+ Trả Lời Ðề Tài
Trang 4 trong 7 Đầu tiênĐầu tiên ... 2 3 4 5 6 ... Cuối cùngCuối cùng
kết quả từ 31 tới 40 trên 68

Ðề tài: Phố cổ Hà Nội

  1. #31
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    30. Phố Hàng Hòm



    Phố Hàng Hòm xưa


    Phố Hàng Hòm dài một trăm hai mươi mét ở trên đất cũ thôn Cổ Vũ. Vào khoảng giữa thế kỷ 18, một số người làng Hà Vĩ (phủ Thường Tín - Hà Đông) có nghề cổ truyền làm đồ gỗ sơn, ra Hà Nội lập nghiệp, đến ở phố này.

    Trong phố còn ngôi đình (số nhà 11) do người Hà Vĩ lập ra thờ ông tổ nghề sơn là Trần Lư. Khu nhà này bên ngoài là đình hai bên có bệ ngồi của các quan viên; bên trong là đền, đền thờ chư vị, tuần rằm lên đồng lên bóng.

    Người Hà Vĩ vẫn giữ tập quán và phong tục hàng giáp, lễ bái ở đình. Hàng năm đình vào đám đầu tháng 2 âm lịch, có tế lễ rước sách (rước kiệu thần quanh phố); ngày vào đám dân làng Hà Vĩ ở Thường Tín cũng ra dự, mang cả đồ thờ theo, xong đám lại đem về.

    Người phố Hàng Hòm đa số là người dân Hà Vĩ, về sau thêm cả người làng Đa Sĩ. Trong phố chỉ có một gia đình là người Hoa Kiều (số nhà 16) cùng sản xuất hòm gỗ.

    Hàng Hòm làm đồ gỗ sơn: hòm, tráp bằng gỗ sơn then (đen), hòm đựng quần áo, tráp đựng giấy bút. Về sau làm cả hòm gỗ mộc sơn bằng sơn tây màu cánh dán. (Hòm da khoá chuông sắm cho cô dâu về nhà chồng thì mua ở hiệu khách Hàng Buồm).

    Việc sản xuất đồ gỗ lúc đầu hòm là chính: thợ làm ngay trong nhà, ngoài cửa hàng bày hàng bán. Những gia đình ít vốn, thuê buồng ở phía sau rẻ tiền, nhận việc bên ngoài về làm lấy công. Sau thêm đồ sơn mài: sơn then, sơn cánh dán có vẽ hoa lá. Làm cả câu đối, quả tráp giầu, ngai thờ. Già nửa phố là những nhà làm hòm, chỉ có đôi ba nhà làm đồ sơn mài.

    Vào khoảng những năm ba mươi trở đi, Hàng Hòm theo nhu cầu mới, sản xuất thêm hàng đồ da cần cho những người đi xa: va li, cặp da, túi du lich. Và lác đác thêm mấy nhà làm khăn xếp, mũ tây và giày vải thêu; đó là những gia đình ở bên Hàng Gai, Hàng Trống tràn sang.

    Hàng Hòm là một phố cũ, nhà cửa làm đã lâu đời, kiểu cũ cũng như ở các phố cổ khác Cầu Gỗ, Hàng Quạt, Hàng Cân: nhà phía mặt ngoài còn những chỗ không theo thẳng hàng, gác kiểu “chồng diêm”; một số ít nhà được cải tạo lại nâng hai tầng song chưa nhiều.

    Một điểm đặc biệt của Hàng Hòm là tập trung ở đầu phố chỗ giáp Hàng Gai - Hàng Hài nhiều hàng cơm nhỏ, hàng nước; có đến ba, bốn hàng thịt chó và hàng cháo lòng (chỗ trông sang ngõ Hàng Chỉ, khách hàng là những người chờ lĩnh báo ở trong ngõ mang đi bán).

    Chiến sự cuối năm 1946 đầu 1947 đã tàn phá Hàng Hòm, vì đây là chỗ giáp ranh hai khu, giao chiến suốt ngót ba tháng; quân Pháp đã bắn đại bác vào khu này, phá huỷ hầu hết nhà cửa, chỉ còn nguyên vẹn ngôi nhà số 36. Hàng Hòm đã được xây dựng lại trong thời tạm chiếm, nên nhà nào cũng theo kiểu mới cao rộng.


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  2. #32
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    31. Phố Hàng Cót



    Phố Hàng Cót cũ


    Phố Hàng Cót và phố Hàng Gà cùng ở trên một con đường cũ có sẵn từ xưa. Khu vực này gần Bến Nứa, trong phố có nhiều nhà làm nghề đan cót bán; người đan cót làm việc ở ngoài vỉa hè.

    Và cũng như Hàng Gà, trước 1920, đa số nhà trong phố là nhà một tầng kiểu cổ, rất ít nhà hai tầng. Riêng có một ngôi nhà lớn được xây dựng khá sớm, ban đầu là nhà hát sau dùng làm trường học. Lai lịch ngôi nhà đó như sau: nhân có hội chợ năm 1887 ở Tràng Thi, một công ty người Tàu đứng tên người Pháp là bác sĩ Nico, xây một nhà hát diễn tuồng Tàu, thỉnh thoảng cho Tây thuê biểu diễn ca nhạc và làm sân khấu cho những gánh hát lưu động ở Pháp sang. Tháng 3 năm 1888 cháy lớn ở Hàng Cót, may nhà hát không việc gì. Đến 1916, thành phố lấy ngôi nhà đó làm một trường nữ học cho Khu Bắc, gọi là trường Brieux, tên thông thường là trường Hàng Cót.

