nổi khối quanh đầu. Cũng trên dải đó ở phần giữa trán có hình nút kết tạo thành hình chữ V. Phía trên hai mang tai nổi hai u tròn. Theo Janse, cái dải có nút hay cái khăn thêu chắc là để cho tóc khỏi xõa xuống. Trên một số tượng chân đèn khác ta cũng thấy có viền một lớp dải quanh đầu nhưng thường để trơn và không có dấu kết nút. Dường như đó là cách để phân định ranh giới giữa tóc và mặt. Dải “khăn” quấn quanh đầu tượng Lạch Trường cũng có thể khiến ta nhớ tới những vành khăn quấn trên đầu một số tượng người trên cán dao găm hay tượng đôi người cõng nhau thổi khèn, …
Hình từ trái qua: -H5. Đầu người vỡ bằng đồng tìm được ở Thanh Hóa- Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Việt Nam, ký hiệu MLF D164.24
-H6. Một số đồ án hoa văn trang trí trên gốm thời kỳ Tiền Đông Sơn. Ảnh chụp sách Hoa văn Việt Nam, Nguyễn Du Chi
-H7. Người cầm đèn Mạo Khê, bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: T.S Nguyễn Việt
Hình thức trang trí / trang phục
Đối với những dân tộc coi trọng việc mặc quần áo, sợ phô bày cơ thể trước người khác, thì tượng người quỳ Lạch Trường cũng không khá hơn một kẻ khỏa thân là mấy. Tuy vậy, trên thân hình anh chàng đỏm dáng này lại được trang sức hết sức tinh tế. Vai thuôn, ngực đầy, eo thắt, bụng phình và bắp chân căng nở - sự chuyển động nuột nà của khối hình cùng với các họa tiết trang trí trên trang phục khiến tượng giàu sắc thái nữ tính. Tai đeo khuyên, hai cánh tay đeo vòng, cổ đeo một dải tròn có văn trang sức, đóng khố - tượng người quỳ Lạch Trường thể hiện một nhân vật vừa quen, vừa lạ. Đeo hoa tai và vòng tay là đặc trưng thường thấy trên các tượng đồng Đông Sơn. Cái vòng trên cổ tượng người quỳ tương ứng với phần váy khá kín đáo của pho tượng này. Ngay dưới cái rốn lồi, bụng tượng có quấn một băng dày có thể coi như cạp váy. Trên cạp váy này trang trí đường diềm với họa tiết chính là những bông hoa 6 cánh nội tiếp trong vòng tròn. Phần hoa này được khắc rất tỷ mỷ như những bông hoa cúc. Từ cạp này có các diềm chạy xuống một bên hông và thả thẳng xuống chính giữa phía sau lưng như cách vấn khố. Các phần còn lại của chiếc váy không trang trí gì, phủ lấp phần chân quỳ. Các hoa văn trang trí này có thể khiến ta liên hệ ít nhiều tới những hoa văn đã được phát triển lên từ những hoa văn trên gốm của các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun trước đó. Lối vặn thừng của ba cần đèn hình chữ S trên đèn Lạch Trường cũng là đặc điểm thường thấy trên các tang trống hay cách trang trí trên đồ đồng Đông Sơn. Với những pho tượng nhỏ xuất hiện trên đèn hình người quỳ Lạch Trường, mặc dù không thể nhận ra được các chi tiết rõ ràng trên trang phục quần áo nhưng với các thế dáng quen thuộc ta vẫn thường gặp các nhân vật này trên các vật dụng Đông Sơn. Những người đang vui vẻ vỗ tay, đánh chũm chọe, thổi sáo này thể hiện cái vui tươi rộn ràng ta thường thấy ở tượng người thổi khèn trên cán muôi Việt Khê, tượng người công kênh nhau thổi khèn hoặc những người đang leo trèo hay vắt vẻo trên các cần đèn dạng đĩa có quai treo… Tư thế khoanh tay, chắp tay, rồi tư thế