41. Tư liệu Hán Nôm trên đá tại đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn ở Yên Thường (TBHNH 2005)

18/08/2007

TƯ LIỆU HÁN NÔM TRÊN ĐÁ TẠI

ĐỀN THỜ QUẬN CÔNG NGUYỄN ĐÌNH HUẤN

Ở YÊN THƯỜNG

NGÔ THẾ LÂN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Địa danh thôn Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay là thôn Yên Thường, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được sử sách ghi lại và mãi mãi gắn liền với vị tướng lĩnh tài ba Nguyễn Đình Huấn. Ông là người có nhiều công trạng phò Vua giúp nước, nên được dân xã quanh vùng dựng nhà thờ, tôn lập làm Phúc thần để hưởng phúc dài lâu.

Đền thờ Nguyễn Đình Huấn đã được xếp hạng tháng 5 năm 1985, nhưng hiện chỉ còn một gian thờ mái ngói thấp hẹp, đơn sơ cùng khuôn viên không lớn. Trước gian thờ còn lưu giữ được 6 bức tượng đá khá đồ sộ và hai con chó đá cùng 5 câu đối khắc trên cột đá như sau:

1.

堂尃

“Đức ư nhân tiên bất hủ chi tam quy quy phong bi trưng vĩnh cửu;

Công duy tự dữ võng đồng nhi nhất đường đường chuyên miếu chí tôn thân”.

(Đức trước của tiền nhân bất hủ, ba mối quy về trong văn bia vĩnh cửu;

Công lao thờ cúng nối dõi cùng một nhà miếu thờ hiển tôn thân).

2.

“Đoái thuyết táp biền mông cảm ứng phỉ tư nhân nhĩ mục;

Tụy hanh quang thỏa hựu chiêu huân hữu cách thế tinh thần”.

(Nói về việc lớn lao cảm động tới người tai mắt;

Vinh quang một thuở chiếu soi có cách với tinh thần).

3.

“Khoán thư sự nghiệp sơn hà thọ;

Trở đậu quy mô đống cán long”.

(Sự nghiệp ghi trong sách thọ ngang sông núi;

Thờ cúng được quy mô giường cột vững).

4.

“Vô dịch đồng nhân hàm nhuận viễn;

Bất thiên dịch thế khái đơn tân”.

(Không những mọi người mưa móc khắp;

Các đời chẳng chuyển vững thềm son).

5.

“Bách thế phong du đường đổ bạt;

Vạn gia trung tín tảo đăng khuông”.

(Trăm đời khí phách đường tiết nghĩa

Muôn nhà trung tín tiến lễ phụng theo).

Trong gian thờ, hiện có 3 ngai thờ bằng đá đồ sộ, trạm khắc hoa lá rồng mây uốn lượn rất hoàn mỹ, trước ngai còn có 3 bệ thờ bằng đá lớn. Ngai bên phải têm hèm ghi:

-Đặc tứ gia phong tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Hiển quận công Nguyễn tướng công, tự Đức Tài, thụy Mẫn Đạt phủ quân thần vị.

-Đặc tứ gia phong tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Hiển quận công, chính thất quận phu nhân Bùi quý thị, hiệu Từ Thuận, thụy Ôn Nhu.

-Đặc tứ gia phong tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Hiển quận công, trắc thất chánh phu nhân Nguyễn quý thị, hiệu Từ Thành.

Ngai bên trái têm hèm ghi:

-Đặc tứ gia phong tặng Quang tiến trấn quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thuật Thọ hầu Nguyễn tướng công, tự Phúc Lộc, thụy Đôn Hậu phủ quân thần vị.

-Đặc tứ gia phong tặng Quang tiến trấn quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thuật Thọ hầu, chính thất phu nhân Nguyễn quý thị, hiệu Thục Mỹ, thụy Phương Khiết.

-Đặc tứ gia phong tặng Quang tiến trấn quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thuật Thọ hầu, á thất chánh phu nhân Nguyễn quý thị, hiệu Mỹ Hạnh, thụy Trang Thận.

Về bia đá, hiện trong gian thờ còn giữ được hệ thống bia đá khá nguyên vẹn,

1. Bia chính giữa 4 mặt, mặt số 1 khổ 140x110cm, mặt số 2 khổ 110x75cm. Trán và diềm bia khắc rồng, hoa lá uốn lượn.

Mặt số 1 ghi hành trạng của Quận công Nguyễn Đình Huấn được dân xã quanh vùng bầu làm Phúc thần, như:

Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thị hữu trung cung phụng sai nội điện phò tá chánh Đề lãnh tứ thành quân vụ sự kiêm Dao lãnh Sơn Tây xứ trấn thủ trung hùng quân doanh Trưởng doanh quan thiêm quản tiền dực trung uy hậu uy trung hầu khuông hữu đẳng kỳ đội thuyền tri thị nội thư tả hộ phiên thự phủ sự tây quân đô đốc Thái tể Huấn quận công Thượng trụ quốc Thượng phù Nguyễn Đài công, húy Đình Huấn được dân các xã Yên Thường, Xuân Dục, Yên Khê, Đình Vĩ và Quy Mông tôn làm Phúc thần.

