Chùa Dâu Bắc Ninh.
1. Bốn pho tượng Tứ trấn trong tháp Hòa Phong
Bốn pho đều cao 1,60 mét, bệ cao 0,15 mét, được tạo bằng chất liệu đất, phủ sơn. Các ngài đứng ở 4 góc tại tầng dưới tháp Hòa phong. Theo kinh điển Phật giáo, Tứ trấn còn được gọi là Hộ thế tứ châu, Tứ Thiên vương.
Trong dân gian, người ta quan niệm rằng sở dĩ trong chùa có thờ tượng Tứ chấn vì đó là các vị thần phòng trừ được điềm xấu, trấn áp được tà ma từ 4 phương 8 hướng kéo đến quấy nhiễu dân lành.
2. Những pho tượng ở tòa Tiền đường
- Tượng hai vị Hộ pháp: được thờ trong nhà Tiền đường. Theo quan niệm dân gian, một vị được gọi là Khuyến Thiện, một vị gọi là Trừng Ác, cả hai vị đều mặc giáp trụ, cưỡi trên mình sư tử, tư thế oai phong. Ngài Khuyến Thiện có gương mặt trắng, tay cầm viên ngọc; ngài Trừng Ác mặt đỏ, tay cầm thanh đao.
Hai pho tượng này được tạo vào thế kỷ XVIII, cao 2,80 mét, bệ cao 0,40 mét, bằng chất liệu đất phủ sơn.
- Tượng Bát bộ Kim cương: được bố trí ở hai đầu hồi nhà Tiền đường, mỗi đầu hồi có 4 vị, đều mặc võ phục. Tám vị Kim cương đó là: Thanh trừ tai Kim cương, Tích độc thần Kim cương, Hoàng tuỳ cầu Kim cương, Bạch tịnh thủy Kim cương, Xích thanh hỏa Kim cương, Định trì tai Kim cương, Tử hiền thần Kim cương, Đại thần lực Kim cương.
Tháp Hòa Phong.
- Tại chính giữa tòa Thiêu hương là tượng Thích ca sơ sinh, phía sau là tượng Phật A di đà. Các pho tượng này đều có hình khối không lớn.
- Các pho tượng ở hai bên tường: tượng Thập điện Diêm vương (cũng được gọi là Thập điện Từ vương): có từ thế kỷ XVIII- XIX, mỗi bên 5 vị. Đó là các vị Tần Quảng vương, Sở Trang vương, Tống Đế vương, Ngũ Quan vương, Diêm La vương, Biện Thành vương, Thái Sơn vương, Đô Thị vương, Bình Đẳng vương, Chuyển Luân vương. Tượng Tứ Bồ tát: có 4 pho, mỗi bên có 2 pho đứng bên cạnh sáu pho tượng Công Tào (lục bộ Công Tào), đó là: Kim cương Quyền Bồ tát, Kim cương Sách Bồ tát, Kim cương Ái Bồ tát, Kim cương Ngữ Bồ tát. Tín ngưỡng thờ Tứ Bồ tát có mục đích là để cầu các ngài trừ tai, giải hạn, trị tà ma, cầu tăng phúc thọ; cung thỉnh các vị trấn đàn tràng, hộ trì tang chủ.
- Tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi: được bố trí ở góc bên trái tòa Thiêu hương. Sở dĩ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi được thờ ở chùa Dâu vì năm 1313, ông bỏ tiền của ra hưng công xây tháp Hòa Phong cao 9 tầng và cầu vào chùa Dâu dài 9 nhịp để tạ tội cho cha mẹ.
- Tượng Vi Đà tôn thiên: (biển dưới chân tượng đề là Thái tử Tam Châu) được bố trí ở góc bên phải tòa Thiêu hương. Ngài có hình dáng võ tướng, đầu đội mũ trụ, mình mặc võ phục, có đai và kết bối tử, hai tay chắp lại, chân đi hia, được bố trí ở sát tường tòa thượng điện, mặt hướng vào giữa tòa.