ngồi quỳ cũng mang đặc trưng của tượng phương Nam rõ nét. Quỳ là cách hành lễ thường thấy để phản ánh tính tôn ti trật tự của người phương Bắc, người Việt (Bách Việt) có thói quen là ngồi xổm, tuy vậy ở những tượng đèn hình người tìm được ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc ta thường thấy dáng người quỳ bê/đỡ rất đặc trưng: quỳ bằng hai đầu gối. Những tượng đèn Đông Hán tìm được ở Bắc Trung Quốc cũng thường diễn tả các nhân vật nô lệ trong tư thế quỳ, nhưng cách thức quỳ đỡ của các nhân vật này có sắc thái tự do hơn, có thể là một chân quỳ một chân co…, tay chân chuyển động linh hoạt hơn. Phải chăng khi những tượng đồng có dáng người quỳ này xuất hiện thì đế quốc Hán đã xâm nhập sâu vào đất Bách Việt và áp đặt những lề thói của kẻ chiến thắng cho những thân phận nô lệ yếu ớt hơn? Nếu quả đúng như vậy thì những tượng đèn người quỳ Lạch Trường nói riêng và các tượng đèn hình người nói chung tìm được ở Bách Việt có niên đại sớm nhất chỉ vào khoảng cuối thế kỷ 2 trước CN trở về sau.
Kỹ thuật đúc và tạo khối
Hình thức trang trí chân đèn bằng hình người xuất hiện sớm và phổ biến trên thế giới. Ở Pompeii, Ấn Độ, Trung Quốc tìm thấy nhiều dạng đèn này. Khi so sánh những tượng đèn Đông Sơn với những hiện vật cùng loại tìm được ở Nam Trung Quốc thì ta nhận thấy những điểm tương đồng đáng kể. Điều này không có gì ngạc nhiên khi cả Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam là nơi sinh sống chủ yếu của tộc Bách Việt xưa. Chân đèn hình người quỳ bằng đất nung hay bằng đồng cũng thường được tìm thấy trong các mộ thời Hán ở Quảng Tây, Quảng Đông. Trong các tỉnh Nam Trung Quốc, một miền đáng quan tâm nhất, được coi là có nhiều ảnh hưởng qua lại với văn hóa Đông Sơn nhất là Vân Nam. Một cây đèn đồng hình người thời Đông Hán (25 sau CN – 220 sau CN) hiện được trưng bày ở bảo tàng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) (H9 trang 29) cho thấy lối tạo hình khá gần gũi với những tượng đèn đã tìm được ở Việt Nam trong đó có tượng người quỳ Lạch Trường. Người đàn ông cởi trần, bụng phệ đang quỳ. Hai tay giang rộng, phần khuỷu tay hơi gập lên tạo ra góc gần vuông. Sau lưng và hai cánh tay cắm ngõng đèn ngắn đỡ đĩa đèn hình lòng chảo. Đầu tượng như đội một cái mũ có chóp nhô ra trước trán. Ta nhận ra người anh em thân thiết với các nhân vật trên tượng đèn tìm được ở Việt Nam. Nhưng ta cũng dễ nhận thấy sự vượt trội về mặt tạo hình của đèn Lạch Trường so với cây đèn này. Các chi tiết nhỏ nhất trên chân đèn Lạch Trường từ những nếp tóc xoăn, các hoa văn trang trí trên vòng cổ, trên khố cho tới cách tạo khối cơ thể nuột nà đều được thực hiện hết sức tinh tế. Đèn Vân Nam có khối hình đơn giản và hầu như không được trang trí. Cổ ngỏng cao, khuôn mặt gầy, gò má nổi cao, đầu hơi ngửa. Không có cái phổng phao, tươi tỉnh, tinh thần tượng đèn Vân Nam biểu hiện nét trầm buồn, nghiêm trang lặng lẽ. Các khoảng nối trên cổ và hai cánh tay cũng cho thấy cách tiến hành đúc tượng khác nhau. Hầu như các tượng tìm được ở Việt Nam ta thấy được đúc liền khối, chỉ có các bộ phận ngõng đèn, đĩa đèn là đúc