logo welcome languages

truyện ngắn: KHỎA THÂN TRẮNG

TỐT - XẤU - GIẢ - THẬT...

Vỏ hài ruột bi

Tốt xấu giả thật: Dí dỏm và sâu sắc

 Liên hệ          Điều khoản
123456
Đi thực tế sáng tác ở giàn khoan Dầu khí
Chuyến đi thực tế sáng tác giành cho các văn nghệ sĩ, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức. Tháng 6.2006.
Về nơi gió cát
05/12/2010 -- PNCN - Đến với Ninh Thuận là đến với nắng, gió và những đồi cát vàng, cát trắng, cùng những truyền thuyết dân gian bí ẩn.
Về nơi gió cát
05/12/2010 -- PNCN - Đến với Ninh Thuận là đến với nắng, gió và những đồi cát vàng, cát trắng, cùng những truyền thuyết dân gian bí ẩn.
Macao
Những ngày tháng đẹp, mở ra chặng đường mới trong cuộc sống của tôi...
Tham dự Hội thảo Biên kịch Sân khấu châu Á tại Nhật bản.
Chương trình do Nhà hát ZA-KOENZI, JPF (Japan) và Victoria Art Center (Australia) đồng tổ chức, từ 15-20 tháng 12 năm 2009.
Kê Gà ký sự của Ku Sữa
ghi chép bởi NTP, đã cách nay 23 tháng - :D
Thuyền
Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào...
Mẹ và Con
Với bé Nho - kỷ niệm sinh nhật con tròn 14 tuổi, trong hành trình làm phim "Du lịch Khám phá" cùng mẹ, chặng Lâm Đồng. Mùa hè năm 2009.
Chương trình "Du lịch Khám phá" - chặng Lâm Đồng (phần 1)
Hành trình Đức Trọng - Lâm Đồng
Đà Lạt - thác, thử yêu lần nữa...
Hành trình "Du lịch Khám phá", chặng Lâm Đồng (Đức Trọng, Đà Lạt) - tháng 06.2009, phần 1
123456
Chào mừng bạn đến với Website của Nguyễn Thu Phương, đến với những "góc nhỏ" trong tâm hồn tôi, đến với công việc tôi đang làm, đời sống tôi đang sống, những chuyến đi mà tôi đã đi, những kinh nghiệm tôi đã trải. Gặp hay thấy ở đây những điều tôi mong muốn được giãi bày, chia sẻ, cảm thông. Những tương tác với con người, với cuộc đời qua ngôn ngữ, thông điệp và hình ảnh. Bởi như tôi nghĩ, sống trên đời, ai lại chẳng có nỗi khát khao tìm kiếm những tri kỷ, tri âm đồng điệu, chẳng có lúc chợt thấy mình sao cô đơn quá giữa đám đông... Bạn cũng có thể đăng ký thành viên và post bài, tham gia tương tác trong mục DIỄN ĐÀN của website. Rất cám ơn bạn đã ủng hộ. Link vào trang facebook của tôi, bạn (Bấm vào đây)

Những chuyến đi
Sóc Trăng, một thoáng Khmer giữa lòng miền Tây Nam Bộ

 
Sóc Trăng, một thoáng Khmer
giữa lòng miền Tây Nam Bộ
Photobucket
.

Thứ bảy tuần rồi (14.06.2008), gia đình mình (tức là bên ngoại của bé Nho) đi dự đám cưới cô em bà con ở Cần Thơ (trong tấm ảnh này còn thiếu ba người đàn ông nữa).

Trước đó, thứ 5, mình theo đoàn nhà văn tham dự Trại Sáng Tác (do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Quân chủng Hải Quân tổ chức) xuống Vũng Tàu thăm quan và giao lưu với Lữ đoàn Hải Quân 171, trở về buổi chiều thứ 6 thì ngay tối đó đã lại lên xe để phiêu du tiếp.

Băng qua Cần Thơ, tới thẳng Sóc Trăng (cách Sài Gòn 237km)lúc 3h sáng, mình và mọi người chỉ có thể la cà tới quá trưa để thưởng thức "một thoáng Khơ-me giữa lòng miền Tây Nam Bộ", vì chiều 4h đã phải trở về Cần Thơ dự đám cưới. Hì, mình rất thích những chuyến đi đầy ngẫu hứng theo kiểu này...