    Di tích thờ tự cũ trong phố Hàng Cót có đình Ngũ Giáp (ở số nhà 54); thôn Tân Khai còn một ngôi đình cũ nữa ở đầu Hàng Cót (số nhà 4), bị hư hỏng nặng và bị phá khoảng năm 1920, bán cho tư nhân xây nhà. Cạnh đình Ngũ Giáp có một ngôi đền thờ Chư Vị gọi là đền Nam Phủ. Chùa Pháp Bảo Tạng (số nhà 44) mới xây gần đây trong những năm tạm chiếm 1948 - 1954 để chứa những bản mộc in Kinh Phật.

    Phố Hàng Cót được mở mang từ thập niên ba mươi, bốn mươi; nhiều nhà kiểu mới to đẹp bắt đầu được xây dựng ở đây. Đường xe điện Kim Liên - Yên Phụ đặt năm 1935 đi qua Hàng Gà - Hàng Cót lên Hàng Than.

    Có thể chia Hàng Cót ra làm hai đoạn:

    - Đoạn đầu từ vườn hoa Hàng Đậu đến cầu Sắt. Đoạn này không dài nhưng lại có nhiều nhà lớn kiểu Villa làm vào những năm sau 1930. Chủ nhà đất xuất thân quan lại (Hoàng Gia Luận, số 2 - Gia đình Bùi Đình Tịnh số 14 - 16) hoặc công chức cao cấp (bác sĩ An số 4 - Trương Văn Thiện số 7); cũng có công chức sơ cấp lương ít nhưng tằn tiện, con cái được học hành làm nên.

    - Đoạn cuối phố, từ Cầu Sắt đến ngã tư Hàng Gà - Hàng Vải: đây là một phố cũ lại ít người giàu lớn nên nhà cửa xây từ xưa còn lại đều nhỏ hẹp kiểu cổ; những ngôi nhà lớn ở đoạn này là của người có tiền ở phố khác đến tậu đất làm nhà mới. Dãy bên số lẻ đến nay vẫn còn lại nhiều nhà một tầng và ít nhà hai hoặc ba tầng. Bên số chẵn, ngoài một số đền chùa vốn xây dựng trên những khoảng đất rộng, có những ngôi nhà lớn hoặc nhỏ nhưng nhiều tầng kiểu mới. Thí dụ: villa to của bác sĩ Ngô Trực Tuân ở ngay ngã ba Cầu Sắt (số 20), nhà hộ sinh Hàng Cót (số 40), nhà Lê Quảng Long (số 50), tư sản có cửa hiệu may Tây Hàng Đường, xây nhà ở đây để gia đình ở.

    Phố Hàng Cót không phải là một phố buôn bán, mấy cửa hàng lơ thơ trong phố chỉ là những cửa hàng xén lặt vặt phục vụ những cái cần thiết hàng ngày cho người trong phố, khách mua hàng chỉ mấy bước chân là vào đến chợ để mua sắm có đầy đủ hơn. Người thuê nhà ở Hàng Cót đa số cũng chỉ là công chức, nhân viên sở tư. Một số phòng khám bệnh tư của bác sĩ Việt Nam và một nhà hộ sinh vào loại lâu đời nhất của Hà Nôị: nhà hộ sinh của bà đỡ Tiến (số 40). Một nhà cho thêu xe đám ma Louis Chức (số 13).

    Một hiệu thợ may Tây (Tân Hưng số 17). Một hiệu ảnh Rolleie photo (số 60). Một xưởng chữa mấy nhỏ (Rozier số 2). Mấy trương tư thục (trường Trí Đức số 65, trường Nguyễn Văn Tòng số 46 - 48, trường Thăng Long số 9 - 11 và số 2).


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  3. #33
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    32. Phố Lò Rèn



    Phố Lò Rèn xưa


    Phố Lò Rèn cũng là một xóm cũ thôn Tân Khai được cải tạo thành đường phố sau khi khu vực này được quy hoạch. Nó vẫn còn giữ dấu vết của một phường thủ công nghèo với những ngôi nhà diện tích hẹp kiểu cổ nhỏ bé.

    Dân phố Lò Rèn là người gốc làng Hoà Thị (làng Canh huyện Từ Liêm) có nghề cổ truyền đặt bễ rèn các đồ dân dụng bằng sắt. Người làng Canh gánh lò bế đi khắp các nơi, chợ búa, thành thị và nông thôn, rèn thuê. Họ rèn những nông cụ (cuốc, mai, thuổng, răng bừa, lưỡi cày, liềm hái...), những đồ dùng gia đình (dao, kéo), đồ dùng của thợ cạo, thợ mộc, thợ may cùng những vũ khí nhỏ (dao ba, dao bảy, mã tấu, mác, sỉa...).

    Dụng cụ của thợ mộc thợ chạm do thợ làng Canh rèn đều có tiếng về nước tôi đủ độ bền cứng mới làm được gỗ tứ thiết. Kéo, dao xén của thợ may, thợ giày người ta cũng tìm đến chỗ làm của người làng Canh để đặt hàng.