4. Khám thờ và những pho tượng được thờ ở Thượng điện
- Tại chính giữa tòa Thượng điện, có: tượng Bà Trắng: được thờ trong Thượng điện. Bà họ Trương, quê mẹ đẻ ở làng Gênh (Như Quỳnh) mẹ đẻ của chúa An Đô vương Trịnh Cương (1729- 1740). Tượng Bà Trắng cao 0,90 mét. Đây là tác phẩm điêu khắc gỗ được phủ sơn của thế kỷ XVII- XVIII. Tượng Bà Đỏ: được thờ trong Thượng điện, chính là bà Nguyễn Thị Cảo, nhũ mẫu của chúa An Đô vương Trịnh Cương. Bà người làng Khe (Liễu Ngạn). Đây là tác phẩm điêu khắc gỗ phủ sơn của thế kỷ XVII- XVIII. Tượng Bà Trắng, Bà Đỏ được bố trí ở hai bên tượng Pháp Vũ, nhìn vào giữa Thượng điện. Khám thờ đức Thạch Quang: khám bằng gỗ sơn son, được đặt trên một giá gỗ có cấu tạo như án thờ, bên trong có đặt một khối đá hình trụ tròn, phần đầu khối đã được vê tròn và có khấc.
Theo truyền thuyết khối đá này là biến thể của đứa con Man Nương mà sư Khâu Đà La đã đặt trong cây dung thụ. Tượng Ngọc Nữ ở tư thế đứng, đầu vấn khăn có cài hoa, có khuôn mặt của cô gái Việt Nam khuê các với cặp lông mày lá liễu, cặp mắt phượng đen dài, mặc áo dài cổ đứng. Tượng Kim Đồng ở tư thế đứng, đầu đội khăn có tết bối, đôi tai dài, mặc áo dài cổ đứng, Tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ được bố trí ở hai bên khám thờ Thạch Quang Phật, nhìn vào giữa Thượng điện. Tượng Pháp Vân: được bố trí ở vị trí chính giữa Thượng điện trong tư thế tọa trên tòa sen, đầu đội mũ quả na, có đính viên ngọc ở phía trước, giữa trán có nốt ruồi thịt nổi lên, đôi tai dài cặp mắt khép hờ, cổ ba ngấn, tấm thân tròn thon thả, phía dưới vận tấm váy mỏng tạo ra nhiều đường lượn mềm mại.
Tượng hai vị Thánh Tải: được bố trí ở hai bên tượng Pháp Vân ở tư thế ngồi trên tòa sen, đầu đội mũ quả na, đôi tai dài, nét mặt từ bi, bàn tay phải dơ lên hướng về phía trước, bàn tay trái hạ thấp gần đến đầu gối để ngửa.
- Những pho tượng ở sát tường tòa Thượng điện: tượng Lục bộ Công Tào: được thờ ở hai bên tường trong tòa Thượng điện, bên cạnh Tứ Bồ tát, mỗi bên có ba vị. Sáu vị đều hướng vào giữa điện, nơi có tượng Pháp Vân.
Tượng thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi: được bố trí ở góc bên trái tòa Thượng điện. Ngài trụ trì chùa Pháp Vân từ năm 580, viên tịch năm 594. Tượng Quan âm Chuẩn đề. Chuẩn đề có nghĩa là Thanh tịnh. Thông thường, tượng ngài có 3 mắt, 18 tay. Quan âm Chuẩn đề chùa Dâu có 16 tay.