Cùng với Trà Vinh, Sóc Trăng là tỉnh đông người Khmer nhất Việt Nam. Ngay trong thành phố có nhiều chùa Miên đẹp. Toàn tỉnh Sóc Trăng có tới trên 90 ngôi chùa Miên.

.
Photobucket
.
Viện Bảo tàng Khmer với kiến trúc mái tầng theo kiểu thuyền rồng và những góc vuốt cong rất điển hình.
.
Photobucket
.

Thời gian ít quá nên phải tranh thủ thôi. Xưa mình đã tới nơi đây vài lần nhưng đều đi ngang qua, vội vã nên chẳng ghé thăm đâu được.

Khách sạn nằm sát bên bờ kè thuộc khu trung tâm (có hai cây cầu bắc qua thì phân ra hai chiều). Sau khi đi chợ (mẹ mình phát hiện ra người ta bán sỉ cá rô đồng đầy trứng rất-rất ngon), điểm đầu tiên mà gia đình mình đến tham quan chính là chùa Khléang.

Bạn có thể thấy, có không ít những điểm tương đồng trong kiến trúc chùa chiền của người Khơ-me và Thái lan.

.
Photobucket
.

Cái tên Sóc Trăng cũng từ tiếng Miên mà ra. Srock Khléang có nghĩa là "xứ có Kho Bạc". Nơi đây cũng có nhiều người Triều Châu sinh sống, phổ biến lối xưng hô "Hia" (anh), "Chế" (chị), "Qua" (tôi).

Mình sực nhớ hồi đi học đạo diễn ở trường, môn tiếng nói sân khấu của thầy Nam Anh có câu bài tập luyện nói: "hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, hôm nay qua hổng nói qua mà qua lại qua". Giờ mới biết câu đó nghe rất chi là... Sóc Trăng.

.
Photobucket
.
Một trái gấc xanh trong sân chùa (hì, tới hồi chín đỏ thì chắc là đã bị "gấc ơi gấc rụng bị bà" mất tiêu rồi?!).
.
Photobucket
.
Chùa đang được xây dựng thêm, cơ ngơi rất hoành tráng.
Đây là gia đình cậu em trai mình: Phước Anh, Tâm, Bé Bơ và Ku Sữa.
.
Photobucket
.

Cây thốt nốt, một giống cây rất đặc trưng của người Khmer.

Ai đã từng đi Cam-pu-chia sẽ thấy, suốt từ cửa khẩu Mộc Bài-Tây Ninh kéo dài qua "bên bển" rợp trời những cây thốt nốt.

.
Photobucket
PhotobucketPhotobucket
.

Trái thốt nốt cho nước và cơm (múi) "sần sật" như dừa, nhưng uống mát và thơm hơn. Đường thốt nốt đổ khuôn ra thành tán, đóng thành "cây", gói ngay trong lá thốt nốt khô chính là món quà thú vị cho du khách (món đặc sản đường thốt nốt này được biết đến nhiều hơn ở miệt Châu Đốc, An Giang).

.
Photobucket
.
Nhà sala - nhà sàn kiểu Khmer, thấp hơn nhà sàn Tây Nguyên.
.
Photobucket
.
Nhưng nóc tôn của ngôi nhà sala này đã được "cải biên" và update, không còn nguyên chất tranh-tre-nứa-lá.
.
Photobucket
.
Ôi, sao màu nâu của áo mình hợp với màu... tôn và gỗ này thế không biết!
.
Photobucket
.
Nơi ở của các sư trong chùa.
.
Photobucket
.
Hình trang trí vũ nữ Apsara, tín ngưỡng phồn thực (viên mãn, sinh sôi, nảy nở).
.
Photobucket
.
Tới chùa gặp bữa cơm chay, nhưng lòng mình đang "mặn" quá!
.
Photobucket
.