    Phố Lò Rèn là một phố nhỏ, dài có hơn trăm mét; trong nhà là chỗ ở của gia đình; ngoài cửa là chỗ làm hàng; hàng do khách thuê làm và cũng có hàng làm sẵn để bán. Ban đầu, phố Lò Rèn là hai dãy nhà tranh, lơ thơ mấy chiếc nhà gạch nhỏ. Hồi cuối thế kỷ 19, tổng số nhà trong phố có độ mười hộ thợ rèn người Hèo Thị, với bốn năm hộ người Hà Từ (làng Hà Từ thuộc tỉnh Sơn Tây) cũng làm nghề rèn. Đồ làm ra như cuốc, răng bừa bày bán ở bên ngoài cửa hàng, vì thế có tên là phố Hàng Bừa, và còn bày bán cả ở bên Hàng Cuốc, người các tỉnh tìm đến hai phố này để sắm đồ.

    Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp xây dựng nhiều nhà cửa, nhất là họ làm đường xe lửa và các cầu sắt, một số vật liệu được đưa từ Pháp sang còn thì phải đặt làm tại chỗ đủ thứ như bù lông, bản lề, cửa sắt. Nhiều thứ như cửa sắt, ban công đòi hỏi kỹ thuật cao, thợ thủ công của ta chóng quen làm và được tín nhiệm. Những đồ hàng mới đó được gọi là “hàng Tây” để phân biệt với “hàng Ta”cổ truyền. Phố Lò Rèn sản xuất cả hai thứ; người Pháp gọi phố này là phố Thợ Rèn. Hiệu Thế Long của Nguyễn Thế Tảo là người đầu tiên nhận hàng của sở Hoả xa đặt, rèn đinh bù lông và đồ sắt nhỏ khác để làm đường sắt xây nhà ga. Công việc này càng nhiều do nhịp độ mở mang thành phố ngày càng nhanh, người Hèo Thị ra làm ăn đông, phố Lò Rèn ngắn và chật, họ ở rải rác ra nhiều phố khác và ở các cửa ô (như phố Sinh Từ, Cửa Nam, Khâm Thiên, Sơn Tây, Ô Đông Mác...)Người Làng ra ngụ cư ở Hà Nội có chung một ngôi đình thờ tổ ở số 1 phố Lò Rèn, hàng năm hội họp tế lễ.
    Về sau có nhiều nhà có vốn khá quay sang buôn sắt. Họ mua các thứ sắt, tôn, đồng mới cũ đủ các loại, chứa vào kho. Mánh khoé của nhiều người buôn sắt là mua những sắt đánh cắp ở các công trường, sắt còn mới phải rảy nước muối cho han gỉ để che mắt cảnh sát đi lục soát (theo lời cụ Nguyễn Văn Phúc). Nhà buôn sắt nhận hàng các nơi đặt, hoặc đi thầu lại của các công trình xây dựng, rồi thuê thợ làm, nhưng thợ có sẵn lò rèn ở trong phố. Nhiều nhà ở phố Lò Rèn không làm nghề rèn, chỉ đi thầu thôi, cũng trở nên giàu nhanh chónh. Thời kỳ làm giàu nhanh nhất là vào thời kỳ đầu chiến tranh thế giới 1939 - 1940, Nhật và Đông Dương, và thời kỳ tạm chiếm 1948 - 1954, nhu cầu chiến tranh về sắt thép rất nhiều.

    Những nhà buôn sắt lớn ở phố Lò Rèn có: Nguyễn Long (Hoa kiều), Đại Hoà Thịnh, Hưng Long, Vạn Thắng, Đặng Văn Cần (số 14).

    Những ngôi nhà bề thế ở phố Lò Rèn là của những nhà buôn sắt nói trên, nhà xây dựng phần lớn vào những năm tạm chiếm. Còn những thợ thủ công tiểu chủ vẫn ở những ngôi nhf kiểu cổ nhỏ bé còn sót lại (ví dụ nhà số 1 - 9 - 11)


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  4. #34
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    33. Phố Hàng Khoai


    Phố Hàng Khoai dài trên ba trăm năm mươi mét đi từ bờ sông Hồng đến ngã năm Hàng Lược. Phố có tên là Hàng Khoai vì ở sát bên chợ Đông Xuân, hàng ngày nông dân ngoại thành hay tập trung ở đây để bán các thứ nông sản nhiều nhất là các loại khoai: khoai lang, khoai sọ, khoai môn, cùng với gạo, ngô, đỗ, sắn.

    Phố Hàng Khoai có thể chia làm ba đoạn:

    - Đoạn đầu ngắn, mỗi bên mặt phố chỉ có ngót hai chục ngôi nhà (từ số 1/2 đến số 17/14), từ bờ Sông Hồng đến ngang Bắc Qua. Đoạn này là đất thôn Phúc lâm xưa. Một bên phố, chỗ góc hàng Khoai – Duranton (Nguyễn Thiếp), là một bộ phận của Sở thuỷ lợi đê điều thuộc Sở Công chính thành phố, chiếm hẳn phần nửa mặt phố, đối diện là một phần bãi Bắc Qua (nay là khu thực phẩm đông lạnh) nhiều năm bỏ trống làm chỗ cho thành niên đá bóng. Đoạn đầu Hàng Khoai đó không thuận tiện cho việc mở cửa hàng như đoạn ở cạnh chợ Đồng Xuân, nhà chỉ có mươi ngôi nhà hai tầng cũ kỹ làm đã lâu cho thuê để ở, chủ thêu phần đông dọn hàng trong chợ, có nhà dùng làm chỗ chứa hàng và chứa trọ cho khách buôn ở xa về.

    - Đoạn cuối cũng ngắn, từ ngã tư Hàng Giấy đến ngã Năm phố Sông Tô Lịch (Hàng Lược). Chỗ đó thuộc đất thôn cũ Vĩnh Trù và mang tính chất khu vực Hàng Lược - Hàng Rươi.

