Hoằng Lộc

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm

Hoằng Lộc là một thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Hoằng Lộc, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là Hoằng Bột, gồm hai làng Hoằng Nghĩa và Bột Hưng, có tiếng là một vùng quê hiếu học xứ Thanh (tỉnh Thanh Hóa).

Hoằng Lộc còn là quê hương của Nguyễn Quỳnh, con người tài ba được xã hội đương thời xếp vào "Tràng An tứ hổ": "Nhất Quỳnh, nhì Nam, tam Hoàn, tứ Tuấn" [1].


Hoằng Lộc
Tỉnh/Thành phố Thanh Hóa
Quận/Huyện/Thị xã Hoằng Hóa
Diện tích 2,62 [2] km²
Số dân 5.264 người (1999)[2]
Mật độ dân số 2.009 người/km²
Mã đơn vị hành chính 15964[3]
Mã bưu chính 44266 - 44267

Địa lý[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Hoằng Lộc có diện tích 2,62 km2;. Theo Tổng điều tra dân số năm 1999, xã có 5.264 người[2] (mật độ dân cư vào loại lớn nhất huyện Hoằng Hóa).

Địa giới hành chính:

Thời xưa, Hoằng Lộc có tên là Kẻ Vụt. Từ thế kỉ 10 có tên là Đường Bột trang. Thời Lê có tên là Đà Bột, gồm hai xã Bột Thượng và Bột Hạ. Cuối thế kỉ 15, Bột Hạ đổi thành Bột Thái[4].

Thời Gia Long, hai làng Bột Thượng và Bột Thái thuộc tổng Hành Vỹ, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), nhập hai xã Bột Thượng, Bột Thái thành xã Hoằng Đạo[4].

Cuối thế kỉ 19, xã Hoằng Đạo được tách thành hai xã Hoằng Nghĩa và Bột Hưng, vẫn thuộc tổng Hành Vỹ. Sau Cách mạng tháng Tám, hai xã trên sáp nhập cùng các xã Thịnh Hòa, Đoan Vỹ, Bình Yên lập thành xã Hưng Thịnh[4].

Ngày 6/01/1946, lập xã Hoằng Bột gồm hai xã Hoằng Nghĩa và Bột Hưng. Tháng 4/1947, xã Hoằng Bột sáp nhập cùng các xã Bái Trung, Đại Báo lập thành xã Hoằng Lộc[4].

Cuối năm 1953, xã lớn Hoằng Lộc được chia thành bốn xã: Hoằng Lộc (mới), Hoằng Trạch, Hoằng Đại, Hoằng Thành. Xã Hoằng Lộc (mới) ổn định đến nay[4].

Hiện nay xã Hoằng Lộc gồm các thôn: Đình Nam, Bắc Nam, Hưng Tiến, Bái Đông, Đình Bảng, Đông Phú, Hưng Thịnh, thôn Chùa, Đà, Sau, Lay, Đồng Mẫu.

Hoằng Lộc nằm ở phía nam huyện Hoằng Hóa, một huyện có nền văn hiến lâu đời. Có câu phương ngôn rằng: Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng HóaThầy đồ Hoằng Hóa, thầy khóa Đông Sơn. Trong huyện, Hoằng Lộc là đất văn học lâu đời. Có thể vì lẽ đó mà từ thế kỷ 19, giới nho sĩ Hoằng Hóa đã lập văn từ thờ Khổng Mạnh và những bậc văn nhân của huyện ngay trên đất Hoằng Lộc [1].

Theo Thần phả, vua Lý Thái Tông, trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành, đã đóng quân ở đây và mệnh danh vùng đất này là nơi "địa linh nhân kiệt". Văn bia ở Văn từ huyện Hoằng Hóa đã khắc họa địa thế và vị trí đặc sắc của Hoằng Lộc: "Hình thế thì có núi Phong Châu làm án, có dòng sông Mã uốn quanh, non sông đúc kết khí thiêng, sinh trưởng nhân tài anh tuấn... kẻ sĩ nhiều người đỗ đạt, danh tiếng lẫy lừng, đứng hàng đầu Châu Ái mà sánh chung cả nước" [1].

Truyền thống khoa bảng[sửa | sửa mã nguồn]

Những người đỗ đại khoa[sửa | sửa mã nguồn]

Truyền thống khoa bảng

Hoằng Lộc là xã có truyền thống về học hành, khoa cử, là nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hoằng Lộc có lịch sử khoa cử 438 năm, lịch sử ghi nhận kể từ năm có vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481) đến khoa thi nho học cuối cùng triều Khải Định (1919).

Trong hơn bốn thế kỷ, Hoằng Lộc có mười hai người được đề danh trên bảng vàng đại khoa, trong đó có bảy vị được khắc tên tại bia đá đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; có hai người đỗ tam khôi là ông Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất và ông Thám hoa Nguyễn Sư Lộ; hai người đỗ Đình nguyên Hoàng giáp là ông Nguyễn Thứ và ông Nguyễn Lại (hai kỳ thi này không lấy tam khôi); một người đỗ Hội nguyên là ông Nguyễn Nhân Thiệm và hai người đỗ Hoàng giáp là ông Nguyễn Cẩn và ông Nguyễn Bá Nhạ.