rời và gắn vào tượng. Không như vậy, phần đầu và hai cánh tay tượng đèn ở Vân Nam được đúc rời sau đó gắn với thân. Cách đúc rời tay tượng này hẳn là ảnh hưởng từ kỹ thuật tạo hình của văn hóa Hán. Nhiều đèn đồng triều đại Hán cũng có lối tách rời tay tượng như vậy. Những tượng đèn Đông Hán tìm được ở Bắc Trung Quốc thể hiện sự khác biệt rõ nét trong cách tạo hình. Các nhân vật có thần thái khác biệt, thể hiện rõ ràng tính cách và thân phận hèn kém. Thường vẫn là những nhân vật trong dáng quỳ, đỡ nhưng lối tạo hình người trên đèn đồng Đông Hán chắc chắn, hiện thực mang màu sắc cổ điển. Các nhân vật đội đèn thường được diễn đạt là những nô lệ (H8 trang 28, H10 trang 29). Ở họ toát lên sắc thái Trung Hoa đậm nét: mắt xếch, mũi nhỏ, miệng thanh tú. Hầu hết các tượng đều mặc quần áo. Với các tượng nam, nét khỏe mạnh được thể hiện rõ nét ở bắp tay rắn chắc, khuôn mặt vuông bạnh được biết như những nô lệ Hung Nô bị thần phục. Vẻ dịu dàng, kín đáo khiêm nhường là nét nổi bật ở các tượng nữ thời kỳ này. Các nếp gấp trên áo quần, các chi tiết tạo hình tỷ mỷ trên mặt mũi, tay chân thể hiện tính chân dung cho thấy nghệ thuật tạo tượng người đã đạt trình độ cao. Các tượng đèn Đông Hán ở miền Bắc Trung Quốc còn được đánh giá cao ở công nghệ chế tác. Các bộ phận trên đèn cũng có thể tháo lắp để điều chỉnh ánh sáng và lượng khói phù hợp.
H9. Chân đèn đồng hình một người đàn ông thời Đông Hán (25-220) cao 42cm. Ảnh chụp ngày 4/12/2011 tại triển lãm bộ sưu tập kho báu quốc gia được tổ chức tại bảo tàng tỉnh Vân Nam tại Côn Minh thủ phủ của Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc. Nguồn <http://news.xinhuanet.com
H10. Người cầm đèn cung Changxing của nhà Hán, đồng mạ vàng, khai quật từ ngôi mộ của vợ chồng Liusheng (113 tr CN-104 tr CN) ở ManCheng Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh chụp từ sách Das antike China Maurizio Scarpari, Vefrlag Karl
Sự khác biệt về mặt kỹ thuật đúc đồng và tạo dáng của đèn Lạch Trường với các đèn tìm được ở Trung Quốc còn được thể hiện ở một chi tiết nhỏ nhưng rất đáng chú ý là: những tượng nhỏ trên cần đèn ở tượng đèn hình người quỳ Lạch Trường có dạng như phù điêu đắp nổi. Mặt sau lưng tượng (phần sau) phẳng bẹt, mặt trước nổi khối. Ta có thể thấy cách tạo hình này trên các tượng nhỏ như gà Vinh Quang, tượng hươu, tượng trâu và tượng hổ Lãng Ngâm (kiểu chạm nổi, chỉ tạo hình một bên). Lối tạo hình đơn giản, thô mộc đầy màu sắc nguyên thủy của các tượng nhỏ trên cây đèn này có thể đưa ta trở về thời kỳ trước đó với những tượng người đàn ông bằng đá Văn Điển (giai đoạn Phùng Nguyên), tượng người đàn ông ngồi bó gối ở Gò Mun (giai đoạn văn hóa Gò Mun)… ta nhận thấy sự phát triển từ các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn trước đó. Như vậy, chân đèn tượng người Lạch Trường trên phương diện tạo hình cho ta thấy nguồn gốc bản địa. Hình thức tạo hình của tượng đèn hình người quỳ Lạch Trường nói riêng và những tượng đèn phát hiện ở Bắc Việt Nam thuộc văn hóa Đông Sơn nói chung dường như còn là kiểu mẫu cho các tượng Phỗng Chàm xuất hiện rất lâu sau đó.