    Bên dãy nhà số lẻ đầu ngã tư, một quãng dài là tường bên của ngôi nhà đầu phố Đồng Xuân, nay là một dãy nhà nhỏ một tầng áp vào tường dùng làm cửa hàng cháo, phở, nước chè (số 21 - 23). Tiếp đó một nhà có gác chạy dài bốn gian rộng (từ số 25 đến số 31). cho thuê để ở, chủ cho thêu là Tiến Xương.

    Bên số chẵn (từ số 74 - đến 88) là những nhà xây riêng lẻ, hai tầng, diện tích rộng, kiến trúc lối nhà để ở kiểu những năm hai mươi. Ngôi nhà số 76 bề thế nhất, chủ là Tiến Xương một tư sản nhà cửa giàu có của Hà Nội.
    Một đặc điểm của đoạn phố này là nhà nào cũng có thềm cao chỗ đến hai ba bậc đi lên; đó là vết tích của độ dốc từ con đê cũ Hàng Giấy xuống bờ sông Tô Lịch đã bị lấp ở dưới thấp.

    - Đoạn giữa của Hàng Khoai dài hơn hai đoạn đầu và cuối (từ số 22 đến 64 chỗ đình Hàng Lá), là đất thôn Huyền Thiên.

    Đoạn giữa của Hàng Khoai chỉ có nhà ở một bên là mặt đường dãy số chẵn; phía đối diện là tường của chợ Đồng Xuân, có hai cổng ra (kể cả phía chợ sau thành chợ Bắc Qua). Giữa phố là khu đền Huyền Thiên choáng mất một phần rộng diện tích; hai bên cạnh đền (chỗ số nhà 44 và 48) là hai ngõ đi sâu suốt vào tận trong thông với phố Gầm Câù; đó là vết tích của hồ Huyền Thiên ôm lấy khu đền đã bị lấp. Lối đi trong hai ngõ đều có nhà một hoặc hai tầng trừ bên có tường của đền. Cổng đền Huyền Thiên là một toà tam quan lớn, trên gác chuông có chữ:“Huyền Thiên cổ quán”, trước mặt tam quan là một khoảng đất rộng.

    Hàng Khoai là một phố buôn bán nhỏ, một bộ phận của chợ Đồng Xuân. Chỗ gần ngã tư Duranton (Nguyễn Thiệp) là những cửa hàng bán rổ rá thúng mủng, thừng chão, vàng hương. Rồi đến những cửa hàng bán sứ sành có tráng men: ấm chén, bát đĩa, điếu bát, lọ hoa, những đồ dùng thông thường rẻ tiền buon của các lò sứ Bát Tràng, Móng Cái. Mấy cửa hàng bán đồ thuỷ tinh bóng đèn, lọ thuỷ tinh. Cạnh đền Huyền Thiên có bày bán đồ đất nung Phù Lãng, Thổ Hà: chum vại, chậu sành, tiểu, nồi đất.


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  5. #35
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    34. Phố Bát Đàn



    Phố Bát Đàn


    Phố Bát Đàn dài gần Hai trăm năm mươi mét, đi từ tây sang đông nối phố Phùng Hưng với phố Hàng Bồ ở ngã tư phố Hàng Thiếc - Thuốc Bắc.

    Phố bát Đàn chia làm hai đoạn rõ rệt: Đoạn thuộc đất thôn Tân Khai, trước kia là đoạn qua đất còn bỏ trống mới được mở mang sau này; đoạn thuộc đất thôn Nhân Nội, một phố cũ có từ xưa, sẵn có nghề buôn bán. Đoạn thuộc đất Tân Khai cũ, mới được xây dựng từ những năm 1920 trở đi. Đầu phố giáp với phố Phùng Hưng và phố Đường Thành là khu đất cũ của ngôi trường tiểu học, Trường Cửa Đông, trường đã bị dỡ bỏ và người ta xây lên đó một ngôi nhà lớn ba tầng quay ra hai mặt đường (số 71) để làm khách sạn: An Cương Hotel (nay là khách sạn Phùng Hưng).

    Qua phố Đường Thành, phía bên trái số lẻ, có nhiều nhà tư nhân, không buôn bán, xen kẽ là những cửa hàng tương đối lớn. Một dãy nhà tám gian hai tầng là cửa hàng của Nhật, vừa là khách sạn vừa là cửa hàng tạp phẩm (số 67); nhà Đức Lợi (số 61) bán đồ đồng; nhà Oda Yamada Tiểu Điền (số 41) xuất nhập khẩu. Phía bên phải số chẵn: Tô Mỹ (số 68) thợ may Tây; Phùng Gia Lư (số 460) bán đồ đồng; afay (số 40) hàng thêu); Yamada (số 38) tức là cửa hàng tạp phẩm; Hoc Seng Hing (số 36) bán gương soi; Đức Bảo (số 34) bán đồ gỗ; An seng, Hoa kiều làm bánh kẹo. Qua đó ta thấy phố Bát Đàn vì ở gần Cổng Thành nên có những cửa hàng của Nhật, của Hoa Kiều mở phục vụ cho khách hàng là binh lính Pháp; một số cửa hàng của người Việt cũng mở ra để đón những khách hàng đó.

