Gốm Hương Canh vẫn cần sự "tiếp sức"

09/03/2011
Gốm Hương Canh vẫn cần sự
Qua bao năm thăng trầm, giờ đây, gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên đã có nhiều sản phẩm tuyệt mỹ để chiều lòng khách hàng khó tính trong và ngoài nước

Qua bao năm thăng trầm, giờ đây, gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, vẫn tồn tại với những tín hiệu lạc quan. Ở đây đã có nhiều sản phẩm tuyệt mỹ để chiều lòng khách hàng khó tính trong và ngoài nước nhờ các người thợ, những nghệ nhân quyết tâm giữ nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề ngày một tốt hơn. Vẫn là các sản phẩm quen thuộc: Chum, nồi, niêu, vại, tiểu, ống nước, bình, lọ...nhưng không phải chỉ được đặt ở xó bếp, góc vườn, chôn vùi dưới tro, dưới đất... như trước đây, gốm Hương Canh giờ đã được cải tiến, được cách điệu, đa dạng hoá mẫu mã và có chỗ đứng ở những nơi trang trọng trong khuôn viên các ngôi nhà, khách sạn, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Thế nhưng, làng gốm Hương Canh lại đang lâm vào cảnh khốn khó, nhiều năm qua không mở rộng được sản xuất do thiếu mặt bằng, thiếu đất nguyên liệu...

Tiếng vang một thời

Nghệ nhân làng gốm Hương Canh- ông Nguyễn Thanh thổ lộ: Với nhiều lý do cả chủ quan và khách quan mà làng gốm Hương Canh đã có lúc thịnh, lúc suy. Theo sử sách ghi lại thì làng nghề Hương Canh tính tới nay đã hơn 300 năm tuổi. Làng nghề khi mới hình thành chủ yếu sản xuất chum sành, tiểu sành, các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, dù suốt một thời gian dài, quy mô nhỏ lẻ và công nghệ thủ công, nhưng chất lượng sản phẩm cao và người tiêu dùng luôn chấp nhận. Năm 1958, Hợp tác xã (HTX) gốm Hương Canh ra đời nhằm quy tụ những người làm nghề gốm nơi đây và sản xuất theo kế hoạch tập trung.

Sản phẩm ở đây sở dĩ nổi tiếng là do sự ưu ái của thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây vùng nguyên liệu quý; người làm nghề cần mẫn và óc sáng tạo. Đất sét- loại nguyên liệu chính của Hương Canh dẻo và có nhiều màu như: xám, vàng, đỏ, nâu… rất thích hợp cho việc làm gốm. Sản phẩm khi đưa ra thị trường được nhiều người yêu thích vì vật dụng bền đẹp, màu men tự nhiên, có khả năng dầm mưa dãi nắng.

Nhiều sản phẩm nung già, khi gõ có tiếng kêu nhưng không bị nứt, không bị méo và đựng nước không bị rò rỉ ra ngoài. Chum, vại bình, lọ, chĩnh ở Hương Canh nếu đem đựng trà thì trà không bao giờ mốc và giữ nguyên mùi thơm đặc trưng; đựng rượu không giảm nồng độ mà để càng lâu thì rượu càng ngon, ngọt và thơm, đựng hạt giống với ngàn hạt thì khi gieo trồng cả ngàn hạt nảy mầm... Tiếng lành đồn xa, người dân khắp trong Nam ngoài Bắc đều biết về gốm Hương Canh. Nói về sản phẩm làng nghề này, người ta đã có câu: "sứ Móng Cái, vại Hương Canh"... nhằm suy tôn giá trị của sản phẩm.