Với vị trí ngã ba đường của các nền văn hóa, nghệ thuật Đông Sơn muộn – thuộc văn hóa Lạch Trường8 đã tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng mới. Hoạt động trao đổi buôn bán có lẽ đã đem lại cho vùng đất này sự giàu có và đời sống văn hóa tinh thần năng động, cởi mở. Cửa Lạch Trường xưa là một hải cảng quan trọng nơi thuyền bè Trung Hoa và ngoại quốc khác qua lại. Sau này, nơi đây vẫn là nơi các thuyền bè tập trung tránh gió bão hay lấy nước ngọt. Cửa Lạch Trường (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vốn nổi tiếng là một vùng buôn bán muối khá lớn. Ngày nay, cảnh vật đã đổi khác, Lạch Trường chỉ còn ghi lại dấu ấn của mình trong lịch sử là một vùng cửa biển lớn, sầm uất, trung tâm kinh tế chính trị của một vùng xứ Thanh. Theo Janse nhiều khí vật phát hiện được ở Đông Sơn trong các mộ gạch Hán trong đó có đèn đồng có được do đổi chác. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học quan trọng sau này về những cây đèn đồng Đông Sơn cùng những phân tích về tạo hình, như kỹ thuật tạo tác trên cây đèn Lạch Trường có thể phần nào minh chứng cho nguồn gốc bản địa của nó. Tất nhiên ta cũng không thể phủ nhận những tác động và ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Hán.
V.T.H
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 05/2013)
Chú thích:
-1. Olov Janse: nhà khảo cổ học người Thụy Điển, ông sang Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ 20 với tư cách là cộng sự của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO).
-2. Theo chúng tôi, hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hiện nay chỉ là phiên bản. So sánh ảnh hiện vật gốc do Olov Janse chụp ngay sau khi khai quật và được làm sạch với hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam thì sẽ thấy có nhiều khác biệt. Các đường nét trên thân tượng đang trưng bày không có được sự sắc nét và tinh tế như trong tấm ảnh Olov Janse công bố năm 1947, đặc biệt là ở những chi tiết nhỏ như xoắn tóc hay các hoa văn trang trí trên cổ, trên khố. Các nhân vật nhỏ gắn trên thân tượng cũng không diễn đạt được chi tiết như trên ảnh gốc của Janse. Dựa theo tấm ảnh của Janse khi hiện vật mới được khai quật thì tượng không có mối hàn hình vuông ở điểm giao giữa ống chân và đùi bên phải như đang có ở bức tượng trưng bày ở Bảo tàng. Độ dày của bàn chân cũng không tương thích với tấm ảnh gốc của Janse. Theo số liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam ghi đèn cao 40cm, tuy nhiên, Olov Janse công bố trong cuốn Bí mật của cây đèn hình người thì đèn cao 35cm (tr.205).
-3. Trích lời tựa của Olov Janse cho cuốn Sưu tầm khảo cổ ở Đông Dương, trang 3 - Olov Janse (Triệu Thúc Đan dịch), Sưu tầm khảo cổ ở Đông Dương (quyển I), tài liệu tư liệu Viện Mỹ thuật, D-55/cđ79.