    Đoạn phố Hàng Đàn thuộc đất thôn Nhân Nội cũ mới thực là phố bán hàng đồ đàn, một nghề đã có sẵn ở đây từ xưa. Vào khoảng những năm hai mươi, ba mười thế kỷ 20 trở đi, chỗ phố đó có thêm một cửa hàng làm đồ da như va li, cặp sách, túi xách, đồ du lịch. Và ở đầu phố giáp Hàng Thiếc có mấy nhà bán thừng, dây gai, võng, chão bện bằng đay và gai.

    Bên số lẻ giáp Hàng Điếu là đình Nhân Nội (số 33). Phía mặt đường này có sáu nhà bán đồ hàng du lịch (Hưng Lonh Trịnh Xuân Mão số 27 - Tường Long số 15) và hai ba nhà bán bát đĩa (số 17 và 19), rồi đến bốn nhà bán thừng võng.

    Bên số chẵn có nhà Nguyên Cát buôn tơ sợi, nhà Phúc Chi in sách truyện, còn thì là những cửa hàng bán bát đĩa, từ số 2 đến số 22 liền một dãy.

    Người trong phố làm nghề buôn bán hàng đàn là người làng Phượng Dực, Đồng Quan. Đồ đàn là chậu (tư đòn năm đòn tức là các cỡ chậu sành lồng vào nhau), vại chum buôn của Phù Lãng và Thành Hoá. Thuyền Mành từ Thành ra chở chum vại và nước mắm. Về sau phố Bát Đàn buôn cả hàng Trung Quốc, Móng Cái: bát chiết yêu Thành Lạng, ấm đựng nước mầu xanh, đĩa Thành Trúc con phượng. Rồi buôn thêm cả đồ sứ của Nhật.

    Cửa hàng đồ Đàn thường đơn giản: đồ đàn thường bày ngay trên mặt đất, sát tường là mấy giá hàng nhiều tầng bày lọ lộc bình, bát buộc từng dây, ấm sứ. Một số cửa hàng kê thêm chiếc quầy đằng trước bày đồ sứ Nhật đẹp. Các bà đứng ra buôn bán giao thiệp, chồng chỉ trông nom sổ sách cho vợ. Buôn bán nhiều hàng mà không cần nhiều vốn, vì cát hàng đồng chịu đồng trả, lãi nhiều, làm ăn chóng phát đạt.

    Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930 - 1932 làm cho hàng ế ẩm, nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Nhưng đến năm 1936 - 1939 nền kinh tế Hà Nội được phục hưng, việc buôn bán trở lại thinh vượng nhanh chóng. Chiến sự cuối năm 1946 đầu 1947 phố Bát Đàn bị tàn phá nghiêm trọng, nhà cửa đổ hoặc bị hư hại nặng; cả phố chỉ còn sót lại có bốn nóc nhà nguyên vẹn (số 3 - 5 - 7 và 11). Trong thời tạm chiếm hai mặt đường phố mới được xây dựng lại. (Hiện nay gia đình cũ của phố Bát Đàn chỉ còn lại mươi nhà 1 - 3- 5 - 7- 11- 23 - 10 - 12 - 24 - 26).


    (Theo thudo.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  6. #36
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    35. Phố Đông Thái


    Chỗ này là bờ nam của sông Tô Lịch, đất thuộc giáp Đông Thái phường Hà Khẩu (tổng Hữu Túc), đối diện với bên kia sông cũ là giáp Giang Nguyên thôn Hương Nghĩa (tổng Tả Túc). Di tích còn đình Đông Thái ở số 6 trong phố.

    Ngõ Đông Thái còn có tên là ngõ Hàng Trứng (khác với phố Hàng Trứng ở đầu phố Hàng Mắm), dài chưa đến bảy mươi mét, đi chéo từ đầu góc đông nam Chợ Gạo xuống đầu phố Mã Mây.

    Đông Thái là một phố nhỏ, mặt đường hẹp, nhưng hai bên mặt phố toàn là những nhà gác hai tầng cao, làm sát liền nhau. Phố này hầu hết là nhà riêng của người Hoa kiều giàu có buôn bán gạo ở mấy phố quanh Chợ Gạo.


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  7. #37
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    36. Phố Đào Duy Từ


    Phố Đào Duy Từ hiện nay là một đường phố dài ngót ba trăm mét. Thời thuộc Pháp là hai phố có tên khác nhau. Từ Ô Đông Hà đến Hàng Buồm là đất thôn cũ Hương Bài, sau gọi là Hương Nghĩa (thôn Hương Bài sát nhập với thôn Kiên Nghĩa thành thôn Hương Nghĩa, tổng Tả Túc, Tả Túc cũng đổi là tổng Phúc Lâm). Tên cũ là phố Sông Đào Cũ. Tại sao lại có tên đó? Có lẽ vì phố này đi dọc con đê cũ có đình Hương Nghĩa ở số 13b phố Đào Duy Từ góc phố Chợ Gạo, trong đình thờ Cao Tứ là em Cao Lỗ tướng nhà Thục.

    Từ Hàng Buồm đến phố Lương Ngọc Quyến là đất thôn cũ Ngư Võng thuộc tổng Hữu Túc sau gọi là tổng Đông Thọ; tên cũ vẫn là phố Đào Duy Từ. Cả hai đoạn phố Đào Duy Từ có nhiều phố ngang xuyên qua, cắt nhiều khúc ngắn, với những ngã tư Nguyễn Văn Siêu - Chợ Gạo, Hàng Buồm - Mã Mây, Sầm Công (ngõ Đào Duy Từ) - Galet (Lương Ngọc Quyến).

