Trãi nghiệm và trưởng thành

Subscribe to RSS feed

Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, lăng mộ, đền thờ... trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi- Một vùng đất không chỉ được khắp nơi biết đến bởi là một thành phố công nghiệp trẻ mà còn nổi tiếng với biết bao cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và các khu di tích, lăng mộ, nơi ghi nhận những công lao của các bậc tiền nhân xứ Quảng. Để tỏ lòng biết ơn, vinh danh, tri ân và ca tụng công đức của các bậc tiền nhân trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có khá nhiều lăng, mộ, nhà thờ,… Đây không chỉ là sự bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối của nhân dân với các bậc tiền nhân mà còn là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống Cách mạng của dân tộc, của quê hương Quảng Ngãi anh hùng đối với các thế hệ mai sau. Tiêu biểu là những kiến trúc ở khu lăng mộ Trấn quốc công Bùi Tá Hán; Lăng mộ nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng; Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định,… Kiến trúc lăng mộ, đền thờ cũng mang những nét độc đáo riêng của đất và người xứ Quảng, gắn với lịch sử, văn hóa địa phương, và những giá trị về nghệ thuật tạo hình.

1- Chùa Thiên Ấn:
Chùa Thiên Ấn(7) nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, cách TP Quảng Ngãi 3,5km về hướng đông, thuộc thị trấn Sơn Tịnh, thường được người xưa xem là “đệ nhất thắng cảnh” của tỉnh Quảng Ngãi.Chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15, đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong). Tổ khai sinh chùa là thiền sư Pháp Hóa (1670 – 1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, thuộc dòng thiền Lâm Tế.
Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am tĩnh mịch, sau đó được dần trùng tu mở rộng thu hút được nhiều Tăng Ni Phật tử và trở nên nổi tiếng.
Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho nhà chùa biển ngạch Sắc Tứ Thiên Ấn Tự. Tấm biển này sau đó bị hư hại và được thiền sư Hoàng Phúc tái tạo vào năm 1946. Từ khi khai lập đến nay, chùa đã có 15 đời sư trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, gọi chung là lục tổ.
Chùa cũng đã trải qua 5 lần trùng tu, vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959. So với các ngôi chùa cổ trong Nam ngoài Bắc, kể cả chùa Ông Thu Xà, chùa Thiên Ấn không nổi bật lắm về kiến trúc nội thất, trừ nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, vốn là bộ khung mua lại của đình làng Phú Nhơn. Bù lại, chùa được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn – một thế đất thiêng trong tâm tưởng của người dân Quảng Ngãi.

Cổng tam quan Chùa Thiên Ấn ( Ảnh: Nguyễn Hữu Quang)
Không những đông đảo Tăng ni Phật tử tôn xưng ngôi tổ đình, mà đối với người dân, ngôi chùa này có một sự gắn bó bền chặt trong tâm linh, tình cảm, thể hiện qua các giai thoại như giếng Phật, chuông Thần và nhiều câu ca dao sâu nặng nghĩa tình được truyền miệng từ đời này qua đời khác.
Tại chùa Thiên Ấn có khu viên mộ, nơi an táng của các vị tổ sư và các đời trụ trì, nằm tiếp phía đông Chùa Thiên Ấn, với những ngôi bửu tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (3,5,7,9) và tượng hình hoa sen. Chính những khu viên mộ này là nơi gìn giữ bảo thân của 6 vị thiền sư nổi tiếng đã có công mở rộng, gìn giữ ngôi chùa cũng như mang giáo lý Đạo Phật đến với đông đảo tín đồ trong tỉnh. Cách ngôi chùa không xa, chếch về hướng tây nam là mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng với tấm bia mộ màu trắng, cao thanh thoát, có thể nhìn thấy từ phía xa xa. Kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông phương, ngôi mộ vừa có đường nét đơn giản, vừa có được sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hữu cơ với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn.
Chùa Thiên Ấn đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 2/3/1990.

Một ngôi tháp của chùa Thiên Ấn.