Toàn cảnh chánh điện ngôi chùa Khléang, mang dáng dấp vàng son cung đình. Chùa có từ thế kỷ 16 (lúc đó còn bằng gỗ, lá), trùng tu đầu thế kỷ 20.

.
Photobucket
.
Hai tông màu vàng-đỏ là chủ đạo.
.
Photobucket
.
Tượng Yeak, chằn tinh đã được Phật cải hóa, cầm chày bảo vệ chùa. Có thể bắt gặp trong các điển tích của nghệ thuật dù-kê, kịch hát truyền thống người Khmer, Nam Bộ.
.
Photobucket
.
Tượng chim thần Ga-ru-đa.
.
Photobucket
.

Hình chạm nổi tiên nữ trên cánh cửa vào chánh điện.

Biểu tượng tiên nữ và chằn tinh ở chùa Miên tương đương với ông Thiện, ông Ác trong các ngôi chùa Việt.

.

Photobucket
.
Tòa chánh điện vàng son, gợi nhớ khung cảnh nội thất Chùa Vàng, Chùa Bạc ở Phnom-pênh, Cam-pu-chia.
.
Photobucket
.
Thường khi tham quan những ngôi chùa, mình quan tâm tới nét đẹp về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa hơn là khía cạnh tín ngưỡng. Và đã "tập" cho bé Nho, con gái mình cũng vậy.
.
Photobucket
.
Người Khmer rất mộ đạo, họ cúng dường cho chùa rất nhiều vàng bạc, đồ lễ hay những món bảo vật quý giá.
.
Photobucket
.
Bé Nho trước một trong những tháp cốt (nơi viên tịch các vị sư) thuộc khuôn viên rộng rãi và xanh mát của ngôi chùa.
.
Photobucket
.

Bửu Sơn Tự - hay Chùa Đất Sét - vốn là một cái am của cư sĩ Ngô Văn Tòng (tu tại gia) với niềm đam mê dùng đất sét để nặn tượng (suốt 42 năm liên tục của cuộc đời).

Ông đã mất năm 1970 (hi, lúc này mình còn chưa sinh ra).

.
Photobucket
.

Độc đáo nhất nơi đây phải kể đến những cây đèn cầy (nến sáp) khổng lồ. Tiêu biểu là hai cây đèn cao 2m6, đường kính 1m, nặng 200kg đốt liên tục từ khi ông Ngô Văn Tòng mất tới nay vẫn chưa cháy hết.

.
Photobucket
.
Và tất nhiên không chỉ có hai cây đèn sáp khổng lồ đó, hiện vẫn còn rất nhiều những cặp đèn to lớn "dễ nể" khác.
.
Photobucket
.
Long Mã, một trong số rất nhiều những tượng bằng đất sét do ông Tòng nặn. Đất sét mang về phơi khô, giã bằng cối thành bột mịn, rây bỏ tạp chất và rễ cây, rồi đem trộn với bột nhan và ô dước (hợp chất kết dính nổi tiếng đã được sử dụng để xây các tháp Chăm), sau đó mới dùng để chế tác.
Cho đến ngày mất, ông Tòng không làm việc gì ngoài nắn tượng, công trình suốt cả đời ông là hơn 1000 bức tượng đủ loại, đủ kiểu, sơn màu sắc rực rỡ (tất cả đều được dán thông báo viết tay: "tượng dễ bể, cần lưu ý bảo quản cẩn thận").
.
Photobucket
.

Bên trang thờ có chân dung họa hình cư sĩ Võ Văn Tòng.

Cuộc đời, nếu tìm được điều gì đó để đam mê và dành trọn tâm huyết của mình cho đam mê đó, ngẫm ra cũng thật thú vị.

.
Photobucket
.

Xe lôi du lịch trên đường vào Chùa Dơi, Sóc Trăng.

Nếu lệnh cấm những phương tiện giao thông thô sơ có hiệu lực, hình ảnh chiếc xe lôi này sẽ chỉ còn lại trong ký ức của du khách và những người dân miền Tây Nam Bộ...

.
Photobucket
.

