Thăng Long - Hà Nội

Làng Văn Điển

Thứ Ba 16:35 19/10/2004

 

 

Làng Văn Điển  tên Nôm là làng Ráy. Lúc đầu, làng gọi là làng Giấy do từ thời Đinh (968 - 980), tại xóm Bến (khu vực đầu cầu Văn Điển hiện nay) là nơi buôn bán giấy. Sau vì kỵ húy thân mẫu của hai Đức Thành hoàng là bà Phạm Thị Giấy nên gọi chệch là “Ráy”.

Về tên chữ, ban đầu làng có tên là Vạn Điền, nghĩa là làng nhiều ruộng. Xa xưa, làng ở khu vực Đồng Ghênh (giáp phố Quốc Bảo), sau do thường xuyên bị trộm cướp nên phải chuyển về khu vực dưới.

Văn Điển có sông Tô Lịch chảy qua. Khu vực xóm Bến xưa kia trên bến dưới thuyền, là nơi trung chuyển hàng hóa từ Kinh đô Thăng Long và miền ngược để xuôi xuống phía Nam. Có người coi đây là bến Thanh Trì - một trong “Thăng Long bát cảnh” (8 cảnh đẹp của Hà Nội) mà người Trung Quốc đã vịnh thơ ca ngợi.

Làng Văn Điển có Quốc lộ IA chạy qua, khoảng một cây số. Đoạn Quốc lộ này vốn là đường Thiên lý từ Hà Hồi (Thường Tìn) lên, mới được nắn lại vào đầu thời Gia Long (1802 - 1819). Từ làng còn có đường 70 (nối với Quốc lộ I ở đầu khu vực ga Văn Điển) đi 8 km đến thị xã Hà Đông; đường lên đê sông Hồng để vào nội thành Hà Nội và xuôi xuống huyện Thường Tín.

Làng Văn Điển được hình thành từ rất sớm. Năm 1968, đã phát hiện được di chỉ khảo cổ học Văn Điển, thuộc hậu kỳ đồ đá mới với các công cụ đá mài là chủ yếu.

Phía Nam làng Văn Điển có một đầm nước rộng lớn.  Theo lưu truyền dân gian thì đây là nơi Vua Lê Thái Tổ (1385 - 1533) tuyển các quan lại và tuyển quân để đi đánh giặc, mang lại tương lai tươi sáng cho đất nước nên gọi là đầm Quang Lai. Lại có ý kiến cho rằng, từ thời Lê, nhiều vị quan cao cấp triều đình được chôn ở các gò đống quanh con đầm nên gọi là “đầm Quan lại”, sau gọi chệch là Quang Lai. Trước đây đã phát hiện nhiều mộ táng của những người thuộc tầng lớp trên ở khu vực này.

Làng Văn Điển có nhiều dòng họ lâu đời là họ Nguyễn, họ Phạm, họ Vũ, họ Lục, họ Hoàng. Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, làng có 984 dân, sống bằng làm ruộng, nuôi lợn, gà, cá và trâu bò. Các nghề thủ công có nghề mộc, làm giò, chả. Giò Văn Điển ngon có tiếng, ăn với bánh dày Quán Gánh, bánh cuốn Thanh Trì rất hợp). Làng có chợ Ráy, một tháng họp 12 phiên, gồm 6 phiên chính vào các ngày 5, 10 và phiên xép vào các ngày 4 và 9, buôn bán cả trâu bò, tre gỗ. Đây là một trong ba chợ lớn của huyện Thanh Trì xưa kia được ghi  trong sách Đại Nam nhất thống chí.

Làng xưa có năm xóm là : Bến, Chùa, Đồng Cò, Đồng Cũ, Chợ. Đinh nam sinh hoạt tại bốn giáp : Bắc, Nam, ĐoàiĐông. Về sau, giáp Đông không còn tồn tại.  Từ đầu thế kỷ XX, khi tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua làng, Văn Điển là một ga trên tuyến đường sắt này, lại có trạm Bưu điện, Nhà máy Rượu. Khu dân cư nằm sát Quốc lộ I ngày càng đông đúc, dần dần trở thành phố Văn Điển, có Trưởng phố và Phó phố quản lý.

Trước Cách mạng, Văn điển là một xã độc lập thuộc huyện Thanh Trì. Năm 1946, làng nhập với các làng Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì thành xã Tứ Hiệp thuộc quận 6 của ngoại thành Hà Nội. Hòa bình lập lại thuộc tỉnh Hà Đông. Năm 1958, xóm phố Văn Điển tách ra thành thị trấn Văn Điển. Từ đầu tháng 6 - 1961, Tứ Hiệp cùng một số xã, thôn của huyện Thanh Trì được chuyển về Thành phố Hà Nội.

Di tích lịch sử văn hóa hiện còn đình làng (mới được tu bổ lại năm 1995), thờ Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục, hai vị tướng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Chùa Quang Minh xây từ đời Lê, trong chùa còn quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ sáu (1797).

TS. Bùi Xuân Đính


Ý kiến bạn đọc: 0
Loading.....
Gửi bình luận của bạn



Tin tức mới hơn

Tin tức khác

Điều kiện đủ để... từ chức

(HNM) - Chiều 3-11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, từ chức là văn hóa của cán bộ, khi không hoàn thành nhiệm vụ, việc từ chức là bình thường.

Những người tử tế quanh ta

(HNM) - Cuối tuần qua, cộng đồng mạng lại “sốt” với việc Thượng tá cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn - Công dân ưu tú Thủ đô, thực hiện ca trực cuối cùng với cây gậy chỉ đường bên cầu Chương Dương vồi vội người và xe.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ những việc nhỏ

(HNM) - Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) với ba nội dung: Phát triển văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn Thủ đô.

Thấy cảnh bất bình chẳng tha...

(HNM) - Khoảng 16h5 ngày 21-10, ngõ B9 đường Tô Hiệu khu vực cổng phụ Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã khá đông phụ huynh chờ đón học sinh, bỗng một chiếc xe Honda cũ "cõng" cả chục két bia ngất ngưởng len vào.