Một ngôi tháp cổ trong chùa Thiên Ấn.( Ảnh: Nguyễn Hữu Quang)

Ảnh: "Chuông Thần" ở chùa Thiên Ấn.
2- Chùa Ông:
Chùa Ông(8) còn gọi là chùa Quan Thánh tự thờ ba vị: Quan Công, Chu Thượng và Quan Bình, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, cách thành phố Quảng Ngãi 10km về hướng đông.
Tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.730m2, gồm vườn chùa, tam quan, sân chùa và chùa, được bao bọc bằng vòng thành cao 1,2m, dày 50cm kết cấu bằng tam hợp chất và gạch đá.
Chùa Ông do cộng đồng người Hoa sống tại Quảng Ngãi, thuộc tộc họ Minh Hương (dòng Phúc Kiến - Trung Quốc) đứng ra xây dựng vào cuối thể kỷ 18. Kiến trúc của chùa thèo hình chữ tam, nóc trang trí hình chim phượng. Chùa được trùng tu 4 lần năm 1920, 1951, 1991 và 1994, kiến trúc của chùa vẫn giữ nguyên vẹn như xưa theo thứ tự: tam quan, bình phong, biểu trụ, lầu trống, chuông và và chùa.


Ảnh: Chùa Ông, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi

Ảnh: Hoa văn trang trí cổ ở Chùa Ông, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi


Ảnh: Mái lư chùa , một cổ vật ở Chùa Ông, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi
Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo được xây dựng công phu và đẹp. Tất cả các câu đầu, đòn bẩy, xà ngang chạm trổ hình người, hoa lá, cỏ cây sinh động. Khám thờ Quan Công bằng gỗ được chạm khắc công phu, tỉ mỉ toát lên vẻ uy nghiêm thần bí. Trong chùa còn giữ nhiều di vật nhiều pho tượng cổ quí giá.
3- Điện Trường Bà:
Di tích tín ngưỡng Điện Trường Bà(9) toạ lạc bên tỉnh lộ 622, thuộc địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng,tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một công trình kiến trúc khiêm tốn, trang nghiêm, là một trong số những đền thờ bà Thiên Y A Na trên đất Quảng Ngãi. Gọi di tích này tương đối đặc biệt bởi ở chỗ cùng được cư dân các dân tộc Kor, dân tộc Kinh (ở bản địa- huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm, và hàng năm vào Lệ xuân, được tổ chức vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch, còn có người Chăm ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) và người Việt gốc Hoa ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tham gia lễ hội tưởng nhớ công đức nữ thần Ponagar rất trang trọng. Không thể biết chính xác ai là người xây dựng đầu tiên và xây dựng từ khi nào. Điều ngạc nhiên và chưa ai có thể lý giải được vì sao ngôi đền này được cả người Kor, người Kinh, người Chăm, người Hoa cùng tôn kính, thờ phụng trang nghiêm.
Cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu vẫn không biết gốc tích Điện Trường Bà có từ khi nào. Chỉ biết rằng cách đây rất lâu, người ta đã tình cờ phát hiện phần đầu một tượng đất nung nhỏ có hình thù và motip rất lạ. Các nhà nghiên cứu dân tộc học uy tín trên thế giới nhận định rằng, đó là tượng hình người gốc A-rập, niên đại trên 1.500 năm… Nhưng thông tin đó có tính gợi mở, đáp ứng phần nào sự tò mò của rất nhiều người muốn tìm hiểu về lịch sử hình thành ngôi đền Điện Trường Bà.

Ảnh: Cổng vào Điện Trường Bà ( Trà Bồng, Quảng Ngãi)
Hiện nay trong gian chính của Điện Trường Bà thờ bà Thiên Y A Na và là đối tượng thờ chính từ xa xưa. Sau này để tỏ lòng biết ơn những vị công thần có công trong buổi đầu đi mở đất (Vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) trong đền còn thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán và Phó đô tướng Dương võ công thần Mai Đình Đông. Bên ngoài điện, nằm về phía Tây còn có miếu thờ Bạch hổ sơn quân. Tương truyền xưa kia khi núi rừng còn hoang vu, nhờ có ông Hổ trắng bảo vệ, muôn thú không dám về quấy phá dân làng.
Trải qua thời gian, di tích Điện Trường Bà đã bị nhiều hư hỏng. Bắt đầu từ tháng 3 năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo lại di tích này. Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VHTTDL thì: “Lễ hội điện Trường Bà là một lễ hội tích hợp những hình thức văn hóa từ đa nguồn, là văn hóa Việt, văn hóa Chàm, văn hóa Hoa, văn hóa các dân tộc thiểu số, mà ở đây là văn hóa của người Cor, trong đó văn hóa Việt là cốt lõi. Lễ hội Điện Trường Bà đã thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo nên sự cố kết cộng đồng các dân tộc, có giá trị nâng cao nhận thức về giáo dục, đạo đức và thẩm mỹ đối với các tầng lớp nhân dân đang sinh sống ở vùng đất Trà Bồng.”
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có rất nhiều chùa: Chùa Tỉnh hội; Chùa Bửu Lâm, Chùa Tịnh Xá Ngọc Quảng (TP Quảng Ngãi), Chùa Hang (Lý Sơn),… cũng là những ngôi chùa mang nhiều nét kiến trúc độc đáo.