    Phố Đào Duy Từ có nghề buôn thóc gạo là chính. Cửa hàng buôn bán gạo ở khu vực này rải rác ở mấy phố Trần Nhật Duật xuống đến Cột Đồng Hồ, Chợ Gạo và Ancien Canal (Đào Duy Từ trên) và tập trung nhất ở đoạn phố Ancien Canal. Tại đây có những hiệu buôn lớn của Hoa kiều và của người Việt Nam. Trong phố có đến hơn chục nhà buôn bán gạo; ở cả hai đoạn trên và dưới Đào Duy Từ có những nhà “chàn” tức là những kho rộng lớn chứa hàng cử người Tàu.

    Việc buôn bán ngoài gạo có ngô, khoai ngô. Miền Bắc Trung Kỳ thường thiếu gạo khi giáp hạt, người ta ra đây mua ngô khoai (sản xuất nhiều), chở bằng đường xe hoả về làm lương thực. Hà nội còn tập trung gạo mua ở các tỉnh lân cận và bán lại cho bọn Hoa thương để mang xuống Hải Phòng xuất khẩu cho bọn Hương Cảng.

    Hoa kiều buôn gạo trường vốn và thông thạo hơn ta, lại có điều kiện liên hệ rộng với bên ngoài như Hương Cảng, Tân Gia Ba, có quan hệ đồng hương với khách trú Chợ Lớn, nên nắm phương tiện vận chuyển, giao dịch với nhiều công ty xuất khẩu gạo. Họ tung tiền ra đón mua thóc gạo ngay sau những vụ gặt hái, phái người đi khắp các tỉnh đồng bằng thu mua của nông dân, cùng với Hoa kiều ở Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, thao túng thị trường. Thóc đi chuyên chở về, họ có cơ sở say sát, đặt máy, làm kho chứa một số lớn thóc gạo ở phố Đào Duy Từ này. Bao tải, thừng đay mua ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên).

    Những cửa hiệu buôn bán thóc gạo của người Việt Nam ở phố Ancient Canal (Đào Duy Từ trên) có số nhà 4 - 6 (nhà Triệu Ngọc Hồ), 8 - 10 - 12 (gia đình Nghiêm Tử Trình), 14 - 18 - 7 - 9. Đoạn Đào Duy Từ dưới chỉ có nhà chàn (kho hàng) của người Tàu. Về mặt xây dựng, trừ mấy nhà ở sát ô Đông Hà là những nhà cũ một tầng kiểu cổ như ở phố ô Quan Chưởng còn suốt phố tất cả đều là những ngôi nhà hai hoặc ba, có khi bốn tầng, cao to; có những nhà gồm nhiều gian (như dãy từ số 6 đến số 14). Các nhà kho hầu hết một tầng nhưng diện tích rộng, mái nhà cao, bên trong có nhiều lớp; trong kho có đặt máy xay xát. Nhà kho số 32 cao hai tầng có ba gian. Kho gồm nhiều lớp bên trong là dãy nhà từ số 19 đến số 23 cạnh chợ Gạo; nhà 40 là kho có hai lớp rộng. Cuối phố tại góc đường Galet (Lương Ngọc Quyến) có dãy nhà gác gồm năm gian của Nguyễn Đình Phẩm; góc đường bên đối diện là đình Hương Tượng. Phố Đào Duy Từ sát khu vực phố Hoa Kiều, có những nhà buôn thóc gạo lớn người Tàu, và cũng có cả người Tàu nghèo làm công cho các cửa hiệu người đồng hương họ, lao động khuân vác nặng nhọc. Phu khuân vác người Việt Nam làm công ở phố này đa số ngủ ngoài bãi Phúc Xá; họ có cai đứng ra nhận việc cho cả nhóm. Cai có nhiều người trở thành nhà buôn gạo như Cai Cúc, chủ hiệu Liên Phương. Trong phố Đào Duy Từ có một rạp hát, rạp Sán Nhiên Đài thời kỳ đầu chuyên về sân khấu chèo. Đào Duy Từ cũng là một phố có nhiều tiệm hút (tiệm số nhà 11 - 13 đã được một khách hàng quen lui tới là Pierre Foulon, giáo sư trường Bưởi kiêm văn sĩ tả tỉ mỉ ngôi nhà ba tầng đó) nhà chứa gái điếm và ổ cờ bạc.


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  8. #38
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    37. Hàng Đậu


    Hàng Đậu là một đường phố khá quan trọng, đi từ trên đê Yên Phụ, tức là bờ sông Bến Nứa, vào đến ngã năm đầu Hàng Than – Hàng Giấy - Quan Thánh - Hàng Cót; chỗ chung quanh vườn hoa Hàng Đậu là điểm tập trung nhiều đường giao thông từ khu Cửa Bắc xuống khu Cửa Đông và từ đầu cầu Sông Cái vào các phố buôn bán. Tuy nhiên cũng phải đợi đến những năm phát triển phương tiện giao thông ô tô thì Hàng Đậu mới thực sự được mở mang sầm uất.

    Hàng Đậu về mặt địa lý hành chính, dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19) được coi như đường ranh giới giữa hai khu Cửa Bắc và Cửa Đông. Chỗ đất đó thuộc về hai thôn Phúc Lâm và Nghĩa Lộc đều của huyện Thọ Xương; còn quãng phía bắc giáp với thôn Hoà Giai và Yên Thuận lại theo về huyện Vĩnh Thuận, tổng Yên Thành. Di tích làng cũ có đình Phúc Lâm ở Đường Bờ Sông dưới chân Cầu Sông Cái (nay là phố Gầm Cầu), và đình Nghĩa Lập ở số 32 phố Hàng Đậu.