Khi đồ nhôm, đồ nhựa lên ngôi

Năm 1987, HTX gốm Hương Canh giải thể do Nhà nước có chủ trương xoá bỏ cơ chế bao cấp, mặt khác, hàng gốm cùng thời điểm ít được dùng hơn khi đồ dùng bằng nhôm, nhựa, sứ... lên ngôi và bày bán tràn ngập trên thị trường. Người dân Hương Canh chuyển từ sản xuất gốm sang sản xuất ngói lợp để làm kế mưu sinh. Ít năm sau đó, cả Hương Canh có hàng trăm lò ngói hoạt động suốt ngày đêm, khói than phủ trắng thôn xóm, nạn khai thác đất ruộng đồng diễn ra tràn lan và ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, xe chở vật liệu hoạt động liên tục và đất rơi vãi các đường thôn xóm. Trước tình hình đó, năm 1997, chính quyền địa phương bắt đầu thắt chặt việc sản xuất ngói với mong muốn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khắc phục tình trạng khai thác đất nông nghiệp tràn lan.

Suốt thời gian dài lâm vào tình cảnh gian khó, người làm gốm ở Hương Canh những tưởng sẽ vĩnh viễn xoá bỏ nghề truyền thống của mình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người thợ, những nghệ nhân yêu nghề ở đây luyến tiếc, họ đã một lòng quyết tâm khôi phục lại nghề truyền thống mà ông cha để lại. Mong muốn của họ là phục dựng nghề gốm không những đem lại cơm, áo, gạo, tiền mà còn để lưu giữ nét văn hoá, nghệ thuật tinh hoa của tổ tiên. Cách đây hơn 10 năm, Hương Canh đã khôi phục lại nghề gốm và đến nay đã có 4 cơ sở sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Các hộ đã đầu tư rất nhiều công sức, tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các làng nghề gốm các địa phương, đem kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cơ sở làm nghề của gia đình.

Ông Nguyễn Thanh- một nghệ nhân trong làng đã động viên và đầu tư tiền của cho người con trai Nguyễn Hồng Quang, sinh năm 1980 đi học khoa điêu khắc- Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Khi trở về, anh Quang đã vận dụng kiến thức được học để áp dụng vào nghề truyền thống của cha ông và chỉ ít năm sau, nghề làm gốm của gia đình đã có một bước tiến vượt bậc. Các hộ gia đình khác làm gốm ở Hương Canh cũng học tập theo và đến nay tất cả các hộ ở đây đã chuyển hướng sang làm hàng mỹ nghệ. Giá trị sản phẩm hàng gốm mỹ nghệ cao gấp hàng chục lần so với các sản phẩm gốm thông thường và tiêu thụ rất dễ dàng ở cả trong và ngoài nước. Những bình, hũ đựng rượu có giá từ 500 ngàn, 700 ngàn đồng đến vài triệu đồng không còn là chuyện lạ. Một chiếc tiểu đẹp trước đây giá chỉ bằng tiền vài yến thóc hoặc vài ba gánh rau xanh thì hiện nay có thể có giá tới 2 triệu đồng, có gia đình sản xuất không kịp để cung ứng cho khách hàng. Vài năm gần đây, những hộ làm nghề gốm tiêu biểu ở Hương Canh đã thu lời từ 300 đến 500 triệu đồng/hộ/năm. 

Năm 2007, Trung tâm Khuyến công tỉnh phối hợp với UBND thị trấn triển khai Đề án khôi phục làng nghề gốm Hương Canh, hỗ trợ mỗi hộ gia đình từ 5-10 triệu đồng tùy theo quy mô của lò gốm. Trung tâm cũng đã tư vấn cho UBND tỉnh khu làm mặt bằng sản xuất... Tuy nhiên, do chưa quy hoạch được mặt bằng sản xuất và khu khai thác đất sét nguyên liệu tập trung nên làng nghề hiện nay khó được mở rộng về quy mô sản xuất.

             Để vực dậy làng gốm nổi tiếng một thời không chỉ trông chờ vào những người tâm huyết nơi đây mà phải có sự tiếp sức của các ngành, các cấp. Một việc làm đang được người dân làng nghề Hương Canh cần đó là, nghiên cứu, tìm hiểu nguồn nguyên liệu tương đồng với nguyên liệu đất sét tại các khu vực lân cận... để phục vụ làng nghề./.

Nguyễn Trọng Lịch