Lễ hội Điện Trường Bà ở Trà Xuân, Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi

4. Kiến trúc đền tháp, lăng mộ, nhà thờ:
- Kiến trúc các đền tháp:
Các đền tháp Chàm ở Quảng Ngãi hầu như không còn gì ngoài những phế tích. Những phế tích tháp Chàm phân bổ dày và quy mô lớn là ở huyện Tư nghĩa, huyện Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi. Đến nay đã phát hiện được ít nhất 10 phế tích đền tháp, đó là tháp Nghĩa Lâm, tháp An Tập (Tư Nghĩa), tháp Khánh Vân, tháp Tịnh Thiện, tháp Phú Hòa (Sơn tịnh), tháp Gò Sỏi, tháp Hành Thịnh (Nghĩa Hành), tháp Chánh Lộ, tháp Ông (TX Quảng Ngãi). Khu tháp Chánh Lộ (khu vực bệnh viện đa khoa ngày nay) là lớn nhất.
Tại đây vào những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã khai quật và thu được khá nhiều tượng. Di tích Chánh Lộ đã để lại một phong cách riêng biệt nghệ thuật điêu khắc tượng Chàm gọi là “Phong cách riêng biệt nghệ thuật điêu khắc tượng Chàm gọi là “Phong cách Chánh Lộ” nằm ở giai đoạn muộn phong cách Trà Kiệu, khoảng thế kỷ thứ IX, X. Di tích đền tháp Chánh Lộ là khu thờ thần lớn thứ nhất, là trung tâm hành hương của người Chàm trong vùng.
Các phế tích đền tháp Chàm ở Quảng Ngãi chứng tỏ chúng được xây dựng bằng gạch kích cỡ lớn (gạch xây tháp nhỏ hơn gạch xây thành), có độ nung cao. Song cho đến nay vẫn chưa tìm được dấu tích nơi làm gạch.
- Khu lăng mộ Trấn quốc công Bùi Tá Hán:
Mộ và đền thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán(10) tọa lạc tại khu rừng Lăng, thuộc địa bàn phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Bước vào khu mộ, một hình ảnh khá thân thuộc đập vào mắt đầu tiên sẽ là cổng tam quan, sau công là ngôi nhà dựng lên trên bậc tam cấp được trang trí với những nét hoa văn mang dáng dấp đình chùa của thời phong kiến xa xưa. Nằm ở bên trái khu thờ tượng là hai ngôi mộ bằng xi măng được xây dựng rất lạ mắt,
Thực ra khu lăng mộ này ngày xưa không nằm ở đây mà nằm ở ngọn đồi Đó là núi Ông Bùi Tá Hán hay còn gọi là núi Ông.
Trong đền có bức tượng thờ ông và người hầu (Thường gọi là Xích Y) với nhiều sắc phong của các triều vua Tây Sơn và triều Nguyễn, nhiều thơ, liễn đối phúng điếu của các quan lại và các bậc túc nho trong tỉnh.
Tên tuổi và sự nghiệp Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán gắn liền với vùng đất Quảng Ngãi trong tiến trình mở nước của dân tộc vào thế kỷ XVI. Huyền thoại về ông mãi khắc đậm trong ký ức lịch sử một vùng đất. Tên tuổi ông gắn liền với tên đất, tên làng, tên núi, tên sông quê hương Quảng Ngãi. Nơi đây còn lưu dấu bước chân của bậc tiên tổ khai điền lập địa. Tương truyền rằng, khi Ông chiến thắng giặc về đến núi Ông đã để lại con ngựa, chiếc áo giáp, thanh gươm và những giọt máu trên nền đất, nhưng điều lạ nhất là không có xác cụ ở đó (cụ đã hiển thánh). Để tưởng nhớ đến công ơn của Ông đối với đất nước, dân ở đây đã lập đền thờ Ông tại nơi này. Nơi đây còn lưu truyền hai câu thơ về sự hiển thánh của con người sống trung nghĩa, chết anh linh. Như cái chết hiển thánh của ông. Tương truyền, người và ngựa biến mất chỉ còn chiếc áo bào nhuộm máu lưu lại ở rừng Cầy - địa điểm lăng mộ hiện nay:
“ Nhơn mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu.”
(Người lẫn ngựa đi đâu không biết
Linh còn truyền điểm huyết áo nhung)
Tưởng nhớ đến công lao khai sáng địa phương của ông, người dân sở tại lập đền thờ phụng trên núi Phước. Kể từ đó, rừng Cầy, núi Phước được dân trong vùng gọi theo tục danh là rừng Lăng, núi Ông.