    Hàng Đậu còn mấy nơi thờ phụng là đền Thiên Quang (nhà số 12), nhà từ đường họ Phạm (nhà số 40). Một di sản văn hoá đáng được nhắc đến là ngôi nhà số 39 Hàng Đậu (nay là hiệu gỗ Phúc Thịnh), nguyên là ngôi trường học cũ của Lê Đình Diên, tự là Cúc Hiên, một nhà mô phạm nổi tiếng về cuối thế kỷ 19, có nhiều học trò thành đạt. Ban đầu trường học Cúc Hiên chỉ là một ngôi nhà gỗ lợp lá năm gian, sau được học trò chung nhau tiền xây lại bằng gạch lợp ngói để tạ ơn thầy. Khi ông mất, ngôi nhà đó dùng làm nơi thờ ông. Trong nhà thờ có bức hoành: “Quân tử thành mỹ”của Vũ Nhự, Đốc học Hà Nội cung tiến năm 1881. Ngôi nhà ấy vẫn được bảo quản tốt, nhà trong có ba lớp, nhà ngoài là cổng, lối đi vào có bình phong xây bằng gạch.
    Phố Hàng Đậu có một ngõ sâu ở cạnh số nhà 58, ngõ có hình thước thợ thông với phố Hồng Phúc, những năm mười, hai mươi nới đó còn là hồ rau muống và bãi cỏ, rồi là một xóm đông đúc với những ngôi nhà nhỏ đơn sơ.

    Hàng Đậu còn là đường ranh giới có ý nghĩa kinh tế ở thời thuộc Pháp nữa. Khu Cửa Bắc chỉ có những phường và thôn, vài đường phố có tên là Hàng Bún, Hàng Than, Hàng Đậu, nhưng bún , than hay đậu thì cũng chỉ là sản phẩm nông nghiệp chế biến, ở đây không có cửa hàng mà chỉ có các hàng rong bày bán bên đường; còn từ cầu xe hoả trở xuống phía nam mới chính là khu thủ công nghiệp và buôn bán của khu Cửa Đông, có cửa hàng sản xuất và bày bán sản phẩm riêng của từng phố; khu Cửa Đông này sầm uất từ Hàng Giấy, Hàng Cót, Hàng Chiếu, Hàng Khoai về đến tận Cầu Gỗ phía bắc Hồ Gươm.

    Gọi là Hàng Đậu vì ở đường phố đó, những ngày phiên chợ, người nông thôn ngoại thành gánh các thứ đậu tụ tập bán ở hai bên vỉa hè: đậu xanh, đen, trắng, đậu nành...và người trong những ngõ quanh đấy mua về chế biến làm đậu phụ, ngân giá đỗ.

    Là đầu mối giao thông từ bờ sông vào đến tường thành nên chỗ đầu phố Hàng Đậu giáp chân đê có một cửa ô, có tên là cửa ô Phúc Lâm, hoặc cửa ô Tiền Trung; nhân dân thì gọi là cửa ô Hàng Đậu. Cửa ô đó đã bị phá khi xây cầu Dốc Gạch nối với cầu sắt sông Cái. Chỗ cuối phố trông ra vườn hoa Hàng Đậu, đầu Hàng Giấy, thành phố đã sớm đặt một bót cảnh sát để giữ dìn an ninh trật tự công cộng cho địa điểm trọng yêú đó.


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  9. #39
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    38. Phố chợ gạo


    Cửa sông Tô Lịch, chỗ đổ ra sông Hồng, là đất giáp Giang Nguyên thôn Hương Nghĩa tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm). Đoạn cuối sông Tô Lịch đó được lấp bằng vào khoảng cuối những năm thập niên chín mươi thế kỷ 19 (bản đồ Hà Nội năm 1890 còn vẽ sông Tô Lịch).

    Chỗ sông lấp đó là một khu đất hình chữ nhật bề dài bảy lăm mét, bề rộng bốn mươi mét. Hai bên chiều dài là hai mặt phố chợ Gạo, một chiều rộng là một đoạn của phố Đào Duy Từ. Một phố nhỏ và ngắn, phố Đông Thái, nối góc Đông Nam chợ Gạo với phố Mã Mây. Ban đầu chỗ sông lấp này còn là một bãi trống rộng, trở thành nơi tập trung những người buôn bán ngũ cốc do thuyền các nơi chở đến đậu ở chỗ cửa sông cũ, trước kia cũng đã là một chợ thóc gạo.

    Người Pháp sau khi lấp sông, đặt tên cho bãi trống họp chợ buôn bán thóc gạo này là Place du Commerce (Bãi rộng buôn bán). chung quanh là khu phố Hoa kiều có nghề cân đong và xay xát gạo, xuất cảng gạo, nên chợ gạo nhanh chóng sầm uất. Người ta dựng một cầu chợ khá rộng lợp tôn, không có tường, để mọi người tránh mưa nắng. Một hàng cây phượng vĩ được trồng ở hè đường Clémenceau (Trần Nhật Duật) cho bóng mát, mùa hè hoa nở đỏ ối.
    Hai mặt phố chợ gạo là:

    Dãy phố phía Bắc: đầu phố là Trường Ke, tường bên chiếm một quãng dài; tiếp đến một loạt mấy ngôi nhà nhỏ hai tầng có vẻ mới làm, của những gia đình buôn bán gạo (từ số 2 đến số 8); rồi đến khu đất đình Hương Nghĩa.
    Dãy phố Nam chợ Gạo là một kho lớn chứa gạo, mặt chính quay ra phố Đào Duy Từ.