-4. Văn hóa sông Hoài: thể thức (phong cách sông Hoài) là nói tới phong cách nghệ thuật đời Chiến Quốc ở miền sông Hoài, con sông lớn chảy qua các tỉnh :Hà Nam, An Huy, Giang Tô. Đặc điểm nổi bật của thể thức sông Hoài mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có nét gần gũi với nghệ thuật Đông Sơn là ở cách sử dụng nhiều mô típ hình chữ S, hình móc câu và có cả hình thức vặn thừng. Tuy vậy, có thể nhận thấy những điểm khác biệt lớn của hai dòng nghệ thuật này: nghệ thuật sông Hoài thường chuộng lối trang trí hoa văn dày đặc trên đồ vật, chủ yếu thấy chim thú, tạo hình trang trí các con thú này thường dũng mãnh và dữ tợn hơn rất nhiều so với nét mềm mại, uyển chuyển của các trang trí và tượng tròn ở nghệ thuật Đông Sơn.
-5. Bishop White: William Charles White (1873-1960) là linh mục người Canada. Ông sang Trung Quốc làm việc như một nhà truyền giáo từ 1909 đến 1934. Sau này ông chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và làm giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại đại học Toronto.
-6. Anh-đô-nê-diêng là một khái niệm về nhân chủng học, bao gồm một cư dân rất rộng lớn phân bố từ Đông Bắc Ấn Độ, Hoa Nam đến Nam Dương quần đảo... Chủ nhân của văn hóa Đông Sơn – người Lạc Việt như được xác định cũng là thuộc giống Anh-đô-nê-diêng.
-7. Lạc Dương: kinh đô cổ của Trung Quốc thời Đông Hán. Hiện nay Lạc Dương là thành phố nằm ở phía Tây tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
-8. Khái niệm văn hóa Lạch Trường lần đầu được Olov Janse sử dụng nhằm diễn tả sự biến đổi của văn hoá Đông Sơn bản địa dưới tác động của các yếu tố văn hoá phương Bắc. Sau này, Tiến sĩ Nguyễn Việt cũng dùng thuật ngữ này với nội dung là sự tham gia của các yếu tố văn hoá phương Bắc vào văn hoá Đông Sơn lên đến tận thế kỷ 4 - 5 trước Công nguyên.
Tài liệu tham khảo:
-1. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2003.
-2. Olov Janse, Archaeological research in Indo-china, Cambridge, Massachusetts, Harvard university press, 1947.
-3. Olov Janse, Bí mật của cây đèn hình người, Bảo tàng Lịch sử, Hà Nội, 2001.
-4. Olov Janse (Triệu Thúc Đan dịch), Sưu tầm khảo cổ ở Đông Dương (quyển I), tài liệu tư liệu Viện Mỹ thuật, D-55/cđ79.
-5. Olov Janse (Triệu Thúc Đan dịch), Sưu tầm khảo cổ ở Đông Dương (quyển II), tài liệu tư liệu Viện Mỹ thuật, D-56/cđ79.
-6. Olov Janse (Triệu Thúc Đan dịch), Sưu tầm khảo cổ ở Đông Dương (quyển III), tài liệu tư liệu Viện Mỹ thuật, D-57/cđ79.
-7. Phạm Quốc Quân, Về những cây đèn đồng hậu Đông Sơn, http://mangcovat.com.vn
-8. Ủy Ban KHXH Việt Nam, Lịch sử Việt Nam tập 1. Nxb. KHXH, Hà Nội, 1971.
-9. Nguyễn Việt, Hà nội thời tiền Thăng Long, Nxb Hà Nội, 2010.
-10. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Diệp Đình Hoa, Cơ sở khảo cổ học, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978.
-11. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy, Nxb. Giáo dục, 1960. http://www.ynbwg.cn/ (Bảo tàng tỉnh Vân Nam – Trung Quốc)
Họ tên:
Email:
Capcha
(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)