Tạo năm Cảnh Hưng 36 (1775).

Do đặc chuẩn Quý Mùi niên tiền triều, tứ Bính Tuất khoa Đệ nhị giáp Tiến sĩ Ngự sử đài hành mệnh Đô ngự sử Hàn lâm viện Hiệu lý kiêm Bí thư các quốc sử hiệu chính Thanh Oai Ngô Thời Sĩ () thế lục bổ soạn.

Đinh Mão khoa đệ nhị trúng cách Thủ hợp Thị nội thư tả hộ phiên triều liệt đại phu thông chánh sứ ty thông chánh sứ Chuyên Trung tử Vũ Kim Hoán (金瑍) viết.

Mặt số 2 ghi lệ cúng của các xã trong năm, như: Từ lễ kỳ phúc, nhập tịch, mãn tịch, tiết nguyên đán mồng 1, mồng 2, mồng 3 và tháng giêng, tiết ngày mồng 3 tháng 3, tiết ngày 14 tháng 4, tiết ngày 5 tháng 5, tiết ngày 15 tháng 7, tiết ngày 15 tháng 8, tiết ngày 9 tháng 9, tiết ngày 10 tháng 10, tiết ngày 2 tháng 12, tiết ngày 30 trừ tịch, ngày sinh nhật 12 tháng 8, ngày 19 tháng 12 cáo kỵ, ngày 20 tháng 12 chính kỵ.

Mặt số 3 ghi:

Cách thức và bài văn tế thần.

Một bài sớ văn cúng Hậu Phật và một bài chúc văn

2. Một bia 2 mặt, khổ 112x71cm, trán và diềm trạm rồng hoa lá uốn lượn, tạo năm Cảnh Hưng 35 (1774).

Ghi việc, các viên mục, hương lão, thôn trưởng cùng toàn dân thôn Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn nhân dịp tu sửa lại chùa đã bầu Quang đặc tứ gia phong tặng Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Hiển quận công cùng trắc thất chánh phu nhân Nguyễn quý thị, hiệu Từ Thành làm Hậu Phật. Ông bà cúng 50 quan sử tiền cùng 2 sở ruộng tốt. Có ghi rõ từng sở ở các xứ.

3. Bia Hậu Phật bi ký, một mặt, khổ 118x112cm, tạo năm Cảnh Hưng 24 (1763), ghi việc dân trong xã bầu Tổ khảo, Tổ tỷ, Tằng tổ khảo, Tằng tổ tỷ, Hiển tổ khảo, Hiển tổ tỷ của Quận công Nguyễn Đình Huấn làm Hậu Phật. Có ghi rõ ngày kỵ và nghi thức cúng lễ hàng năm.

4. Bia Hậu thần bi ký, gồm 2 mặt, khổ 117x114cm và 111x 37cm. Trán và diềm khắc rồng hoa lá uốn lượn.

Tạo năm Cảnh Hưng 24 (1763).

Ghi việc bầu cha mẹ vợ của Quận công làm Hậu thần. Hai cụ là: Tiền Tham đốc đặc tứ phong tặng Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Đô đốc kiểm sự Hiển quận công Nguyễn tướng công, tự Phúc Tài, thụy Mẫn Đạt phủ quân; chánh thất đặc tứ phong tặng Chánh phu nhân Bùi quý thị, hiệu Từ Thuận, thụy Ôn Nhu. Hai cụ có hiến 1.500 quan sử tiền cùng 9 mẫu ruộng tốt cho ba thôn trong xã để chi phí vào việc đèn nhang hàng năm. Có ghi rõ từng sở ruộng ở các xứ cùng ngày kỵ của hai vị.

5. Bia Hậu Phật, gồm 2 mặt, khổ 110x74cm, trán và diềm bia khắc rồng hoa lá uốn lượn.

Tạo năm Cảnh Hưng 34 (1773).

Nội dung bài văn bia cho biết: Các viên mục, hương lão, thôn trưởng cùng toàn dân thôn Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn bầu người trong thôn là Hoằng tín đại phu Thiêm sự viện Thiêm sự phong tặng Kiệt trung tướng quân chỉ huy sứ ty chỉ huy thiêm sự Đông khê hầu Nguyễn tướng công tự Phúc Thọ làm Hậu Phật. Ông hiến 50 quan sử tiền và 4 sào 2 thước ruộng tốt để chi phí vào việc đèn nhang hàng năm. Có ghi rõ ngày kỵ, số ruộng ở các xứ và số tiền hàng năm dùng để sắm lễ.

Như vậy, qua những nguồn tư liệu nêu trên tuy chưa phải là nhiều, song cũng phần nào phản ánh được phong tục làng xã Việt bên dòng sông Thiên Đức xưa. Hy vọng bài viết này cung cấp thêm vài tư liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu quan tâm cùng tham khảo.

Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.392-397)


In