Danh sách mười hai người đỗ đại khoa:

  1. Nguyễn Nhân Lễ: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu Hồng Đức 12 (1481), lúc 21 tuổi.
  2. Nguyễn Thanh: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu Quảng Hòa 1 (1541), lúc 36 tuổi.
  3. Nguyễn Sư Lộ: Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân đệ tam danh (Thám Hoa), khoa Chế khoa năm Giáp Dần, Thuận Bình thứ 6 (1554).
  4. Bùi Khắc Nhất: Đệ nhị giáp Chế khoa xuất thân đệ nhị danh (Bảng Nhãn), khoa Chế khoa Ất Sửu năm Chính trị thứ 8 (1565), lúc 33 tuổi.
  5. Nguyễn Cẩn: Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân thứ 3 (Hoàng Giáp), khoa Cảnh thìn Diên Thành thứ 3 (1580) lúc 44 tuổi.
  6. Nguyễn Nhân Thiệm: Hội nguyên khoa Quý Mùi Quang Hưng thứ 6 (1583) triều Lê Thế Tôn, lúc 49 tuổi.
  7. Nguyễn Thứ: Đình nguyên Hoàng giáp, khoa Mậu Tuất Quang Hưng thứ 21 (1598) triều Lê Thế Tôn, lúc 27 tuổi.
  8. Nguyễn Lại: Đình nguyên Hoàng giáp, khoa Kỷ Mùi Hoằng Định thứ 20 (1619), triều Lê Kính Tông, lúc 39 tuổi.
  9. Nguyễn Ngọc Huyền: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu Bảo Thái thứ 2 (1721) triều Lê Dụ Tôn, lúc 37 tuổi.
  10. Lê Huy Du: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Mùi Chiêu Thống nguyên niên (1787) triều Lê Mẫn Đế, lúc 31 tuổi.
  11. Nguyễn Tôn Thố: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân thứ 5, khoa Ất Mùi Minh Mệnh thứ 16 (1835), lúc 43 tuổi.
  12. Nguyễn Bá Nhạ: Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân thứ nhất (Hoàng Giáp) và là người đỗ thứ 2 khoa thi Quý Mão Thiệu Trị 3 (1843) lúc 22 tuổi.

Bảng Môn Đình[sửa | sửa mã nguồn]

Bảng Môn Đình (Đình Bảng)

Bảng Môn Đình (Đình Bảng) được dựng lên từ thế kỷ 15, vừa là nơi tế lễ thành hoàng làng vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức các lễ hội. Nét đặc sắc ở đây là Bảng Môn Đình trở thành nơi hội tụ, hoạt động, đào luyện những người theo nho học, những trí thức trong làng, nơi học hỏi những điều hay trong các buổi bình văn giảng tập. Từ đó đình có tên Bảng Môn, có nghĩa là cửa vào của các nhà khoa bảng.

Di vật trong Bảng Môn Đình còn giữ lại được gồm một bức đại tự "Địa Linh Nhân Kiệt" và hai bản "Thúc Ước Văn". Gần đây, những di tích lịch sử như tấm bia "Đường Bột Kiều Bi", một tấm bia lớn ghi công trạng của các vị đại khoa và "Hòn đá Sư lộ" được đưa về trước cửa đình.

Năm 1990, Bảng Môn Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật [5]

Trạng Quỳnh[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà thờ Nguyễn Quỳnh

Hoằng Lộc là quê hương của Nguyễn Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại lấy cốt lõi từ cuộc đời ông rồi hư cấu thêm gọi là truyện Trạng và dân gian gọi ông là Trạng Quỳnh mặc dù ông chỉ đỗ hương cống. Năm 1990, đền thờ ông tại Hoằng Lộc đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia [5][6].

Di tích lịch sử, văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

  • Bảng Môn Đình.
  • Nhà thờ - Lăng mộ Hà Duy Phiên: Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh[7]
  • Nhà thờ Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền: Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh[8]

Hội làng Bột Thượng[sửa | sửa mã nguồn]

  • Thời gian:20-22/12 Lịch âm hàng năm
  • Địa điểm:Thôn Đình Bảng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  • Đối tượng tôn vinh: Thành hoàng làng là tướng Nguyễn Tuyên - người có công lớn giúp triều Lý.
  • Đặc điểm: Lễ mừng công thành hoàng làng tổ chức 3 ngày, lễ tế lợn, xôi, rượu.

Phụ lục[sửa | sửa mã nguồn]

  1. Bản đồ xã Hoằng Lộc trên Wikimapia
  2. Googlemap
  3. Đồng hương Hoằng Lộc trên Facebook
  4. Hoằng Lộc Fanpage

Tài liệu tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a ă â Bùi Khắc Việt và Nguyễn Đức Nhuệ (1996). Hoằng Lộc, đất hiếu học. Nhà xuất bản Thanh Hóa. 
  2. ^ a ă â Quyết định số 19/2006/QĐ-BTNMT ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục địa danh các đơn vị hành chính Việt Nam thể hiện trên bản đồ. 
  3. ^ Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam. 
  4. ^ a ă â b c Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hoá. Tên làng xã Thanh Hoá, tập I. Nhà xuất bản Thanh Hoá, 2000. tr. 73. 
  5. ^ a ă “Các di tích được xếp hạng”. www.binhthuan.gov.vn. 
  6. ^ Trần Văn Thịnh, Trịnh Mạnh, Lê Bá Chức và Nguyễn Thế Long (1995). Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa. Nhà xuất bản Thanh Hóa. 
  7. ^ Quyết định số 3180/QĐ-CT ngày 18 tháng 9 năm 2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá
  8. ^ Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

  1. Làng văn, làng khoa bảng - nét đẹp văn hoá cổ truyền tỉnh Thanh
  2. Trạng Quỳnh - dân - thần
  3. Những ngôi làng cử nhân
  4. Sách: 40 Truyện Trạng Quỳnh
  5. Đất Trạng Quỳnh- đất học từ ngàn xưa
  6. Về vùng "đất Trạng"