    Chợ Gạo là một phố nhỏ ít nhà, nhưng là một địa điểm buôn bán sầm uất, bên trong lại thông với Hàng Buồm, nên có đông người dựa vào đây sinh sống: phu khuân vác gạo và hàng hoá khác cho các cửa hiệu bên Hàng Buồm - Đào Duy Từ; họ là dân trú ngụ ở ngoài bãi sông hoặc từ các làng ngoại ô vào, một số khá đông là phu người Hoa kiều thì ở trong các ngõ Sầm Công; Lataste (Hàng Giấy), Galet (Lương Ngọc Quyến). Những người đàn bà đáo để kiếm ăn bằng nghề hàng xáo. Quanh chợ gạo cũng là đất hoạt động của bọn lưu manh, du côn, kẻ cắp giật khăn và tay nải, ô nón của hành khách đi tàu thuỷ, người qua đường lúc nhá nhem tối; bọn du côn chuyên đánh nhau thuê, xưng anh chị.


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

  10. #40
    Gia nhập
    Feb 2007
    Bài gởi
    1,140

    Trả lời: Phố cổ Hà Nội

    39. Phố Hàng Mắm




    Số nhà 25 Hàng Mắm

    Phố Hàng Mắm bây giờ là tên một phố từ phố Bờ Sông vào đến phố Hàng Bạc; trước đó con đường này là hai phố khác nhau, một ở trong và một ở ngoài cửa ô Ưu Nghĩa, có cổng xây canh gác ban đêm. Bên trong cửa ô là phố Hàng Mắm thuộc thôn ưu Nghĩa, tổng Hữu Túc; bên ngoài cửa ô là phố Hàng Trứng thuộc thôn Thanh Yên tổng Tả Túc.

    Sách “Vũ Trung Tuỳ Bút” của Phạm Đình Hổ có viết về nơi đây: “Vạn Hàng Mắm” tức là bến sông, người làng sống dưới thuyền buôn mắm.

    Nhà cửa trong phố Hàng Mắm đa số kiểu cổ như các nhà ở những phố cổ của Hà Nội trong khu vực này. Tuy nhiên vụ cháy lớn đầu năm 1891 đã thiêu huỷ toàn bộ nhà cửa trong phố; quang cảnh nhà cổ sau này ta thấy cũng chỉ là có sau vụ hoả hoạn đó, vì về sau chỉ có số ít nhà mới làm hoặc cải tạo sửa chữa lại mặt đằng trước cho hợp thời. Nói chung phố Hàng Mắm vẫn còn có thể giữ được hình ảnh của phố cổ. Ngay cả trong thời kỳ có chiến sự ở Hà Nội 1946 - 1947, nhà cửa phố Hàng Mắm cũng không bị thiệt hại mấy.

    Cho cả những năm ba mươi bốn mươi phố Hàng Mắm hãy còn nhiều cửa hàng bày bán mắm tôm đặc trưng trong chậu sành, gạt bằng thành xương sườn trâu; mắm tôm loãng đựng trong vại; nước mắm đựng trong những kiệu lớn cao bằng đầu người, chôn xuống đất, đậy nắp, vợi bằng thùng gỗ bán dần; cua rạm muối, mỗi chuyến cất hàng năm bảy tạ, bán buôn đi nơi khác. Hàng bán buôn là chính, do phường buôn mang đi các tỉnh. Những năm sau Hàng Mắm có thêm cửa hàng buôn đồ nấu cỗ như vây bóng mực khô...Nhà buôn mắm nổi tiếng là nhà cụ Tú Dâu (nhà số 28, nhà cổ thềm cao); Cự Xương (số 6); Cự Hải (số 1) và Cự Tài (số 150 phố Bờ Sông), ba nhà này là anh em trong một gia đình.

    Hàng Mắm còn có cửa hàng bán đồ đá; ; nhà Ba ký (hiệu Lê Trung Ký) ở góc phố số 24 là nhà bán đồ đá lâu đời và phát đạt nhất.

    Đoạn phố ngoài cửa ô xưa kia gọi là Vạn Nước Mắm, sau có tên là phố Hàng Trứng, vì ở chỗ này có ít cửa hàng buôn bán mắm mà đông nhà buôn bán trứng. Trứng Vịt do thuyền chở từ vùng Ninh Bình, Phát Diệm lên, đóng từng sọt lớn lót rơm, gọi là trứng đông.

    Dân phố Hàng Mắm thường thì chồng đi làm các công sở hoặc sở tư, hãng buôn, xí nghiệp của Pháp, vợ mở cửa hàng buôn bán, và làm giàu về buôn bán.

    Một nhà nho cũ là Từ Long Lê Đại, đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, dịch các tài liệu kêu gọi tinh thần yêu nước của Pham Bội Châu từ nước ngoài gửi về, bị đầy ra Côn Đảo; về già ông sinh nhai về nghề viết câu đối thuê, mở cửa hàng ở số 37 Hàng Mắm.


    (Theo hanoi.gov.vn)
    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

+ Trả Lời Ðề Tài
Trang 4 trong 7 Đầu tiênĐầu tiên ... 2 3 4 5 6 ... Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi tập tin đính kèm
  • Bạn không thể chỉnh sửa bài viết của bạn