Ảnh: HS trường TH Quảng Phú I viếng lăng mộ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán
Các triều đại nối tiếp nhau từ Cảnh Thịnh (nhà Tây Sơn) đến Khải Định (nhà Nguyễn) đã ban cho ông nhiều đạo sắc phong . Ca ngợi tài đức của ông đối với dân, với nước, sử gia triều Nguyễn khái quát một cách sơ lược nhưng rất trân trọng: “… Chú trọng ban ân huệ, khoan hòa với quân dân, trăm họ yêu mến gọi là ông Trấn Bắc”. Hơn 400 năm trôi qua, trong ký ức lịch sử một vùng đất kể từ khi ông hóa thân vào hồn thiêng sông núi, vẫn còn đây sự tôn kính, ngưỡng vọng của người dân xứ Quảng đối với bậc công huân trong buổi đầu khai hoang mở cõi. Ở nhiều nơi trong tỉnh và trong vùng cũng còn một số di tích và miếu thờ liên quan đến Bùi Tá Hán. Đền thờ Bùi Tá Hán đã được cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia từ năm 1990.
- Lăng mộ nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng:
Cách ngôi chùa Thiên Ấn không xa, chếch về hướng tây nam trên đỉnh đồi Thiên Ấn là nơi tiền nhân yên nghỉ, đó là lăng mộ lăng mộ nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng(11). Người dân Quảng Ngãi kính trọng và yêu mến nên gọi đây là: “Mộ cụ Huỳnh”. Tên cụ Huỳnh được nhắc trong nhiều “danh xưng” khác nhau: ngoài “Lục phụng bất tề phi” còn có “Tam hùng” (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phạm Liệu), “Ngũ hổ” (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến). Đời cụ là một chuỗi dài các sự kiện đặc biệt. Đỗ tiến sĩ, sau tham gia phong trào Duy tân, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn, đi tù về tham gia làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, lập tờ báo Tiếng Dân ở Huế. Sau năm 1946, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…