Ngôi chùa có tên chính thức là Sê-Rây-Tê Chô Ma-Ha-Túp hay Chùa Mã Tộc. Nổi tiếng với cái tên Chùa Dơi là do đàn dơi đông đảo đã chọn khoảng rừng xanh tốt rộng mấy mẫu của chùa làm nơi trú ngụ.

.
Photobucket
.

Vào lúc 3h ngày 15.8.2007, gian chánh điện (rộng 200 m2) của chùa đã phát hỏa. Ngọn lửa lan ra, nhanh chóng thiêu rụi hàng chục tượng Phật, 60 cây đèn cầy lớn, các bức màn vải hoa văn trang trí, cửa gỗ, cột, kèo và toàn bộ mái trên của chánh điện.

.
Photobucket
.

Mặc dù ngay sau đó, lực lượng PCCC tỉnh đã huy động nhiều xe chữa cháy cùng với sư sãi và bà con nhân dân gần chùa dập lửa nhưng cũng chỉ cứu giữ được bốn bức tường ngoài của phần chánh điện, còn nội thất đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Theo Đại đức trụ trì chùa Dơi - Kim Rêne - nguyên nhân cháy được cho là do một trong 60 cây đèn cầy (nến) ngã đổ, cháy lan ra bắt vào các màn vải trang trí sau khu tượng Phật (theo báo Thanh Niên).

.

Photobucket
.

 

Chùa Dơi được xây dựng cách đây hơn 400 năm và được nâng cấp cách đây 30 năm. Năm 1999, chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngôi chùa này vốn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như là “thánh địa” của hàng vạn con dơi quạ sinh sống.

Đại đức Kim Rêne cho biết, sau hỏa hoạn, số lượng dơi về chùa chỉ còn khoảng 20% tổng đàn. Điều đáng tiếc nhất là các pho tượng phật cổ hàng trăm năm tuổi đã bị hư hại hoàn toàn (báo TN).

.
Photobucket
.
Gần một năm sau vụ hỏa hoạn, chùa vẫn chưa được xây lại...
.
Photobucket
.
Thử hình dung nơi đây đã từng đẹp đẽ, trang nghiêm, lộng lẫy, vàng son ra sao...
.
Photobucket
.
Tiếc thương cũng vậy thôi...
.
Photobucket
.
Với những gì còn lại...
.
Photobucket
.
Cũng may chùa vẫn còn dơi. Trong những vòm cây ấy là cơ man những con dơi quạ treo mình đen nhánh.
.
Photobucket
.
Đây là loại dơi ăn trái cây, con lớn nặng đến cả kí-lô, sải cánh rộng 1,5m. Dơi sống về đêm (à, cái này sao... giống mình), ban ngày xếp cánh ngủ tòn ten trên cây (cái này thì hổng giống!).
.
Nhìn bên ngoài cực rõ: những con dơi to tướng treo ngược lền khên, nhưng chụp hình lên thì chỉ thấy cây và người!
.
Photobucket
.

Thịt dơi là... món nhậu rất được ưa chuộng. Đàn dơi biết rõ điều đó nên chỉ kéo tới quây quần ngủ trong khuôn viên của chùa, không con nào dám léo hánh qua các vườn cây của những nhà xung quanh. Vậy mà cũng không thoát nạn bị săn đuổi.

.
Photobucket
.
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân và lý do khiến đàn dơi ở đây cứ càng ngày càng ít dần đi. (Ừm, dân ta có truyền thống "cái gì ăn được là ăn, cứ ăn cho tới... hết thì thôi!" ).
.
Photobucket
.
"Bình yên, chùa Miên câu hát xa đưa"...
.
Photobucket
.

Trong khoảng vườn sau chùa còn có 4 ngôi mộ heo. Người Miên kiêng không nuôi heo có 5 móng, gặp heo con như vậy người ta đem gửi vào chùa. Chùa sẽ nuôi cho đến khi heo được... hưởng thọ. Mộ xây lớn, có vẽ chân dung heo đang an nghỉ thong dong (trên thiên đàng?).