5. Tượng 18 vị La Hán được bố trí ở hai dãy nhà hành lang hậu, mỗi dãy 9 vị.
6. Các pho tượng được thờ ở tòa Hậu đường:
- Tại gian giữa (gian thứ 5): trên bậc bệ thứ nhất là Ba pho tượng Tam thế: Tam thế là A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc. Chính giữa là Thích Ca Mâu Ni Phật, là Phật thời hiện tại, phía Đông là thờ A Di Đà Phật, là Phật thời quá khứ, phía Tây thờ Di Lặc Tôn Phật, là Phật thời vị lai. Ba pho tượng Tam thế đều được tạc ở tư thế ngồi kết già trên tòa sen, đầu đội mũ quả na (vì vậy, dân gian thường gọi là Bụt Ốc), dái tai dài, mình mặc áo màu cánh gián, vẻ mặt từ bi. Ở bậc bệ thứ hai là tượng Phật Thích Ca. Ở bậc bệ thứ ba: ở chính giữa là tượng A Di Đà Phật, đó là pháp thân Phật, bên trái là tượng Quan Thế Âm, bên phải là tượng Đại Thế Chí. Tượng A Di Đà tại chùa Dâu ngồi kết già, đầu đội mũ, dái tai dài. Quan Thế Âm Bồ tát ở chùa Dâu được thờ ở tư thế đứng, đầu đội mũ, đôi dái tai dài, vẻ mặt từ bi. Đại Thế chí Bồ tát: sở dĩ có danh xưng là Đại Thế Chí là vì “Trí tuệ sáng chiếu khắp cả, khiến chúng sinh lìa được ba cõi ác, được sức mạnh vô thượng, nên vị Bồ tát này được gọi là Đại Thế Chí.
- Tại gian bên trái (gian thứ 4) thờ tượng Quan Âm Thị Kính. Đó là hình tượng người phụ nữ bế đứa trẻ.
- Gian bên phải (gian thứ 6) thờ tượng hậu
- Gian bên phải liền kề (gian thứ 7); thờ Thần tài.
- Gian gần cuối bên trái (gian thứ 2) thờ Đức ông và hai thị giả.
Tượng Đức Ông được thờ đối xứng với gian thờ Đức Thánh Hiền ở gian thứ 8. Đức Ông còn được gọi là Thủ hộ Già lam. Tượng ngài trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ, có râu đen, hai tay để trên gối.
- Gian gần cuối bên phải (gian thứ 8): thờ đức Thánh Hiền và hai thị giả: Đức Thánh Hiền được thờ ở gian bên phải tòa tiền đường, đối xứng qua các gian giữa với tượng Đức Ông ở gian bên trái. Tín ngưỡng thờ đức Thánh Hiền trong chùa là để giúp Phật tử hành trì hạnh tài thí trong “tứ vô úy thí” để cứu khổ cứu nạn về đói khát cho chúng sinh bị hoạn nạn trong thiên tai địch họa và những người không may mắn khác, thực hành bi nguyện độ sinh.
Hai vị thị giả, một vị mặc võ phục đứng bên phải đức Thánh Hiền, còn vị đứng bên trái có hình dáng dữ tợn, đó là Diệm Khẩu quỉ vương.
- Gian cuối bên phải (gian thứ 9) thờ tượng Địa Tạng Bồ tát. Ngài ở tư thế đứng, đầu đội mũ thất Phật, vẻ mặt từ bi, đôi tai dài, tay phải cầm cây gậy tích trượng, tay trái cầm viên ngọc quí.
7. Các pho tượng thờ ở Tổ đường
Tại gian giữa tòa tổ đường thờ 8 tổ tăng, gian bên phải thờ hai tượng và một ảnh tổ ni. Gian bên trái là Ban thờ Mẫu, có 6 pho tượng, chia làm hai hàng. Ba vị ngồi hàng trên đội mũ, ba vị ngồi hàng dưới chít khăn.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ tự ở chùa Dâu còn giữ được gần như nguyên vẹn tín ngưỡng thờ tự trong các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam thời Lê, nhưng có đặc điểm là yếu tố tín ngưỡng dân gian được thể hiện tương đối đậm nét qua việc thờ Pháp Vân, Thạch Quang Phật và các vị hậu (Bà Tráng Bà Đỏ) và người có công trùng tu chùa (Mạc Đĩnh Chi). Sở dĩ có đặc điểm này có lẽ bởi vì chùa Dâu, từ thời xa xưa vốn là đền thờ Bà Dâu- một nữ thần nông nghiệp ở vùng Dâu. Đặc điểm đó cũng phản ánh sự ảnh hưởng rất mạnh của giáo lý Phật giáo với người dân bản địa./.
{{item.Body}}
{{item.Title}} - {{item.CreatedDate}} |
{{sitem.Title}} - {{sitem.CreatedDate}}
Viết bình luận
Bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu, góp ý có tính văn hóa, xây dựng và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nội dung góp ý của bạn đọc được đăng tải là do Ban Biên tập tôn trọng dư luận xã hội, nhưng đó không phải là quan điểm của Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.