Bức tranh làng cổ Thổ Hà đang dần biến dạng, đổi thay từng ngày... Với đà biến dạng chóng vánh như vậy, chỉ hơn chục năm nữa khi trở về thăm làng, nhiều người không khỏi nghi ngờ liệu đây có còn là một làng cổ?
5 năm trước tôi có dịp về Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đó là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến một làng cổ của Việt Nam, cảm giác lúc đó thật kỳ lạ và ngỡ ngàng. Những ngõ nhỏ đường xương cá đều tăm tắp, thẳng hàng, những nếp nhà xinh xắn rêu phong quần tụ, sum vầy, nghiêng mình, soi bóng xuống sông Cầu, những mái đình, mái chùa, cây đa, bến nước đã thực sự cuốn hút không chỉ tôi mà còn nhiều du khách.
Thổ Hà bây giờ...
Trở lại Thổ Hà lần này, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều ngôi nhà cao tầng đến thế. Người Thổ Hà đang dần phá, sửa chữa những ngôi nhà cũ kỹ của mình để dựng lên những tòa kiến trúc tiện nghi, sang trọng hơn, xung quanh các công trình kiến trúc cổ như cổng làng, đình, chùa đều thấp thoáng những ngôi nhà bê tông cao sừng sững, không gian cảnh quan của ngôi làng cổ phần nào đã bị đảo lộn. Dẫn tôi đi quanh làng là ông Trịnh Đắc Thiện - một người có nhiều gắn bó, tâm huyết với làng Thổ Hà - ông cho biết: “Thật là xót xa, nhìn những nét hoài cổ của làng mình đang bị biến mất từng ngày, tôi buồn lắm”.
|
Đình làng Thổ Hà. Ảnh: N.Đ |
Ngay như chính ông Thiện, người đã từng có thời gian dài làm cán bộ văn hoá xã Vân Hà đã bỏ nhiều thời gian, công sức tìm hiểu những nét văn hoá của làng mình, cũng không tránh khỏi tình trạng băn khoăn nên “phá” hay “để” ngôi nhà cổ trên hai trăm năm của tổ tiên. Gia đình ông có 4 anh em trai, khi lấy vợ thì phải chia đều cho cả 4, nhưng với căn nhà cổ ba gian như vậy, thì việc chia làm bốn là điều rất khó, sau nhiều ngày bàn đi, tính lại, mấy anh em ông thống nhất giữ lại nguyên ngôi nhà cổ đó cho ông anh cả ở, và cùng hỗ trợ để ba người em ra nơi khác.
Thổ Hà có nghề truyền thống làm bánh đa nem, nghề này dù có phần vất vả, nhưng đổi lại đã góp phần đem lại thu nhập đều đặn và ổn định cho người dân, điều kiện kinh tế của bà con được nâng lên, nhiều gia đình trở nên giàu có. Khi kinh tế khá hơn thì việc đòi hỏi có một cuộc sống tiện nghi, thoải mái và dễ chịu hơn là chuyện tất yếu. Vậy nên, các gia đình cứ đua nhau nâng cấp, sửa chữa và xây mới những ngôi nhà cao tầng thật lạc lõng giữa một không gian văn hoá thuần Việt.
Mặt khác, dân số Thổ Hà mỗi lúc một tăng lên, đất đai thì chật hẹp, cả làng không có lấy nửa hécta đất nông nghiệp, nhiều gia đình khi con cái đã đến tuổi xây dựng gia đình, việc xây nhà cao tầng, rộng rãi là cần thiết. Với một ngôi nhà cổ 2 gian có niên đại trên 100 năm, năm 2010 vừa qua ông Trịnh Đắc Ước - một người dân trong làng - đã buộc lòng phải phá đi để xây căn nhà mới hai tầng, khang trang. “Dù rất muốn giữ lại nhà cổ nhưng bởi vì hai con trai tôi đã đến tuổi xây dựng gia đình nên đành phải phá đi, xây nhà mới to hơn” - ông Ước phân trần.