.
Photobucket
.
Trước sân nhà sala, nơi đất lành chim đậu.
.
Photobucket
.
Bụi cây hột é trong sân chùa. Khi hột chín đen, hái đem ngâm trong nước sẽ nở bung ra (như hột trân châu nhưng nhỏ hơn), pha thêm đường uống rất mát.
.
Photobucket
.
Ghe Ngo (mô phỏng con rắn thần Naja), dành cho cuộc đua trong lễ hội Óc-om-bók (lễ cúng trăng, lễ đút cốm dẹp cho trẻ em để lấy phước, lễ cầu mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa... diễn ra vào tối 14 và ngày 15.10 âm lịch).
.
Lộ trình đua ghe dài 1,2km. Mỗi ghe có 3 "nhân vật" chính: người đầu ghe ngồi trước mũi vung tay tạo khí thế, người tổng chỉ huy đứng thẳng giữa ghe hò hét theo nhịp chèo, người cầm lái ở sau cùng lựa chiều theo luồng nước thuận tiện. Ba người như ba "nhạc trưởng", điều khiển 50 tay chèo xé nước lao tới.
.
Photobucket
.

Ghe Ngo bao giờ cũng được làm bằng thân một cây gỗ to, đục ở giữa làm chỗ ngồi cho các tay đua. Sức chứa tới trên 50 người đua, chiều dài khoảng 40m. Đầu ghe có hình rồng rắn. Hai bên thân ghe vẽ những hình kỉ hà nhiều màu sắc.

Ở Sóc Trăng trước kia, hội đua ghe ngo thường được tổ chức trên sông Nhu Gia, nhưng gần đây đã chuyển về sông Trăng. Suốt 4 – 5 cây số có ghe đua, người xem đông nghịt. Không khí ngày hội rất nhộn nhịp, hào hứng: tiếng chiêng rền vang, tiếng còi của người chỉ huy các ghe đua lanh lảnh lẫn với tiếng hò reo náo động của người xem (theo website Quê Hương).

.
Photobucket
.
Hội đua ghe ngo tại sông Maspéro (TP. Sóc Trăng).
.
ĐẶC SẢN SÓC TRĂNG
.
Có thể thấy, yếu tố đa sắc tộc thể hiện rất rõ trong các món ăn đặc sản của Sóc Trăng.
.
Photobucket
.
Bánh pía - nhân đậu xanh, sầu riêng, lạp xưởng, hột vịt muối. Các lò bánh bày bán hàng san sát nhau trên đường từ Sóc Trăng trở về Cần Thơ (siêu thị Sài Gòn cũng có bán).
Loại bánh này mang gốc gác Triều Châu.
.
Photobucket
.
Lạp xưởng thịt heo hay lạp xưởng tôm.
Đúng là mua cho có quà đi xa về thôi, chứ thức này thì mua đâu chẳng sẵn.
.
Photobucket
.
Củ cải muối ngọt (xá bấu) kiểu Khmer.
Món này ăn kèm với cháo trắng lá dứa: cực ngon!
.
Photobucket
.

Mắm ba khía.

.

Ba khía sống quanh các vùng rừng ngập mặn, gần gũi với còng. Tuy nhiên, chúng to hơn và chiếc mai trên lưng sần sùi, đen đúa, cặp càng trông cũng gồ ghề hơn so với còng.

Từ miệt Sóc Trăng đổ về Bạc Liêu cho tới tận mũi Cà Mau, men theo những cánh rừng mắm đen mọc giáp biển thường có nhiều ba khía. Từ tháng 8 trở đi lúc mùa màng đã xong, người miền quê lại rủ nhau chèo ghe đi bắt thứ đặc sản này. Khi nước lớn, ba khía đeo đầy thân cây mắm. Nhất là mùa “ba khía hội”, áng chừng khoảng tháng 10, ba khía nhiều vô kể.

.

Người có điều kiện thì đi cả ghe lườn lớn, trên ghe chở rất nhiều lu khạp chứa nước muối quậy sẵn, mặn đến nổi thử bỏ cơm vô, những hột cơm đều bị nổi lều bều trên mặt. Ba khía bắt được đều bỏ hết vô lu, gặp nước muối mặn chịu không nổi, lăn ra... chết.