Lăng mộ nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng( Ảnh: Nguyễn Hữu Quang)
Ông qua đời năm 1947 tại Quảng Ngãi. Nhân dân Quảng Ngãi yêu kính ông, an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn. Điều bất ngờ nhất là có một người nông dân Quảng Ngãi tình nguyện canh giữ phần mộ, chăm lo hương khói cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tên của ông là Nguyễn Tạo, sinh năm 1935. Hằng ngày, ông Tạo đi bộ từ nhà dưới chân núi lên đỉnh Thiên Ấn quét tước phần mộ, thắp hương giúp du khách và thuyết minh ngắn gọn cho họ nghe về cuộc đời và sự nghiệp tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Bốn mùa mưa nắng gió bão, ông Tạo tự nấu ăn ngay tại đó, chăm chỉ làm công việc tình nguyện không một ngày ngơi nghỉ. Ông kính yêu cụ Huỳnh với cả tấm lòng đôn hậu của người Quảng Ngãi.
Trải qua bao lần trùng tu, khu lăng mộ Huỳnh Thúc Kháng trở thành một di tích lịch sử hoành tráng, tươi đẹp trên đỉnh Thiên Ấn. Ai lên thăm Thiên Ấn cũng đến thắp hương tưởng nhớ cụ.
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng với tấm bia mộ màu trắng, cao thanh thoát, có thể nhìn thấy từ phía xa xa. Kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông phương, ngôi mộ vừa có đường nét đơn giản, vừa có được sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hữu cơ với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn.
Lăng mộ có kiến trúc phóng khoáng, quay về hướng nam, phía trước mặt là con sông Trà lặng chảy. Núi Thiên Bút như một bức bình phong thiên nhiên án ngữ. Vài trăm mét đường đá lát dưới bóng dương liễu già cỗi trông thật thơ mộng. Ba đại tự “Huỳnh Thúc Kháng” (chữ Hán) trên mộ nhắc nhở hậu thế về một vị đại khoa đang yên nghỉ nơi đây, và đặc biệt hơn: vị đại khoa ấy không hề muốn ra làm quan! Nhìn từ xa, nơi cụ Huỳnh yên nghỉ gần như được “bao bọc” bởi 20 gốc sứ hoa trắng, xanh um.
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 2/3/1990.
- Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng :
Tọa lạc ở thôn 2, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, nằm gần Quốc lộ 1A, bên đồng ruộng xanh tươi, là khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng(12)
nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp nhà lãnh tụ Phạm Văn Đồng ngay tại quê hương. Trước kia, ở đây có ngôi nhà cũ được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, là nhà lá mái (nhà đắp) có 3 gian 2 chái. Năm 1972, nhà bị trúng pháo đổ nát. Năm 1978, chính quyền địa phương xây dựng lại ngôi nhà trên khu vườn cũ trước đây của gia đình để làm nhà lưu niệm.
Khởi công xây dựng cách đây gần 4 năm với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có diện tích rộng hơn 2 ha được xây dựng lại hoành tráng. Nhà lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng vách gạch, mái lợp ngói, nội thất chia làm 3 gian gồm các khu: Khu tưởng niệm gồm hai khu vực chính: Khu A gồm nhà trưng bày các hình ảnh, hiện vật của cố Thủ tướng, nhà đón khách tham quan, phòng chiếu phim tư liệu về cuộc đời cố thủ tướng . Khu B gồm các hạng mục phục dựng ngôi nhà lưu niệm sinh thời của cố Thủ tướng, nơi cố Thủ tướng hoạt động Cách mạng trong giai đoạn 1936 – 1937. Khu lưu niệm trưng bày hơn 150 bức ảnh và khoảng 300 hiện vật và tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong các giai đoạn phát triển của đất nước.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, một chính khách, một nhà ngoại giao có uý tín được bạn bè quốc tế đánh giá cao.Tên tuổi và sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước ta trong thế kỷ XX… Di tích đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.


Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Ảnh: Hà Như Thu)
(Ảnh: Hà Như Thu)

Ảnh: Đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định
- Đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định:
Đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định (1820-1864) được xây dựng tại quê hương ông - làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định(13) gồm các hạng mục: đền thờ chính bên trong có hương án, hoành phi câu đối ghi nhớ công lao của ông, nhà trưng bày tranh ảnh tư liệu, nhà bia ghi công trạng, sân hành lễ, đường nội bộ... Tổng vốn đầu tư xây dựng ngôi đền là 5,929 tỉ đồng...
“Giáo dục mỹ thuật Quảng Ngãi trong trường THCS” sẽ là một yếu tố quyết định để có hướng đi lâu dài cho việc bảo tồn và phát huy khối di sản khổng lồ đó. Thông qua nội dung giáo dục mỹ thuật địa phương nhằm để khêu gợi lòng tự hào về những di sản về mỹ thuật của địa phương, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, làm cho HS thấy được “trách nhiệm của mình trong việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, trên cơ sở đó giáo dục tình cảm nhân văn cho học HS ở bậc học THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Việc đẩy mạnh nghiên cứu mỹ thuật cổ và mỹ thuật đương đại ở địa phương được xem là cần thiết và có phần cấp bách để đánh giá đúng mức các di sản văn hóa mà chúng ta đang sở hữu nhằm giáo dục tình cảm thẩm mỹ, thái độ và hành vi, ý thức bảo vệ các di sản, tình cảm nhân văn...cho thế hệ trẻ trong tương lai...
(Trích: Giáo dục mỹ thuật Quảng Ngãi trong trường THCS)

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

(7)-Quỳnh Mai-Thiên Ấn niêm hà - đệ nhất phong cảnh Quảng Ngãi; Đến Quảng Ngãi thăm chùa cổ Thiên Ấn. Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/kientrucdep
(8)- Kiến trúc Chùa Ông. Nguồn: http://www.skydoor.net/place/
(Theo vietnamtourism.com)
(9)- Minh Bảo. Di tích tín ngưỡng Điện Trường Bà. Nguồn: http://vietnamnet.vn
(10)-Mộ và đền thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán.
Nguồn: http://www.quangngai.gov.vn
(11)- Lăng mộ nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng
Nguồn: http://www.quangngai.gov.vn
(12)-Đoàn Minh Tuấn: Thăm nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
http://vnca.cand.com.vn/