Thêm nữa, Thổ Hà là làng cổ được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, đã có nhiều tour du lịch tổ chức đến đây, nhưng người dân Thổ Hà được hưởng lợi trực tiếp từ ngành du lịch chưa nhiều, có chăng chỉ là những thu nhập gián tiếp từ việc bán sản phẩm của làng nghề cho khách du lịch. Và thử hỏi, nếu một ngày nào đó, ở Thổ Hà toàn những ngôi nhà cao tầng hiện đại, thì du khách còn muốn đến?
Khó khăn trong công tác bảo tồn
Vấn đề quản lý, bảo tồn làng cổ ở nước ta đã và đang gặp rất nhiều những khó khăn, bất cập. Việc bảo tồn làng cổ Thổ Hà còn khó hơn rất nhiều. Theo ông Nguyễn Chí Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hà, thì việc dãn dân là một trong những biện pháp quan trọng để có thể cứu làng cổ, nhưng đến nay phương án này cũng vẫn chỉ nằm trong chủ trương của chính quyền. Ông Liêm cho biết, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, về việc dãn dân ở Thổ Hà lên vùng Yên Viên, “việc dãn dân đã nằm trong chủ trương của xã nhưng giá đất ở Thổ Hà đắt hơn nhiều so với ở Yên Viên nên người dân Thổ Hà không muốn chuyển đi”.
Làng Thổ Hà có trên 4000 nhân khẩu, 900 hộ, chia làm 3 xóm. Điểm đáng nói, đây là làng cổ chưa được Nhà nước xếp hạng là di tích như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) hay Phước Tích (Huế), nên người dân tự do sửa chữa, thay thế và thậm chí phá bỏ hoàn toàn các công trình kiến trúc cũ của gia đình mình mà không hề vướng phải rào cản pháp lý nào.
Ông Thiện cho hay, hồi ông vẫn còn làm cán bộ văn hoá xã (năm 2007 ông về nghỉ hưu), trong bản báo cáo hằng năm, ông đã trình bày vấn đề này lên Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Việt Yên, có lần lên tỉnh tập huấn bảo quản, trùng tu, tu bổ di tích ông đã đem những ý kiến của mình trình bày với một số cơ quan chức năng của nghành Văn hoá - Thông tin tỉnh: “Tôi đem những băn khoăn của mình nói với cả Cục Di sản nhưng... cũng khó, bởi Thổ Hà chưa phải là di tích đã được xếp hạng”.
Xung quanh vấn đề này ông Liêm cho biết, khó khăn nhất bây giờ vẫn là nguồn kinh phí, nhiều nhà cổ đã bị xuống cấp, nếu muốn sửa lại bằng vật liệu gỗ lim như cũ rất tốn kém, nhiều hộ chọn vật liệu bê tông để sửa chữa, vừa rẻ lại có thể mở rộng hơn, một vài gia đình chọn phương án xây mới, vì vậy mà ngày càng có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên ở làng cổ Thổ Hà.
Hiện nay, chưa có một thống kê chính xác nào về số lượng nhà cổ ở Thổ Hà, nhưng theo sự nhẩm tính của ông Trịnh Đắc Thiện thì có khoảng trên 50 nhà cổ. Cũng theo ông Thiện, những năm gần đây ở Thổ Hà có 8 ngôi nhà cổ bị biến dạng do người dân chia cắt, sửa chữa, nâng cấp, có 5 ngôi nhà cổ bị phá đi xây mới hoàn toàn. Mỗi một ngôi nhà mới ở Thổ Hà được xây lên, đồng nghĩa với việc có thể một ngôi nhà cổ bị biến mất.
Nghề gốm cổ ở Thổ Hà đã bị mai một bấy lâu, những người yêu gốm quê hương thì vẫn thoi thóp tìm cách bảo tồn, khôi phục và tìm hướng đi mới. Nếu như chúng ta mất luôn cả nhà cổ, làng cổ - cái hồn cốt của Thổ Hà thì xem như đánh mất di sản vô cùng quý báu mà không bao giờ lấy lại được.
Nguyễn Đào