.
Photobucket
.

Ba khía bán ngoài chợ, độ tháng 5 là lúc vừa ăn nhất. Ba khía thật mập, càng to và chắc thịt. Ngon nhất là mua được ba khía cái, có thể gặp trứng đeo đầy sau yếm. Ba khía mua về đem ngâm nước, rửa thật sạch để trôi đi hết cát sạn. Sau đó gỡ bỏ mai, bẻ đôi thân ba khía, cả càng và gọng cũng bẻ rời, đem trộn tất cả vô tỏi, ớt, đường, chanh hoặc giấm đã làm sẵn. Thường thì trộn xong để thêm một buổi cho ba khía thiệt ngấm, vị mặn – chua – ngọt đã đủ thanh, đủ dịu.

.

Mắm ba khía là thức ăn đạm bạc, nhưng nhiều người vẫn khoái. Chưa nói, nếu ăn với cơm nguội lại càng… ngon! Thịt ba khía "chẳng bõ dính răng". Nhưng đã ăn qua, lâu lâu lại cảm thấy… ghiền. (theo vietnamnet)

.
Photobucket
.
Bún nước lèo Sóc Trăng.
Đặc sản Khmer ăn-tại-chỗ. Món này cả nhà mình đã phải chạy lòng vòng một hồi mới kiếm ra một quán bình dân có bán buổi trưa, vì ở đây đa số đều dọn hàng từ sau 2h chiều (bữa xế) trở đi, bán lai rai hoài tới tối.
.
Thiệt đúng là "ăn một tô bún, chạy ba quãng đồng", nhưng cũng đáng. Nước lèo thơm, ngọt, thấy bõ công. Các thứ ăn kèm (cá, tôm, mực, rau...) đều ngon "hết xảy".
.

Chia tay với Sóc Trăng, nếu còn có gì thấy tiếc thì chính là mình đã không có đủ thời gian để ghé thăm cồn Mỹ Phước.

Cách thị trấn Kế Sách chừng 10km, muốn tới cồn Mỹ Phước có thể đi bằng cả đường thủy lẫn đường bộ. Đất xứ cồn này từ xưa đã nổi tiếng với cây hồng xiêm, xoài, sầu riêng, có vườn trồng tỉa thêm cam quýt... Thu nhập chính của người xứ cồn chủ yếu dựa vào canh tác vườn cây đặc sản với diện tích trên 300 ha. Bên cạnh đó, các nhà vườn ở Mỹ Phước đã xây dựng mô hình vườn sinh thái để thu hút khách tham quan.

...
Thôi thì, bao giờ mà chẳng vậy.
.
Thiếu đi một chút để thèm, để nhớ, và để lần sau còn có cớ lại quay về với Sóc Trăng...

Ngày đăng: 19/06/2008 - Giờ: 07:10:49


Ý kiến bạn đọc
Người viết: ha minh trangE-mail: haminhtrang2006@gmail.com
Nội dung: chao co! con la sinh vien nganh du lich. vua roi co di tham chua kh'leang nhung khi doc bai nay cua co con hieu them duoc nhieu dieu ma con dang thac mac! cam on co ve bai viet cuc hay nay co nhe! con muon bai lam tu lieu co nhe! cam on co nhieu!
Người viết: ly dang minhE-mail: vuongtulonglongca@yahoo.com.vn
Nội dung: cháu thấy cô viết blog, cháu hâm mộ cô lắm.nhưng mà nhìn kĩ mới biết cô là đạo diển .cháu thấy ngại quá.thui cô xem như chưa từng đọc bài của cháu nha.
Người viết: Nguyen Duy TúE-mail: duytu0308@yahoo.com
Nội dung: Bài viết rất hay rất nhiều điều bổ ích, cho mình xin 1 vài ảnh này để làm tư liệu viết bài nhé.

 Ý kiến bạn?
Tên bạn:
 
E-mail:
 
Nội dung: 

(Nội dung không dùng thẻ HTML - tối đa 4000 ký tự)
Xác nhận mã:
 
© 2007 NguyenThuPhuong.com
Powered by VietTri.vn



Tiếng Việt English